“Địch” đây không còn là chỉ Pháp. Chính vì thế mà “cuộc chiến tranh giữa ta với địch sẽ gay go, phức tạp hơn”.

Về ngụy quyền, nói cho thật gọn, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là từ nhân dân mà ra, còn ngụy quyền là từ thực dân mà ra!

Về “tập đoàn cứ điểm (...) một thách thức mới”, ta đành phải đợi đến khi có trọng pháo và cao xạ pháo và giải quyết xong vấn đề hậu cần, mới đáp lại nó được.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tổng kết tình hình đầu 1953”



Tôi về tới khu căn cứ vào tháng 1 năm 1953, vừa kịp dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư. Tại hội nghị, Bác trình bày một bản báo cáo quan trọng.

Về tình hình kháng chiến, Người nhận định: Đầu năm 1952, địch thất bại to ở Hòa Bình, cuối năm, thất bại to ở Tây Bắc. Càng thất bại, chúng càng điên rồ (…) sẽ cố chết bám lấy Đông Dương, “Từ nay cuộc chiến tranh giữa ta với địch sẽ gay go, phức tạp hơn” (…) Về thực hiện chính sách ruộng đất, Người chỉ ra (...) nông dân chiếm đại đa số. Muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi (...) phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế của nông dân”.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định: “Lực lượng ta phát triển không đều, ở Bắc bộ chủ lực ta trưởng thành nhanh chóng, nhưng chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích Trung bộ và Nam bộ phát triển không được mấy… Vì vậy địch có thể tập trung ở Bắc bộ đến hai phần ba quân ở Đông Dương để đối phó với ta (…)

Hội nghị xác định phương châm tác chiến hiện thời là: “… bộ đội chủ lực thì vận động chiến là chính, công kiên chiến là phụ. Trên chiến trường sau lưng địch ở Bắc bộ và các chiến trường ở Trung bộ và Nam bộ du kích chiến là chính” (…)

Tiến hành cải cách ruộng đất trong kháng chiến là một chủ trương đúng đắn của Đảng. Nó góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp kháng chiến. Tiếc rằng trong quá trình thực hiện sau này ta vận dụng máy móc một số kinh nghiệm của bạn nên phạm phải một số sai lầm.

Năm 1952, ta đã giữ vững quyền chủ động trên chiến trường Bắc bộ. Trong tình hình lực lượng ta còn yếu hơn địch, đây là một thành công đáng kể. Đạt được thành tựu này là do ta đã mở được một mặt trận mới thực sự ở vùng sau lưng địch.

Từ đầu năm 1952, với những cố gắng của Đờ Lát trước đây, quân đội ngụy đã có 35 tiểu đoàn bộ binh, trong số đó 20 tiểu đoàn là do người Việt chỉ huy. Cách đào tạo quân ngụy rập khuôn theo kiểu Pháp. Sĩ quan đều được tuyển mộ từ những trường trung học, huấn luyện tại các trường Đà Lạt, Thủ Đức… rồi tung ra chiến trường. Khi tác chiến, các tiểu đoàn ngụy vẫn do Pháp chỉ huy. Ở Nam bộ, Pháp từng bước bàn giao cho quân ngụy bảo vệ những địa bàn quân sự, làm công việc bình định, để quân Pháp tập trung vào nhiệm vụ càn quét, tìm diệt lực lượng ta. Chúng bắt đầu thành lập sư đoàn ngụy ứng chiến cơ động hoạt động ở từng vùng. Viện trợ Mỹ đã tăng từ 149 tỷ phờ-răng năm 1951 lên 196 tỷ năm 1952. Mỹ gấp rút gửi sang Đông Dương máy bay, chiến xa, súng nặng, đạn dược (…)

Đông Xuân 1952-1953 là thời kỳ khó khăn nhất trên chiến trường Nam bộ (...) Chính sách bao vây chia cắt của địch gây nên tình trạng thiếu thốn trầm trọng thực phẩm, nhất là nguyên liệu, hóa chất sản xuất vũ khí ở các khu căn cứ. Trung ương đã thành lập một hàng lang vận chuyển chiến lược từ Bắc bộ vào Nam bộ (...) Tháng 10 năm 1952, một cơn bão lớn chưa từng thấy bất thần ập đến. Nhà cửa, lán trại, kho tàng, hoa màu, gia súc ở Chiến khu Đ và miền Đông hầu hết bị cuốn trôi. Nước sông Đồng Nai lên cao, có chỗ 7-8 mét. Riêng ở căn cứ Dương Minh Châu, nước suối Đôi cao tới 18 mét. Hậu quả trực tiếp và nghiêm trọng nhất của bão lụt là nạn đói. Hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ vùng căn cứ thiếu ăn (...) Có khi không còn cả gạo nấu cháo, bữa ăn, mỗi người chỉ có 5-7 hột mít luộc cầm hơi. Thừa lúc ta gặp khó khăn, địch mở hàng loạt trận càn quét quy mô vào các vùng căn cứ và vùng tranh chấp. Tiêu biểu là trận càn kéo dài 52 ngày đêm vào Chiến khu Đ (...) Đến giữa năm 1953, sau vụ thu hoạch, nạn đói ở vùng căn cứ Phân liên khu miền Đông mới được đẩy lùi.

Trên chiến trường Trung bộ (...) Tại Bình Trị Thiên, nhiều hệ thống phòng ngự của địch bị phá vỡ, hàng loạt vị trí bị san phẳng (...) Bước vào Thu Đông năm 1952, Liên khu V mở một đợt hoạt động mạnh trên khắp các chiến trường, lấy trọng điểm là An Khê (...) Chiến dịch An Khê kéo dài đến hết tháng 1 năm 1953 (...) ta đã diệt 1600 quân địch, giải phóng 18000 dân, vũ khí thu được đủ trang bị cho 4 tiểu đoàn.

Những tiến bộ nổi bật trên vùng sau lưng địch diễn ra ở đồng bằng Bắc bộ. Mặc dù hầu hết lực lượng cơ động chiến lược của địch nằm tại đây, cùng với phòng tuyến Đờ Lát và hàng trăm đồn bốt, địch vẫn không ngăn được chiến tranh du kích ngày càng phát triển. Những đại đoàn chủ lực của ta tự do ra vào vùng tạm chiếm, chủ động tiêu diệt hàng loạt cứ điểm; trước đây, hiện tượng này chỉ xuất hiện khi ta mở chiến dịch lớn (ở rừng núi). Cuối năm 1952, Đại đoàn 304 tiêu diệt nhiều cứ điểm quan trọng, trong đó có vị trí Chùa Cao mà trung đoàn 88 của 308 từng đánh hai lần không thành công. Trung đoàn 48 diệt vị trí Vô Tình trên đường 21, địch không biết vẫn cho máy bay thả dù tiếp tế và đưa một đại đội biệt kích tới tăng viện, ta tiêu diệt tiếp đại đội này. Địch buộc phải mở những cuộc càn quét với quy mô nhiều binh đoàn, nhưng không còn đủ sức kéo dài ngày, mỗi khi bị thiệt hại lớn là vội vã rút lui. Ở đồng bằng, bộ đội chủ lực ta vẫn tiến hành vận động đánh nhỏ ở đồng bằng, nhưng uy lực các trận đánh ngang tầm với những chiến dịch trước đây. Tướng Mác-săng (Marchand), chỉ huy các cuộc hành quân ở đồng bằng Bắc bộ, phải thừa nhận: “Đại bộ phận các đại đoàn 304 và 320 đã lọt vào khu tứ giác Phủ Lý, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình và từ ngày 5 tháng 11 năm 1952 trở đi đã đánh chiếm nhiều đồn bốt (...) nhiều trận phục kích, thiệt hại của ta rất nặng và tình hình có thể trở nên nguy kịch”. Chính một số tướng tá Pháp đã phải đánh giá: “Không thể nói là những cuộc hành quân du kích mà phải gọi là một mặt trận thứ hai đã được mở ở nam đồng bằng!”.

Nhưng chúng ta vẫn chưa có khả năng mở một chiến dịch lớn ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Bộ đội chủ lực ta giành thắng lợi ở địch hậu là do duy trì được chiến tranh nhân dân và biết vận dụng có hiệu quả chiến thuật vận động đánh nhỏ. Kẻ thù có sức mạnh áp đảo về vũ khí trang bị, phương tiện cơ động nhanh chóng, và chúng rất khôn ngoan không bỏ lỡ cơ hội sử dụng những ưu thế đó. Chỉ cần một sơ xuất là ta phải trả giá rất đắt. Ngoài thất bại của trung đoàn 98 (của 316) hồi trung tuần tháng 4 năm 1952 ở vùng Cầu Đuống, Bắc Ninh, không xa Hà Nội, một thất bại đã đến với trung đoàn 101 (của 325), sau một thời gian làm mưa làm gió ở Thừa Thiên, đã rơi vào giữa vòng vây của quân địch ở Hải Lăng, bộ đội phải mở một đường máu để rút ra với nhiều thiệt hại.

Chiến trường thuận lợi với ta vẫn là vùng rừng núi. Trừ chiến dịch Lý Thường Kiệt tháng 9 năm 1951, các chiến dịch ta mở ở đây đều giành được thắng lợi.

Nhưng một trở ngại lớn đã xuất hiện ngay tại miền rừng núi.

Từ năm 1950, để đối phó với sự trưởng thành của bộ đội ta, địch đã xây dựng những cứ điểm cấp đại đội, tiểu đoàn, có công sự vững chắc với lô-cốt, hầm ngầm, hàng rào dây thép gai và bãi mìn bao quanh (...) Với lưới hỏa lực bảo vệ từ xa, khi bị tiến công quân đồn trú cố gắng kéo dài cuộc chiến đấu qua đêm chờ quân cứu viện và máy bay can thiệp khi trời sáng. Cách đối phó này tỏ ra hữu hiệu trên địa hình đồng bằng và trung du, nhưng lại khó thực hiện ở vùng rừng núi. Ở rừng núi, bộ đội ta chỉ mong chờ quân viện địch tới để tiêu diệt! Địch đã biết rõ điều này. Trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chúng chấp nhận để một số vị trí bị bao vây bị tiêu diệt chứ không đưa quân viện tới. Các vị trí cấp đại đội, tiểu đoàn, tiểu đoàn tăng cường của địch không còn đứng vững được trước những cuộc tiến công của ta. Trong chiến dịch Tây Bắc vừa qua, địch không sử dụng quân viện khi các cứ điểm bị tiến công, nói chung cũng không dùng lực lượng cơ động để chiếm lại những vị trí đã bị mất. Tình hình Tây Bắc diễn ra có vẻ giống như cuối chiến dịch Cao Bằng: khi một cứ điểm bị tiêu diệt, là quân đồn trú ở hàng loạt cứ điểm chung quanh bỏ chạy. Nhưng khác với ở biên giới, những cuộc rút chạy ở Tây Bắc nằm trong ý đồ của chỉ huy Pháp nhằm tránh bị tiêu diệt và co cụm lại để đối phó với cuộc tiến công của ta. Từ những cứ điểm nằm rải rác, chúng tập trung lại thành tập đoàn cứ điểm. Bộ đội ta đã mất nhiều thời gian nghiên cứu, rèn luyện, chuẩn bị, mới tiêu diệt được cứ điểm trung đội, rồi đại đội của địch. Ta chỉ tiêu diệt được cứ điểm tiểu đoàn khi bộ đội không còn phải dùng mác búp đa (để xung kích). Khả năng hiện thời của ta là dùng trung đoàn tiêu diệt vị trí tiểu đoàn địch đóng riêng lẻ. Với tập đoàn cứ điểm như Nà Sản, địch đã có một căn cứ lớn gấp mười lần! Và nó không phải chỉ rất đông quân mà còn có thêm sân bay, trận địa pháo, những đơn vị thiết giáp tại chỗ để đối phó với các cuộc tiến công.

Tập đoàn cứ điểm trở thành một thách thức mới trên đường tiến lên của bộ đội ta.

Cuối tháng 2 năm 1953, Bộ Tổng tham mưu triệu tập hội nghị nghiên cứu cách đánh tập đoàn cứ điểm. Thành phần tham dự là các trung đoàn trưởng thuộc hai đại đoàn 308, 312, những đơn vị chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ mới. Thời gian kéo dài 9 ngày.

Hội nghị đã bước đầu đánh giá được chỗ mạnh, chỗ yếu của tập đoàn cứ điểm. Tập đoàn cứ điểm tuy là cấu trúc liên hoàn, nhưng vẫn là những cứ điểm riêng rẽ (...) giữa chúng vẫn có những khe hở mà ta có thể lợi dụng. Khả năng ứng cứu bằng những đơn vị cơ động của bản thân tập đoàn cứ điểm bị hạn chế nếu ta tiến công ban đêm. Trong chiến dịch Hòa Bình năm 1952, những phân đội nhỏ của trung đoàn 36 đã vượt qua con đường độc đạo nằm giữa các cứ điểm, tiến công trận địa pháo, sân bay, và những tiểu đoàn của ta đã tiêu diệt nhanh chóng một số điểm cao trong vành đai bảo vệ thị xã.

Tuy nhiên, Hòa Bình chưa phải là Nà Sản. Và đòi hỏi với bộ đội ta trong đánh tập đoàn cứ điểm không phải chỉ là tiêu diệt quân chiếm đóng ở từng cứ điểm, mà còn là giữ được vị trí đó để tiếp tục phát triển vào sâu. Như vậy, bộ đội ta sẽ phải chiến đấu liên tục cả ban đêm và ban ngày, vừa tiến công bộ binh địch vừa đối phó với đại bác, xe tăng và máy bay. Điều quan trọng là phải hạn chế được sức mạnh hỏa lực của địch. Đối với một tập đoàn cứ điểm như Nà Sản, nhất thiết cuộc tiến công của ta phải có thêm sự trợ lực của trọng pháo và cao xạ pháo. Bạn đang giúp ta xây dựng một trung đoàn lựu pháo và một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, nhưng trong mùa xuân các đơn vị này đều chưa sẵn sàng.

Còn một công việc quan trọng là chuẩn bị hậu cần. Công tác hậu cần trong chiến dịch Tây Bắc mang lại cho ta nhiều kinh nghiệm. Liên khu III và Liên khu IV huy động cho chiến dịch được 5000 tấn gạo. Khi chuyển tới Suối Rút, còn 1250 tấn. Số gạo này chuyển tiếp tới Cò Nòi, bộ đội chỉ còn nhận được 410 tấn. Dọc đường vận chuyển, dân công mặc dầu khẩu phần hàng ngày rất hạn chế, đã ăn hết 92% số gạo đưa ra mặt trận.

Ta thường huy động lương thực từ 9 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái (...) Nguồn chính là Thanh Hóa (...) Thanh Hóa là tỉnh tự do có diện tích lớn và đông dân nhất trong kháng chiến. Người dân xứ Thanh giàu tinh thần yêu nước và cách mạng. Nhưng Thanh Hóa lại là nơi ở cách xa mặt trận (...)

Đây là một bài toán khó. Anh Trần Đăng Ninh thấy cách tốt nhất là huy động lương thực tại chỗ. Khốn nỗi Tây Bắc là vùng rừng núi, ruộng đất ít, người dân luôn luôn thiếu ăn. Ngoài lương thực, còn phải vận chuyển pháo và đạn. Để đánh một tập đoàn cứ điểm, số lượng đạn cần dùng rất lớn. Và chưa hết. Lại còn thuốc men cho thương binh, lương thực cho tù binh... Chỉ còn cách sửa đường để vận chuyển bằng xe cơ giới. Nhưng thực hiện việc ấy cần không ít thời gian.

Khi đó chúng ta chưa biết cơ quan tham mưu Pháp đã tính toán về khả năng mang vác của dân công ta và đi tới kết luận: “Quân đoàn tác chiến Việt Minh” không thể hoạt động dài ngày tại một vùng thiếu lương thực ở cách xa khu căn cứ quá 180 ki-lô-mét. Phòng nhì Pháp đã ước lượng khá chính xác. Trớ trêu thay, chính sự tính toán này rồi sẽ góp phần dẫn tới thảm họa của quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 839-847)