“- Bố ạ, cái anh chàng Vinh ấy thế mà tồi! (...) Nghe bọn chúng con bàn nhau đi thanh niên xung phong, hắn cứ gàn ngang. Hắn cứ tìm con, khuyên đừng đi, bảo con là nông cạn, phải theo lên đại học mới đúng.

- Thì anh ấy cũng có cái lý của anh ấy chứ sao! Cũng phải có nhiều thanh niên đi học, sau này nước nhà mới có đủ cán bộ.

- Không phải. Con hiểu chứ!

Mắt Mai lóe ra những tia công phẫn:

- Nếu đặt nhiệm vụ đi học thì khác. Đằng này hắn lại chê con là dại. Hắn bảo tội gì lên rừng cuốc đường phí cả học vấn, mà nhỡ lại chết mất xác ở đâu vì một quả bom.

- Thế thì nó xấu thật!”.

Quan trọng là tấm lòng. Như cái tên Vinh này thì dù hắn ở hậu phương có làm được việc gì ích lợi cũng phải kể là không. Nhưng đa số ai biết đâu! Chắc chắn khi phát biểu chính thức, hắn sẽ không dại gì mà bảo “tội gì”, mà sẽ hết lời ca ngợi tinh thần hy sinh của những người ra đi. Bao giờ cũng có một số “Vinh”. Không nhiều lắm đâu, vì nếu thế thì kháng chiến đã thất bại.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vào lửa (7)



Ba giờ sáng, đoàn xe hậu cần của trung đoàn đến.

Xuân đi kiểm tra đồi Một Trăm Hai Mươi và các trận địa pháo bên kia sông trở về, vừa đặt mình ngủ chợp được một giấc. Khi Hòa lay anh dậy, Xuân nghe tiếng máy ô-tô ì ì phía ngoài đường cái.

- Đến rồi hả?

Xuân vừa quàng vội cái áo ka-ki, vừa đi theo Hòa. Giác và mấy anh sĩ quan tham mưu khác đang chờ anh.

Họ vượt qua đoạn đường đất gập ghềnh, ra tới cái ngã ba lớn bên bờ sông thì gặp đoàn ô-tô vận tải đã tắt máy đỗ thành hàng dài, dọc theo một hàng cây phượng cành lá lòa xòa đen sẫm dưới ánh trăng mờ. Trên đầu đoàn xe, năm sáu anh cán bộ và chiến sĩ đang đứng tụm vào nhau châm thuốc lá. Chiếc com-măng-ca chưa kịp đỗ, Giác đã nhảy xuống đường, hỏi to:

- Đồng chí Đôn có đó không?

- Có tôi!

Từ quãng giữa đoàn ô-tô, một sĩ quan lộp cộp chạy đến.

- Báo cáo tham mưu trưởng, đoàn xe chúng tôi đã đến đủ.

- Trung đội súng máy đến chưa?

- Báo cáo đã đến cả. Bê súng máy ở dưới kia.

Có tiếng máy bay lởn vởn tiến gần đến. Đôn quay lại nhóm anh em đang hút thuốc lập lòe:

- Các cậu thuốc lửa cẩn thận đấy. Một cậu xuống gọi đồng chí trung đội trưởng súng máy lên đây.

Giác dặn thêm:

- Này, đồng chí bảo mấy xe của trung đội súng máy lên luôn trên này nhận lệnh.

Đôn đã nhận ra chính ủy đứng bên Giác.

- Anh Xuân đấy à? Báo cáo anh, cô Mai đi xe dưới kia.

- Cháu nó có làm rầy các đồng chí lắm không?

- Có gì đâu, cô ấy vui tính lắm.

- Đi đường hôm nay gặp nhiều pháo sáng lắm hả?

- Vâng, suốt từ chập tối lúc nào cũng có máy bay nó trên đầu. Đáng lẽ chúng tôi đến sớm hơn, nhưng nhiều lần phải đỗ lại tránh, thành ra lục đục mãi đến bây giờ.

Phía dưới cùng đoàn xe đã nổ lên tiếng máy ầm ầm, rồi những chiếc ô-tô cắm đầy cành lá, bên trên lố nhố bóng bộ đội mũ sắt, từ từ chuyển lên.

Đoàn cán bộ lánh vào bên vệ đường. Những xe súng chạy ngang qua họ, vượt lên, và theo nhau đỗ lại, máy vẫn nổ chờ. Đồng chí trung đội trưởng từ ca-bin xe đầu nhảy xuống, chạy đến, cộp giày báo cáo. Giác hỏi:

- Bê súng máy đó hả? Tốt lắm. Bây giờ đồng chí này sẽ hướng dẫn trung đội của đồng chí sang bên kia sông, đến thẳng trận địa. Sang bên đó, đồng chí tới báo cáo ngay với anh Phong, nhận nhiệm vụ. Thôi đi luôn cho kịp. Rõ chưa?

- Rõ.

Đồng chí trung đội trưởng giơ tay chào, rồi nhanh nhẹn cùng một anh cán bộ tham mưu đi ngay.

Giác tiếp:

- Nào, bây giờ đồng chí Đôn giúp tôi một tay, ta phân phối hàng cho các đơn vị. Xem nào, được những gì đây?

Xuân đi dọc theo dãy ô-tô vận tải để tìm con. Tiếng máy bay lúc này lại vo vo quanh quẩn trên trời đêm. Các anh em lái xe nằm ngồi từng nhóm dưới các gốc cây tối om, có cậu đã ngáy khò khò.

Dáng chừng nó kia hẳn! Trong bóng tối, Xuân vừa thấy ở cuối một chiếc xe, một bóng người đội chiếc mũ cát, đeo ba-lô sau lưng, đang giơ tay đỡ chiếc xe đạp ở trên chuyển xuống. Xuân đi nhanh lại.

- Mai đấy phải không?

- Bố!

Tiếng reo của đứa con làm cho trống ngực Xuân bỗng đập mạnh, rộn rực sung sướng.

- Để bố đỡ cho nào.

Xuân đến bên con, đỡ chiếc xe đạp, đặt xuống đất. Mai ngẩng lên nói với anh bộ đội trên xe:

- Cám ơn anh nhé.

- Còn gì nữa không, con?

- Hết rồi bố ạ, con chỉ mang mỗi cái ba-lô.

Mai lại ngẩng nói lên trên xe: “Cám ơn anh nhé”. “Chào chị, Bao giờ chị lại về? Tối mai chị có về thì ra xe đi với chúng tôi”.

- Sáng ra là tôi về luôn anh ạ. Chào anh nhé. Bố để con...

Mai cầm lấy tay lái xe đạp, dắt đi. Hai cha con bước sóng đôi giữa đường.

- Thích quá, thế là con tìm được bố rồi! Gớm, tìm bố khó ghê ấy!

Mai cười khúc khích.

Từ phía đầu xe, vọng xuống tiếng Đôn gọi kéo dài:

- Tổ ba cho xe lên đi. Tổ ba cho xe lê... ên...

Một quả pháo sáng vừa cháy đỏ lừ trên bầu trời đầy mây, phía bên kia sông.

- Bố con ta dẹp vào cho xe đi. Đường xóc lắm phải không? Con có mệt không?

- Mệt gì, con toàn ngủ thôi. Mấy lần, các anh ấy phải đánh thức, bắt con xuống xe chạy nấp, vì nó thả pháo sáng gần quá. Nhưng cứ lên xe đi là con lại ngủ luôn.

Hai bố con lánh sát vào vệ đường. Mấy chiếc ô-tô bịt mui kín rung những cành lá ngụy trang rào rào chạy qua. Bụi cuốn mù lên trong ánh pháo sáng vẫn cứ vật vờ hắt xuống.

*

Hòa đưa hai bố con về trước chỉ huy sở của Cụm, rồi quay xe lại ngã ba đợi Giác. Xuân châm ngọn đèn bão trong cái lán của Phong lúc này bỏ trống, và bảo con:

- Ở gốc chuối ấy có thùng nước đấy, Mai ra mà rửa mặt.

May còn mấy cái bánh mì và cả ít thanh kẹo vừng nữa của Viên ban nãy cho ở chỗ bến củi, Xuân tìm cái đĩa sắt bày lên, rồi anh lại vơ cái phích nước và gói chè của Phong pha vào một cái ca. Lúc sau, hai bố con đã ngồi bên ngọn đèn. Xuân bảo:

- Con ăn đi. Chắc con đang đói ngấu.

Mai đã bỏ mũ. Tóc nó mới cắt ngắn, làm cho khuôn mặt nó trông lạ hẳn như nhiều lên mấy tuổi, rõ ra một nữ thanh niên chín chắn rồi. Hai má nó đen rám đi. Mai ăn ngon lành, vừa ăn vừa kể:

- Con phải “đấu tranh” ghê lắm, các bác ấy mới cho con lên đây với bố. Các bác ấy cứ giữ con lại, bác Trí đã giữ, lên đến chỗ bác Hưng cũng giữ. Nhưng mà có thì giờ đâu! Kể ra cũng tiếc quá, mấy khi được đến tận chỗ cao xạ đánh nhau. Nhưng mà chiều nay con cũng đã được dự một trận rồi bố nhé. À, bố đừng tưởng, con được công tác tiếp đạn cẩn thận đấy nhé. Con lại được dự một đám cưới nữa. Ở cái xóm ngay bên trận địa thôi. Tàu bay vẫn bay, mà dưới này vẫn đi đón dâu, mười tám cái xe đạp. Mười tám cái xe đạp bố nhé!

Xuân phì cười, anh nhìn con không chán mắt. Từ dạo Tết, gần nửa năm nay anh mới gặp lại nó. Mỗi lần nhìn thấy con, trong lòng anh cứ dào dạt. Xuân thấy con gái anh mặc áo sơ-mi vải nhuộm màu lá cơi, nom rắn rỏi lên. Năm nay nó đã thật là một cô gái rồi, không còn một chút gì là đứa trẻ nữa. Đôi lông mày và đôi mắt to kia đúng là lông mày và mắt của mẹ nó ngày trước. Cái miệng nó tươi cười, cả gương mặt nó là niềm vui hình như không lúc nào chịu yên.

- Thế mày không nán lại ở chơi với bố được một hai ngày à?

- Ngày hai mươi này con đã phải đến chỗ tập trung ở Hà Nội để đi rồi. Và con đã hẹn với cái Minh, nhà nó gần đấy, nó cùng đi chuyến này với con mà không về thăm nhà được, thành ra con còn phải đi đưa thư và quà cho bà mẹ nó. Sáng ra là con phải đi mới kịp bố ạ,

Mai ngước nhìn như muốn xin lỗi bố, đôi mắt nó bỗng buồn hẳn.

Xuân an ủi con:

- Thôi, con vào gặp bố thế là tốt lắm rồi. Vả lại con có ở thêm được một ngày, thì bố cũng chẳng có lúc nào rảnh đâu. Thế mày đi thanh niên xung phong đấy?

- Vâng! Con lại còn viết đơn gửi Mặt trận Miền Nam tình nguyện vào trong ấy, bất cứ giao việc gì con cũng xin làm. Bố ạ, làm thế nào con được vào Miền Nam chiến đấu nhỉ?

- Ở ngoài này cũng đánh Mỹ chứ sao!

- Nhưng mà vào trong ấy vẫn hơn!

Xuân lại nhìn gương mặt đứa con. Hai mắt nó vừa có cái náo nức bồng bột của tuổi trẻ mà vừa sáng lên cái ánh quả quyết đầy tự tin của người đã suy nghĩ kỹ về việc làm của mình.

Mai lại bậm môi khúc khích, niềm vui trong mắt như cứ trào ra, không thể ngăn lại được.

- Con phải đi gấp bố ạ, thành ra không kịp viết thư cho bố. Vả lại con chắc bố thế nào cũng đồng ý rồi. Thôi, đạp xe luôn vào trong này, không có, đi rồi, biết lúc nào mới có dịp gặp bố được!

Mai cúi đầu xuống, cầm lấy một bàn tay bố, nghịch những ngón tay:

- Trong chi đoàn, con cũng phải “đấu tranh” mãi mới được đấy. Chúng nó cứ bảo con cần đi học đã. Có bạn bảo con gái bây giờ chưa cần đi, phải nhường cho con trai đi trước. Có bạn lại nêu vấn đề con là con một, chưa chắc bố đồng ý cho con đi. Nghe tức lộn cả ruột. Bạn ấy biết bố thế nào mà lại nói bừa thế! Nhưng rồi các bạn cũng phải nghe. Không nghe thế nào được, con đúng kia mà! Con đi thật thích, con chỉ thương bố thôi...

Mai quay vội đi, giấu giọt nước mắt bỗng rơi xuống.

Xuân nao nao, nghĩ rằng sau buổi sớm nay, có lẽ rồi hàng mấy năm anh sẽ không được gặp con, không được trông thấy nó, nghe nó líu tíu bên tai anh như thế này!

Mai lấy tay chấm nước mắt và quay lại.

- Con ở nhà thì cũng chỉ thỉnh thoảng giúp đỡ cho bố được vài việc lặt vặt thôi. Ngày trước con dại quá, bây giờ lớn lên biết săn sóc bố một tí thì lại phải đi.

Nước mắt Mai lại ứa ra.

- Nhưng con đã nghĩ đi đâu thì đi, cứ nhất định một tuần, hai tuần, con viết cho bố một lá thư. Và con không bỏ học, đến bao giờ đánh Mỹ xong, con lại về đi học lên nữa. Thế bố đồng ý chứ?

Mai mỉm cười, nụ cười còn ngấn nước mắt. Xuân gật đầu:

- Tôi đồng ý tất cả với đồng chí đấy. Nhưng kỳ này đồng chí đi đâu, đã biết chưa?

Mai lại cười, lắc đầu:

- Chưa biết, bố ạ. Nhưng con đoán sẽ đi xa. Chúng nó cứ kháo nhau là đi miền Tây, biết đâu có khi lại được vào gần bố cũng nên.

Hai bố con cùng im lặng mấy giây. Nghe tiếng máy bay ầm ì, Xuân vặn nhỏ bớt ngọn đèn bão.

- Bố ạ, cái anh chàng Vinh ấy thế mà tồi!

- Anh Hồng Vinh ở gian ngoài chỗ nhà con ở trọ ấy à?

- Vâng, cái chữ Hồng ấy là hắn tự đặt thêm chứ có phải tên thật của hắn ấy như thế đâu!

- Anh ấy làm sao mà mày chê anh ấy tồi?

- Nghe bọn chúng con bàn nhau đi thanh niên xung phong, hắn cứ gàn ngang. Hắn cứ tìm con, khuyên đừng đi, bảo con là nông cạn, phải theo lên đại học mới đúng.

- Thì anh ấy cũng có cái lý của anh ấy chứ sao! Cũng phải có nhiều thanh niên đi học, sau này nước nhà mới có đủ cán bộ.

- Không phải. Con hiểu chứ!

Mắt Mai lóe ra những tia công phẫn:

- Nếu đặt nhiệm vụ đi học thì khác. Đằng này hắn lại chê con là dại. Hắn bảo tội gì lên rừng cuốc đường phí cả học vấn, mà nhỡ lại chết mất xác ở đâu vì một quả bom.

- Thế thì nó xấu thật!

- Mấy hôm nghe con sắp đi, hắn cứ bám sát dỗ dành. Đến hôm con sắp vào đây, hắn lải nhải xin kết hôn với con, đòi đi đăng ký ngay vì tình hình chiến tranh. Hắn phê bình con là có quan điểm luyến ái lãng mạn, không thực tế, vì hắn “có văn hóa”, lại là cán bộ, tại sao con không bằng lòng yêu hắn! Hắn còn bảo nếu con bằng lòng, hắn sẽ lo cho con ra nước ngoài, sẽ có thể yên ổn mà học lên rất cao! Thằng bần tiện!

Mai đỏ mặt lên, như còn xấu hổ vì những lời gạ gẫm mà cô đã phải nghe thấy.

- Thế sao trước kia mày khen nó tốt?

- Lúc mới gặp, con thấy hắn săn sóc tụi con, cho mượn sách vở, giúp đỡ việc này việc khác, và hắn nói toàn những câu đạo mạo, biết đâu!

Xuân vỗ đầu con, cười, nhưng mắt anh đăm chiêu.

- Xét đoán một con người nhiều khi khó lắm. Nhưng trong lòng mình ngay thẳng, trong sạch, thì thường mình vẫn nhìn rõ hết. Nhân câu chuyện, bố cũng muốn nói thêm với con. Con đã lớn, chắc con sẽ gặp nhiều thanh niên tỏ tình yêu và rồi đến một lúc con cũng sẽ nghĩ đến tình yêu. Con cố gắng đừng bao giờ để tình cảm của mình vẩn lên vì cái gì mờ ám, tính toán bẩn thỉu. Mình có thể lầm lẫn nhưng đừng giả dối, sống phải có lòng can đảm và tự trọng, trong những vấn đề tình cảm càng phải như vậy.

Hai bố ngồi rì rầm nói chuyện bên ngọn đèn bão.

Xuân bỗng đứng dậy:

- Con nằm đây mà ngủ đi một tí. Bố phải sang bên chỉ huy sở có việc.

Xuân sang lán điện thoại, gọi Phong, hỏi tình hình. Bốn khẩu súng máy đã đưa lên đỉnh đồi Một Trăm Hai Mươi rồi, đang làm công sự. Ca Một đã sang vị trí số hai. Ca Sáu đang nhận đạn và mũ sắt, sắp kéo pháo ra trận địa mới.

*

Buổi sáng nhiều mây, gió thổi mát dễ chịu. Xuân đưa con đi tắt qua những quả đồi, để tránh quãng cầu. Hai bên con đường mòn, trên mặt cỏ, óng ánh những tấm mạng nhện mỏng manh đọng đầy sương sớm. Mai đội cái mũ sắt, quai bỏ dưới cằm, trên vai quàng miếng vải màn nhuộm xanh, chân đi đôi dép lốp cao-su-đen. Cái xe đạp cũng được buộc ít cành lá để che bớt những chỗ kền sáng. Hai cha con thỉnh thoảng nói một câu, trong lúc chia tay, hình như không có lời nào đủ để diễn tả những ý nghĩ nửa vui nửa buồn lẫn lộn trong đầu họ.

Xuân dặn con:

- Đi đường, con cẩn thận máy bay. Con đạp nhanh ra khỏi khu vực ngã ba này, sang bên kia đèo là đỡ nguy hiểm rồi.

Mai đứng lại:

- Thôi, bố về.

Trong lòng Xuân bỗng cuống quýt tất cả lên. Con anh sắp đi xa thật hay sao! Người cha cố dặn thêm:

- Nhớ viết thư cho bố. Mày là hay lười viết thư lắm.

Mai nhìn mái đầu đã bắt đầu điểm bạc của bố, trong mắt cô lúc này lắng sâu một tình thương vô hạn. Trong giây lát đôi mắt ấy chìm vào sự suy nghĩ nghiêm trang, rồi cô gái dịu dàng nói khẽ:

- Bố này, bố cứ sống mãi một mình thế à?

Xuân bật cười:

- Sao mày lại hỏi bố thế?

- Không! Con nói thật đấy.

Xuân đứng lại nhìn theo bóng con đạp xe đi nhanh trên sườn đồi. Chiếc xe đạp biến đi một lúc trong những rặng cây, rồi lại hiện ra thấp thoáng phía xa. Mai vẫn đạp miết, tấm vải xanh lá cây trên vai bay phấp phới. Ra đến đường cái, nó đứng lại, giơ tay lên vẫy vẫy. Xuân cũng vẫy tay chào con. Mai lại đạp xe đi rồi. Chiếc xe đạp khuất sau một quả đồi cao, lần này thì khuất hẳn.

Xuân quay về, vừa đi vừa nhớ ra bao nhiêu điều mà anh còn quên chưa dặn con. Những câu nói của nó lúc này mới như đang động sâu vào trong anh, làm cho anh mỗi lúc càng thêm bồi hồi. Anh vẫn cứ quen coi nó là một đứa bé nhưng con anh đã lớn rồi thật! Bây giờ không những anh có một đứa con yêu, anh đã có thêm một người bạn cùng theo đuổi một lẽ sống, một người bạn độ lượng và hiểu anh. Con anh đã nên một con người, từ nay ghé vai gánh lấy công việc của Tổ quốc, của cách mạng. Con hãy đi con đường của con.