Phi công Lê Hải từ năm 1966 đến năm 1973 chiến đấu trong đội hình Trung đoàn Không quân 923, bắn rơi 6 máy bay Mỹ (bốn F-4, một F-105, một F-8), được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 1970.

Những lần đụng độ cuối năm 1966 đầu năm 1967 cho thấy F-105 không chiến rất tồi, hình như do vòng quá chậm, nên về sau địch chỉ dùng để cường kích.



Lê Hải, Phi công tiêm kích (01)




“Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển, như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là của các chú…”.

Lời dạy của Bác Hồ khắc sâu trong lòng mỗi phi công tiêm kích (…)

Đầu năm 1965 (…) Mỹ đưa quân ào ạt vào Miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra Miền Bắc (...) Không lực hiện đại, hùng hậu của Mỹ với hàng nghìn máy bay chiến đấu có tốc độ vượt tiếng động, thiết bị tối tân bậc nhất, vũ khí cực mạnh; với hàng nghìn phi công được huấn luyện chu đáo, có trình độ kỹ thuật cao, đã bay hàng nghìn giờ, có kinh nghiệm đối địch, được thử thách qua nhiều năm chiến tranh, được chỉ huy bởi một hệ thống hoàn hảo (...) tưởng có thể nhanh chóng đè bẹp Miền Bắc (...) làm cho ta mất ý chí chi viện cho Miền Nam, bỏ mặc đồng bào, đồng chí trong nước sôi lửa bỏng.

Trung đoàn Không quân 921 đã mở đầu những trận không chiến thắng lợi vẻ vang (...) Ngày 3 và ngày 4 tháng 4 năm 1965, những chiếc Míc-17 bé nhỏ, “cổ lỗ sĩ” (...) đã hạ được 4 máy bay chiến đấu của địch (...) phía ta 3 chiến sĩ của Trung đoàn 921 anh dũng hy sinh (...)

Để có thể chiến đấu lâu dài, Quân chủng Phòng không - Không quân cần phải nhanh chóng có các nguồn bổ sung phi công chiến đấu (...) Quân chủng vừa cho người đi học dài hạn ở nước ngoài, vừa tự đào tạo gấp (...)

Chúng tôi, các phi công trẻ thuộc không quân vận tải và các giáo viên bay trẻ, được tuyển chọn để đào tạo thành phi công chiến đấu trong thời gian ngắn. Mười bảy anh em là lớp phi công tiêm kích đầu tiên của Trường Không quân Việt Nam được đào tạo tại Tường Vân, Vân Nam, Trung Quốc.

Tường Vân là một vùng cao nguyên đất đỏ, cao hơn mặt biển hai nghìn mét (...)

Đến nay đã gần bốn mươi năm, tôi vẫn còn nhớ như in các bạn cùng lớp (...) Trước khi học lái máy bay tiêm kích, chúng tôi đã có vài trăm giờ bay trên máy bay vận tải và trực thăng, tầm tuổi từ 22 đến 23, sức khỏe tuyệt vời (...)

Từ Hải Phòng, sau 15 ngày hành quân bằng tàu hỏa và ô-tô, chúng tôi đến Tường Vân (...) Lúc đó, tôi nhớ là vào cuối năm 1965. Ngày về nước của chúng tôi, nhà trường dự định là cuối năm 1966 (...)

Ở trên cao nguyên, không khí loãng, gió to là điều khó khăn cho học viên (...) Tôi là học viên bay đơn đầu tiên của khóa học. Đề cương để các học viên phấn đấu bay đơn là 25 lần bay kèm (...) Trung bình, phải 50 đến 60 lần bay kèm. Có bạn phải bay kèm trên 100 lần. Tôi còn nhớ, sau khi tôi bay kèm lần thứ 25, đồng chí giáo viên Trung Quốc đã trao đổi với đồng chí Hiệu trưởng về việc có thể cho tôi bay đơn được chưa. Được hỏi, tôi hăng hái trả lời: “Báo cáo bay được”. Nổ máy, đóng buồng lái, tôi theo lệnh chỉ huy bay, cho máy bay lăn ra đường băng, cất cánh. Thật tuyệt vời khi lần đầu tự mình lái một máy bay chiến đấu (...) Vào hàng tuyến hạ cánh, tôi làm đủ động tác theo thứ tự thả càng, thả cánh tà, đối điểm chuẩn, tay ga hợp lý, bảo đảm tốc độ đúng từng vị trí. Máy bay của tôi qua đài gần, chuẩn bị tiếp đất. Thầy Hùng chỉ huy hạ cánh, giọng nhẹ nhàng, nhắc nhở điều cần kiểm tra. Tôi đỡ cần lái hơi ít, máy bay xuống khá nhanh và tiếp đất cách đầu đường băng khoảng một trăm mét, nhảy cao, lao vào đường băng. Tôi bình tĩnh, nghe chỉ huy, hạ cánh an toàn và phanh nhẹ nhàng, máy bay đứng ở cuối đường băng. Xe dắt kéo máy bay về gần đài chỉ huy. Rời máy bay, tôi lên đài chỉ huy báo cáo về chuyến bay đơn đầu tiên không tốt của mình. Tôi nghĩ sẽ bị khiển trách. Nhưng không, đồng chí Hùng nhẹ nhàng hỏi tôi: Có sợ khi máy bay nhảy cao không? Tôi trả lởi: “Tôi không sợ! Xin cho bay tiếp”. Đồng chí Hùng bảo: “Hôm nay thế là đủ rồi, chuẩn bị mai bay tiếp” (...)

Các giáo viên bay là những phi công của Đoàn 921 được cử sang và các đồng chí phi công tiêm kích trong Giải phóng quân Trung Quốc (...) Hàng ngày, ba, bốn giờ sáng, thầy trò đã dậy, đi ăn sáng, chuẩn bị cho ngày bay. Trời vừa rạng, chúng tôi đã cất cánh (...) Sáng bay, chiều giảng bình, chuẩn bị cho ngày bay hôm sau (...)

Cuối lớp học, thầy trò chúng tôi lưu luyến chia tay. Trong đêm tối, chúng tôi bay về nước trên chiếc IL-14 do phi công giỏi nhất của Đoàn bay vận tải 919 lái. Chúng tôi ngồi, lưng mang dù đề phòng gặp địch (...) Mờ sáng hôm sau, máy bay hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Gần một năm trời xa Tổ quốc, giờ đây đất nước đang trong cảnh một mất một còn với quân xâm lược, lòng chúng tôi bồi hồi, xúc động (...)

Các phi công và cán bộ Trung đoàn 923 ra ga đón chúng tôi (...) Chúng tôi được chia đều về cho hai phi đội (...) Phi đội 2 ở lại sân bay Gia Lâm (...) Anh em được biên chế về phi đội 4, sáng sớm hôm sau, lên xe ô-tô hành quân về sân bay Hòa Lạc (...) Chúng tôi ôm nhau chẳng muốn rời, nắm chặt tay trong tay, chúc nhau may mắn và lập công. Kể từ đây, mỗi người một số phận trong chiến tranh. Lớp chúng tôi sẽ không bao giờ còn gặp mặt đông đủ. Sau này, chúng tôi thường gặp nhau trên trời nhiều hơn là ở mặt đất, vì hai phi đội thường chiến đấu hiệp đồng với nhau.

(…)

Cuối năm 1966, nhiều hình đội hình lớn máy bay cường kích - tiêm kích F-105 hiện đại bậc nhất thời bấy giờ bị các chiếc Míc-17 nhỏ bé nện cho những đòn đau. Không quân Mỹ quyết tâm tổ chức đánh trả, hôm ấy cho 12 chiếc F-105 không hề mang một quả bom nào bay vào sân bay Nội Bài. Mỗi chiếc F-105 trang bị 6 tên lửa không đối không, ngoài súng Vun-can 6 nòng với 2.000 viên đạn 20mm. Đội hình do thiếu tá Zen-các-tơ chỉ huy. Chúng bay thành 3 tốp, mỗi tốp 4 chiếc, ven dãy Tam Đảo.

Một biên đội Míc-17 của ta xuất kích. Anh Biên số 1, anh Mẫn số 2 vừa lên đến độ cao 500m đã gặp địch ngay bên trên sân bay. Các tốp F-105 chia ra thành từng đôi, luân phiên vào công kích.

Anh Biên được anh Mẫn yểm hộ, lừa thế, cắt bán kính, đến gần một chiếc F-105, nổ súng liền hai loạt, đạn phủ đầy chiếc “Thần Sấm”. Nó cháy bùng, lao xuống phía tây sân bay.

Mười một chiếc F-105 còn lại liên tục phóng tên lửa, nhưng hai anh đều tránh được. Anh Mẫn tạo thế có lợi, đến gần được một chiếc, còn cách khoảng 300m, anh nổ một loạt dài. Chiếc F-105 này cũng cháy bùng, lộn cổ xuống đất. Anh lại bám theo một chiếc F-105 khác bay phía trước, bắn một loạt, đạn trúng cánh trái. Về sau ta biết đây chính là máy bay của Zen-các-tơ (…) Bọn F-105 hốt hoảng rút lui (…)


(Lê Hải,
Phi công tiêm kích, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004)