Hết sức may mắn cho kháng chiến là người lãnh đạo tối cao luôn hoàn toàn tỉnh táo. (TT)



Tố Hữu, “Vui mấy vẫn tỉnh”




Sau Đại hội Văn hóa toàn quốc năm 1948 (...) hầu hết văn nghệ sĩ ở miền Bắc đều tập trung về Đại Từ, ở xóm Chòi (...)

Năm 1951 một số anh đi vào vùng địch hậu như anh Kim Lân về Bắc Ninh khá lâu. Song đáng ngại nhất là cuộc đi của anh Nam Cao về Hà Nam. Chúng tôi rất lo vì vùng này cơ sở kháng chiến còn yếu, bọn phản động khá nhiều. Tôi nói: “Anh nên đợi một thời gian để ta tạo ra một số xã mạnh làm bàn đạp”. Anh liền nói: “Chính vì còn nhiều khó khăn nên mới cần đến đó, để hiểu được tinh thần dân mình thế nào chứ! Tôi có cách đi vì rất quen địa hình này”. Thế là anh đi cùng một số cán bộ, xuống Ninh Bình rồi tạt qua Hà Nam... Chỉ mấy tuần sau chúng tôi được tin dữ: anh Nam Cao bị phục kích ở Gia Viễn và đã hy sinh (ngày 30-11-1951). Một tổn thất quá lớn. Anh là một nhà văn rất có tài (...)

Như mọi người đều biết (...) sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng ác liệt, đến chiều 7 tháng 5 năm 1954, quân ta giành toàn thắng (...) Chiến công vĩ đại này (...) cho tôi một cảm hứng vô cùng to lớn (...) viết một mạch bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” ngay trong đêm được tin chiến thắng từ mặt trận điện về (...)

Tin về nửa đêm
Hỏa tốc hỏa tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng
Chuông reo tin mừng
Loa kêu từng cửa
Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa...

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (...)

Kháng chiến ba nghìn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như
Huân chương trên ngực
Dân tộc ta dân tộc anh hùng!


Sau những câu thơ nói về sự gian khổ, ác liệt và những hành động anh hùng của chiến sĩ ở Điện Biên Phủ, tôi vui sướng tột độ khi nghĩ đến cái cảnh:

Nghe trưa nay tháng năm, mùng bảy
Trên đầu bay thác lửa hờn căm
Trông: Bốn mặt lũy hầm sụp đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!


Và mừng biết bao:

Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...


Biết là Bác ngày đêm theo dõi chiến dịch Điện Biên, lại nghĩ, sắp đến ngày sinh của Bác, tôi viết:

Từ khi vượt núi băng đèo
Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày
Tin về mừng thọ đêm nay
Chắc vui lòng Bác giờ này đợi trông...


Mạch thơ của tôi cứ chảy ra đầu ngọn bút (...) tôi tưởng như được nghe đồng chí Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn đại biểu của ta nói với đoàn Pháp ở hội nghị Giơ-ne-vơ:

Nếu còn say máu chiến tranh
Ở Việt Nam, các anh nên nhớ
Tre đã thành chông, sông là sông lửa
Và trận thắng Điện Biên
Cũng mới là bài học đầu tiên!”
(...)

Sáng ngày 8 tháng 5, tôi được gọi vào gặp Bác về công tác tư tưởng. Thấy tôi, Bác hỏi: “Đêm qua các chú làm gì mà ầm lên thế. Đánh giặc thì phải thắng. Thắng thì vui mừng. Nhưng sao lại hò reo ồn ào, náo động cả vùng Trung ương cần giữ bí mật! Bác đã điện ra mặt trận khen cán bộ và chiến sĩ ta đánh giỏi nhưng nhắc không được chủ quan khinh địch (...) Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ. Vì vậy phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ hơn. Các chú phải nhớ lấy. Trong công tác tuyên truyền, không được tếu”.

Trong những ngày vui lớn này, chúng tôi bỗng nhận được một tin rất đau xót: anh Tô Ngọc Vân, một trong mấy nhà danh họa hiện đại của ta, bị trúng bom địch đã hy sinh trên đường lên Điện Biên (...)


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)