“Quân số cũng như trang bị (của bộ đội) đã tới giới hạn”. Giới hạn là khả năng cung cấp lương thực rất khiêm tốn của vùng tự do chủ yếu là rừng núi. Và giới hạn là mức viện của bạn tương đối cũng rất khiêm! Dân quân, du kích có thể đông đảo vì tự túc về cả lương thực lẫn trang bị. Nhưng khả năng chiến đấu giới hạn hơn nhiều.

Quân nó đã đông lắm, nhưng vì nhu cầu chiếm đóng, cần phải đông hơn nữa mới có hy vọng tiêu diệt được chủ lực ta. Giải pháp hiển nhiên: phát triển ngụy binh!

Con nhím Nà Sản biến mất làm cho kế hoạch Đông Xuân 1953-54 thiếu trọng tâm. Cho nên ta phải đặc biệt linh hoạt, sẵn sàng chuyển hướng khi trọng tâm xuất hiện...

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Kế hoạch Đông Xuân 1953-1954”



Hăng-ri Na-va tới Sài Gòn ngày 9 tháng 5 năm 1953. Từ khi bắt đầu chiến tranh, nước Pháp đã bảy lần bổ nhiệm tổng chỉ huy đội quân viễn chinh (...) Na-va là tướng bốn sao, 55 tuổi (...)

Trước khi vào mùa khô 1953-1954 (...) Tổng quân số của địch là 443.000 người, gồm 146.000 quân Âu Phi và 299.000 quân ngụy. Tổng quân số của ta là 252.000 người (...) gồm 6 đại đoàn, 18 trung đoàn và 19 tiểu đoàn (số quân còn lại là bộ đội địa phương) (...)

Thời gian trước mắt, quân số cũng như trang bị của lực lượng ta đã tới giới hạn. Về phía địch (...) còn khả năng tăng quân số (và có thêm) phương tiện chiến tranh (Mỹ sẽ viện trợ) (...)

Tuy nhiên, bên cạnh bộ đội chủ lực và địa phương, trên cả nước ta có khoảng hai triệu dân quân, du kích. Đây là lực lượng nửa vũ trang, chủ yếu bám sát các làng xã, thị trấn, thành phố ở vùng tạm bị chiếm và vùng tranh chấp, đối phó với bộ máy và lực lượng đàn áp, kìm kẹp của địch, chống càn, hỗ trợ đắc lực cho bộ đội trong các trận đánh (và) là nguồn bổ sung vô cùng quý giá cho bộ đội (...)

Địch tuy có ưu thế vượt trội về binh lực, nhưng chiến tranh nhân dân của ta đã làm cho quân địch phải phân tán (...)

Na-va chủ trương xúc tiến (...) phát triển các “quân đội quốc gia” (...) Đây là cách duy nhất giúp Pháp giải quyết vấn đề quân số thiếu hụt (nhằm) giành được một thắng lợi quân sự quyết định (...)

Các phái đoàn quân sự Mỹ liên tiếp đến Sài Gòn, đốc thúc, giám sát việc thực hiện kế hoạch. Viện trợ quân sự Mỹ cho Pháp đã chiếm 73% chi phí chiến tranh Đông Dương (...)

*

Trong mùa hè và mùa thu, các đại đoàn chủ lực tiếp tục học tập chiến thuật công kiên và đánh vận động.

Về công kiên (...) Từ những kinh nghiệm đã thu được (...) kết hợp với những kinh nghiệm của bạn, đặc biệt là chiến dịch Hoài Hải, chúng ta nhận thấy có hai cách đánh tập đoàn cứ điểm. Một là, dùng toàn bộ lực lượng đánh cùng một lúc: một mũi đột kích mạnh thọc sâu vào tới tận sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm, tạo rối loạn ở bên trong, trong khi những mũi khác nhằm những hướng địch sơ hở, đánh đồng thời, tạo rối loạn ở bên ngoài. Ta gọi đó là cách “đánh nhanh giải quyết nhanh”. Hai là, tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng, từng cứ điểm từ ngoài vào trong, thu hẹp phạm vi chiếm đóng cho tới lúc địch không còn sức kháng cự. Cách đánh này (...) gọi là “đánh chắc tiến chắc” hoặc “đánh bóc vỏ” (...) Muốn giải quyết một tập đoàn cứ điểm như Nà Sản, ngoài việc rèn luyện bộ đội, tìm ra chiến thuật thích hợp, ta cần phải có sự trợ lực của trọng pháo và cao xạ để giảm nhẹ thương vong của bộ đội (...) Trung đoàn lựu pháo 105 ly đầu tiên của ta, gồm 24 khẩu pháo Mỹ với 3.600 viên đạn, đã có mặt ở Bắc Mục, Tuyên Quang, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu. Việc vận chuyển trọng pháo từ Vân Nam về Việt Bắc phải dùng bè đi theo sông Hồng qua nhiều ghềnh thác (...) Trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, do Liên Xô trang bị, mới thành lập hồi tháng 9 năm 1953, đến cuối năm mới có thể có mặt (...)

Về đánh vận động, học tiến công địch (...) có máy bay, pháo binh, cơ giới yểm hộ chặt chẽ (...) luyện tập đánh cả ban đêm và ban ngày.

Sau thời gian học tập, bắt đầu vào mùa khô, các đơn vị đều nóng lòng chờ lệnh lên đường (...)

Ngày 12 tháng 8 năm 1953, tôi nhận được báo cáo quân địch đã rút khỏi Nà Sản. Một tin hoàn toàn bất ngờ! Toàn bộ quân địch rút bằng đường không cách đó ba ngày. Địch đã khéo nghi binh đánh lừa ta. Thấy máy bay vận tải xuất hiện nhiều, bộ đội đóng chung quanh Nà Sản lại tưởng lầm địch tăng cường lực lượng để đối phó với cuộc tiến công sắp tới. Na-va giành thắng lợi đầu tiên bằng một cuộc rút lui. Về sau chúng ta mới biết lý do khiến Nà Sản không được duy trì: qua chiến dịch Sầm Nưa, địch đã thấy tập đoàn cứ điểm này không có khả năng ngăn chặn các đại đoàn chủ lực của ta tiến sang Thượng Lào (...)

(Vậy Đông Xuân này) đánh địch ở đâu? (...) Ta chưa thể mở một cuộc tiến công lớn ở đồng bằng, nơi hiện nay Na-va đã tập trung một lực lượng cơ động lớn chưa từng có từ khi khởi đầu chiến tranh, phòng tuyến boong-ke của Đờ Lát tuy không ngăn cản được bộ đội ta thâm nhập nhưng vẫn gây khó khăn trong những trận đánh lớn, và ta chưa có khả năng hạn chế sức mạnh của máy bay và pháo địch (...) Còn ở rừng núi? Hiện nay trên toàn bộ vùng thượng du phía bắc, chỉ có hai ngàn quân địch ở Lai Châu. Không cần tới một lực lượng lớn để tiêu diệt số quân này. Có thể mở tiếp một chiến dịch ở Thượng Lào? Nhưng sau khi giải phóng Sầm Nưa, tuyến đường tiếp tế vốn đã xa lại càng xa. Và cũng không thể đưa phần lớn các đại đoàn chủ lực của ta sang Thượng Lào, trong lúc già nửa số quân cơ động của Na-va đang tập trung ở đồng bằng sẵn sàng khai thác mỗi sơ hở ở hậu phương ta! (...)

Cuối tháng 8 năm 1953, Bộ Tổng tham mưu báo cáo với Tổng quân ủy một bản kế hoạch tác chiến với bốn nhiệm vụ: 1. Đẩy mạnh chiến tranh du kích ở địch hậu nhằm phá tan âm mưu bình định của địch, phá kế hoạch mở rộng quân ngụy. 2. Bộ đội chủ lực (...) có thể tác chiến lớn (hơn trước) trên chiến trường đồng bằng để rèn luyện bộ đội. 3. Bố trí lực lượng tiêu diệt địch khi chúng đánh ra vùng tự do. 4. Tăng cường hoạt động ở hướng Tây Bắc (Lai Châu), Thượng Lào và các chiến trường khác để phân tán chủ lực địch (...)

Đây là phác thảo đầu tiên của kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 (...)

*

Một buổi sáng đầu tháng 10 năm 1953, tôi từ cơ quan Bộ Tổng tư lệnh đi dự cuộc họp bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 do Bộ Chính trị triệu tập (...)

Từ Điềm Mạc (...) đi ngựa (...) Nửa buổi sáng, tới Tỉn Keo, một bản của thôn Lục Giã, nằm ở chân núi (...) Lên một đoạn dốc không dài, đã nhìn thấy ngôi nhà tre nhỏ lấp ló bên sườn núi, giữa rừng vầu. Bác ở Khuổi Tát, một bản người Dao, tận trên đỉnh núi. Ngôi nhà này là nơi Bác thường đến họp với Bộ Chính trị. Từ năm 1951, phần lớn các cơ quan Trung ương đều ở Định Hóa, Thái Nguyên (...) Máy bay địch săm soi, đánh phá nhiều lần vẫn không trúng (...) Chắc chúng không ngờ “chùa rách bụt vàng”, những bản làng nghèo nàn, vắng vẻ này lại chứa đựng bộ phận đầu não của kháng chiến.

Những cánh cửa sổ bằng nứa đã được chống cao. Trong nhà có một bàn tre rộng và mấy chiếc ghế ghép bằng ống bương. Ngồi đây nhìn thấy cánh đồng bậc thang dưới chân núi. Giữa cánh đồng nổi lên một cây cổ thụ. Mỗi lần về họp, nhìn thấy cái cây như gặp lại người quen. Sau hai cuộc kháng chiến, tôi trở lại Tỉn Keo. Quanh nền nhà cũ, hàng bông bụt vẫn đơm hoa. Nhưng giữa cánh đồng, cây cổ thụ không còn. Nó đã bị nước cuốn trôi trong một mùa lũ.

Chốc lát, Bác, anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng cùng tới. Anh Nguyễn Chí Thanh và anh Trần Đăng Ninh không tới họp được vì đang bị mệt (...) Cuộc họp này có triệu tập thêm anh Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng.

Tôi bắt đầu trình bày tình hình địch từ tháng 5 năm 1953 (xem ở trên)

Tôi báo cáo tiếp. Gần đây, có thêm nguồn tin của bạn, chúng ta đã nắm được những ý đồ của Pháp và Mỹ trong kế hoạch Na-va. Mùa khô này, Na-va chủ trương tiến hành bình định ở nam Việt Nam, tránh giao chiến với chủ lực ta trên chiến trường Bắc bộ (...) Đồng thời (...) ra sức tranh thủ xây dựng lực lượng cơ động lớn mạnh để thực hiện ý đồ đè bẹp các đại đoàn chủ lực của ta trong một trận đánh quyết định vào mùa khô sau (...)

Tổng quân ủy đề nghị (...) Trên chiến trường Bắc bộ, ta sẽ (...) tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu và uy hiếp quân địch ở Thượng Lào. Hướng thứ hai, là Trung Lào. Hướng thứ ba, là Hạ Lào. Ta sẽ đề nghị Quân giải phóng Pa-thét Lào phối hợp với bộ đội Việt Nam mở cuộc tiến công theo hai hướng này, nhằm tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai. Hướng thứ tư, là bắc Tây Nguyên. Vùng tự do ba tỉnh Liên khu 5 (ba tỉnh nào trong bốn tỉnh tự do Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên?) sẽ là mục tiêu chính của những cuộc tiến công đánh chiếm của địch trong mùa khô này. Ta sẽ mạnh dạn đưa phần lớn bộ đội chủ lực của Liên khu V đánh lên vùng rừng núi bắc Tây Nguyên. Đây chính là biện pháp vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa bảo vệ vùng tự do Liên khu V một cách hiệu quả. Với các chiến trường Nam bộ, cực nam Trung bộ và chiến trường sau lưng địch ở đồng bằng Bắc bộ, phải đẩy mạnh chiến tranh du kích, vừa kìm chân địch, vừa tranh thủ tiêu diệt sinh lực địch trong khi chúng phải điều quân cơ động đi đối phó ở các hướng khác. Tại chiến trường chính Bắc bộ, ta sẽ có kế hoạch bảo vệ vùng tự do, giấu một số đơn vị mạnh ở những vị trí then chốt, kịp thời tiêu diệt địch khi chúng đánh ra... Chỉ cần phá vỡ thế tập trung binh lực của địch là ta đã làm thất bại về cơ bản kế hoạch Na-va.

Bác hỏi:

- Dự kiến đưa quân lên Tây Bắc thì địch sẽ phản ứng ra sao?

- Chúng có thể tăng cường lực lượng giữ Tây Bắc, hoặc đánh ra vùng tự do để kéo quân ta về. Chúng cũng có thể rút quân khỏi Lai Châu, như vậy toàn bộ Tây Bắc sẽ được giải phóng.

- Các hướng khác có khả năng thu hút quân cơ động địch không?

- (Cũng toàn là) những hướng xung yếu mà địch không thể bỏ (...) Lúc này ta còn phải nghiên cứu để nắm được những điểm cụ thể trong âm mưu mới của địch, nên phương châm chỉ đạo tác chiến là: cơ động, linh hoạt.

Hội nghị Bộ Chính trị góp nhiều ý kiến quan trọng (...) trước khi thông qua bản đề án tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của Tổng quân ủy.

Bác nói khi kết thúc hội nghị:

- (…) Về hướng hoạt động lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là phối hợp (…) nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải “thiên biến vạn hóa”.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 867-878)