“Chiến dịch Thượng Lào đã hoàn thành tất cả những mục tiêu đề ra (...) Chưa bao giờ (...) ta giành được chiến thắng lớn với số thương vong ít như trong chiến dịch này”. Đó là nhờ quân địch hầu hết là ngụy Lào, cứ gặp bộ đội ta là “tháo chạy hỗn loạn”!

“Đánh Sầm Nưa là cuộc tổng diễn tập để đánh Nà Sản”. Vì địch hóa chuột ngay từ đầu, ta đã không có cơ hội để tập đánh công kiên một tập đoàn cứ điểm.

Nhưng về công tác hậu cần và nhiệm vụ truy kích, thì cán bộ, chiến sĩ, dân công ta đã được dịp tập thật là to: “Lần đầu đặt chân lên nước bạn, không biết đường đi lối lại, không biết tiếng nói địa phương, địa hình rừng núi hiểm trở (...) bộ đội ta chỉ lần theo vết giày đinh, phát cây mở đường mà đi, bất chấp nắng mưa (...) bất chấp đói khát, đã hoàn thành nhiệm vụ. Dân công vận tải, chuyển thương bám sát các đơn vị đã dành từng nắm gạo rang, từng bi-đông nước cho bộ đội trên đường đuổi địch. Thật hạnh phúc cho dân tộc đã có được những người con như vậy trong chiến tranh!”.

(Trong thư đề ngày 5 tháng 3 năm 1953) Bác viết: “(...) Giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình (...)”. Cái ý đặc biệt quan trọng này Hồ Chủ tịch đã có từ lâu và sẽ còn nhắc lại nữa.
(Thu Tứ)



“Chiến dịch Thượng Lào 1953”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp




Chiến dịch Tây Bắc kết thúc sớm hơn dự kiến. Lực lượng ta tuy bị tiêu hao, nhưng việc bổ sung không khó khăn lắm, đa số (chiến sĩ không còn chiến đấu được) là thương binh có thể trở lại đơn vị sau một thời gian điều trị. Bộ đội ta hoàn toàn đủ sức mở tiếp một chiến dịch nữa trước mùa mưa. Chúng ta cần duy trì thế tiến công liên tục để ngăn địch tái chiếm Tây Bắc, càn quét lớn ở đồng bằng hoặc đánh ra vùng tự do.

Chiến dịch Tây Bắc mở ra một phương hướng mới. Với 80% đất đai Tây Bắc giải phóng, những con đường từ đây sang Thượng Lào đều được giải tỏa. Từ lâu, chúng ta đã nghĩ tới việc giúp bạn mở rộng căn cứ du kích ở Thượng Lào thành một khu giải phóng, nơi đứng chân của Chính phủ Kháng chiến Lào. Nay đã có điều kiện. Một mặt trận mới mở ra trên đất bạn sẽ buộc địch phải phân tán quân để đối phó, lún sâu hơn vào thế bị động. Kết thúc chiến dịch Tây Bắc, tôi đã bàn vấn đề này với anh Nguyễn Chí Thanh, rồi chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu khi về tới Việt Bắc phải gấp rút nghiên cứu nắm tình hình địch và binh yếu địa chí Thượng Lào để trình với Tổng Quân ủy.

Thượng Lào gồm 6 tỉnh: Luông Pha Băng, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Phông Xa Lỳ, Huội Sài, rộng khoảng 135.000 ki-lô mét vuông với khoảng một triệu dân. Thượng Lào chia làm hai vùng: vùng rừng núi ở phía đông giáp với Tây Bắc nước ta, vùng đồng bằng ở phía tây, dọc theo lưu vực sông Cửu Long. Thượng Lào với phía bắc Việt Nam núi liền núi, sông liền sông, hai con sông Mã, sông Chu đều từ Sầm Nưa chảy về Thanh Hóa. Có nhiều con đường đưa sang Thượng Lào: đường số 6 từ Hòa Bình đi Mộc Châu, Pa Háng, Sầm Nưa, đường ngựa thồ từ Sơn La qua Sốp Nạo, đường từ Thanh Hóa qua Sốp Nạo, đều tới Sầm Nưa, đường số 7 từ Vinh đi Xiêng Khoảng, đường từ Điện Biên Phủ qua Tây Trang đi Mường Khoa, Luông Pha Băng. Về quân sự, Thượng Lào được chia thành: khu thượng lưu sông Cửu Long, khu Trấn Ninh, và địa hạt quân sự Phông Xa Lỳ.

Quân ngụy Lào chiếm 90% tổng số binh lực địch ở Lào, chất lượng thấp, không có khả năng đương đầu với bộ đội chủ lực ta. Quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào được tổ chức thành 3 đoàn công tác, mỗi đoàn có từ 4 đến 6 đại đội, phân tán hoạt động tại Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và Luông Pha Băng. Lực lượng của bạn Lào có khoảng 1.500 người (…) chia ra hoạt động ở các tỉnh, chỉ có từ 2 đến 3 đại đội tập trung. Bộ chỉ huy Pháp vẫn coi Thượng Lào là một sân sau an toàn. Sau chiến dịch Tây Bắc, địch đã chú ý hơn trước, tăng cường cho Sầm Nưa 2 tiểu đoàn, đưa quân số ở đây lên 3 tiểu đoàn, và xây dựng thị xã Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm nhỏ. Khu vực Cánh Đồng Chum ở Xiêng Khoảng cũng được tăng thêm một tiểu đoàn.

Ngày 2 tháng 2 năm 1953, Tổng quân ủy nhất trí mở chiến dịch Xuân Hè 1953 ở Thượng Lào. Tổng Quân ủy đề nghị với Bộ Chính trị và Bác cho phối hợp với các bạn Lào mở một chiến dịch ở Sầm Nưa nhằm tiêu diệt từ 2.000 đến 3.000 quân địch, giúp Chính phủ Kháng chiến Lào xây dựng hậu phương cho kháng chiến, buộc địch phân tán lực lượng cơ động, ngăn chặn âm mưu địch vãn hồi tình hình ở Tây Bắc và bình định đồng bằng Bắc bộ.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Chính phủ Kháng chiến Lào nhiệt liệt tán thưởng chủ trương của ta, hứa tích cực phối hợp để giành toàn thắng cho chiến dịch. Cuối tháng 2, nhiều đoàn cán bộ Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Cung cấp và các đơn vị tham gia chiến dịch lên đường trinh sát địa hình, chuẩn bị chiến trường và hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến.

Thị xã Sầm Nưa nằm trong một thung lũng nhỏ giữa vùng rừng núi, địa hình giống như Hòa Bình tuy đồi núi xung quanh không cao bắng, cây cối ít rậm rạp hơn. Ở đây trước chỉ có một đồn chính, đồng thời là sở chỉ huy khu, với 3 đại đội khố đỏ chủ yếu là người Lào. Sau khi được tăng cường, Sầm Nưa có 3 tiểu đoàn, gồm tiểu đoàn dù Lào số 1, tiểu đoàn bộ binh Lào số 5, tiểu đoàn biệt kích Lào số 8 và một số lính Pháp. Quân số tổng cộng khoảng 1.700 người, do viên quan tư Man-lơ-plát (Maleplatt) chỉ huy. Rút kinh nghiệm ở Nà Sản, địch đóng thêm 10 vị trí trên những điểm cao chung quanh thị xã, xây dựng công sự kiên cố có hàng rào dây thép gai bao quanh và một hệ thống giao thông hào nối liền các vị trí. Chúng chặt nhiều cây cối để mở rộng tầm nhìn. Địch sửa chữa sân bay dã chiến ở Nà Thông và bãi nhảy dù ở Nà Viêng, Man-lơ-plát thường xuyên cho quân càn quét các vùng chung quanh, tung biệt kích thăm dò lực lượng và hướng tiến công của ta.

Sầm Nưa thực sự là một tập đoàn cứ điểm nhỏ. Đánh Sầm Nưa chính là cơ hội tốt cho bộ đội ta tập dượt để tiêu diệt Nà Sản sau này.

Trở ngại trước mắt vẫn là vấn đề tiếp tế. So với Nà Sản thì đường tiếp tế từ hậu phương tới Sầm Nưa dài gấp đôi. Hệ thống đường sá ở nước bạn còn ít phát triển hơn ở ta. Một số đường lớn trước đây xe chạy được, nay đều hư hỏng nặng. Ở miền núi hầu hết là những đường mòn, đèo dốc nối tiếp. Tổng cục Cung cấp lập một hệ thống kho tàng, bến bãi trên tuyến đường dài hơn 600 ki-lô-mét từ Lạng Sơn qua Suối Rút, Mộc Châu, Sốp Hào tới Sầm Nưa. Công binh dùng thuốc nổ phá thác ở tuyến thượng lưu sông Mã. Đồng bào địa phương khiêng rất nhiều thuyền nan vượt núi tới Mộc Châu, qua biên giới thả xuống Sốp Hào để chở hàng vào gần Sầm Nưa. Trong chiến dịch này chúng ta đã huy động 80 xe ô-tô, khoảng 90 thuyền các loại, 2.000 xe đạp thồ, 180 ngựa thồ, ngoài lực lượng dân công dùng quang gánh. Các bạn Lào hứa sẽ tích cực vận động nhân dân, huy động tối đa lương thực tại chỗ. Bạn cho biết năm nay tỉnh Sầm Nưa được mùa, riêng huyện Xiềng Khọ có thể huy động 200 tấn gạo, nhưng ta phải chuẩn bị muối để đổi cho dân.

Một khó khăn nữa là vấn đề giữ bí mật. Nếu hướng chiến dịch bị lộ sớm, địch có thể tăng cường thế phòng ngự ở Sầm Nưa, đóng thêm một số cứ điểm. Nếu địch biến Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm lớn, hoặc rút chạy, thì sẽ là khó khăn thực sự đối với chiến dịch. Về vấn đề này cũng có chỗ thuận lợi là địa bàn mở chiến dịch vẫn nằm trên hướng tây bắc. Bộ Tổng tham mưu xây dựng một kế hoạch nghi binh đánh Nà Sản từ ba hướng: sông Đà vào, Sơn La xuống, Yên Châu lên. Mọi hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch từ hậu phương lên tới Cò Nòi, nếu lộ, có thể địch vẫn nghĩ nhầm là ta chuẩn bị đánh Nà Sản. Chỉ cần hết sức giữ bí mật trên đoạn đường từ Cò Nòi sang Sầm Nưa. Kế hoạch nghi binh sẽ được Đại đoàn 316 tiến hành vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 trước ngày mở màn chiến dịch Sầm Nưa.

Ở hướng chính Sầm Nưa, ta sử dụng 6 trung đoàn, gồm toàn bộ Đại đoàn 308, hai trung đoàn của 312 và trung đoàn 98 của 316. Dự bị cho hướng này là trung đoàn 174 của 316 đang làm nhiệm vụ bảo vệ Mộc Châu. Binh chủng phối thuộc có 4 đại đội sơn pháo 75 ly (12 khẩu), 3 đại đội súng cối 120 ly (12 khẩu), 2 tiểu đoàn trọng liên phòng không 12 ly 7, một tiểu đoàn công binh và một đại đội trinh sát.

Về chiến thuật, bộ đội sẽ dùng lối bôn tập chiến dịch, từ xa ập tới bao vây toàn bộ quân địch, khống chế sân bay, bãi thả dù không cho tăng viện, nhổ những điểm cao quan trọng ở ngoại vi, đánh sâu vào tung thâm, chia cắt quân địch để tiêu diệt.

Hướng phối hợp là Điện Biên Phủ. Trung đoàn 148 đảm nhiệm hoạt động tại khu vực sông Nậm Hu, đánh nhỏ ăn chắc, trường hợp thuận lợi thì mạnh dạn khuếch trương chiến quả.

Hướng Mộc Châu, Yên Châu, trung đoàn 165 của 312 sẽ dùng các hình thức biệt kích, tập kích vào trận địa pháo binh, sở chỉ huy địch ở Nà Sản, phục kích các đoàn xe, cùng với trung đoàn 174 của 316 kiên quyết không cho địch chiếm lại Mộc Châu.

Hướng thứ yếu là Xiêng Khoảng. Đại đoàn 304 sẽ đưa 2 trung đoàn theo đường số 7 tiến sang Lào, tiêu diệt các vị trí Noọng Hét, Bản Ban, phát triển chiến tranh du kích ở Xiêng Khoảng và Khang Khai.

Ngày 17 tháng 3, anh Nguyễn Chí Thanh thay mặt Tổng Quân ủy vào Anh Sơn, Nghệ An, cùng với đồng chí Phu-mi Vông-vi-chít, đại diện Chính phủ Kháng chiến Lào và Mặt trận Lào Ít-xa-la, dự hội nghị quân chính của Đại đoàn 304 quán triệt nhiệm vụ chiến dịch. Sau khi dặn dò các anh Hoàng Minh Thảo, Lê Chưởng, tư lệnh và chính ủy Đại đoàn 304, anh Nguyễn Chí Thanh quay trở lại Việt Bắc.

Hai đêm 21 và 22 tháng 3, các đại đoàn 308, 312 lần lượt rời Phú Thọ lên đường tới địa điểm tập kết tại Mộc Châu. Do khó khăn về cung cấp, các đơn vị đều tinh giản tổ chức, tự mang lấy đạn bộ binh. Tuyến vận tải chỉ vận chuyển đạn pháo và đạn trợ chiến cho hướng chính của chiến dịch, ước tính 70 tấn.

Cơ quan tiền phương của Bộ lần này cũng gọn nhẹ, quân số so với chiến dịch Tây Bắc bớt một nửa. Bộ phận nhẹ đi trước bằng xe vận tải để kịp chuẩn bị địa điểm tổ chức hội nghị trao nhiệm vụ cho các đơn vị.

Bộ chỉ huy chiến dịch gồm có các anh Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng, anh Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Chính trị, anh Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Cung cấp, và tôi, Chỉ huy trưởng. Cùng ra mặt trận, về phía bạn, có Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Thủ tướng Chính phủ Kháng chiến Lào, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bộ trưởng Quốc phòng Lào, đồng chí Xanh-ga-po, Thứ trưởng Quốc phòng Lào, và đồng chí Thao Ma, Bí thư Tỉnh ủy Sầm Nưa. Bộ Chính trị cử anh Nguyễn Khang, Trung ương ủy viên đặc trách công tác ở Lào, cùng đi chiến dịch.

Ở đồng bằng Bắc bộ, trung du và các tỉnh hậu phương, ta vẫn để lại lực lượng cần thiết sẵn sàng đối phó với địch. Tả ngạn Liên khu III đã có thêm trung đoàn 50 bên cạnh trung đoàn 42. Nhiều tháng qua địch mở những cuộc hành binh vô vọng hòng đẩy các trung đoàn này ra khỏi vùng bị tạm chiếm. Hữu ngạn Liên khu III vẫn do Đại đoàn 320 đảm nhiệm. 320 sẵn sàng đánh địch nếu chúng đổ bộ lên duyên hải Thanh Hóa. Hướng trung du được bố trí hai trung đoàn 238 và 246 (thiếu 1 tiểu đoàn). Hướng Phú Thọ có trung đoàn 176 (thiếu 1 tiểu đoàn) và 1 tiểu đoàn của 246. Hướng Hòa Bình có 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 48 cùng với bộ đội địa phương. Phương châm chung ở các hướng này là dùng chiến tranh du kích chống địch càn quét, khi địch đánh ra vùng tự do thì đánh những trận tiêu diệt gọn từng đơn vị nhỏ của địch.

Tình hình Bắc bộ đã khác nhiều từ sau chiến dịch Hòa Bình. Tôi cảm thấy an tâm khi cùng bộ đội lên đường sang nước bạn.

*

Sau ba tháng, tôi lại quay về Tây Bắc. Tháng 10 năm trước vào Tây Bắc, từ Yên Bái qua sông Thao đã là vùng tạm chiếm. Bộ đội ta phải tiêu diệt những đồn bốt địch mở đường mà đi. Hơn hai tháng sau, chúng ta mới vượt sông Đà giải phóng Mộc Châu. Lần này, ngày nghỉ đêm đi chỉ mất năm ngày. Phần lớn núi rừng Tây Bắc đã là của ta. Đường 13, đường số 6 đã được sửa, xe chạy thâu đêm, rộn ràng bộ đội dân công.

Các bạn Lào đều rất phấn khởi (...) Dọc đường, ta và bạn (...) đã có những cuộc trao đổi ý hợp tâm đầu về triển vọng của cách mạng Lào. Anh Cay-xỏn mong muốn sau chiến dịch này, Sầm Nưa sẽ trở thành “Thái Nguyên”, Thượng Lào trong tương lai không xa sẽ là “Việt Bắc” đối với kháng chiến và cách mạng Lào (...)

Trinh sát ta báo cáo máy bay địch ráo riết vận chuyển lương thực, đạn dược cho Nà Sản. Đại đoàn 316 bắt đầu triển khai kế hoạch nghi binh. Chúng tôi phán đoán tuy địch rêu rao ta sẽ đánh Thượng Lào, nhưng chúng thực sự đề phòng một cuộc tiến công nhắm vào Nà Sản (...)

Ngày 5 và ngày 6 tháng 4 năm 1953, hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến cho các đơn vị được tổ chức tại sở chỉ huy cách Mộc Châu 20 ki-lô-mét. Trừ những cán bộ trực tiếp tham gia chuẩn bị, các đơn vị lúc này mới biết mục tiêu của chiến dịch lần này là Sầm Nưa. Ai nấy đều ngỡ ngàng. Dọc đường, bộ đội vẫn nghĩ sẽ đánh Nà Sản. Nhiều người đã quyết tâm rửa hận Pú Hồng, Nà Si. Một số cho rằng mục tiêu quá nhỏ so với binh lực được huy động. Cũng có người thấy đây là chủ trương sáng suốt. Mọi người chỉ thực sự vui vẻ khi biết đánh Sầm Nưa là cuộc tổng diễn tập để đánh Nà Sản trong chiến dịch sắp tới.

Hội nghị nhận được thư của Bác đề ngày 5 tháng 3 năm 1953. Bác viết: “(...) Giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình (...)”.

Đại đoàn 308, được phối thuộc trung đoàn 98 của 316, hành quân chiếm lĩnh trận địa chung quanh Sầm Nưa, cử ba tiểu đoàn đi trước khống chế cánh đồng Mường Sầm không cho địch nhảy dù tăng viện, chặn địch ở đường số 6 không cho địch rút chạy về Xiêng Khoảng (...) Đại đoàn 312 đưa một tiểu đoàn đi trước bao vây sân bay Nà Thông, khống chế sân bay và bãi thả dù (...)

Các đơn vị sẽ có mặt ở vị trí tập kết trước ngày 17 tháng 4 năm 1953 (...)

Ngày 9 tháng 4, Đại đoàn 308 vượt sông Mã tiến vào đất bạn Lào. Ngày 10 tháng 4, các Đại đoàn 312 và 304 từ hai hướng cũng cùng tiến vào. Sở chỉ huy chiến dịch đi theo hướng của 308 (...) Ngày 12 tháng 4, một cán bộ của tiểu đoàn 888 bị địch bắt ở Sầm Nưa (...) Bộ chỉ huy chiến dịch điện gấp cho các đơn vị, trước hết là cho đồng chí Hùng Sinh, trung đoàn trưởng 102 đang dẫn đầu đội hình tiến công của 308: Địch có thể rút khỏi Sầm Nưa. Không bỏ lỡ thời cơ, bộ đội tăng tốc độ hành quân.

Ngày 13 tháng 4, quân báo của Bộ báo cáo về: địch đã bắt đầu rút khỏi Sầm Nưa đêm hôm trước!

Lúc này, tiểu đoàn 888 đã có mặt bên ngoài thị xã Sầm Nưa. Các đơn vị khác còn cách Sầm Nưa một ngày đường. Từ Sầm Nưa về tới Xiêng Khoảng khá xa, trên 200 ki-lô-mét, chỉ có đường mòn xuyên qua rừng núi, địa hình hiểm trở. Với 1.700 quân, có cả nhân viên ngụy quyền ở Sầm Nưa cùng với gia đình đi theo, chúng tôi cho rằng địch không thể rút nhanh. Chúng ta vẫn còn cơ hội (...)

Tôi điện cho các đơn vị: Các đồng chí! Địch đã bỏ Sầm Nưa chạy (...) Chúng ta phải khắc phục mọi khó khăn (...) quyết tâm diệt địch trong trận truy kích này (...) Phải làm cho kỳ được (...) Tiêu diệt, tiêu diệt cho giòn, cho gọn”.

Bộ Tổng tham mưu ra một loạt mệnh lệnh. Tiểu đoàn 888, đơn vị hiện ở gần địch nhất, lập tức truy kích. Trung đoàn 102 mang theo 2 ngày gạo, 2 ngày lương khô, để vũ khí nặng lại, truy kích ngay trong đêm (...)

Trưa ngày 14 tháng 4, chúng tôi nhận được báo cáo tiểu đoàn 888 đã bắt được toàn bộ ngụy quyền Sầm Nưa cùng với 40 lính dõng tại Mường Hàm trong đêm ngày 13 (...) Sáng ngày 14, trung đoàn 98 bắt kịp quân địch ở Nà Noọng, cách Sầm Nưa 30 ki-lô-mét. Man-lơ-plát không nghĩ là bộ đội ta lại đuổi theo ban đêm giữa rừng, nên đã cho binh lính nghỉ lại qua đêm. Buổi sáng, khi bộ phận đi đầu của đoàn quân vừa ra tới đường thì bộ đội ta ập tới với một trận mưa đạn. Ngụy Lào không chống cự, tháo chạy hỗn loạn (...) Địch mất ở Nà Noọng khoảng 40% quân số (1 quan ba Pháp bị giết, 5 quan ba Pháp khác bị bắt sống) (...)

Trưa ngày 16 tháng 4, quân địch tới Hứa Mường trong tình trạng rệu rã, kiệt sức. Man-lơ-plát nghĩ là cuộc truy kích đã kết thúc, quyết định cho binh lính nghỉ lại hết đêm hôm đó. Sáng ngày 17 , tiểu đoàn 79, bộ phận đi đầu của trung đoàn 102, tới Hứa Mường. Được nhân dân cho biết quân địch vừa đi khỏi đây một giờ, tiểu đoàn trưởng Ngô Ngọc Dương, người đại đội trưởng chỉ huy trận kỳ tập đồn Cẩm Lý năm xưa, lập tức ra lệnh khẩn trương đuổi theo quân địch. Bao nhiêu nhọc mệt sau ba ngày đêm liên tiếp truy kích trên đường đèo dốc dưới nắng hè dường như tiêu tan. Chỉ hơn một giờ sau, 79 đã bắt kịp quân địch. Ngô Ngọc Dương quyết định mở một mũi thọc sâu vào giữa đội hình quân địch, đánh dạt chúng sang hai bên đường, tiến lên phía trước, đóng thành một cái “nút” chặn chúng lại, để sau đó các đại đội khác tiến lên vây quét, tiêu diệt. Mũi xung kích do đồng chí Đặng Đình Lục dẫn đầu đã đánh xuyên suốt đội hình địch kéo dài hàng ki-lô-mét. Sự xuất hiện bất thần của bộ đội ta lần thứ hai trên đường rút lui làm cho quân ngụy Lào mất hết tinh thần, không còn nghe theo mệnh lệnh của những sĩ quan Pháp chỉ huy, ném súng và bao đạn cho nhẹ rồi cắm đầu lao vào rừng. Những sĩ quan Pháp cũng chỉ còn cách chạy theo chúng. Bộ đội ta chia thành từng tốp tản vào rừng truy bắt quân địch. Trong số sĩ quan quan Pháp bị tiêu diệt, có một viên quan tư và một viên quan ba. Hai viên quan ba Pháp khác bị bắt.

Đến đây, ba tiểu đoàn địch cùng với bộ máy ngụy quyền tỉnh Sầm Nưa coi như đã bị xóa sổ. Chỉ có khoảng 220 tên, trong đó có viên quan tư Man-lơ-plát, chạy thoát vào rừng, nhiều tuần sau đó mới lẻ tẻ tìm về được tới Cánh Đồng Chum (...)

Chỉ sau một tuần vận động truy kích địch trên đoạn đường dài 270 ki-lô-mét từ Sầm Nưa về Cánh Đồng Chum, ta đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã 2.000 quân địch. Đây là trận truy kích trên chặng đường dài nhất của quân đội ta. Nó giống như một cơn lốc bất thần nổi lên trên chiến trường Lào lâu nay yên tĩnh, cuốn theo cả một hệ thống đồn bốt quân địch mất nhiều công sức xây dựng. Bộ đội ta (...) lần đầu đặt chân lên nước bạn, không biết đường đi lối lại, không biết tiếng nói địa phương, địa hình rừng núi hiểm trở, chính quân ngụy Lào cũng phải mất hàng tháng mới tìm về tới Cánh Đồng Chum, bộ đội ta chỉ lần theo vết giày đinh, phát cây mở đường mà đi, bất chấp nắng mưa thất thường, bất chấp đói khát, đã hoàn thành nhiệm vụ. Dân công vận tải, chuyển thương bám sát các đơn vị đã dành từng nắm gạo rang, từng bi-đông nước cho bộ đội trên đường đuổi địch. Thật hạnh phúc cho dân tộc đã có được những người con như vậy trong chiến tranh! Mệnh lệnh của người chỉ huy dù chính xác tới đâu cũng trở thành vô nghĩa nếu không được những người cầm súng trên chiến trường thực hiện một cách chủ động và sáng tạo (...)

Tính chung, trong chiến dịch Thượng Lào, ta và bạn đã tiêu diệt, bắt sống, làm tan rã khoảng 2.800 quân địch, tức một phần năm tổng số lực lượng địch ở Lào, giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phông Xa Lỳ (...) Lần đầu tiên, kháng chiến Lào có một vùng căn cứ rộng lớn. Hậu phương của kháng chiến Lào đã nối liền với vùng tự do Tây Bắc và Khu IV của ta (...)

Sầm Nưa trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng Lào trong suốt hai cuộc kháng chiến. Các bạn Lào sau đó đặt cho nó thêm một cái tên mới: Văn Xây (có nghĩa là Thắng Lợi) (...)

Chiến dịch Thượng Lào đã hoàn thành tất cả những mục tiêu đề ra (...) Chưa bao giờ (...) ta giành được chiến thắng lớn với số thương vong ít như trong chiến dịch này (...)

Với chiến dịch Thượng Lào, chúng ta đã (...) mở rộng quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc bộ ra cả miền bắc Đông Dương. Suốt thời gian chiến dịch, bộ chỉ huy Pháp đã không tiến hành được một hoạt động đối phó hữu hiệu nào (...)

Trên chiến trường bắc Đông Dương, vào Xuân Hè năm 1953, Xa-lăng có 37 tiểu đoàn cơ động chiến lược (...) Tất cả đều phải nằm im chờ đợi những cuộc tiến công của chủ lực ta. Mưu toan giành lại quyền chủ động của Đờ Lát, với Xa-lăng đã trở nên bế tắc (...) Bị thất bại trong ba chiến dịch liên tiếp: Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Chính phủ Pháp buộc phải tính tới chuyện thay thế Xa-lăng. Thượng tuần tháng 5 năm 1953, chúng ta được tin Xa-lăng sẽ bị triệu hồi và thay thế bằng tướng bốn sao Hăng-ri Na-va.


(Hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)