“Chiến dịch Thu Đông 1952 đã thành công vượt mức dự kiến (...) Tính chung toàn Bắc bộ sau hai tháng chiến đấu, ta tiêu diệt và bắt khoảng 13.800 quân địch (...) thu nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch (...) Ta (đã) đánh địch trên cả hai mặt trận: rừng núi và đồng bằng (...) khẳng định một phương hướng chiến lược mới được mở ra từ chiến dịch Hòa Bình”. Phấn khởi quá. Nhưng quân ta đã không tiêu diệt được cái tập đoàn cứ điểm mà địch mới xây dựng ở Nà Sản. Đây không phải chỉ là một trận đánh không thành công, mà có ý nghĩa quan trọng là địch cũng đã “khẳng định một phương hướng chiến lược mới được mở ra từ chiến dịch Hòa Bình”.

Trong chiến dịch này, lần đầu tiên việc vận chuyển tiếp tế được thực hiện một phần bằng phương tiện cơ giới. Cũng lần đầu tiên, dân công dùng xe đạp thồ thay quang gánh. “Từ sau chiến dịch Tây Bắc, cho tới hết chiến tranh chống Mỹ, xe thồ (là) một phương tiện vận chuyển quan trọng của bộ đội ta”.

“Trung đoàn 36 mở một cuộc hành quân thần tốc về Phú Thọ (...) Bộ đội đi suốt ngày đêm. Các chiến sĩ nuôi quân dùng đòn gánh khiêng nồi trên vai, vừa đi vừa nấu cháo, nấu nước phân phát cho bộ đội”. Quân Tây Sơn ra đánh giặc Thanh ngày xưa chắc cũng vừa đi vừa nấu vừa ăn...

Về sự tham gia của Đại đoàn Công pháo 351, ấy là sơn pháo 75 ly, súng cối, ba-dô-ca, SKZ, súng phóng bom, chứ lựu pháo 105 ly thì mãi đến chiến dịch Điện Biên Phủ mới có mặt trong đội hình.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Thu Đông 1952” (2)



Một khó khăn mới xuất hiện. Vùng giải phóng nhanh chóng mở rộng nhanh chóng kéo những tuyến tiếp tế giữa núi rừng hiểm trở dài thêm hàng trăm ki-lô-mét. Ngay sau chiến thắng, bộ đội đã thiếu gạo (...) Cơ quan tham mưu đề nghị tạm ngừng hoạt động quân sự và tập trung bộ đội đi vận chuyển gạo (...) Anh Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, được tin vội từ hậu phương ra mặt trận. Sau khi tìm hiểu tình hình, anh Ninh quyết định bỏ tuyến vận chuyển Khâu Vác, tuy kín đáo, ít bị máy bay đe dọa, nhưng chỉ là đường mòn qua nhiều đèo cao, suối sâu, chuyển sang đường 13 vận chuyển một phần bằng cơ giới. Nhưng tuyến đường bị hỏng nặng từ lâu. Công binh ra sức sửa đường dưới bom đạn của máy bay địch, gần một tháng thì thông xe đưa gạo từ Phú Thọ lên. Ta cũng quyết định sửa gấp đường 14 từ Hồi Xuân lên Xồm Lồm để vận chuyển gạo từ Thanh Hóa cho chiến dịch, và sửa đoạn đường số 6 từ Suốt Rút lên Mộc Hạ (...) Dân công Thanh Hóa có sáng kiến dùng xe đạp thồ thay quang gánh. Từ sau chiến dịch Tây Bắc, cho tới hết chiến tranh chống Mỹ, xe thồ trở thành một phương tiện vận chuyển quan trọng của bộ đội ta (...)

Xa-lăng vội vã tăng cường cho Tây Bắc chín tiểu đoàn (...) Địch phân tán lực lượng cơ động từ đồng bằng lên Tây Bắc là điều ta mong đợi. Quân địch ở Tây Bắc dồn về Nà Sản và Lai Châu nằm bên hữu ngạn sông Đà. Hai nơi này được tổ chức thành hai mặt trận. Mặt trận Sơn La, kéo dài từ Mường Sài tới Mộc Châu, do đại tá Gin chỉ huy. Gin là người đã tổ chức cuộc rút lui của Pháp ở Hòa Bình. Lần này Gin được Xa-lăng giao trọng trách lập một phòng tuyến bên sông Đà ngăn chặn bộ đội ta vượt sông, và xây dựng một tập đoàn cứ điểm ở Nà Sản (...) Mặt trận Lai Châu do viên đại tá La-gioa (Lajoix) chỉ huy (...) Việc xây dựng một tập đoàn cứ điểm ở Nà Sản đòi hỏi từ bốn tới năm tuần lễ. Ở đây đã có sẵn một sân bay dã chiến và căn cứ của đơn vị bảo vệ sân bay. Địch lập cầu hàng không để vận chuyển vật liệu, phương tiện, vũ khí từ Hà Nội lên, và huy động nhân lực lớn (...) Xa-lăng quyết định giành thời gian cần thiết bằng cách mở một cuộc hành binh đánh lạc hướng nhắm vào căn cứ hậu cần của chiến dịch ở Phú Thọ.

Trước (tình hình mới), Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương: trong đợt 2 (...) ở hướng chính (...) 6 trung đoàn của 308, 312, 316 và Đại đoàn Công pháo 351 (...) tiến công khu vực Tạ Khoa - Ba Lay - Mộc Châu, phá vỡ khu vực phòng thủ chủ yếu của địch trên tuyến sông Đà, tạo điều kiện tiêu diệt địch ở Sơn La, Nà Sản (...) ở hướng phụ đông nam Lai Châu (...) giải phóng Quỳnh Nhai, phát triển xuống Tuần Giáo, Luân Châu, Thuận Châu (...) Hướng phụ sẽ nổ súng trước để thu hút sự chú ý của địch (...)

Trong lúc ta đang tích cực chuẩn bị vượt sông Đà thì được tin ngày 5 tháng 11 năm 1952, một lực lượng lớn quân địch do Đờ Li-na-rét, tư lệnh quân Pháp ở Bắc bộ, trực tiếp chỉ huy, đánh lên Phú Thọ, đe dọa hậu phương của chiến dịch. Đây là cuộc hành binh Lo-ren (Lorraine). Địch đã huy động (tới) 13 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 hải đoàn xung kích, 4 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn cơ giới, 7 đại đội công binh. Ta đã dự kiến (...) địch có thể đánh lên Phú Thọ, nên đã bố trí tại đây trung đoàn 176, một tiểu đoàn của trung đoàn 246 cùng với bộ đội địa phương (...) Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định cuộc hành binh Lo-ren là hoạt động đối phó bị động, nhằm thu hút lực lượng ta về để giảm nhẹ áp lực ở Tây Bắc (...) Ta quyết định chỉ rút khỏi đội hình chiến dịch một trung đoàn (...) quay về (...) Đơn vị được trao nhiệm vụ là 36 (...) Thời gian nổ súng đánh địch ở Phú Thọ được quy định chậm nhất là ngày 14 tháng 11 năm 1952, trước khi đợt 2 của chiến dịch Tây Bắc bắt đầu (...)

Ngày 7 tháng 11 năm 1952, trung đoàn 165 nổ súng ở Quỳnh Nhai (...)

Ngày 8 tháng 11, quân địch ở Tuần Giáo và Lai Châu hoang mang rút chạy (...)

Lúc này, ở mặt trận Phú Thọ, quân địch đã lên tới Yên Bình, cách căn cứ xuất phát của ta 150 ki-lô-mét. Chúng chỉ chạm trán với những lực lượng nhỏ của quân ta (...) không gặt hái được gì ngoài việc phá một vài kho lương thực và súng đạn (...) Sự có mặt của đông đảo quân Pháp ở đây mang lại cho Bộ chỉ huy Pháp một gánh nặng mới. Cuộc hành binh đã giam chân phần lớn lực lượng cơ động ở Phú Thọ trong tình hình đồng bằng trở nên nóng bỏng với sự uy hiếp của Đại đoàn 320 và Đại đoàn 304. Nó cũng thu hút quá nhiều khả năng vận tải đáng lẽ phải dùng tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Nà Sản đang hình thành. Ngoài ra, có thể đã phát hiện một bộ phận của chủ lực ta ở Tây Bắc đang quay về đe dọa phía sau lưng chúng, trung tuần tháng 11, Xa-lăng ra lệnh rút quân.

Trung đoàn 36 mở một cuộc hành quân thần tốc về Phú Thọ. Nhiều chiến sĩ của 36 là con đẻ của miền đất trung du này. Bộ đội đi suốt ngày đêm. Các chiến sĩ nuôi quân dùng đòn gánh khiêng nồi trên vai, vừa đi vừa nấu cháo, nấu nước phân phát cho bộ đội.

Ngày 13 tháng 11, trung đoàn 36 đã có mặt ở Phú Thọ và khẩn trương chuẩn bị cho trận đánh.

Ngày 17 tháng 11, một đoàn xe của GM4 về tới Chân Mộng trên đường số 2 lọt vào trận địa phục kích của quân ta. Trận đánh diễn ra quyết liệt cả buổi chiều và buổi tối hôm đó. Trung đoàn 36 tiêu diệt và bắt sống 400 quân địch (…) phá hủy và tịch thu 44 xe cơ giới. Trong trận này, tiểu đoàn trưởng Sơn Mã, một cán bộ chỉ huy rất dũng cảm, hy sinh (…) Bị bộ đội và dân quân du kích đánh chặn liên tiếp trên đường rút quân, ngày 23 tháng 11, quân địch mới về tới Việt Trì.
Đêm ngày 24 tháng 11, trung đoàn 36 truy kích tới nơi, tiêu diệt đồn Núi Quyết, một vị trí tiền tiêu của Việt Trì, xóa sổ một đại đội (…)

Tại Tây Bắc, việc tổ chức cho bộ đội vượt sông Đà không dễ dàng (…) Sông Đà khá lớn, nước chảy rất xiết (…) Không có phương tiện sẵn. Từng đơn vị phải tự làm bè mảng. Bộ đội ta nhiều người chưa biết bơi hoặc chỉ biết bơi chút ít (…)

Cũng đúng ngày 17 tháng 11 (…) bộ đội vượt sông Đà và bắt đầu nổ súng.

Trong đêm 17, trung đoàn 209 tiêu diệt vị trí Bản Hoa. Đêm tiếp theo, trung đoàn 141 tiêu diệt vị trí Ba Lay. Với 2 trận này, Đại đoàn 312 đã thanh toán tiểu đoàn 3 Ma-rốc và một đại đội ngụy binh (…) Ngày 18 tháng 11, trung đoàn 102 tiêu diệt vị trí Hát Tiếu, trung đoàn 88 tiêu diệt vị trí Mường Lụm, xóa sổ một chi đoàn nữa. Chi đoàn địch thứ ba hốt hoảng bỏ Tạ Khoa chạy về Cò Nòi. Đại đoàn 308 truy kích quét sạch phòng tuyến địch bên bờ sông Đà.

Ngày 19 tháng 11, địch điều 2 tiểu đoàn dù và 1 tiểu đoàn lê-dương từ Nà Sản lên lập một khu phòng thủ mới ở Chiềng Đông, Yên Châu, Cò Nòi để ngăn chặn quân ta phát triển theo trục đường 41 tiến về Nà Sản, Sơn La. Lực lượng địch tại khu vực đã lên đến 5 tiểu đoàn. Trung đoàn 88 tiêu diệt tiểu đoàn ngụy số 55 và một đại đội dù. Khi bộ đội ta tới Chiềng Đông và Cò Nòi thì có 4 tiểu đoàn có mặt tại khu vực bỏ vị trí rút chạy về Nà Sản. 88 tiếp tục truy kích tới Nà Sản, bị chặn lại ở vị trí tiền tiêu Pú Hồng. Đêm đó, trung đoàn tập kích nhưng không thành công.

Cũng trong ngày 19, trung đoàn 174, có trung đoàn 98 phối hợp, đánh Mộc Châu. Mộc Châu là chiếc lá chắn trên đường số 6 (…) Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Giờ đầu các mũi tiến công ở hướng chính đột phá không thành công. Nhưng ở hướng phụ chiếm được hai vị trí tiền tiêu, phát huy các loại hỏa khí yểm hộ cho các mũi khác phát triển. Bộ đội lần lượt chiếm được hết các lô-cốt, ụ súng, trận địa pháo. Sau 2 giờ 15 phút chiến đấu, quân địch đầu hàng (…)

Mộc Châu bị tiêu diệt, địch ở các vị trí Chiềng Pan, Sông Con, Tạ Say, Sa Piệt v.v. vội vã rút chạy.

Đường số 6 khai thông, bảo đảm việc tiếp tế vận chuyển cho chiến dịch. Cửa ngỏ vào Tây Bắc đã mở rộng.

Ở hướng phụ đông nam Lai Châu, các đơn vị hoàn thành vượt mức nhiệm vụ, tiêu diệt trên 400 địch, bắt sống khoảng 1.000, giải phóng một vùng đất rộng lớn gồm 6 huyện: Than Uyên, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Mường Lay, Thuận Châu, Điện Biên Phủ và thị xã Sơn La, rộng khoảng 3.000 ki-lô-mét vuông với 100.000 dân. Hành động táo bạo, quả cảm của mũi thọc sâu với lực lượng không đông, đã tạo nên sự bất ngờ, mang lại thắng lợi lớn (…)

Sang đợt 2 của chiến dịch, hướng phối hợp ở đồng bằng Liên khu III bắt đầu hoạt động mạnh.

Ngày 14 tháng 11, trung đoàn 48 (của 320) đánh 3 vị trí địch ở Phát Diệm (…) Trung đoàn 57 (của 304) phục kích quân địch tăng viện cho Phát Diệm bắn đắm 3 tàu chiến, bắn cháy 1 chiếc khác, diệt 500 lính Âu Phi thuộc binh đoàn cơ động số 2 đi trên tàu. Tiếp đó, 304 tiêu diệt vị trí Bến Xanh.

Ngày 17 tháng 11, trung đoàn 57 tiến công một vị trí, phục kích tiêu diệt một đại đội địch, phá hủy 19 xe. Trung đoàn 64 mới vào địch hậu Hà Nam, Nam Định, tiêu diệt 3 vị trí địch và diệt 1 đại đội đi càn, mở rộng thêm căn cứ ở vùng đồng chiêm.

Ngày 25 tháng 11 năm 1952, đợt 2 chiến dịch Tây Bắc kết thúc (…)

Nhìn chung (…) các chiến trường tình hình đều tốt (…) ta đã tiêu diệt thêm được khoảng 3.000 quân địch (…) giải phóng hoàn toàn tỉnh Sơn La trừ Nà Sản (…) và một diện tích đất đai quan trọng thuộc tỉnh Lai Châu (…) Toàn bộ quân địch đã dồn về Nà Sản và thị xã Lai Châu. Tổng số quân địch ở Nà Sản khoảng từ 36 tới 38 đại đội (…) đóng trên 28 cứ điểm (…) trên đồi cao, công sự dã chiến, bao bọc chung quanh sân bay, trận địa pháo và sở chỉ huy. Tập đoàn cứ điểm được tổ chức tương đối hoàn chỉnh, nhưng tinh thần binh lính sút kém nhiều do những trận thua vừa qua. Địch chỉ có một cách tiếp tế duy nhất là bằng máy bay.

Về phía ta, thương vong trong cả hai đợt chiến dịch tuy ít, nhưng sức khỏe bộ đội giảm sút nhiều vì liên tục chiến đấu và truy kích đường dài. Tinh thần quân và dân đều phấn khởi vì đang trên đà thắng lợi. Ta cũng đã giải quyết được vấn đề tiếp tế, nhờ những tuyến đường vận chuyển cơ giới thông suốt từ hậu phương lên tới gần Nà Sản.

Trên cơ sở những nhận định đó, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định triển khai đợt 3 (...) Mục tiêu là tiêu diệt địch ở Nà Sản (...) Phương châm tác chiến là: đánh chỗ yếu trước, chỗ mạnh sau, bao vây toàn diện, công kích có trọng điểm, tranh thủ mở một mặt rồi đánh vào tung thâm (...)

Mở đầu (...) ta chủ trương tập trung lực lượng đột phá vào các điểm tựa ở vòng ngoài, từ đó khống chế trận địa pháo và sân bay (...)

Đêm ngày 30 tháng 11 năm 1952, hai tiểu đoàn của 308 phối hợp đánh vị trí Pú Hồng. Sau 1 giờ 45 phút chiến đấu, bộ đội ta tiêu diệt hoàn toàn bốn trung đội (...) Cùng lúc, một tiểu đoàn của 312 tiến công vị trí Bản Hời. Sau hơn một giờ chiến đấu, đại đội địch tại đây cũng bị tiêu diệt. Nhưng ngày hôm sau, với sự yểm trợ của máy bay và đại bác, địch mở nhiều đợt xung phong đánh bật bộ đội ta ra khỏi Pú Hồng và chiếm đóng lại vị trí.

Đêm ngày 1 tháng 12, trung đoàn 209 tiến công Bản Vây, cứ điểm chính trong cụm cứ điểm phòng ngự ở phía nam Nà Sản (...) Trung đoàn 174 (...) đánh vị trí Nà Si. Cả hai trận đánh đều không thành công. Trời sáng, địch dùng máy bay oanh tạc vào đội hình quân ta và bắn trên 5.000 quả đạn pháo (...)

Trong ngày 2 tháng 12, địch thả dù tăng cường thêm cho Nà Sản hai tiểu đoàn.

Những cứ điểm bộ đội ta đánh trong đợt này chỉ có quân số từ đại đội tăng cường tới hai đại đội (...) không mạnh hơn Nghĩa Lộ, Pú Chạng, Mộc Châu v.v. về công sự cũng như về địa hình. Trận nào ta cũng sử dụng những đơn vị có kinh nghiệm, và tập trung ưu thế binh lực. Vì đâu phần lớn các trận đánh không thành công? Một nguyên nhân là bộ đội mỏi mệt sau nhiều ngày truy kích, đội hình các đơn vị đều xộc xệch. Nhưng so với chiến dịch Biên Giới thì sự mệt mỏi và xáo trộn trong đội hình lần này chưa bằng. Trong từng trận đánh, cán bộ và chiến sĩ ta đều có quyết tâm tiêu diệt địch rất cao. Nguyên nhân chính là do những cứ điểm này nằm trong hệ thống cấu trúc chặt chẽ của một tập đoàn cứ điểm. Người Pháp coi đây là một chiến lược ngăn chặn mới. Muốn đánh bại chiến lược này, cần phải có thời gian!

Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch Tây Bắc.

Ngày 10 tháng 12 năm 1952, hội nghị sơ kết chiến dịch được tổ chức ngay tại sở chỉ huy tiền phương, gần Tạ Khoa.

Chiến dịch Thu Đông 1952 đã thành công vượt mức dự kiến.

Ở hướng chính Tây Bắc, ta đã tiêu diệt và bắt khoảng 6.000 quân địch, trong đó có hơn 1.000 quân Âu Phi. Ta còn thu được thắng lợi quan trọng ở Phú Thọ, tiêu diệt 1.711, bắt 173 (...) Vùng mới giải phóng ở Tây Bắc rộng 28.000 ki-lô-mét vuông với 250.000 dân. Ở hướng đồng bằng Liên khu III ta đã tiêu diệt (...) khoảng 4.000, bắt 1.846, mở rộng nhiều khu căn cứ cả ở tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng. Tính chung toàn Bắc bộ sau hai tháng chiến đấu, ta tiêu diệt và bắt khoảng 13.800 quân địch (...) thu nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch (...)

Ta (đã) đánh địch trên cả hai mặt trận: rừng núi và đồng bằng. Chiến dịch Tây Bắc mùa khô năm 1952 đã khẳng định một phương hướng chiến lược mới được mở ra từ chiến dịch Hòa Bình (...)

Phần lớn những đơn vị có mặt ở Tây Bắc đã tham gia chiến dịch Biên Giới. Một lần nữa họ lại chứng kiến cảnh quân địch hốt hoảng rút chạy khỏi những cứ điểm như ong vỡ tổ. Không phải mọi người đều bằng lòng khi có lệnh kết thúc chiến dịch. Tôi nói:

- (...) nếu đánh (Nà Sản) nữa thì không chắc thắng, trong khi đó vùng giải phóng rất rộng mà chưa được củng cố (...) Ta không đánh Nà Sản, địch có thể đánh lan ra vài nơi trong vùng mới giải phóng. Nhưng tình hình hiện nay ở Tây Bắc khác trước, vì bọn ngụy quân, ngụy quyền phần lớn đã bị tiêu diệt, nhân dân Tây Bắc đã giác ngộ và tham gia kháng chiến, chủ lực ta còn ở lại bảo vệ địa phương thì âm mưu địch quay trở lại Tây Bắc sẽ gặp nhiều khó khăn...

Theo chủ trương của Bộ Chính trị, tôi tổ chức một cuộc họp cán bộ Khu Tây Bắc bàn kế hoạch giữ vững và phát huy thắng lợi của chiến dịch. Cuộc họp thống nhất cần chú trọng thực hiện những chính sách dân tộc của Đảng, đoàn kết toàn thể các dân tộc Tây Bắc (...)

Trung đoàn 174 và một bộ phận pháo binh ở lại Tây Bắc cùng với bộ đội địa phương ngăn chặn địch ở Nà Sản (...)

Trên đường về, xe chạy trên những con đường vừa được phục hồi giữa vùng giải phóng, nhìn những ngôi nhà sàn ấm áp ánh lửa, bộ đội, dân công nhộn nhịp ra vào, tôi cảm thấy một ngày mới của cuộc kháng chiến đang bắt đầu. Nhưng cũng giống như những bước chuyển (khác) trong chiến tranh, những thuận lợi bao giờ cũng kèm theo những thách thức. Thách thức mới lúc này là sự xuất hiện của tập đoàn cứ điểm địch tại Nà Sản.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 830-838)