Trong thời Bắc thuộc người Tàu không truyền Nho giáo ở ta. Sau khi ta giành lại được độc lập thì suốt mấy triều đại đầu quyền lực chính trị thuộc về Phật giáo. Đến đời Lê, Nho giáo mới được mời giữ vai quốc giáo. Khi ấy, Nho giáo đã trở thành Tân Nho giáo mới xuất hiện vào đời Tống, hàng mười lăm thế kỷ sau Khổng Tử. Khổng Tử hoàn toàn tập trung vào chuyện nhân sinh, “kính nhi viễn chi” chuyện vũ trụ. Nho giáo của Khổng Tử thuần túy là một xã thuyết. Trong khi Tân Nho giáo có chứa cả triết lý của Lão, Phật. Sau đây là ý kiến của nhà nho Lê Quý Đôn về một vấn đề mà Khổng Tử không hề quan tâm. (Thu Tứ)



Lê Quý Đôn, “Khí và Lý”




Lê Quý Ðôn có một vũ trụ luận rất đặc sắc, nó giải quyết các vấn đề Vô cực và Thái cực, Hư Khí và Lý Khí một cách gọn gàng, hẳn hoi và dứt khoát.

Lê Quý Ðôn không nói Vô cực mà chỉ nói Thái cực:

"Thái cực là một, nó là một khí hỗn nguyên..., một mở một khép gọi là biến, qua lại không cùng gọi là thông, khép lại là vô, mở ra là hữu, qua rồi là vô, đang đến là hữu, thấu xưa đến nay không có lúc nào là không tồn tại... Như thế mà bảo rằng "hữu sinh ư vô" (cái hữu là từ cái vô mà sinh ra) thì có được không?"

"Hữu sinh ư vô" là chữ của Lão Tử. Trong vấn đề "hữu vô" của triết học, Lê Quý Ðôn đứng hẳn về bên "hữu", cho nên bác truất cái mệnh đề "hữu sinh ư vô" của Lão Tử, và cả cái phạm trù Vô cực cũng của Lão Tử.

(...)

Thái cực là Khí, mà khí là vật chất. Khí hỗn nguyên là cái vật chất bao gồm tất cả mọi sự vật và có trước mọi sự vật, vì nó là điều kiện sinh thành của mọi vật. "Ðầy dẫy giữa khoảng trời đất đều là khí cả".

(...)

Khí là vật chất, thế thì Lý là gì, quan hệ giữa Lý và Khí như thế nào?

(...) Lê Quý Ðôn cho rằng không thể đối lập Lý và Khí được:

"Ðầy dẫy trong khoảng trời đất đều là Khí cả. Còn chữ Lý, thì chỉ để mà nói rằng nó (Khí) là thực hữu, chứ không phải là vô. Lý không có hình tích, nhờ Khí mới nhận ra được, Lý ở ngay trong Khí. Âm và dương, chẵn và lẻ, tri và hành, thể và dụng thì có thể cặp đôi được, chứ Lý và Khí thì không thể cặp đôi được."

Lê Quý Ðôn (...) sáp nhập Lý vào trong Khí, đem Lý làm một thuộc tính của Khí. Cái thuộc tính ấy là gì? Nếu dùng thuật ngữ ngày nay thì đó là quy luật tính. Lý là quy luật tính của Khí, của vật chất. Lê Quý Ðôn không dùng những danh từ quy luật, định luật, nhưng trong tư tưởng của ông đã có những khái niệm ấy.


(Cao Xuân Huy,
Tư tưởng phương Ðông - gợi những điểm nhìn tham chiếu, nxb. Văn Học, 1995)