“Anh Thái (...) trao nhiệm vụ (...) nhanh chóng giải phóng thị xã Lai Châu (và) không cho địch co về Điện Biên Phủ. Nếu địch bỏ chạy thì truy kích tới cùng”. Nhưng “316 vừa trải qua 20 đêm hành quân liên tục”. Không sao, 316 sẽ tiếp tục hành quân không nghỉ, gấp rút hơn nữa. Và dĩ nhiên là “bộ hành”. Kết quả của nỗ lực phi thường, do chính địch kể: “Khi lực lượng của Pôn-luých rời Lai Châu ngày 9-12, họ gồm 2.101 người (...) Khi những người sống sót (...) tới Điện Biên Phủ ngày 22-12, chỉ còn 10 người Pháp và 175 binh lính Thái (...) Việt Minh đã thu được đủ vũ khí để trang bị cho một trung đoàn”.

“Lăng-gơ-le (...) nhấn mạnh “sự thuần thục lạ lùng của kẻ thù khi bố trí những vị trí pháo binh và vị trí trú quân ngoài tầm quan sát của không quân và lực lượng thám báo mặt đất của ta””. Không lâu lắm nữa, địch sẽ có dịp thưởng thức thật kỹ “sự thuần thục lạ lùng ấy”.

Dự kiến đánh Điện Biên Phủ vào đầu tháng 12-1953: “Thời gian đánh ước tính 45 ngày (...) kết thúc vào đầu tháng 4-1954”. Chiến dịch Điện Biên Phủ thực sự mở màn ngày 13-3-1954, kết thúc ngày 7-5-1954.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Khúc dạo đầu giòn giã”



Bộ Tổng tham mưu tập hợp các nguồn tin báo cáo: Cuộc hành binh đánh chiếm Điện Biên Phủ có bí danh là Hải Ly (Castor). Từ ngày 20 tới ngày 22 tháng 11 năm 1953, địch đã ném xuống cánh đồng Mường Thanh 6 tiểu đoàn dù, khoảng 4.500 quân, tương đương với số quân địch ở Nà Sản trước khi rút lui.

Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu, giữ một vị trí chiến lược quan trọng không những ở Tây Bắc mà còn trên cả chiến trường Đông Dương (...) Đây là vùng đông dân, trù phú, có cánh đồng rộng nhất ở Tây Bắc. Thực dân Pháp đã chiếm Điện Biên Phủ từ năm 1888 (...) Từ năm 1939, Điện Biên Phủ đã có một sân bay dã chiến (...)

Sau ngày Cách mạng tháng Tám, Điện Biên Phủ vẫn tiếp tục nằm dưới quyền kiểm soát của Pháp, và chỉ mới được giải phóng vào cuối chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Một số đơn vị của trung đoàn 148 đã đóng tại Điện Biên Phủ. Nhưng để mở một chiến dịch lớn thì cơ quan tham mưu biết còn quá ít về địa hình vùng rừng núi này (...)

Tháng 11 năm 1953, để tăng cường cho cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Bộ Chính trị quyết định điều anh Văn Tiến Dũng, Đại đoàn trưởng 320, về làm Tổng tham mưu trưởng, anh Trần Văn Quang làm Cục trưởng Cục Tác chiến, anh Hoàng Văn Thái trở thành Tổng tham mưu phó.

Bộ phận tiền phương của chiến dịch được chỉ định gồm anh Hoàng Văn Thái, anh Lê Liêm, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, anh Đặng Kim Giang, Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, anh Đỗ Đức Kiên, Cục phó Cục Tác chiến (...)

Tôi trao đổi kỹ với anh Thái về nhiệm vụ giải phóng Lai Châu, phối hợp với bạn ở Thượng Lào, chuẩn bị chiến trường Điện Biên Phủ, đề phòng địch từ đây rút chạy qua Tây Trang sang Lào, nắm sát tình hình thay đổi của địch, đồng thời chuẩn bị phương án tiến công Điện Biên Phủ đệ trình lên Tổng quân ủy. Tôi hẹn sẽ có mặt ở Tây Bắc vào cuối tháng 12 năm 1953, hoặc đầu tháng 1 năm 1954, sau khi có quyết tâm của Bộ Chính trị.

Ngày 26 tháng 11 năm 1953, cơ quan tiền phương của Bộ lên đường đi chiến dịch Tây Bắc.

Đoàn Cố vấn Trung Quốc rất tán đồng chủ trương và kế hoạch tác chiến Đông Xuân của ta chọn Tây Bắc làm hướng chính. Đoàn cử đồng chí Mai Gia Sinh, Cố vấn Tham mưu, cùng đi trước với anh Thái (...)

Tôi cùng với cơ quan tham mưu bàn việc điều chỉnh kế hoạch (...) Trước đây, ta định sau khi giải phóng Lai Châu, sẽ phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào giải phóng tỉnh Phông Xa Lỳ trực tiếp uy hiếp Luông Pha Băng. Chiến trường Tây Bắc đã thay đổi (...) Tổng quân ủy nhận định địch có thể giữ cả Lai Châu và Điện Biên Phủ, cũng có thể tập trung về Điện Biên Phủ. Nếu quân địch không rút như ở Nà Sản, chúng sẽ biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm lớn. Hướng chuẩn bị của ta là đánh công kiên tập đoàn cứ điểm.

Ta phán đoán quân địch ở Điện Biên Phủ sẽ được tăng cường lên 10 tiểu đoàn. Bộ Tổng tham mưu dự kiến lực lượng sử dụng tại Điện Biên Phủ là 9 trung đoàn bộ binh, cùng với công binh, pháo binh, và một bộ phận cao xạ pháo.

Thời gian hoạt động ở Tây Bắc sẽ chia làm hai đợt:

Đợt 1: Đại đoàn 316 tiến đánh Lai Châu và kết thúc vào cuối tháng 1 năm 1954. Sau đó, bộ đội nghỉ ngơi, chấn chỉnh một thời gian khoảng 20 ngày, rồi tham gia đánh Điện Biên Phủ.

Đợt 2: Tiến công Điện Biên Phủ. Thời gian đánh ước tính 45 ngày (...) Chiến dịch sẽ kết thúc vào đầu tháng 4 năm 1954. Đại bộ phận lực lượng sẽ rút, một bộ phận ở lại tiếp tục phát triển sang Lào cùng với bạn uy hiếp Luông Pha Băng.

Bộ Tổng tham mưu làm việc với Tổng cục Cung cấp tính toán bước đầu, phải huy động cho chiến dịch 4.200 tấn gạo (chưa kể gạo cho dân công), 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường. Tất cả đều phải vận chuyển qua chặng đường dài 500 ki-lô-mét phần lớn là đèo dốc hiểm trở, máy bay địch thường xuyên đánh phá. Số dân công chỉ tính từ trung tuyến trở lên, đã cần tới 14.500 người.

Về chuẩn bị đường sá, các con đường thuộc tuyến chiến dịch đều phải bảo đảm vận chuyển bằng ô-tô (...) Đường 13 cần tiếp tục tu bổ thêm (...) Đường từ Mộc Châu đi Lai Châu rất xấu, phải sửa chữa nhiều (...)

Ngày 6 tháng 12 năm 1953, tờ trình của Tổng quân ủy được gửi lên Bộ Chính trị, nêu: “(...) Nếu kể cả cơ quan chỉ huy chiến dịch, các đơn vị trực thuộc, bộ đội bảo vệ tuyến cung cấp, bộ đội bộ sung, thì quân số tổng cộng của chiến dịch sẽ là 42.000 người”.

Dự kiến đánh Điện Biên Phủ này được chuẩn bị theo tinh thần “đánh chắc thắng chắc”.

*

Cũng trong ngày 6 tháng 12, quân Pháp được tin 316 đã xuất hiện ở Tuần Giáo, trực tiếp uy hiếp Lai Châu. Cô-nhi lập tức ra lệnh (...) đưa toàn bộ lực lượng từ Lai Châu về Điện Biên Phủ (...) Lực lượng chính quy của “Vùng tác chiến Tây Bắc”, tương đương với 3 tiểu đoàn, đóng tại thị xã Lai Châu sẽ được chở về Mường Thanh bằng máy bay. Binh đoàn biệt kích không vận hỗn hợp bảo vệ cho lực lượng chính quy rút lui xong sẽ đi theo đường Pa-vi (Pavie) nối liền Lai Châu với Điện Biên Phủ. Nhưng quyết định quá gấp này không tập hợp được 25 đại đội biệt kích gồm trên 2.000 quân đang ở tản mác trong rừng. Bộ chỉ huy Pháp đã coi việc tổ chức được cái lực lượng người địa phương này ở Tây Bắc là một thành công lớn. Bọn chúng dễ dàng thâm nhập vùng giải phóng, khống chế dân chúng, tạo một vành đai an toàn chung quanh những vị trí đóng quân, tập kích những bộ phận nhỏ, và đánh vào tuyến giao thông của ta.

Ngày 7 tháng 12, cơ quan tác chiến báo cáo, qua tin kỹ thuật (...) một bộ phận quân địch ở Lai Châu đã được không vận về tới Mường Thanh. Tôi nói Bộ Tổng tham mưu thông báo gấp cho sở chỉ huy tiền phương (...)

Lúc này, lực lượng của Đại đoàn 316 còn chưa tập trung (...) trung đoàn 98 còn ở bên kia đèo Pha Đin.

Anh Thái triệu tập cán bộ 316 về sở chỉ huy tiền phương tại cây số 15 đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, trao nhiệm vụ cho Đại đoàn nhanh chóng giải phóng thị xã Lai Châu theo kế hoạch cũ, và kiên quyết cắt đứt con đường Pa-vi, không cho địch co về Điện Biên Phủ. Nếu địch bỏ chạy thì truy kích tới cùng. Anh Lê Liêm nói: “Công tác chính trị của đại đoàn bây giờ là động viên bộ đội đuổi đánh địch thật nhanh”.

316 vừa trải qua 20 đêm hành quân liên tục. Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba và Chính ủy Chu Huy Mân quyết định đưa tiểu đoàn 439 của trung đoàn 98, do phó chính ủy trung đoàn Phạm Quang Vinh trực tiếp phụ trách, tiến gấp lên phía bắc giải phóng thị xã Lai Châu, một tiểu đoàn khác của 98 tạm dừng lại Tuần Giáo đề phòng địch nhảy dù tập kích vào phía sau hậu phương trực tiếp của chiến dịch, còn đại bộ phận đơn vị tiến về con đường Lai Châu - Điện Biên Phủ (...)

Ngày 12 tháng 12 năm 1953, bộ đội ta tiến vào giải phóng thị xã Lai Châu (...) Đèo Văn Long, “quốc vương” của xứ Thái tự trị, cùng với gia đình đã được máy bay Pháp đưa về Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tung bay trên thị xã đầy những xác xe vận tải và những kho tàng bị phá hủy.

Sau bốn ngày hành quân, lực lượng chủ yếu của 316 (...) đã có mặt trên đường Pa-vi (...)

Sáng ngày 12, đại đội 674 của tiểu đoàn 251 trung đoàn 174 tiến xuống Mường Pồn thì phát hiện trong bản có nhiều quân địch từ Lai Châu rút về đang tập trung tại đây. Đại đội lập tức nổ súng đánh. Quân địch có máy bay yểm trợ, thấy lực lượng ta ít, cố đánh bật ta để mở đường đi về Điện Biên Phủ. Quân ta kiên quyết không lùi. Chiến sĩ liên lạc Bế Văn Đàn mang lệnh đến cho tiểu đội Chu Văn Pù giữa lúc cả tiểu đội chỉ còn bốn người phải chặn đánh một cánh quân từ trên cao tràn xuống. Chu Văn Pù có khẩu trung liên trong tay nhưng không biết đặt vào đâu. Bế Văn Đàn lao tới nhấc hai chân súng đặt lên vai mình. Bế Văn Đàn hy sinh, nhưng đợt tiến công của địch đã bị chặn đứng.

Đờ Cát (vừa thay Gin) ra lệnh cho Lăng-gơ-le chỉ huy binh đoàn không vận số 2 tăng cường, gồm tiểu đoàn dù lê-dương số 1, tiểu đoàn dù ngụy số 5, và tiểu đoàn dù 8 xung kích, hai cụm pháo 105, có bốn máy bay ném bom B-26 và hai máy bay trinh sát yểm trợ, đi theo đường Pa-vi lên Mường Pồn đón các đơn vị từ Lai Châu rút về (...)

7 giờ ngày 11 tháng 12, binh đoàn không vận số 2 lên đường. 11 giờ 30, quân địch đến Bản Tấu cách Mường Thanh 16 ki-lô-mét. Tiểu đoàn 888 chặn tại đây lập tức nổ súng. Lực lượng địch bị chôn tại chỗ suốt ngày 11. Ba đại đội biệt kích Thái ở Mường Pồn đang bị đại đội 674 chặn đánh, khẩn thiết kêu gọi cánh quân mở đường tới giải vây (...) Sáng ngày 13, đại đội 674 được đại đội 317 đến tiếp sức, mở đợt tiến công cuối cùng tiêu diệt toàn bộ quân địch đóng ở Mường Pồn.

Chúng ta hãy nghe Béc-na Phôn (Bernard Fall) kể tiếp: “Mặc dù binh đoàn không vận số 2 đã không thực hiện được việc cứu nguy cho quân bị chặn ở Mường Pồn, nhưng trận đánh đối với họ còn lâu mới kết thúc (...) Bộ phận đi đầu vừa mới bắt đầu rút thì bị một hỏa lực dữ dội của địch bắn xâu chuỗi. Việt Minh chẳng có máy bay quan sát, vẫn (...) giội đạn xuống họ một cách cực kỳ chính xác. Chỉ trong ít phút họ đã chịu đựng những tổn thất nghiêm trọng. Họ gọi máy bay B-26 đến cứu. Sự can thiệp tức thì của hai máy bay có lẽ đã cứu tiểu đoàn dù 5 khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn (...) Và chưa hết! Quân đối phương không còn bị cái nút Mường Pồn chặn lại đã bắt kịp cả binh đoàn. Trưa ngày 14 tháng 12, pháo 105 (tác giả nhầm sơn pháo 75 của ta với pháo 105) bắt đầu giội xuống đơn vị bảo vệ phía sau (...) Việt Minh tìm cách tiếp cận mục tiêu thật nhanh để tránh bị thả bom. 14 giờ 50, tiểu đoàn dù lê-dương 1 (...) yêu cầu máy bay yểm hộ. Không quân lại tiếp tục can thiệp, nhưng lần này đã có một báo hiệu không lành cho những gì sẽ xảy ra ở Điện Biên Phủ về sau: 15 giờ, một máy bay trinh sát báo cáo trúng đạn phòng không của Việt Minh (...) một máy bay thả bom và một chiếc Morane khác lần lượt báo cáo trúng đạn...” (...)

Từ chiều ngày 13 tháng 12, cuộc truy lùng diễn ra trên tất cả các hướng. Bộ đội ta vừa tiến công vừa kêu gọi đầu hàng. Số hàng binh Thái rất đông (...) 316 đã tiêu diệt và làm tan rã tất cả 25 đại đội ngụy địa phương, thu nhiều vũ khí, lừa ngựa, quân trang, quân dụng.

Phôn (...) “(...) Khi lực lượng của Pôn-luých rời Lai Châu ngày 9 tháng 12, họ gồm 2.101 người (...) Khi những người sống sót (...) tới Điện Biên Phủ ngày 22 tháng 12, chỉ còn 10 người Pháp và 175 binh lính Thái (...) Việt Minh đã thu được đủ vũ khí để trang bị cho một trung đoàn”.

Trong bản báo cáo về trận đánh này, Lăng-gơ-le chỉ huy binh đoàn không vận số 2 đã nhấn mạnh “sự thuần thục lạ lùng của kẻ thù khi bố trí những vị trí pháo binh và vị trí trú quân ngoài tầm quan sát của không quân và lực lượng thám báo mặt đất của ta...”.

Khúc dạo đầu diễn ra mau lẹ. Bộ đội vượt qua đợt 1 dự kiến cho chiến dịch Tây Bắc.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 888-895)