Lâu lắm mới đọc lại truyện ngắn sau đây, vẫn thấy y một cảm xúc như lần đọc đầu: là tác giả kể chuyện người khác mà sao nói lên nhiều thế về chính mình!

Hồ Dzếnh yêu người bằng thứ “tình yêu (...) tỏa ra từ một tấm lòng nghệ sĩ mênh mông”. Ở nơi ông, cái Ðẹp và cái Tốt cơ hồ là một.

Mỗi bài văn hay là một đóa lời. Hoa lời, có thứ vừa đẹp vừa thơm như sen!

(Thu Tứ)



Hồ Dzếnh, “Sáng trăng suông”




Chị đỏ Ðương có một cuộc đời không đỏ chút nào. Tóc chị rối ren như tâm hồn chị bận rộn, bập bùng và sầu thảm như cái ánh đèn dầu lạc đêm đêm soi không đủ sáng một góc nhỏ trong căn nhà tranh.

Chị đỏ Ðương lạc chồng từ năm mười tám tuổi. Chồng chị, một buổi sáng kia ngừng lưỡi cầy đương thao thao rẽ những luống cổ điển trên mảnh đất muôn đời, để nghe ngóng một tiếng gọi từ nơi nào vang lại:

-- Sà-goòng! Sà-goòng!

Ấy thế là, người dân đinh của xã Hòa Trường kia, giữa lúc máu trai chảy cuồng loạn trong người, đã ném cầy, bỏ vợ, vất bà con, bước lên tầu, sang... sang Tân-thế-giới.

Và chị đỏ Ðương đỏ mắt đợi chồng.

Nhưng anh đỏ Ðương không bao giờ còn trở lại. Chị đỏ Ðương khóc đến đau mắt, và ba mùa thu qua, ba mùa thu của một tấm lòng nghi ngờ thắc mắc, ba mùa thu đã rãi lên đời chị đỏ Ðương, như đã rãi lên xã Hòa Trường, sự vui quên lặng lẽ.

Chân trời xanh.

Mặt hồ lặng.

Người thiếu phụ Việt Nam đã chết lòng trong một niềm đợi chờ đau xót, bây giờ trở lại sống với công việc tầm thường, nhỏ mọn, nối sáng theo chiều, qua mùa hạ sang mùa thu.

Xung quanh chị đỏ Ðương không ai nhắc đến anh đỏ Ðương nữa. Mà có nhắc đến thì nghĩa gì mấy cái tiếng khô khan này:

-- À, ở mãi bên Tân... khí giới!

Xa xa. Và xa. Lòng chị đỏ Ðương tưởng tượng làm sao ra cái mầu mênh mông của biển cả, để với qua đó một người đã mang đi nửa cuộc đời của chị.

Chị đỏ Ðương cần phải lấy chồng. Người làng ai cũng thấy vậy. Và chị đỏ Ðương rất thẹn mỗi lần người ta khuyên chị bước đi bước nữa trong đời. Là vì chị đỏ Ðương còn đẹp, có phần đẹp hơn ngày xưa, tuy không bao giờ chị dám chắc rằng mình đẹp hết. Ðôi lúc, chị đỏ Ðương soi trộm bóng mình lên mặt giếng, ngắm vội vàng, rồi thẹn thùng đưa mắt nhìn ra xung quanh, như sợ có ai vừa chợt thấy.

Mùa xuân năm ấy...



Cuộc đời thần tiên thơ ấu của tôi đương diễn ra trong tiếng chim ca, trên bờ sông làng Chung Thượng giáp ngay nách làng chị đỏ Ðương.

Con đường đưa tôi đến nhà trường, thêm nữa, lại chạy qua trước nhà chị, một căn nhà nhỏ núp trong bóng dừa xanh, khiến tiếng nói của chúng tôi thêm thân nhau, cuộc đời của chúng tôi thêm gần gũi... Ðôi mắt người thiếu phụ đã nhiều lần nhìn tôi qua hàng rào, và cái nụ cười chị từng nở trong bóng mát của một tấm lòng giàu thương yêu cũng như già cực nhục, khiến tôi tự nhiên sung sướng nghĩ đến một ngày rất gần đây, tôi sẽ có chị Ðương trong số những người thân thích.

Tôi chỉ biết rằng chị Ðương đẹp, đẹp kín đáo, và tôi lựa ngay được một người để gán cho chị. Người đó là anh Hai tôi.

Rồi tôi mang theo trong lòng, từ đấy, trên giải đường đã bình yên thu ngắn cuộc đời học sinh của tôi lại, cả một giấc mộng to tát, cái giấc mộng cao quý phác vẽ, xây đắp hạnh phúc không cho mình, mà là cho một người, cho hai người thân thích...

Tôi nhìn nhận chị đỏ Ðương bằng một vẻ niềm nở riêng, và chị đỏ Ðương đãi lại tôi theo hàng thân thích.

Hàng rào dâm bụt che khuất căn nhà chị Ðương vẫn mùa mùa nở hoa, ngày ngày tươi thắm, bên kia hàng rào, qua những kẽ lá loáng thoáng, về những buổi sáng mùa đông, tôi vẫn thấy cái hơi nóng bốc lên từ cái miệng nhỏ thắm nước trầu không, theo câu hỏi:

-- Em đi học sớm thế? Có rét lắm không?

Tôi đáp, nũng nịu:

-- Chả rét chị ạ. Em mặc áo bông rồi.

Một lần, mừng được tin anh tôi sắp về ăn Tết, tôi chạy đến bảo chị đỏ Ðương:

-- Chị đỏ ạ, anh em sắp về ăn Tết đấy. Chị xuống nhà em mà xem.

Tôi thấy chị đỏ Ðương yên lặng rồi ngần ngừ hỏi:

-- Thế à?

Tôi tiếp theo, quên rằng những câu nói tự nhiên của tôi đương làm một cô gái quê e thẹn:

-- Thật đấy, ai nói dối chị. Anh em làm ở Hà Nội ấy mà. Hôm nào Tết chị xuống chơi... với anh em nhé!

Nói xong, tôi sung sướng cười cho đôi mắt chỉ còn là hai sợi chỉ nhỏ, trong khi chị đỏ Ðương đưa tay vin cành cây, cúi xuống đất, ngón chân cái di đi di lại hòn đất trong vườn...

-- Hà Nội chắc là vui lắm đấy, em nhỉ?

Tôi đáp như khi đứng trước các bạn cùng tuổi:

-- Mà nào em có biết Hà Nội là cái... cóc gì! Nhưng chắc là vui, vì nghe anh em bảo thế.

Không đợi cho tôi sắp nói nữa, chị đỏ Ðương bước vào nhà, sau khi bảo tôi:

-- Thôi, em đi học không muộn.

Trời thôn quê xanh ra, cao lên, soạn sửa đón ba ngày của một mùa thái bình, thịnh vượng. Gió trong ruộng đã thoáng lẩn hương xuân, và trong khi tắm biếc thêm lũy tre mườn mượt nhung, đã làm rướm chảy sự tươi thơm trong những tấm lòng trai trẻ. Trăm nghìn lần dò hỏi nỗi thanh tịnh của dòng sông, điệu hiền hòa của chim gió, tôi đã cảm nghĩ đến những tiếng pháo sắp sửa cười vang để rồi, bất thần, ngừng bước chân, tôi đưa tay viết lên không gian một chữ con con, xinh xinh mà linh hồn tôi đã nhiều lần nhắc đến: Tết!

Chỉ còn ba ngày nữa là hết năm.

Tôi mong đợi kỳ hạn về của anh tôi bằng cách ngẩn người đếm từng tiếng trống trễ nải, những tiếng trống chậm chạp lắm mới đập được vào tai tôi, trong khi, từ đằng xa, tôi ngạc nhiên thấy người khán già đã nhấc hẳn lên cái dùi gỗ...

Chị đỏ Ðương không có vẻ đợi Tết. Chị không biết trông chờ, mong ước, thì nghe làm sao được sự vần vụ mầu sắc của không gian, thấy làm sao được nỗi rộn ràng của thời tiết. Chị đỏ Ðương gói bánh, giã giò, và nhờ những công việc này, chị biết rằng sắp Tết.

Hôm chạy một mạch từ nhà lên báo với chị cái tin anh tôi về, tôi vẫn thấy chị Ðương ngồi yên lặng nấu bánh.

-- Này chị đỏ ạ, anh em đã về đấy. Chị xuống ngay đi!

Nói xong tôi đặt vào tay chị hai chiếc bánh trứng gà, nói dối là quà của... anh tôi biếu chị. Lần đầu tiên tôi thấy người thiếu phụ ấy buồn bã rõ rệt, lần đầu tiên đương vui, tôi bỗng thấy lòng rạo rực, thắc mắc, vì sự quá lỡ lời của mình.

Chị đỏ Ðương không nói, không nhìn tôi, đôi mắt hướng cả về phía lửa cháy, như người tính toán một niềm gì. Sợ chị không bằng lòng, tôi hỏi gặng:

-- Chị đỏ giận em à?

Chị Ðương ngoảnh lên nhìn tôi, mỉm cười gượng gạo:

-- Không, chị không giận, nhưng chị không muốn lên.

-- Chị chê nhà em chật à?

-- Không phải, nhưng chị không muốn lên.

-- Ấy thế thì em bảo anh em... xuống chơi với chị vậy!

Chị Ðương sặc lên cười. Tiếng cười dữ dội quá, lạnh lẽo quá, vì nó đột nhiên, vì chưa bao giờ chị Ðương cười như thế hết.

Ra đến ngõ, tôi còn quay với lại:

-- Chị Ðương đừng giận em nhé!

Có tiếng đáp lửng lơ:

-- Không!



Tôi ngồi lọt vào giữa đám đông người nhà quây quần trên chiếc phản ngựa đặt hỏa lò, vì hôm đó là sáng mồng một Tết. Anh tôi cầm lấy tay tôi và hỏi:

-- Dạo này Bé học hành có khá không?

Tôi đáp:

-- Cũng tươm tươm anh ạ. Nhưng em có một chuyện này khá lắm, khá hơn chuyện học hành cơ!

Anh tôi cười hỏi:

-- Chuyện gì thế?

-- Chuyện lấy vợ ấy mà!

Và tôi quay về phía mẹ tôi:

-- Mẹ ạ, ta đem quách anh Hai gả cho chị đỏ Ðương đi. Con trông chị ấy cũng đẹp và ngoan đấy.

Mẹ tôi mỉm cười nhìn anh tôi:

-- Nó muốn bảo con lấy con Ðương ở làng bên đấy mà. Con ấy nó đã có chồng rồi, nhưng thằng va đi Tân... khí giới đến mấy năm nay không thấy về.

Tôi sợ có sự gièm pha không tốt cho người tôi yêu mến, nên liếng thoắng:

-- Chà chị ấy tốt đáo để. Anh cứ lấy đi, rồi đến lúc chồng chị ấy về thì đã... xong rồi!

Mẹ tôi nói giọng mỉa mai:

-- Thế là ăn cướp vợ người ta đấy?

Trong khi mẹ tôi và tôi nói, anh Hai tôi vẫn ngồi lặng yên. Mãi sau anh mới chậm chạp:

-- Kể ra lấy vợ nhà quê cũng tốt. Ðỡ cả mẹ. Nhẹ cả mình.

Tôi thích quá, bảo anh:

-- Anh bằng lòng rồi đấy chứ? Ðể em chạy phóc lên bảo với chị đỏ Ðương biết.

Tôi giả vờ đứng lên, chạy đi, thì anh tôi cười:

-- Ðố cu cậu chạy được! Bánh chưng đã bóc ra kia kìa!

Tôi cười ngất, sung sướng, vì thấy người anh ruột đã châu đáo am hiểu tâm lý của thằng em.

Ngay chiều hôm ấy, lấy chỗ tình quen biết, tôi đến mừng tuổi chị đỏ Ðương và nhân tiện để anh tôi xem mặt chị. Thấy chúng tôi đến, chị đỏ Ðương luống cuống cầm gậy ra đánh chó, rồi quên cả sự chào hỏi khách, chị cứ nắm lấy tay tôi mà yên lặng.

Cảnh nhà chị Ðương thanh bạch quá, Tết đến càng làm thanh bạch thêm. Mấy que hương đen ngậm ngùi cháy trên bàn thờ vắng vẻ, vài bông hoa giấy trơ trẽn thò ra ngoài chiếc bình sứ, không đủ điểm sáng sự u tịch đã có tự nhiều đời.

Chị đỏ Ðương sống bên mọt người chị gái lỡ thời tàn tật, thiếu hạnh phúc của sự sum vầy nhưng rất giầu lòng nhân đức.

Hai tâm hồn ấy, mà một đã bị sa thải ra khỏi cảnh hoa nắng của đời, và một còn mang nặng cả cái dĩ vãng không đẹp, đã ghé lại bên nhau như bóng chiều nghiêng xuống túp lều rách, và cùng cảm hiểu nhau trong thứ tiếng nói thầm kín của đau thương...

Chị đỏ Ðương có thật để lòng rung động trong buổi sơ ngộ với anh Hai tôi hay không, tôi không dám chắc. Nhưng bảo rằng người con gái đã để thoáng lẩn trong ý nghĩ sự muốn lập một cuộc đời thứ hai, tôi đã viết ra đây một sự suy xét không quá sai lạc. Ðiều khiến chị đỏ Ðương dùng dằng trước ngưỡng cửa cuộc sống mới, đó chính là cái hình bóng chỉ còn là hình bóng thường run run ở một nơi mà chị mơ hồ đoán là xa lắm, có thế thôi!

Anh Hai tôi thì đã được nếm mùi ăn chơi ở Hà Nội. Anh đã biết qua thế nào là chán nản, cái cảm giác tẻ ngắt, vô vị rớt lại sau những buổi tiệc đời, sau những cái xoay lưng hung tàn của mấy người con gái. Rồi giữa lúc lòng anh rộn cảm sự hoang vắng, u tịch của tình người, anh tự nhiên nghĩ đến gia đình, cái cứu cánh của những tâm hồn bị ruồng bỏ.

Lần ấy, anh tôi nói trước:

-- Năm mới, nhân được dịp về chơi, tôi lên mừng tuổi cô.

Chị đỏ Ðương cúi mặt xuống, giọng nói run run:

-- Cảm ơn anh...

Chị Ðương chỉ nói được có thế, rồi bỏ tôi đi têm trầu, pha nước. Tôi đứng lấp ló sau thân cây cột, mỉm cười với anh Hai tôi, đôi mắt ném về phía anh Hai cái dấu hỏi kín đáo...

Ra về, thấy tôi soắn suýt đến chuyện cưới chị đỏ Ðương, anh tôi gắt một cách hiền hậu:

-- Trẻ con... thì biết gì!

Cách đấy ít lâu, theo lời yêu cầu của anh tôi, mẹ tôi sang bên nhà chị đỏ Ðương dạm ngõ. Sự ăn hỏi thật là giản tiện với những người thoạt sinh ra đã được sống một cách giản tiện. Chị đỏ Ðương trốn biệt vào trong buồng, nghe qua kẽ vách, và nhìn trộm cũng qua đó.

Tiếng người anh chị Ðương hỏi:

-- Bây giờ thì cô định thế nào? Có bà bên làng sang bỏ trầu đấy.

Vài phút yên lặng trong buồng. Rồi có tiếng đáp vọng ra, tiếng đáp của người chị ruột chị đỏ Ðương:

-- Cô ấy... bằng lòng rồi!

Tiếng "rồi" bị ngạt trong một cái bàn tay chụm lại.

Trên đường về, anh tôi giơ cho xem một cái bã trầu không và nói:

-- Ðương nó ở trong buồng, nó ném ra cho anh.

-- Thú nhỉ, thế là anh chị... xong xuôi với nhau rồi đấy!

Thực ra thì công việc chưa xong xuôi được. Anh tôi phải trở ra Hà Nội làm, và sự cưới xin phải gác lại đến sang năm.

Hôm anh Hai tôi ra tỉnh, nơi sẽ đáp tàu ra kinh đô xứ Bắc, chị Ðương cũng chẩy chợ, sắm hàng, cùng đi một đường, trong cùng một ngày, hai người bạn ấy đã trao rất nhiều tâm sự với nhau, giữa những bông cỏ may phân phất theo một chiều gió đìu hiu... Tôi đứng lại ở đầu làng, trông theo họ, hai cái bóng mà tôi ước ao gần nhau mãi, mất dần đi trong lớp nắng mờ...

Rồi tôi mang theo trong lòng, từ đấy, trên giải đường đã bình yên thu ngắn cuộc đời học sinh của tôi lại, cả một giấc mộng to tát, cái giấc mộng cao quý phác vẽ, xây đắp hạnh phúc không cho mình mà cho một người, cho hai người yêu dấu...

Trong sự yên lặng của những ngày thôn dã, mất đi đều đều, không tăm không tiếng, đôi lúc, người phu trạm gầy khổ đến gõ cái gậy tre trên cổng nứa, trao cho tôi những phong thư từ Hà Nội gửi về. Những bức thư ấy, tôi đều đem đọc cho chị đỏ Ðương nghe, và chị đỏ Ðương đều xin tôi đem về giữ lấy.

Tôi còn nhớ mãi một đoạn này:

"Hôm anh ra Hà Nội, không nỡ xa Ðương, vì tàu chạy rồi, anh còn thấy Ðương lau nước mắt. Em nên vì anh đối với Ðương tử tế, vì dẫu sao Ðương cũng đã là con mẹ, là chị em..."

Phải, chị Ðương đã là chị tôi. Và tất cả những người như chị Ðương đều là chị tôi hết.

Cứ gì phải chung sống dưới một mái nhà, chia uống một ngụm nước, cùng ngắm một dòng sông, người ta mới yêu được nhau? Tình yêu, nếu thực là tình yêu, thì không có quê hương, cố quận, bởi nó tỏa ra từ một tấm lòng nghệ sĩ mênh mông, tự nó đã có sức hun nấu, và thấu suốt qua, và bao trùm lấy tất cả những gì đáng được sự thờ kính thiêng liêng.

Tôi yêu chị đỏ Ðương của tôi, và nhiều chị đỏ Ðương khác, vì tôi yêu vô cùng cái giải đất cần lao này, cái giải đất thoát được ra ngoài sự lọc lừa, phản trắc, cái giải đất chỉ bị bạc đãi mà không bạc đãi ai bao giờ.

Anh tôi không bao giờ còn trở lại làng Trung Thượng nữa. Những năm trụy lạc, tù tội đã làm cách biệt con người ấy với cuộc tình duyên ngày xưa, và làm phai dần những lời thề thốt cũ.

Rồi tôi cũng ra Hà Nội để chứng kiến cuộc đời lệch lạc, không tin tưởng của anh tôi. Xa lắm rồi, lũy tre xanh vây kín xã Hòa Trường êm ái, và xa lắm, hình bóng người thiếu phụ thủa trước, tay vin cành găng, cố hỏi bằng một giọng kín đáo:

-- Anh em sao lâu về thế nhỉ?

Cách đây vài năm, tôi được tin chị đỏ Ðương đã lấy chồng và đã có cháu ẵm. Tôi đem chuyện ấy nói với anh Hai tôi, thì anh ấy cười chua chát:

-- Người định, nhưng trời đặt, ai biết đâu!



Một hôm, nhân có việc thuế ruộng, tôi trở lại chốn cũ, nhân tiện tạt đến thăm chị đỏ Ðương. Tôi tìm lại nhà chồng chị, bày đặt ra chuyện mua thóc và hỏi thăm về mùa màng. Tôi cốt nói to để chị Ðương hay rằng tôi đã về. Nhưng đáp lại cách ân cần kín đáo ấy, một điệu hát ru con từ gian buồng bên đưa lại, một điệu hát não nuột, đều đều:

Hầu hơi...
Trăm năm đành lỗi hẹn hò,
Cây đa bến cũ con đò khác đưa...


Tôi nhận ra là tiếng chị đỏ Ðương, bây giờ đã là bà Lý Thoại. Một cảm giác gì chán nản chạy lướt qua đầu óc tôi, chạy khắp người, khiến tôi rùng mình khó chịu...

Tự nhiên, tôi không muốn gặp chị đỏ Ðương nữa, chào ông Lý Thoại, bước ra ngoài, trong lúc bóng đêm hắt hiu về đầy cả bốn phía...

Trời sáng trăng suông.


Tháng 11, 1943