“Vất vả quá chừng”? Còn đúng nào hơn! Ba mươi năm bôn ba hải ngoại chỉ có châu Úc là chưa ghé qua, đến khi về nước thì gần năm năm ẩn náu nơi rừng núi xa xôi hiểm trở vốn rất hiếm người Kinh từng lên, rồi ở Hà Nội chỉ được có vỏn vẹn một năm mấy tháng, lại phải trở lại mạn ngược…

Tết Đinh Hợi, Hồ Chủ tịch đã gần sáu mươi. Trước kia tới lục tuần là được gọi bằng “cụ”, nếu làm quan có thể cáo lão. Ở cái tuổi mà điển hình người ta sắp sửa về quê nghỉ ngơi, thì Bác chuẩn bị lên núi vào rừng để lãnh đạo một cuộc kháng chiến khó khăn chưa từng có trong lịch sử dân tộc: quân giặc được trang bị dồi dào đủ thứ phương tiện chiến tranh hiện đại, còn quân ta thì súng đạn hết sức ít mà chưa biết đến bao giờ thì mới bắt đầu được các bạn chi viện. Làm sao đây? Làm gì thì cũng phải giữ cho dân có cái tinh thần cao nhất. Cho nên “… nhất định thắng lợi! (…) nhất định thành công!”…

Trong chuyến công tác cuối năm ấy, ngồi trên cái xe thích sa xuống ruộng và ưa quay tít bánh để đứng yên tại chỗ, có lẽ Hồ Chủ tịch có lúc đã ước có một con ngựa, nhưng rồi rút cuộc Bác chỉ được cưỡi chính mình! Năm giờ sáng mới đi nằm, để chưa tới bảy giờ đã dậy, suốt ngày sinh hoạt như thường, này, bây giờ ai vào tầm tuổi ấy thử làm như Bác một lần xem sao! Và Tết năm nay, ngày mồng Một, ta hãy ăn bữa cơm độn sắn để tưởng nhớ một quốc trưởng vất vả vì nước hơn bất cứ quốc trưởng nào xưa nay ở bất cứ đâu.
(Thu Tứ)



Tết kháng chiến đầu tiên của Bác




Đêm 19-12-1946, Bác rời Vạn Phúc đến Xuyên Dương. Tối 13-1-1947, qua phà Bá Thá sang đất Chương Mỹ. Khoảng nửa đêm, Bác cháu tôi tới xóm Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Chính tại địa điểm này, Bác đã viết bài thơ chúc Tết Đinh Hợi, cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ (...)

Nhớ lại dạo đó, trong một cuộc họp thân mật, ai cũng sung sướng được đón Bác Hồ đến dự. Trời rét, mưa phùn, nhìn Bác gầy mà đầu đội nón, quần xắn cao, tay chống gậy đi vào phòng họp, nhiều đồng chí đã khóc. Có đồng chí tâm sự:

- Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác sao mà vất vả quá chừng. Giành được độc lập, tự do cho nước, cho dân mới được hơn một năm lại phải lãnh đạo cuộc kháng chiến khó khăn nhiều bề.

Bác (...) trả lời (...)

- Thế các cô, các chú có thấy lúc nào Bác phàn nàn, kêu ca đâu? Nếu có thật vất vả thì vất vả của Bác so với nhân dân và chiến sĩ là không đáng kể. Vì vậy, Bác không dám kêu ca, phàn nàn mà phải cố gắng cho đến khi kháng chiến thắng lợi!

Chiều thứ ba ngày 21-1-1947 từ Cần Kiệm, Bác đi dự phiên họp Hội đồng Chính phủ tất niên. Trời mưa, đường trơn, ô-tô vừa chạy được một quãng thì sa một bánh xuống ruộng. May ruộng cạn nên xe chưa bị lật. Trời đã tối. Đi tìm người khênh xe tối 30 Tết không phải là việc dễ (...) May mà đồng bào không kiêng. 21 giờ xe mới tới được nơi họp tại phủ Quốc Oai. Phiên họp tất niên chúc mừng năm mới và bàn định một số công việc. 22 giờ rưỡi, xe lại đưa Bác đến Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam trong hang chùa Trầm để chúc mừng năm mới Đinh Hợi vào đúng giao thừa. Mưa càng to. Đường càng lầy và trơn hơn. Nhiều lúc bánh xe quay tít trên mặt đường mà xe vẫn đứng nguyên một chỗ. Đành phải xuống đẩy. Đúng là tối như đêm 30. ánh đèn pha chiếu phía trước nhòa đi vì mưa nặng hạt. Lo ngại nhất là lúc lên dốc. Nhiều lúc thấy máy nổ mà xe không thấy tiến, có lúc lại muốn lùi nữa, tôi buột miệng kêu lên:

- Thôi chết rồi!

Mỗi lúc thấy xe khó đi, đồng chí lái xe vất vả, tưởng không vượt qua được, tôi lại quen miệng kêu:

- Thôi chết rồi!

Bác cũng sốt ruột và quay sang nói với tôi:

- Chú này sao chết nhiều lần thế!

(...) Xe vòng quanh Xuân Mai rồi rẽ quặt xuống, gần 12 giờ đêm mới tới chùa Trầm. Hang chùa Trầm là nơi Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam làm việc. Nửa đêm mà điện sáng trưng. Máy nổ ầm ầm. Vừa tới nơi, Người vào phòng thu thanh. Trước máy, Người đã đọc bài thơ chúc Tết gửi đồng bào cả nước:

“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”


Đọc xong, Bác nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh (...) có khá nhiều anh em, bạn bè các nước (...) đứng trong hàng ngũ chống đế quốc.

Lúc gần về, sư cụ chùa Trầm xin lên “yết kiến”. Sư cụ thành kính như lên khóa lễ, tay chắp, giọng run run, mắt đăm đăm nhìn Cụ Hồ:

- Đây là lòng thành của nhà chùa kính dâng, mong Chủ tịch thu nhận cho!

Chú tiểu thành kính đội mâm bánh chưng đặt xuống giường. Cụ Hồ cảm ơn sư cụ và chúc nhà chùa sang năm mới càng ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công!

0 giờ 45 phút mồng một Tết xe ra về. Trời vẫn mưa to. Lại phải xuống xe đẩy mấy quãng. Lúc này, tôi cố kìm nén để không kêu "chết" nữa (...) Cách nhà chừng hai cây số thì xe lại tụt cả hai bánh xuống ruộng. Vào giờ này thì khó mà mượn người khênh xe. Anh tài đành ngủ trên xe. Còn mấy Bác cháu, dù đường lầy lội cũng xuống xe cuốc bộ về nhà “xông đất”.

Tờ mờ sáng mới về tới nhà (...) Tôi rửa chân tay, thay quần áo, ngồi đọc hai bài báo của Butbién cho Bác nghe. 5 giờ sáng, Bác cháu mới đi nằm. Lúc đó, các nhà dân đã bắt đầu dậy để chuẩn bị cúng tổ tiên. Sáng mồng một Tết, 7 giờ sáng tôi dậy. Ngủ chưa được hai tiếng. Nhưng Bác đã dậy trước. Mấy anh em đi xuất hành cầu may. Theo hướng nào? Đông Bắc! Anh Cả (Nguyễn Lương Bằng) cùng mấy anh em xuất hành đi khiêng xe. Người nào người nấy gọn gàng, quần xắn cao, vai vác đòn, đầu đội nón. Trời vẫn mưa, đường lầy trơn như tráng mỡ (...)

Trưa, tôi ngủ được một mạch từ 11 giờ đến 2 rưỡi chiều. Bác vẫn như ngày thường, vẫn làm việc đúng giờ giấc, vẫn đôi kính trắng ngồi đọc sách, tay cầm bút chì đỏ gạch những đoạn cần sửa trong quyển Vấn đề du kích (...)

Chiều mồng một Tết, anh Ninh và tôi ăn cơm nguội, còn mấy anh em khác ăn Tết cùng đồng bào. Riêng Bác có một suất cơm nóng, nhưng là cơm độn sắn, mấy miếng thịt nạc rim và bát canh rau cải (...) Buổi tối, mấy Bác cháu cùng nhau ngồi sưởi ấm quanh bếp lửa. Trong ánh lửa lung linh, những kỷ niệm Tết đã qua như sống lại (...) Mắt ai cũng mơ màng (...) Chín giờ tối, các anh Nhân (Trường Chinh), Văn (Võ Nguyên Giáp), Nam vào họp và chúc Tết Bác. Anh Cả và anh Ninh cùng họp. Các anh đến vui nhưng báo tin xúi quẩy là xe cũng bị tụt bánh, lại nhờ tụi tôi đi khênh hộ. “Giông” cả năm. Tết này là Tết khênh xe. Trời mưa, lạnh buốt. 12 giờ đêm mới về. Một giờ sáng các anh ra đi.

Kháng chiến quả là vất vả (...) Nhưng hàng ngày trông Người cặm cụi làm việc, nhớ đến lời thơ chúc Tết của Người (...) tôi thấy như được tiếp thêm sức mạnh.

Giờ đây, mỗi lần Tết đến, không còn được nghe Bác đọc thơ chúc Tết trên Đài Phát thanh, nhưng trong tôi vẫn vang vọng lời thơ như tiếng kèn thúc trận từ đêm giao thừa năm ấy.


(Thành Ý ghi theo lời kể của nhà văn Sơn Tùng, trang
tuoitre.vn)