Ông Đờ Pu-vuốc-vin có thật, hay Nguyễn Ái Quốc đã mượn một cái tên người nước ngoài để viết về nước mình cho tiện?

Ngạc nhiên quá, có phải không, hỡi bao nhiêu là người Việt Nam đang sùng bái Tây!

Hết sức vắn tắt, lịch sử là thế này:

Tổ tiên của người Anh, Pháp, Đức, Nga v.v. không phải là cư dân của Đế quốc La-mã, mà là những dân tộc cũng da trắng nhưng còn lạc hậu sống xa trung tâm của Đế quốc. Sau ngày La-mã sụp đổ (giữa thế kỷ 5), châu Âu bước vào “Đêm dài Trung Cổ” vô cùng tối tăm kéo dài khoảng 1.000 năm. Năm 897 tòa thánh Va-ti-căng đã cho đào xác Giáo hoàng Formosus lên, đặt ngồi trên ngai để xét xử (có người sống đứng bên trả lời giùm!)! Năm 1252, Giáo hoàng Innocent IV chính thức cho phép tra tấn để bắt những người dị giáo nhận “tội” (châu Âu Trung Cổ nổi tiếng về những lối tra tấn cực kỳ dã man). Ở Tây-ban-nha, quan tòa dị giáo Torquemada (1420-1498) lập được thành tích trước sau đích thân ra lệnh đốt sống khoảng 2.000 người! Về tổ chức cai trị thì “vua” ở châu Âu thời Trung Cổ thực ra chỉ là một lãnh chúa lớn mà thôi.(1) Cách nay khoảng 600 năm, Thời Phục hưng bắt đầu (phục hưng là đối với chủng da trắng nói chung, chứ đối với các dân tộc lạc hậu xưa kia thì bây giờ họ bắt đầu mở mang chứ không phải trở lại mở mang). Nhưng ngay cả sau khi khoa học đã ra đời, ở châu Âu vẫn cứ dai dẳng tồn tại những tàn dư Trung Cổ: vô số cuộc săn và xử “phù thủy” trong thế kỷ 16 và 17 đã khiến khoảng 200.000 người dân bị đốt sống!

Trong khi đó, tổ tiên dân tộc Việt Nam cách nay hai mươi mấy thế kỷ đã xây dựng được văn minh Đông Sơn là một nền văn minh có tinh thần mạnh mẽ đến nỗi tuy rồi ta bị Trung Quốc đô hộ hàng nghìn năm nhưng chẳng những không bị đồng hóa mà còn thêm quyết tâm giành lại độc lập! Năm 939 ta khởi nghĩa thành công, chỉ ít lâu sau bắt đầu dựng lên nền văn minh Đại Việt rực rỡ. Vào cái khoảng bên châu Âu giai cấp cao nhất còn tin đạo Chúa một cách thật là “mê”, thì ở bên ta giới trí thức đã thấm nhuần sâu sắc minh triết của đạo Phật. Về chính trị, vua Đại Việt không phải là lãnh chúa, mà là người đứng đầu một nhà nước dân tộc.

Ta là người đã văn minh từ rất lâu mà nay để sống còn phải chuyển hóa văn minh, chứ không phải là người bán khai nay mới bắt đầu văn minh!

Trong khi chuyển hóa, ta phải giữ cái sự thể của người đã văn minh. Phải bình tĩnh học hay bỏ dở, không cắm đầu cắm cổ bắt chước. Và tuyệt đối không được rước tổ tiên người khác về thờ!
(nghĩa là đừng có quý lấy quý để những món Âu cổ mà xem thường những món Việt cổ).

Trở lại với phát biểu của “ông Đờ Pu-vuốc-vin”. Thật là may quá cho dân tộc Việt Nam. Vào một thời điểm hết sức gay go, ta đã có được một người lãnh đạo hiểu biết sâu sắc cả dân tộc mình lẫn những kẻ đi xâm lược.
(Thu Tứ)

(1) Trần Quốc Vượng,
Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, 2000.



Hồ Chí Minh, “Cả một nền văn minh”




Ông Đờ Pu-vuốc-vin cũng viết: “Chúng ta thấy ở đây cả một nền văn minh, mọi thứ đều xây dựng từ lâu. Nghệ thuật (và) (tổ chức) quản lý nhà nước đều đã phát triển mạnh mẽ. Luật pháp, cổ phong, tôn giáo, văn học, tất cả đều đã hoàn chỉnh và hòa hợp với nhau, trải qua bao thế kỷ, đã được điều hòa và ngày càng hoàn hảo thêm. Những vết tích man rợ đã mất đi từ lâu, dân tộc này đã sống trong một xã hội thuần thục có tổ chức trong khi những người phương Tây còn ở tình trạng bán khai. Yêu mến quê hương, quyến luyến gia đình, tôn kính tổ tiên, yêu chuộng công lý, tôn trọng chính nghĩa (…) không sợ gian khổ, hy sinh (...) là những đặc điểm hình thành từ bao thế hệ”.


(
Hồ Chí Minh toàn tập, nxb. Chính Trị Quốc Gia, 1995, tập 1 (1919-1924))