“Vì sao địch đột nhiên đưa hầu hết quân cơ động ra tây nam Ninh Bình?”

Có thể thấy ba lý do. Một là “nhằm kìm chân hai Đại đoàn 320 và 304”. Hai là để tỏ ra chủ động vào dịp Ních-xơn qua thăm. Ba là nhằm nhử các đại đoàn chủ lực của ta tới chiến đấu ở một nơi bất lợi cho quân ta.

Ta không dại gì mà đưa đại quân tới đó. Ngược lại, chính nó phải tung lực lượng đi tìm ta, để rút cuộc chỉ gặp sự thực về khả năng mình: “Tướng Na-va đã phải rút ra kết luận (...) quân viễn chinh Pháp kém khả năng chiến đấu nơi địa hình phức tạp và trong những trận tao ngộ chiến” (...) Na-va thú nhận (...) trong bản tường trình 707 ngày 10 tháng 11 năm 1953 gửi Chính phủ Pháp: “Theo ý kiến của tôi, tướng Cô-nhi và tướng Gin, nếu chúng ta đưa lục quân của chúng ta, với chất lượng như hiện thời, ra khỏi một bán kính 10 ki-lô-mét có pháo binh yểm trợ, nếu chạm trán với quân chủ lực của địch thì sẽ bị đánh bại”!

“Điểm hẹn lịch sử” ló dạng rồi đây...

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Điểm hẹn ló dạng...”



Bộ Tổng tham mưu khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Lần đầu, ta có một kế hoạch tác chiến phối hợp trên quy mô hầu hết bán đảo Đông Dương.

Hướng chính Tây Bắc, bước đầu sử dụng Đại đoàn 316 tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc; bước thứ hai, phối hợp giữa Đại đoàn 316 với trung đoàn 148 của khu Tây Bắc (và) Quân giải phóng Pa-thét Lào giải phóng tỉnh Phông Xa Lỳ. Hướng này do các đồng chí Lê Quảng Ba, Chu Huy Mân, Tư lệnh và Chính ủy Đại đoàn 316 phụ trách.

Hướng Trung và Hạ Lào, lực lượng gồm trung đoàn 66 của 304, trung đoàn 101 của 325, do đồng chí Hoàng Sâm, Tư lệnh Đại đoàn 304 và đồng chí Trần Quý Hai, Tư lệnh kiêm Chính ủy Đại đoàn 325 phụ trách, phối hợp với bạn mở rộng vùng giải phóng, đánh thông hành lang nam - bắc Đông Dương (...)

Hướng Tây Nguyên, hai trung đoàn 108 và 803, chủ lực của Liên khu V, do đồng chí Nguyễn Chánh, Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu V phụ trách, sẽ chiếm bàn đạp bắc Tây Nguyên, phá âm mưu củng cố và bình định Nam Việt Nam của địch.

Hướng phối hợp trung du và đồng bằng Bắc bộ, Đại đoàn 320 và các trung đoàn chủ lực của Liên khu III sẽ chiến đấu thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, đánh giao thông, phá hủy các phương tiện vận chuyển đường bộ, đường thủy, đường không.

Ở khắp các vùng tạm chiếm (trên toàn bán đảo Đông Dương) sẽ đẩy mạnh chiến tranh du kích buộc địch phải căng mỏng lực lượng (...)

Khối chủ lực còn lại gồm các Đại đoàn 308, 312, 304 (thiếu trung đoàn 66), Đại đoàn công pháo 351, trung đoàn 246 bí mật giấu quân tại trung du, sẵn sàng cơ động lên Tây Bắc (nếu địch tăng viện cho Lai Châu), và đánh địch tiến công ra vùng tự do. Đại đoàn 325 để lại trung đoàn 18 hoạt động ở Bình Trị Thiên, cho trung đoàn 95 ra Nghệ An chỉnh huấn, làm lực lượng dự bị cho Bộ (...)

Nhưng Na-va đã nhanh chóng ra tay trước.

Ngày 15 tháng 10 năm 1953, địch huy động 6 binh đoàn cơ động, do tướng Gin (Gilles) chỉ huy, mở cuộc hành binh Hải Âu (Mouette) đánh ra tây nam Ninh Bình. Lực lượng này được tổ chức thành hai đại đoàn nhẹ, một do Đờ Cát-xtơ-ri (De Castries), một do Va-nuy-xem (Vanuxem) chỉ huy (...)

Cũng trong ngày, một cuộc hành quân thứ hai mang tên Bồ Nông (Pélican) được hải quân Pháp tiến hành tại vùng biển Thanh Hóa. Hàng không mẫu hạm A-rô-măng-sơ (Arromanches) và nhiều tàu chiến khác xuất hiện ngoài khơi. Ngày 16, địch đổ bộ xuống bờ biển Thanh Hóa 500 quân và tung một bộ phận biệt kích vào đốt phá ở Khoa Trường (...) Từ đầu tháng 10, địch đã có nhiều hoạt động chiến tranh tâm lý ở Liên khu IV. Máy bay thả giấy thông hành cho những ai muốn trở về vùng tạm chiếm và dùng loa phóng thanh loan tin quân Pháp sẽ tiến công Thanh Hóa (...)

Trên địa bàn Liên khu IV lúc này chúng ta có các đại đoàn 320. 304 và một trung đoàn của 316 (...) Nhưng có đúng là địch muốn chiếm Thanh Hóa không? (...) Trong khi chờ đợi những diễn biến mới ở tây nam Ninh Bình, Bộ Tổng tư lệnh quyết định chỉ sử dụng Đại đoàn 320 đang có mặt tại chỗ để đối phó với quân địch, các đại đoàn khác vẫn tiếp tục chỉnh huấn theo kế hoạch.

Sự điều động binh lực lúc này cần hết sức cân nhắc (...) Ta đã biết trong mùa khô 1953-1954, Na-va chủ trương duy trì thế phòng ngự chiến lược tại Bắc bộ (...) Vì sao địch đột nhiên đưa hầu hết quân cơ động ra tây nam Ninh Bình? (...)

Quân địch đổ bộ xuống bờ biển Thanh Hóa (...) đã nhanh chóng rút lui (...) Ở tây nam Ninh Bình, các đơn vị của địch không tiến quá 10 ki-lô-mét ngoài tầm kiểm soát của pháo binh. Âm mưu của Na-va đã lộ rõ (...) chỉ nhằm kìm chân hai Đại đoàn 320 và 304 (...) Ta tiếp tục chuẩn bị thực hiện kế hoạch Đông Xuân 1953-1954 (...)

Sáng ngày 22 tháng 10 (...) quân địch (...) chia làm ba mũi tiến về thị trấn Nho Quan (...) Các trung đoàn 52, 64 của 320 sử dụng một số đơn vị nhỏ phối hợp với dân quân du kích mai phục tại nhiều làng, liên tục chặn đánh tiêu hao nặng quân địch, khiến chúng phải tiến quân rất dè dặt, đến chiều tối mới tới được thị trấn Nho Quan không người. Ngày 24, một cánh quân Pháp có 20 xe tăng và xe bọc thép đi kèm, từ Rịa đánh thọc về phía Phủ Đồi - Trại Ngọc. Một đại đội thuộc trung đoàn 48 đã thực hiện một trận phục kích xuất sắc, bắn hỏng bảy xe tăng và xe bọc thép, bốn xe vận tải, loại khỏi vòng chiến đấu gần hai trăm tên địch, bẻ gãy mũi tiến công. Ngày 25 tháng 10, bốn tiểu đoàn bộ binh có pháo binh và thiết giáp hùng hậu yểm hộ, từ khu vực Ghềnh mở cuộc càn quét về phía Bỉm Sơn - Quý Hương, nơi chúng nghi là căn cứ của 320. Sau ba ngày hành quân lùng sục không kết quả, địch rút lui, bí mật bố trí một tiểu đoàn lê-dương và một tiểu đoàn ngụy Thái ở lại hòng phục kích quân ta. Một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 48 bám sát địch suốt mấy ngày qua, lợi dụng lúc địch đang dồn quân, đội hình lộn xộn, xông ra tập kích. Bị đánh bất ngờ, quân địch hoảng sợ tháo chạy. Tiểu đoàn truy kích về phía Giốc Giàng. Một đại đội của trung đoàn 64 kịp thời đến tăng viện. Máy bay địch bắn cản đường quân ta. Các đơn vị phòng không của đại đoàn nổ súng đánh trả quyết liệt. Sau ba giờ chiến đấu, quân ta tiêu diệt hai tiểu đoàn địch ở khu vực Sòng Cạn - Giốc Giàng, bắn rơi một máy bay khu trục ở Trại Ngọc (...)

Ngày 2 tháng 11, quân Pháp lại tung bảy tiểu đoàn mở cuộc hành quân lên Nho Quan lần thứ hai. Đây là một hoạt động để đón chào phó tổng thống Mỹ Ních-xơn. Sợ bị ta phục kích như lần trước, chúng tiến rất chậm (...) Sáng ngày 3, hai tiểu đoàn đi bảo vệ sườn trái của đoàn quân (...) bị ta phục kích. Mặc dầu quân địch có máy bay, pháo binh yểm hộ, sau 45 phút chiến đấu, bộ đội ta diệt gọn hai đại đội, đánh tan một đại đội khác.

Ngày 4 tháng 11 năm 1953, Ních-xơn tới thăm mặt trận (...)

Sau hơn 20 ngày, hàng ngàn quân bị loại khỏi vòng chiến đấu mà không gặt hái được gì, Na-va buộc phải ra lệnh rút lui (...)

Thất bại của cuộc hành binh Hải Âu khiến Na-va bắt đầu lo ngại. Ký giả Pháp Rô-côn (Pierre Rocolle) viết: “Tướng Na-va đã phải rút ra kết luận (...) quân viễn chinh Pháp kém khả năng chiến đấu nơi địa hình phức tạp và trong những trận tao ngộ chiến” (...) Na-va thú nhận (...) trong bản tường trình 707 ngày 10 tháng 11 năm 1953 gửi Chính phủ Pháp: “Theo ý kiến của tôi, tướng Cô-nhi và tướng Gin, nếu chúng ta đưa lục quân của chúng ta, với chất lượng như hiện thời, ra khỏi một bán kính 10 ki-lô-mét có pháo binh yểm trợ, nếu chạm trán với quân chủ lực của địch thì sẽ bị đánh bại”.

*

Trung tuần tháng 11 năm 1953, theo kế hoạch, một bộ phận của Đại đoàn 316 từ địa điểm trú quân tại Thanh Hóa bắt đầu tiến lên Tây Bắc. Đây là cơ quan chỉ huy đại đoàn cùng với trung đoàn 174 đã về Thanh Hóa chỉnh huấn sau chiến dịch Thượng Lào. Hai trung đoàn còn lại của 316 thì vẫn ở Tây Bắc (...)

Hội nghị cán bộ phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch Đông Xuân 1953-1954 được Bộ Tổng tư lệnh triệu tập ngày 19 tháng 11 năm 1953 tại Đồng Đau, huyện Định Hóa, Thái Nguyên (...)

Mấy ngày trước đó, Cục 2 nhận được tin địch đang điều động tập trung các đơn vị nhảy dù. Hội nghị họp sang ngày thứ hai thì trinh sát từ Phú Thọ báo cáo phát hiện nhiều tốp máy bay bay về phía Tây Bắc. Ngày 19, bộ phận đi chuẩn bị chiến trường ở Tây Bắc điện về, máy bay trinh sát địch lượn trên bầu trời Điện Biên Phủ.

Tối ngày 20, tôi nhận được tin một số tiểu đoàn dù của Pháp đã nhảy xuống Điện Biên Phủ (...) Cuộc hội ý Tổng quân ủy được triệu tập ngay. Chúng tôi nhận định: Địch đã phát hiện 316 đang tiến quân lên Tây Bắc (...) nên đưa lực lượng lên đối phó (...) Cần xúc tiến việc đánh Lai Châu, không để cho quân địch đóng ở Lai Châu co về Điện Biên Phủ (...)

Hội nghị sắp kết thúc thì Bác tới. Người (...) nhất trí với phương hướng và kế hoạch tác chiến của Trung ương (...)

Chỉ huy các chiến trường đều phấn khởi nhận nhiệm vụ (...) Riêng anh Nguyễn Chánh, Tư lệnh Liên khu V, tỏ vẻ băn khoăn. Anh Chánh nói ở Liên khu V đã được phổ biến tin mùa khô này địch sẽ đánh chiếm các tỉnh tự do ở đồng bằng (...) Tôi biết đây là vấn đề tâm lý không dễ giải quyết. Đảng bộ và lực lượng vũ trang (...) gắn bó chặt chẽ với dân. Bây giờ địch tới mà bộ đội chủ lực lại không có mặt (vì phải lên đánh bắc Tây Nguyên)! Nhưng Bộ Chính trị đã tính toán kỹ, mở cuộc tiến công lên Tây Nguyên là cách tốt nhất để bảo vệ vùng tự do Liên khu V. Tôi bàn với anh Chánh cố gắng làm cho Liên khu ủy thông suốt chủ trương này (...)

Trong buổi kết luận hội nghị ngày 24 tháng 11 năm 1953, tôi nói: “(...) Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta...”.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 879-887)