“Tối ngày 7-10-1952, bộ đội bắt đầu vượt sông Hồng tiến vào Tây Bắc (...) Trong bốn đêm liền, 30.000 bộ đội, dân công cùng với binh khí kỹ thuật đã được đồng bào đưa qua sông an toàn”. Nó chẳng những không biết kịp để đánh phá cản trở, mà sau đó cũng không hề ngờ gì cả! Gián điệp của nó quá kém.

Cuối năm 1952, phần lớn Tây Bắc vẫn còn nằm trong tay giặc Pháp và ngụy Thái. Kháng chiến chưa tranh thủ được đại bộ phận các dân tộc ít người ở đây. Sự kiện này gây đến ba khó khăn cho một chiến dịch lớn. Thứ nhất, nó khiến ta “rất khó huy động lương thực tại chỗ”. Thứ hai, ta cũng không huy động được nhân dân địa phương vào công tác dân công. Thứ ba, ta không có nhiều tai mắt để theo dõi địch và người thạo đường để dẫn quân.

Có điều này hay, là cái lối giặc và tay sai làm xáo trộn đời sống nhân dân hóa ra có hại cho chúng. “Tôi không hiểu vì sao cuộc hành quân rất lớn trong những ngày qua vẫn chưa bị địch phát hiện”. Để ý “Những bản làng dọc đường dân đã bỏ đi, không một ánh lửa, lạnh lẽo”. Ta không nắm được dân nên không có tai mắt, còn nó nắm dân nhưng tập trung dân thế nào đó nên cũng thiếu tai mắt!

“Hướng chiến dịch giữ được bí mật tới giờ phút chót đã giúp ta giành thắng lợi lớn trong đợt đầu, hạn chế được tổn thất (...) Tuy nhiên, số địch bị tiêu diệt không nhiều (...) Lý do một phần vì địch đánh hơi thấy quân ta là bỏ vị trí tháo chạy, một phần vì ta chưa thực hiện được bao vây chặt và truy kích địch ban ngày”.

Sở dĩ nó chạy thoát, thiết nghĩ ấy bởi nó có nhiều ngụy Thái là thổ địa thạo đường, trong khi ta gặp cái khó khăn thứ ba nói ở trên.

Cũng như ở Hòa Bình, lần này quân ta cũng có súng phòng không. Nhưng chắc chắn chỉ là một số rất ít trọng liên 12 ly 7.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Thu Đông 1952” (1)



Tổng quân số của ta trong năm 1952 là 244.800 người (...) Chủ lực của Bộ vẫn là sáu đại đoàn, riêng Đại đoàn 325 mới có một trung đoàn được trang bị vũ khí mới. Tình hình kinh tế (...) không cho phép ta tổ chức thêm quân đội. Trừ các đại đoàn của Bộ được bạn trang bị vũ khí, các đơn vị khác đều phải sử dụng những vũ khí lấy được của địch hoặc do ta sản xuất. Sự giúp đỡ của bạn chỉ được đến thế vì Liên Xô còn phải lo đối phó với Chiến tranh Lạnh ở châu Âu, Trung Quốc đang tham gia chiến tranh ở Triều Tiên. Trong khi đó, với việc tăng cường quân ngụy được Mỹ trang bị vũ khí, địch đã đưa tổng quân số lên 404.000 người. Nếu vào tháng 12 năm 1950, quân số ta và địch tương đương, thì nay địch đã vượt lên khá xa (...)

Ngay từ tháng 3 năm 1952, Tổng Quân ủy đã quyết định sẽ mở một chiến dịch lớn ở Tây Bắc trong Thu Đông 1952-1953, là vùng rừng núi duy nhất địch còn kiểm soát được ở Bắc bộ. Tây Bắc có vị trí chiến lược lớn trong chiến tranh Đông Dương, có quan hệ tới vận mệnh cách mạng và kháng chiến Lào. Tại Bắc bộ hiện nay, lực lượng địch ở Tây Bắc mỏng và yếu nhất. Nhưng đây lại là nơi địch không thể bỏ. Ta đánh Tây Bắc, địch sẽ đưa lực lượng cơ động từ đồng bằng lên, cho ta cơ hội tiêu diệt. Quyết định sớm của Tổng Quân ủy đã giúp các cơ quan có nhiều thời gian để chuẩn bị (...)

Tây Bắc gồm bốn tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, rộng khoảng 44.300 ki-lô-mét vuông, dân số ước 440.000 người, là một vùng rừng núi trùng điệp. Nhiều dãy núi cao hơn 1000 mét, riêng mỏm Phăng-xi-păng trên dãy Hoàng Liên Sơn cao 3142 mét. Phía đông tiếp giáp với căn cứ địa Việt Bắc, phía nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía tây giáp Thượng Lào. Tây Bắc có một vị trí chiến lược quan trọng đối với cách mạng ở Đông Dương.

Trừ một phần tỉnh Yên Bái và Lào Cai là vùng giải phóng và mới giải phóng (trong thời gian chiến dịch Biên Giới cuối năm 1950), phần lớn Tây Bắc vẫn nằm dưới sự thống trị của thực dân Pháp và bọn thổ ty, lang, đạo phản động. Cơ sở chính của ta ở đây còn non yếu. Dân cư Tây Bắc thưa thớt, thuộc nhiều dân tộc, đa số là người Thái, cuộc sống nghèo đói, nhiều người chưa có dịp tiếp xúc với cách mạng.

Mặc dầu ta có những đơn vị Tây tiến thời đầu chiến tranh, những đội tuyên truyền xung phong đi rất sâu vào Tây Bắc từ năm 1948, nhưng để tổ chức một chiến dịch lớn thì chiến trường này với cơ quan tham mưu của ta vẫn còn ít nhiều xa lạ. Thời gian chuẩn bị dài đã giúp ta khắc phục một phần nhược điểm này. Trinh sát của Bộ đi nghiên cứu chiến trường về báo cáo, vào Tây Bắc chỉ có hai trục đường chính: Từ Yên Bái vượt sông Hồng, theo đường 13 vào Ba Khe, Phù Yên, vượt tiếp sông Đà tới Cò Nòi gặp đường 41 đi lên Sơn La, Lai Châu; từ Hòa Bình theo đường 6 đi lên Mộc Châu gặp đường 41 đi tiếp. Những con đường này đều bị phá hoại nhiều (...) nhiều đoạn tiếp giáp với vùng tự do của ta bị phá hoại lâu ngày biến thanh rừng không còn dấu vết.

Quân địch ở Tây Bắc (...) gồm 8 tiểu đoàn, trong đó có 5 tiểu đoàn ngụy Thái và 3 tiểu đoàn cơ động Âu Phi. Ngoài ra có 40 đại đội ngụy Thái làm nhiệm vụ chiếm đóng (...) Địch bố trí thành bốn phân khu: phân khu Nghĩa Lộ, phân khu sông Đà, phân khu Sơn La và phân khu Lai Châu. Ngoài ra, còn có tiểu khu Tuần Giáo. Toàn khu, địch đóng 400 cứ điểm phần lớn là cấp trung đội, chỉ có 40 cứ điểm cấp đại đội. Riêng hai vị trí Nghĩa Lộ, Mộc Châu, được coi là hai lá chắn bảo vệ cửa ngõ Tây Bắc, mỗi nơi có một tiểu đoàn, công sự được củng cố vững chắc (...)

Khó khăn nổi lên là vấn đề tiếp tế lương thực và đạn dược trong một chiến dịch dài ngày. Những con đường tiếp tế từ Thái Nguyên, Thanh Hóa ra mặt trận đều từ 200 đến 300 ki-lô-mét. Theo dự kiến rất khó huy động lương thực tại chỗ. Cách khắc phục vấn đề này là sửa đường để sử dụng xe cơ giới. Và phải huy động một lực lượng lớn dân công. Nhưng số dân công tăng lên thì nhu cầu lương thực cũng tăng theo! (...)

Kế hoạch giữ bí mật phương hướng chiến dịch được hoạch định tỉ mỉ. Ta cần duy trì sự bố phòng của địch như hiện nay tới trước giờ nổ súng. Phải che giấu mọi hoạt động chuẩn bị và tìm cách đánh lạc hướng Bộ chỉ huy Pháp. Việc sửa chữa những đường trục vận chuyển bằng ô-tô (...) được tiến hành từ nơi xa địch trước. Cơ quan hậu cần không chuyển vật phẩm lên lót ổ, lập chân hàng bên hữu ngạn sông Hồng, mà phải tập kết ở tả ngạn, tổ chức vận chuyển theo sát các mũi tiến công khi chiến dịch mở màn. Ta tiến hành một kế hoạch nghi binh lớn. Trung đoàn 238 ở Bắc Ninh, Bắc Giang mang tên mới: Đại đoàn 316! Trung đoàn 246 ở Vĩnh Yên, Phúc Yên mang tên Đại đoàn 308. Trung đoàn 91 ở Sơn Tây, Phú Thọ được gọi là Đại đoàn 312. Đài thường trực của các đại đoàn chủ lực dự chiến dịch Tây Bắc đều được bố trí ở lại vị trí cũ, tiếp tục phát tin liên lạc định kỳ đúng phiên thường lệ theo mật mã cũ để đánh lừa địch. Đúng ngày triển khai chiến dịch, Bộ Tổng tham mưu bất thần thay đổi mật mã, tổ chức tập trung dân quân tiến hành những cuộc chuyển quân rầm rộ ở Vĩnh Phúc, Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, đồng thời đưa hai đại đoàn 304 và 320 vào hậu địch cùng lúc các đơn vị tham gia chiến dịch Tây Bắc lên đường... Ngày 17 tháng 9 năm 1952, Cao ủy Lơ-tuốc-nô trả lời phỏng vấn của các nhà báo Mỹ một cách đầy tin tưởng: “Việt Minh sẽ tiến công đồng bằng!”. Đờ Li-na-rét vẫn bố trí 29 trong số 32 tiểu đoàn cơ động vào việc phòng thủ hai bờ nam, bắc sông Hồng.

Từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 9, Bộ tổ chức hội nghị trao nhiệm vụ cho các đơn vị. Các Liên khu Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, Mặt trận Tây Bắc đều có mặt (...) Bảy trung đoàn chủ lực thuộc các đại đoàn 308, 312, 316 cùng với binh chủng phối thuộc có nhiệm vụ tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ mở màn chiến dịch Tây Bắc (...) Trung đoàn 176 của 316 ở lại Phú Thọ phòng ngừa quân địch đánh ra. Trong trường hợp này, một trung đoàn của 308 sẽ quay về phối hợp tiêu diệt sinh lực địch. Liên khu III có nhiệm vụ tăng cường hoạt động kiềm chế lực lượng địch không cho chúng tăng viện lên chiến trường chính hoặc đánh ra vùng tự do (...)

Khi trao nhiệm vụ, tôi nhấn mạnh: “... ở Tây Bắc việc tranh thủ nhân dân có ý nghĩa đặc biệt hệ trọng. Vì ở đây âm mưu phá hoại đoàn kết, chia rẽ dân tộc của địch rất thâm độc, các thế lực thù địch còn mạnh, còn khống chế được đại bộ phận các dân tộc (...)”.

Mấy ngày hội nghị, thời tiết xấu, mưa kéo dài. Cuộc họp sắp kết thúc, bỗng thấy Bác tay cầm gậy, hai ống quần xắn cao, từ ngoài tươi cười đi vào. Anh em đã được báo trước Bác sẽ tới, nhưng không ai nghĩ Người lại đến giữa lúc mưa lớn, nước suối quanh vùng đều dâng cao. Tiếng hò reo hân hoan vang dậy. Bác kể:

- Trời mưa to, nước lũ đổ về. Khi đến một con suối, nước đang chảy rất mạnh, thấy bờ bên kia có một nhóm đồng bào đang ngồi đợi nước xuống. Mình nghĩ: Cần sang thì phải sang, nếu không đi ngay e các chú phải đợi, mất thời giờ. Thế là mình cùng mấy chú nữa quyết tâm cởi quần áo ngoài, tay sào tay gậy lần sang được! Thấy vậy, nhóm đồng bào bên kia cũng quyết tâm lội nước sang được bên này... Đó là bài học cho các chú. Bất cứ việc gì to hay nhỏ, nếu mình có quyết tâm thì đều làm được, mà còn lôi cuốn được người khác cũng quyết tâm như mình... (...)

Trong ngày hôm đó, Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch, chỉ định tôi làm Chỉ huy trưởng, anh Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng, anh Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm chính trị, anh Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm cung cấp (...)

Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ cùng một bộ phận cán bộ 308 đi trinh sát Nghĩa Lộ theo hướng đèo Khâu Vác. Đây là một nhánh đuôi của dãy Hoàng Liên Sơn, quanh năm mây phủ, đã sang mùa khô nhưng khí hậu rất ẩm ướt, và địa hình cực kỳ hiểm trở. Ba tháng trước, một tổ quân báo của Bộ đi điều tra chiến trường, một chiến sĩ đã sảy chân sa xuống vực sâu hy sinh. Đại đoàn trưởng xác định: “Bằng mọi cách ta phải vào được Nghĩa Lộ (...) vào tận trong hàng rào thứ hai của cứ điểm địch để điều tra”. Dọc đường khó thổi nấu, mỗi người phải mang theo sáu nắm cơm ăn dần. Đèo cao, rừng rậm, suối sâu, thác dữ. Muỗi như trấu ném, vắt như dòi. Mỗi khi ngồi nghỉ, đứng lên phải xóa mọi dấu vết để tránh địch phát hiện. Quần áo luôn ướt sũng. Những tiểu đoàn trưởng, sức đương trai còn phải gắng lắm. Trong số cán bộ trung đoàn và đại đoàn lớn tuổi hơn, anh Vũ mắc bệnh dạ dày kinh niên, trung đoàn trưởng Vũ Yên đang bị lên một cái nhọt ở bắp đùi, trung đoàn trưởng Thái Dũng chỉ còn một cánh tay trái, trèo dốc luôn bị ngã. Một buổi trưa, ngồi nghỉ trên đèo, nhìn nhau ai nấy mặt mũi đều hốc hác. Cởi giầy ra coi, đôi bàn chân nước ăn trắng bệch. Có đồng chí chân bị loét, nhìn thấy cả thịt. Đại đoàn trưởng bỗng cất tiếng hỏi: “Các đồng chí vẫn nắm vững bài học quyết tâm của Bác đấy chứ!”. Mọi người cùng bật lên, vui vẻ trả lời: “Báo cáo, vẫn nắm vững!”. Và họ tiếp tục lên đường, vượt qua những ngày gian khổ, hiểm nghèo, đáp ứng những yêu cầu cao nhất của nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường.

Bài học quyết tâm của Bác lại hiện ra mỗi lần các đơn vị gặp khó khăn trong suốt chiến dịch.

Tối ngày 7 tháng 10 năm 1952, bộ đội bắt đầu vượt sông Hồng tiến vào Tây Bắc.

Mùa mưa ở Tây Bắc năm nay kéo dài, nước sông vẫn to. Hai tỉnh Phú Thọ, Yên Bái huy động hơn 450 chiếc thuyền, phà. Các khu vực Mậu A, Cổ Phúc, Âu Lâu, mỗi nơi đều có bến vượt. Trong bốn đêm liền, 30.000 bộ đội, dân công (dân công đông hơn bộ đội, tr. 826) cùng với binh khí kỹ thuật đã được đồng bào đưa qua sông an toàn.

*

Đây là lần thứ hai tôi vào Tây Bắc (...)

Vượt sông Hồng ở phía bắc thị xã Yên Bái, một đêm không trăng, trời đầy mây. Đứng trên phà, nước sông chảy xiết, nhìn bờ bên kia núi rừng tối đen. Vó ngựa chập chững trên đường 13 bị bỏ lâu ngày lầy lội, hết xuống dốc lại lên đèo, luôn có những khe núi cắt ngang.

Những bản làng dọc đường dân đã bỏ đi, không một ánh lửa, lạnh lẽo.

Một chiến sĩ trung đoàn 102 đã làm mấy câu thơ:

“Một chiều qua bến Âu Lâu
Bản làng hoang vắng, lòng sầu xót xa
Đại quân đã vượt Hồng Hà...”
.

Sau khi qua sông, các đơn vị chia làm nhiều hướng. Mũi tiến công chính, trung đoàn 88 và trung đoàn 102 theo đường mòn đi xuyên rừng vượt đèo Khâu Vác vào vị trí xuất phát tiến công Nghĩa Lộ. Trung đoàn 209 và trung đoàn 165 theo đường Thụy Cường, Nậm Bàng tới bao vây Gia Hội, chặn đường rút của quân địch từ Nghĩa Lộ về Sơn La. Trung đoàn 36 đi theo đường 13 qua đèo Bụt tiến vào Ca Vịnh, Cửa Nhì là hai tiền đồn của Nghĩa Lộ đứng chặn ở hướng tây.

Trên đường hành quân, bộ đội nhận được thư của Bác:

“Gửi các cán bộ và chiến sĩ,

Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Các chú phải đánh cho thắng (...)

Tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng (...)”.


Trời mưa, phần lớn các con đường đều hẹp (...) Nhiều đoạn đèo dốc đứng (...) Mũi tiến công chính có đêm chỉ đi được năm, sáu ki-lô-mét! Điều này nằm ngoài dự kiến. Tham mưu đề nghị lui thời gian nổ súng lại hai ngày.

Sở chỉ huy chiến dịch đóng ở Khe Lóng, đông nam Nghĩa Lộ 15 ki-lô-mét (...)

Tôi không hiểu vì sao cuộc hành quân rất lớn trong những ngày qua vẫn chưa bị địch phát hiện (...) Đúng là bộ chỉ huy Pháp không tính tới sự chuyển hướng tiến công của ta lên Tây Bắc (...)

Nghĩa Lộ là một thung lũng chiều rộng từ 3 đến 8 ki-lô-mét, chiều dài 15 ki-lô-mét. Đây là một trong bốn vựa lúa ở Tây Bắc. Trên cánh đồng rộng, lúa chín vàng, một con ngòi êm đềm chảy ngang, các làng bản đều có hàng rào bao quanh, giống như những trại tập trung. Thị trấn Nghĩa Lộ hiện lên giữa cánh đồng, với những ngôi nhà tranh, nhà ngói xen nhau. Đồn Nghĩa Lộ Phố nằm ở cuối thị trấn trên một gò nhỏ, khá bằng phẳng, vốn là trại lính khố xanh cũ được củng cố công sự khá vững chắc, do 400 quân bảo vệ. Một sân bay chạy dài từ đây tới chân hai ngọn núi cao nhọn hoắt, địa hình hiểm trở. Đó là Nghĩa Lộ Đồi, vừa chuyển thành sở chỉ huy phân khu có hơn 300 quân địch.

Ngày 14 tháng 10 năm 1952, chiến dịch Tây Bắc mở màn.

Trung đoàn 174 đánh Ca Vịnh, trung đoàn 141 đánh Sài Lương, hai vị trí nằm ở phía tây Nghĩa Lộ. Phát hiện ta đem lực lượng lớn, quân địch ở cả hai cứ điểm này đều tháo chạy. Cùng ngày, ở phía nam, trên đường ra sông Đà, trung đoàn 98 tiêu diệt vị trí Gia Phù (...)

(Thế mà) bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội vẫn chưa nhìn thấy tầm vóc của cuộc tiến công. Ngày 15, Đờ Li-na-rét điều một tiểu đoàn bộ binh lê-dương lên Nà Sản nhằm bảo vệ Sơn La. Trong ngày, Ti-ri-ông, chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ, ném một đại đội Ta-bo về phía Khâu Vác thăm dò lực lượng của ta. Một đơn vị của 312 tiêu diệt gọn đại đội này ở Nậm Mười.

Ngày 16, quân địch ở các vị trí Thượng Bằng La, Ba Khe và một loạt vị trí nhỏ chung quanh những cứ điểm vừa bị tiêu diệt, tự động bỏ đồn rút chạy. Đờ Li-na-rét đã thấy tình hình nghiêm trọng ở Nghĩa Lộ, vội ném tiểu đoàn dù 6 thuộc địa của Bi-gia xuống Tú Lệ, cách thị trấn hơn 30 ki-lô-mét, hòng làm giảm áp lực nhắm vào phân khu. Đây là cách làm của Xa-lăng trong chiến dịch Lý Thường Kiệt năm trước. 312 đã có mặt ở hướng này, đang chuẩn bị đánh Gia Hội.

Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho 308 bao vây địch chặt ở Nghĩa Lộ, không cho chúng rút chạy về Sơn La, và nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Ngày 17, trong khi Ti-ri-ông chưa hiểu vì sao đại đội Ta-bo đi về phía Khâu Vác mất tăm, hai trung đoàn của 308 đã từ đỉnh núi cao 1.500 mét đổ xuống chiếm lĩnh trận địa chung quanh Nghĩa Lộ. Lợi dụng sương mù, từ 9 giờ sáng, các tiểu đoàn xung kích cùng với pháo binh và súng phòng không đã có mặt trên những quả đồi đối diện với Pú Chạng đợi giờ nổ súng. Trung đoàn 88 chỉ còn chờ trời tối là sẽ tiến vào Nghĩa Lộ Phố. Phía đông, trung đoàn 36 đã bao vây Cửa Nhì, tiền đồn cuối cùng của Nghĩa Lộ trên đường từ Yên Bái vào.

Trong hội nghị phổ biến nhiệm vụ chiến dịch, Bác hỏi trung đoàn trưởng Vũ Yên, vừa qua đã đánh đồn Pheo:

- Lần này chú định thế nào?

- Thưa Bác, trận trước cháu đánh chưa tốt, trận này cháu quyết đánh thắng.

Vũ Yên đã đề nghị đại đoàn trao cho 102 nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Pú Chạng, nơi địch đặt sở chỉ huy phân khu. Anh hứa với đại đoàn trưởng: “Chúng tôi cố gắng tiêu diệt Pú Chạng trong chậm nhất là 5 tiếng”.

14 giờ 30 phút, súng cối 120 ly của ta bắt đầu bắn vào trận địa pháo 105 ly của địch ở Nghĩa Lộ Phố, tạo điều kiện cho các mũi xung kích của 102 dàn đội hình tiếp cận hàng rào cứ điểm Pú Chạng. Ba tốp máy bay Hellcat, rồi một tốp máy bay B26 nối nhau xuất hiện trên bầu trời. Chúng vừa trút bom phá, bom na-pan, vừa bắn vào trận địa pháo và những nơi chúng nghi có bộ đội ta. Các chiến sĩ phòng không nổ súng bắn rơi hai chiếc Hellcat. Vừa dứt tiếng bom, xung kích băng qua màn khói, bám sát hàng rào, mở cửa đột phá dưới hỏa lực dữ dội từ trong đồn bắn ra. Đại đội chủ công 267 lọt vào đồn, nhanh chóng thực hiện thọc sâu, chia cắt quân địch. Sau 3 giờ tác chiến, trận đánh kết thúc tại hầm ngầm cố thủ giữa cứ điểm. Ta bắt sống 177 quân địch cùng với viên quan tư Ti-ri-ông chỉ huy phân khu.

Trung đoàn 88 đánh Nghĩa Lộ Phố, vào chiếm lĩnh trận địa chậm, mãi 3 giờ sáng ngày 18 mới nổ súng. Địch dùng máy bay thả pháo sáng, bắn vào trận địa ta. Bộ đội ta vừa đối phó với máy bay, vừa tiêu diệt những ổ đề kháng trong cứ điểm. 8 giờ sáng ngày 18, ta tiêu diệt hoàn toàn Nghĩa Lộ Phố, bắt sống 235 tên địch (...) Trong số vũ khí thu được có 2 khẩu lựu pháo 105 và hàng ngàn viên đạn.

Cũng trong đêm ngày 17, trung đoàn 98 tiêu diệt sở chỉ huy tiểu khu Phù Yên. Ngày 18, quân địch ở Vạn Yên rút chạy. Đêm ngày 18, trung đoàn 36 kết thúc số phận đồn Cửa Nhì, diệt và bắt sống 214 quân địch (...)

Xa-lăng từ Sài Gòn vội vã bay ra Hà Nội, ra lệnh cho tiểu đoàn 6 dù rút ngay về Nà Sản (...) Trước áp lực của 312, quân địch ở Gia Hội bỏ đồn rút về Tú Lệ, nhập vào lực lượng ở đây, cùng với tiểu đoàn 6 dù chạy về phía sông Đà. Trung đoàn 165 truy kích liền năm ngày đêm, loại khỏi vòng chiến hàng trăm quân địch (...)

Ở đông nam Lai Châu, mũi vu hồi của tiểu đoàn 910 (trung đoàn 148) tiêu diệt vị trí Nậm Dìn, đánh tan một tiểu đoàn ngụy Thái và tiểu đoàn cơ động 17 Ta-bo tới cứu viện.

Ngày 23 tháng 10, Đại đoàn 312 đã có mặt bên bờ sông Đà.

Chỉ sau 11 ngày đêm chiến đấu, ta đã giải phóng vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ con đường 13 nối Yên Bái với Nghĩa Lộ. Ta tiêu diệt 500 quân địch, bắt sống trên 1000 tên, trong đó có 300 lính Âu Phi, nhiều sĩ quan chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ và tiểu khu Phù Yên, thu hàng ngàn súng các loại và nhiều quân trang quân dụng.

Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc đợt 1.

Sở chỉ huy chiến dịch từ Khe Lóng chuyển về Gia Phù gần Tạ Khoa trên vùng đất vừa giải phóng.

Hướng chiến dịch giữ được bí mật tới giờ phút chót đã giúp ta giành thắng lợi lớn trong đợt đầu, hạn chế được tổn thất. Một vùng đất rộng lớn nối liền sông Hồng với sông Đà đã thuộc về ta. Hai cánh quân của chiến dịch đã có mặt trước Mộc Châu và Sơn La, mũi thọc sâu xuất hiện trước Tuần Giáo đe dọa Lai Châu và đặt Sơn La vào thế bị bao vây. Tuy nhiên, số địch bị tiêu diệt không nhiều. Trừ bộ phận đóng tại phân khu Nghĩa Lộ bị thanh toán trọn, những đơn vị khác của địch chỉ bị tiêu hao. Lý do một phần vì địch đánh hơi thấy quân ta là bỏ vị trí tháo chạy, một phần vì ta chưa thực hiện được bao vây chặt và truy kích địch ban ngày.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 807-830)