“Đầu năm 1967, địch tổ chức một số trận sử dụng nhiều máy bay tiêm kích giả làm cường kích (...) Trời (...) đầy mây (...) Trong hai ngày (tháng 1) trung đoàn 921 (...) bị địch bắn rơi 7 chiếc”. Toàn Míc-21, đau quá!

Nhưng ta rút kinh nghiệm và trời cũng bắt đầu quang:
“Tháng 4 năm 1967 (...) Trung đoàn 921 đánh ba trận, bắn rơi năm máy bay F-105D (...) Trung đoàn 923 đánh 12 trận, bắn rơi 14 máy bay của không quân và hải quân Mỹ”.

“Những ngày tháng 4 năm 1967 oanh liệt (...) đất Cảng anh hùng (...) Chiều ngày 23 tháng 4, một biên đội 4 chiếc (...) bí mật hạ cánh an toàn xuống sân bay Kiến An (...) phục kích (...) đánh địch kéo vào từ phía biển (...) (Ngày 24) nhiều tốp F-4 và F-105 bay vào (...) Hai máy bay địch (F-4) bị bắn rơi trong chưa đầy bốn phút”. Nó lồng lộn trả thù: “Ta vừa sơ tán xong, thì 20 máy bay A-4 và F-4 vào đánh sân bay dữ dội. Bom nổ trùm kín khắp nơi (...) Không quân Mỹ tung tin là đã tiêu diệt hết lực lượng vừa cho chúng bài học và đã loại trừ sân bay Kiến An ra khỏi vòng chiến đấu ít nhất hàng tháng”. Địch không ngờ: “Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng huy động nhân dân các xã quanh khu vực sân bay Kiến An cùng bộ đội chữa gấp đường băng, đường lăn (...) Rạng sáng ngày 26, những hố bom cuối cùng lấp xong (...) Trước rạng đông, 4 chiếc Míc-17 đã (...) trực chiến trong các ụ đất ở đầu sân bay”. Cái giá của chủ quan: “Biên đội (...) được lệnh cất cánh (...) Vừa tới cửa sông (...) gặp ngay (...) khoảng hơn 20 chiếc A-4 (và một số) F-8 tiêm kích yểm hộ (...) Chỉ trong 2 phút, bọn địch bị bắn rơi liền hai chiếc A-4 và một chiếc F-8”.

Míc-17 cũ hơn F-4, F-8 hẳn một thế hệ, bay chậm hơn và
“hỏa lực chỉ có súng đánh ở cự ly gần”, thế mà vẫn bắn rơi được máy bay địch đeo đầy tên lửa!

Lý do của thắng lợi:
“Các đồng chí kỹ sư, thợ máy ngày đêm chăm sóc máy bay chu đáo (...) Các sĩ quan tham mưu dẫn đường thông minh làm việc hết sức mình, kịp thời dẫn dắt máy bay ta tiếp địch ở thế có lợi ngay từ đầu (...) Chiến thắng kẻ thù là kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu của cả Trung đoàn, của Bộ Tư lệnh Quân chủng. Đúng như Bác Hồ đã dạy, chiến công này là của chung. Chúng tôi - những phi công tiêm kích - mang cả ý chí của Trung đoàn đi làm công việc cuối cùng là trực tiếp tiêu diệt địch”. (TT)



Lê Hải, Phi công tiêm kích (02)




Trung đoàn 923 là trung đoàn tiêm kích thứ hai của quân đội ta, được thành lập ngày 7 tháng 9 năm 1965. Ngày đó, sân bay Kép (Bắc Giang) cũng hoàn thành xây dựng, được đưa vào sử dụng. Căn cứ chính của Trung đoàn đặt tại đây. Các sân bay cơ động, dự bị cho Trung đoàn là Kiến An, Hòa Lạc, Gia Lâm, Yên Bái, Nội Bài (lúc đó gọi là Đa Phúc). Trung đoàn 923 sử dụng máy bay Míc-17. Trung đoàn 921 sử dụng Míc-21. Khi chúng tôi về Trung đoàn đã có Míc-17F là loại máy bay động cơ có tăng lực, có thể lấy tốc độ nhanh hơn, vũ khí và tính năng cơ động căn bản như Míc-17 loại cũ. Sau gần hai năm liên tục chiến đấu, Trung đoàn đã tích lũy được một số kinh nghiệm, bước đầu hình thành cách đánh.

Thời gian đầu, Trung đoàn thường tổ chức xuất kích với biên đội 4 chiếc, đánh độc lập ở độ cao trung bình, đánh cự ly gần, trên từng khu vực nhất định nhằm phát huy tính năng cơ động mặt bằng tốt của máy bay, tạo thế công kích có lợi, tránh tên lửa địch có hiệu quả, hạn chế máy bay địch có tốc độ lớn hơn ta. Sau một thời gian chiến đấu, ta rút kinh nghiệm, phát triển cách đánh máy bay địch bay thấp, đánh quần và thay đổi tâm vòng lượn. Ngoài đánh độc lập, Trung đoàn đã phối hợp với Míc-21 và cao xạ pháo, tên lửa, đánh hiệp đồng nhiều trận.

Những kinh nghiệm không chiến của các anh đi trước là vô cùng quý báu đối với chúng tôi. Mỗi một kinh nghiệm trong chiến đấu đều phải đổi bằng xương máu của đồng đội. Chúng tôi bay làm quen với địa hình chiến đấu sắp tới trên các chuyến bay bằng máy bay vận tải, vào lúc gần tối, khi máy bay địch ít hoạt động. Tranh thủ buổi sáng sớm, khi mặt trời sắp mọc, chúng tôi bay huấn luyện, ghép biên đội 2 chiếc, 4 chiếc; tập bay đội hình chiến đấu, cơ động mạnh và tập công kích với các biên đội trưởng đã từng qua trận mạc. Là lính mới, chúng tôi hiểu rằng với vẻn vẹn chưa được 100 giờ bay ở nhà trường và vài giờ bay khi về đơn vị, khi xáp trận, chắc không dễ dàng, nhất là trận đầu. Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, anh Võ Văn Mẫn, anh Hồ Quỳ, anh Mai Đức Toại trực tiếp dẫn dắt chúng tôi vào chiến đấu. Tôi thường làm số 2 cho anh Lưu Huy Chao. Được chiến đấu cùng các anh biên đội trưởng dày dạn lửa đạn, từng bắn rơi máy bay địch, tôi vững tin hơn.

Năm 1966, không quân Mỹ đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và toàn bộ tuyến giao thông, trọng điểm là đường số 1 từ biên giới Việt - Trung và tuyến đường vào Nam. Năm 1967, Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc với quy mô ác liệt hơn.

Từ chỗ chủ quan coi thường lực lượng Míc, chúng tăng cường máy bay tiêm kích yểm trợ trong đội hình, tăng cường gây nhiễu che giấu đội hình khi vào ném bom các mục tiêu quan trọng. Không quân Mỹ tổ chức đội hình nhiều tầng để yểm trợ nhau. Tiêm kích bay đội hình như máy bay cường kích, nhử ta lên, để thực hiện mục đích “quét sạch bầu trời”. Chúng đánh vào sân bay cả ngày lẫn đêm. Không quân Mỹ chú trọng đánh vào hệ thống phòng không của ta, dùng tên lửa từ xa bắn vào các trận địa ra-đa, tên lửa; đánh bom bi, bom chùm vào các trận địa cao xạ. Bầu trời Hà Nội, năm 1967 cả đêm lẫn ngày rền vang tiếng súng cao xạ, tiếng rít của tên lửa, tiếng ầm vang của máy bay phản lực cất cánh ngăn chặn những đợt tấn công của giặc Mỹ. Lưới lửa tầm thấp của dân quân đặt trên những nóc nhà cao trong thành phố, trên các mố cầu Long Biên đỏ rực cả bầu trời Hà Nội. Máy bay Mỹ bay thấp đến nỗi đứng dưới đất có thể nhìn thấy đầu phi công F-105D đội mũ bay màu trắng.

Đầu năm 1967, địch tổ chức một số trận sử dụng nhiều máy bay tiêm kích giả làm cường kích, hòng lừa Míc của ta. Trời Hà Nội và miền Bắc trong những tháng đầu năm đầy mây. Trong hai ngày 2 và 6 tháng 1 năm 1967, Trung đoàn tiêm kích 921 xuất kích ba biên đội, gồm 12 chiếc máy bay Míc-21. Các phi công ta vừa ra khỏi mây, chưa kịp tập hợp đội hình, tốc độ bay lên còn nhỏ, máy bay cơ động kém, bọn địch chờ sẵn trên các đầu xuyên mây của máy bay ta. Địch hàng mấy chục chiếc F-4C dàn sẵn đội hình chiến đấu, từng đội một, chúng phóng một lần hai đến bốn tên lửa vào mỗi máy bay Míc-21 của ta vừa ló khỏi mây. Nhiều phi công ta chưa thấy địch đâu đã bị bắn rơi. Các biên đội sau, số nào ghìm bay trong mây, hạ độ cao, trở về sân bay thì thoát. Ta bị địch bắn rơi 7 chiếc, các phi công nhảy dù thành công, chỉ bị hy sinh một mình đồng chí Đồng Văn Đe quê ở tỉnh Bến Tre. Trong cả quý I năm 1967, Trung đoàn 923 chỉ đánh được 3 trận, bắn rơi được 3 máy bay địch; ta có một Míc-17 bị bắn rơi và một phi công hy sinh.

Sau những tổn thất đó, ta tổ chức rút kinh nghiệm, nghiên cứu địch, xây dựng quyết tâm chiến đấu. Chi bộ, đơn vị phát động phong trào quân sự dân chủ, tìm ra cách đánh hay; tổ chức nghiên cứu kỹ về dẫn đường của Míc-17, đánh vào đội hình lớn của địch; tranh thủ bay huấn luyện cho các phi công mới biên chế về phi đội; tập xạ kích ở độ cao thấp; dùng ngay máy bay vừa trực chiến, vừa thay nhau huấn luyện. Trong huấn luyện, luôn sẵn sàng chuyển sang làm nhiệm vụ chiến đấu. Vì lúc này địch luôn dùng chiến thuật bay thấp, ra-đa ta quản lý bầu trời không hết, có khi địch vào gần sân bay mới phát hiện được.

Tháng 4 năm 1967, trời bắt đầu tốt dần lên, tầm nhìn khá hơn. Máy bay địch tăng cường hoạt động bằng những biên đội lớn, đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, hệ thống giao thông, các khu công nghiệp, các nhà máy điện.

Trong tháng 4, Trung đoàn 921 đánh ba trận, bắn rơi năm máy bay F-105D, chủ yếu bay từ Thái-lan qua. Ta an toàn.

Trung đoàn 923 đánh 12 trận, bắn rơi 14 máy bay của không quân và hải quân Mỹ. Hàng ngày có từ hai đến ba biên đội 4 chiếc xuất kích. Ngày 19 tháng 4 năm 1967, hai biên đội xuất kích từ sân bay Gia Lâm và sân bay Hòa Lạc đã bắn rơi bốn máy bay địch. Ta an toàn. Biên đội Trung, Túc, Dung, Tân, xuất kích lúc 17 giờ 30 phút, gặp địch trên bầu trời Mai Châu (Hòa Bình). Trong trận này, anh Dương Trung Tân đã bắn rơi 2 chiếc và anh Phan Văn Túc bắn rơi 1 chiếc (chiếc thứ tư hẳn do biên đội kia - GN). Trong số máy bay địch bị hạ có cả F-105D bay nhanh và AD-6 bay chậm, khoảng 300 đến 400 km/giờ.

Anh Lê Quang Trung sau này làm trung đoàn trưởng trung đoàn không quân tiêm kích 925, lái máy bay Míc-17, đã một mình bắn rơi 5 máy bay Mỹ và cùng biên đội bắn rơi nhiều chiếc khác. Anh bị nạn trong một lần bay kèm học viên tập xuyên mây phức tạp trên máy bay Y-Míc-15 năm 1970 (...)

Anh Dương Trung Tân đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ, cũng bằng Míc-17. Khi chuyển sang trung đoàn 925, anh lái máy bay Míc-19. Anh đã hy sinh khi máy bay của anh bị thất tốc ở độ cao vừa cất cánh (...)

Anh Phan Văn Túc (...) trong chiến đấu thường là người rút sau cùng. Biên đội Lan, Túc, Quỳ, Phương đã mở mặt trận trên không ngày 3 tháng 4 năm 1965 trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa. Anh đã bắn rơi 4 máy bay địch bằng Míc-17. Cuối năm 1989 (69?), trong một lần bay biên đội đường dài ở độ cao thấp, máy bay của anh vào mây đột ngột, do cảm giác sai, để máy bay lao vào núi, anh đã hy sinh (...)

Lại kể tiếp về những ngày tháng 4 năm 1967 oanh liệt. Tại đất Cảng anh hùng, giặc Mỹ liên tục cho từng đàn máy bay hải quân, cất cánh từ các tàu sân bay, vào đánh phá ác liệt.

Chiều ngày 23 tháng 4, một biên đội 4 chiếc bay theo đội hình từng đôi kéo dài, bay ở độ cao thấp, cách mặt đất chỉ 100 mét, không liên lạc vô tuyến điện, bí mật hạ cánh an toàn xuống sân bay Kiến An. Nhiệm vụ của phi đội là phục kích, phối hợp với cao xạ pháo, đánh địch kéo vào từ phía biển. Cả ngày 24, địch không đánh Hải Phòng như ta dự kiến. Vào lúc 16 giờ 30 phút, nhiều tốp F-4 và F-105 bay vào đánh khu vực Đông Triều - Quảng Yên. Đồng chí Nguyễn Văn Tiên - Tư lệnh Không quân - trực ở sở chỉ huy Quân chủng, lệnh cho biên đội xuất kích. Biên đội được dẫn vòng đến khu vực Sơn Động (Hà Bắc) cho thuận phía mặt trời, lợi cho việc quan sát. Thời tiết tốt, mây lác đác năm phần bầu trời. Biên đội Mẫn, Địch, Bảy, Hôn triển khai đội hình cảnh giới. Dẫn đường ở mặt đất tiếp tục thông báo, địch cách ta 30km, rồi 20km, bên phải 30 độ. Số 3 Nguyễn Bá Địch báo cáo: Địch bên phải, phía trước, khoảng 10km. Biên đội trưởng Mẫn ra lệnh: “Vứt thùng dầu phụ, tăng lực, số 2 theo tôi đánh tốp đầu, số 3 đánh tốp sau”.

Bốn chiếc F-4 đầu tiên vòng ra phía biển, tăng lực, khói phun ra thành từng luồng dài đen ngòm. Hai chiếc F-4 đi đầu ngoặc gấp xuống thấp, hai chiếc sau mở rộng giãn cách, hòng lừa đôi Míc-17 vào giữa để phóng tên lửa. Số 1 Võ Văn Mẫn không lạ gì thủ đoạn này của bọn tiêm kích Mỹ. Anh quan sát nhanh thấy số 2 Nguyễn Bá Địch đang ở thế công kích có lợi hơn, liền hạ lệnh “Số 2, bám chiếc F-4 sau, tôi yểm hộ”. Số 2 ngoặt gấp, tăng lực, bám sát chiếc máy bay địch đang cố cơ động. Đến cự ly 400m, anh nổ liền 2 loạt. Ba khẩu pháo đồng thời phun lửa. Chiếc F-4 trúng đạn nổ tung, rơi chúi đầu xuống rặng núi phía trước. Mẫn, Địch vòng lại, thấy đôi Bảy, Hôn đang quần nhau với bốn chiếc F-4 ở độ cao thấp hơn. Thế trận xen kẽ, anh Bảy đang bắn hai F-4 phía trước, sau anh lại có hai F-4 bám đuôi. Anh Hôn bám theo hai chiếc F-4 đang đuổi anh Bảy. Đến loạt đạn thứ hai, anh Bảy kết liễu một chiếc F-4 và ngoặt gấp, thoát khỏi thế nguy hiểm. Hai máy bay địch bị bắn rơi trong chưa đầy bốn phút. Sở chỉ huy ra lệnh cho biên đội rút khỏi khu vực chiến đấu. Những chiếc F-4 đang quần đảo cũng chuồn thẳng. Biên đội bay thấp, từng đôi, trở về hạ cánh an toàn xuống sân bay Kiến An.

Anh em thợ máy lập tức kéo máy bay sơ tán vào hầm trong chân núi. Người và các phương tiện phục vụ như xe dầu, xe kỹ thuật, cũng nhanh chóng rời khỏi sân bay. Ta vừa sơ tán xong, thì 20 máy bay A-4 và F-4 vào đánh sân bay dữ dội. Bom nổ trùm kín khắp nơi, các nhà tạm bằng tre, tranh để trực chiến của thợ máy và phi công bị phá tan tành. Đường băng, đường lăn bị 9 quả bom ném trúng, mỗi hố bom đường kính độ 10 mét, sâu từ 5 đến 7 mét. Không quân Mỹ tung tin là đã tiêu diệt hết lực lượng vừa cho chúng bài học và đã loại trừ sân bay Kiến An ra khỏi vòng chiến đấu ít nhất hàng tháng.

Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng huy động nhân dân các xã quanh khu vực sân bay Kiến An cùng bộ đội chữa gấp đường băng, đường lăn trong đêm 24 và suốt ngày 25 tháng 4. Rạng sáng ngày 26, những hố bom cuối cùng lấp xong. Tiểu đoàn sân bay huy động toàn nhân lực ra quét dọn sân đường, bảo đảm an toàn cho máy bay hoạt động. Trước rạng đông, 4 chiếc Míc-17 đã được các đồng chí triển khai trực chiến trong các ụ đất ở đầu sân bay.

Biên đội Bảy, Bôn, Hôn, Địch tiếp thu máy bay, sẵn sàng cất cánh đánh địch. Các máy bay được ngụy trang, che bằng những tàu lá dừa tươi rói. Tới gần cũng khó nhận ra là có máy bay đang trực chiến trong các ụ đất được đắp cao hàng 5 đến 7 mét. Mười giờ, biên đội được lệnh chỉ huy sở vào cấp 1 và mười giờ bốn phút, được lệnh cất cánh. Biên đội được dẫn dọc theo sông Văn Úc, độ cao 1.500 mét. Vừa tới cửa sông, biên đội gặp ngay một tốp địch rất đông, khoảng hơn 20 chiếc A-4, mang bom lặc lè dưới cánh. Số 1 ra lệnh vứt thùng dầu phụ và lệnh số 3, số 4 đánh tốp sau. Còn anh dẫn số 2 lao thẳng vào giữa tốp đông hơn đi đầu. Bất ngờ gặp Míc, bọn cường kích nhốn nháo vứt bom, mạnh thằng nào thằng nấy ngoặt gấp ra biển. Lúc này ở thế chủ động, máy bay ta đã tăng lực, tốc độ hơn hẳn bọn A-4. Anh Hôn đuổi kịp một chiếc A-4 đã ra tới gần bờ biển, nổ ngay một loạt dài, máy bay địch bốc cháy. Nó cố lao ra biển nhưng không được. Tên giặc lái kịp nhảy dù xuống cửa sông Văn Úc. Số 4 vừa yểm trợ số 3 công kích, thấy một chiếc A-4 phía dưới, ở góc tiếp cận thuận lợi, anh ép cần lái, bao kỹ vòng sáng ngắm vào giữa chiếc A-4 siết cò liền hai loạt. Nguyễn Bá Địch reo to: “Nó cháy rồi!”. Niềm vui chiến thắng cổ vũ toàn biên đội tả xung hữu đột. Bọn F-8 tiêm kích yểm hộ đội hình từ phía sau lao lên, không chiến với bốn chiếc Míc. Bôn yểm hộ số 1, thấy một chiếc F-8 vừa phóng tên lửa vào chiếc Míc phía trước, anh vội hô cho bạn cơ động, tránh được. Anh bám theo chiếc F-8 này. Nó vẫn mải mê rượt theo chiếc Míc phía trước, không ngờ đang bị bám. Bôn bắn liền một loạt, không trúng, anh chỉnh đường ngắm, bắn loạt thứ hai trúng ngay buồng lái chiếc F-8. Máy bay địch nổ bùng trên không, cháy như bó đuốc, rơi xuống bờ biển. Trong khi đó anh Bảy chưa nổ súng được. Anh đang quần nhau với 4 chiếc F-8 của địch. Anh phải liên tục tránh tên lửa, cứ đang chuẩn bị bắn thằng trước mặt, nhìn lại phía sau, thấy có thằng khác phóng tên lửa, anh lại phải tránh.

Chỉ trong 2 phút, bọn địch bị bắn rơi liền hai chiếc A-4 và một chiếc F-8. Đội hình bị Míc phá vỡ, chúng vội hạ độ cao, tan tác bay ra biển. Biên đội cơ động yểm hộ nhau, bay dọc sông Hồng, về Gia Lâm hạ cánh an toàn.

Chiều 26 tháng 4, đoàn đại biểu nhân dân thành phố Hải Phòng vào Kiến An thăm anh em không quân, động viên bộ đội, đã tặng biên đội một đài “Mẫu Đơn” - món quà đậm đà tình nghĩa quân dân (...)

Từ trận này, Trung đoàn thêm kinh nghiệm cất cánh từ các sân bay địch không ngờ ta có thể sử dụng, để xuất hiện ở nơi và từ hướng ngoài dự kiến của địch. Đây là nhân tố quan trọng cho Míc-17 - loại máy bay có tốc độ hạn chế và hỏa lực chỉ có súng đánh ở cự ly gần.

Thắng lợi trên không có công đóng góp của nhiều đồng chí phục vụ dưới đất. Các đồng chí kỹ sư, thợ máy ngày đêm chăm sóc máy bay chu đáo, bảo đảm kỹ thuật hoàn hảo, máy bay tốt, súng đạn tốt. Biết anh em chăm bẵm tận tình, phi công cảm thấy hoàn toàn yên tâm khi bay. Ở đài chỉ huy, với ra-đa hoạt động tốt, các sĩ quan tham mưu dẫn đường thông minh làm việc hết sức mình, kịp thời dẫn dắt máy bay ta tiếp địch ở thế có lợi ngay từ đầu.

Đội ngũ cán bộ Trung đoàn (...) là những cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong chỉ huy (...) Anh em cất cánh lên, nghe giọng các đồng chí là rất an tâm, tin tưởng (...) Các cán bộ chỉ huy hiểu chúng tôi rất kỹ về tính tình cũng như đặc điểm bay. Về phía chúng tôi, chỉ cần nghe khẩu lệnh từ mặt đất, đã hiểu tình thế khẩn trương đến mức nào và phải hành động ra sao. Chiến thắng kẻ thù là kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu của cả Trung đoàn, của Bộ Tư lệnh Quân chủng. Đúng như Bác Hồ đã dạy, chiến công này là của chung. Chúng tôi - những phi công tiêm kích - mang cả ý chí của Trung đoàn đi làm công việc cuối cùng là trực tiếp tiêu diệt địch.

Anh Nguyễn Văn Bảy vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng đợt đầu tiên của các chiến sĩ không quân, vào ngày 1-1-1967. Trong những trận không chiến ác liệt, anh đã bắn rơi bảy chiếc phản lực chiến đấu của Mỹ. Anh là người bắn rơi địch nhiều nhất trong số anh em phi công lái Míc-17. Tính tình anh giản dị, bao dung, ngay thẳng. Sau khi được phong Anh hùng, anh vẫn tiếp tục dẫn biên đội đi chiến đấu và hạ thêm được một chiếc F-4.

Anh Nguyễn Bá Địch là giáo viên bay Míc-17 của Trường Không quân Việt Nam. Để các giáo viên có thêm kinh nghiệm, nhà trường cử một số về nước tham gia chiến đấu. Anh đã bắn rơi được ba máy bay Mỹ và hy sinh giữa năm 1967 trong một trận không chiến ác liệt ở vùng rừng núi Tây Bắc. Quê anh Địch ở Hải Phòng. Anh tính tình bộc trực, hăng hái trong mọi việc, là một giáo viên nghiêm khắc nhưng tận tình với học trò (...)


(Lê Hải,
Phi công tiêm kích, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004)