Buổi chiều nó thả bom trúng một khẩu đội của Ca Một. Ta họp, quyết định cấp tốc dời Ca Sáu ra vị trí mới và đưa một trung đội súng máy (chắc là trọng liên 12 ly 7) lên một ngọn đồi có vị trí lợi hại đặc biệt. Việc xây công sự điển hình mất nhiều ngày, nhưng ta quyết tâm nội trong đêm nay làm xong để mai đánh trả thù. Thực ra, hôm qua và hôm nay nó cũng đã bị tổn thất: “Anh Xuân này, quân khu vừa cho biết thế là nó rơi hai chiếc đấy. Một chiếc rơi ngoài biển, thằng phi công nhảy dù ra được, chúng nó vớt mất, còn một chiếc cháy từ trong ấy ra đây rơi ở ngay gần thị trấn. Anh cho thông báo cho bộ đội phấn khởi”. Nhưng dường như nó không rơi ngay tại chỗ thì ta không hả!

“Đông nhất, ở đây cũng như ở mọi công trường, vẫn là các o nữ thanh niên. Đòn tre nghiến trên vai, lưng áo đẫm mồ hôi, các o quần quật gánh đất nối nhau trèo lên gò, đổ ở các ụ pháo rồi lại gánh sọt không trở xuống, vừa đi vừa chí chóe đùa cợt nhau, nói cười rúc rích. Cũng như những người nông dân Việt Nam bao đời trước chỉ có đôi vai gánh đất mà đã đắp nên những con đê khổng lồ, đã khơi những con sông đào ngang dọc tưới mát các đồng bằng, thời nay vẫn chỉ có đôi vai gánh đất, những cô gái Việt Nam đắp không biết bao nhiêu con đường, xây nên những đập nước, nhà máy và đến bây giờ, lại gánh đất để góp phần đánh bọn giặc trên trời”. Thời bình, anh cày em cấy, còn thời chiến thì anh bắn em gánh đắp xây... Nam nữ thanh niên Việt Nam, có tát bể Đông cũng cạn!

“Cái ba-lô của chiến sĩ Đương, chứa một cái màn, một tấm chăn đơn, một bộ quần áo gấp phẳng phiu, một cái túi đựng đồ rửa mặt, một quyển sổ tay, một cái hộp vuông nhỏ bằng gỗ thơm, trên có dán mảnh giấy viết mấy chữ: “Con gửi biếu mẹ để mẹ đựng trầu thuốc”. Còn một cái sáo trúc nữa, và một đôi đũa vót rất khéo bằng tre ngà, thứ tre rất đẹp của rừng miền Tây. Đôi đũa có dán một mảnh giấy vòng quanh: “Tặng Liên yêu quý của Đương”. Xuân như trông thấy khuôn mặt linh lợi của cô gái đến ban chính trị của trung đoàn bữa nọ, với đôi má hồng lên vì thẹn, khi cô ngước mắt lấy hết bạo dạn nói với Xuân là cô đến tìm anh Đương”. Chỉ có thế thôi, nhưng biểu tượng đầy đủ: ba-lô là tình yêu tổ quốc, hộp gỗ thơm là tình mẹ con, đôi đũa tre ngà là tình đôi lứa. Vì cái chung hy sinh cái riêng, một tồn tại ngắn ngủi nhưng ý nghĩa.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vào lửa (6)



Sau buổi chiều ầm ầm súng bom, bóng tối như đã trả lại sự sống hàng ngày cho cái ngã ba sông. Trong các thôn xóm, dưới những mái nhà tranh, lửa bếp lại nhóm lên, hôm nay người ta thổi cơm muộn. Hai bên bãi cát ven sông, những người mẹ vừa đi trú ẩn về, lúc này dắt díu từng đàn trẻ nhỏ ra tắm rửa, giặt giũ. Thuyền bè ban ngày không biết ẩn nấp ở chỗ nào cũng đã đổ ra ngược xuôi giữa dòng. Những mái chèo khua lõm bõm, tiếng người nói chuyện, gọi nhau vang xa trên mặt nước.

Dọc con đường cái rải đá chạy dài theo bờ sông lại càng tấp nập. Bên đầu cầu xi-măng, hàng trăm người đang hì hục cuốc, đào, lấp những hố bom. Từng đoàn ô-tô vận tải đã chạy tới, những chiếc xe cồng kềnh cứ tắt đèn và gầm lên mà bò trên đoạn đường còn bừa bãi đất đá vừa tạm sọn xong. Xe bò, xe ngựa, đông nhất là xe đạp - cái thứ xe “vạn năng” -, rối rít qua lại. Trong bóng tối, hai bên đường, trên những cánh đồng, những gò cao, đâu cũng rậm rịch người kéo nhau đi lũ lượt từng đoàn, đủ già trẻ trai gái, mang cuốc thuổng, quang sọt đi làm trận địa cho bộ đội.

Ở Ca Sáu, bữa cơm chiều hôm ấy, anh em ăn được ít mặc dù Huyến chạy đi chạy lại, giục các khẩu đội phải cố mà “giải quyết” cho hết cơm và thức ăn. Các chiến sĩ bảo: “Nắng quá, chỉ khát nước thôi anh ạ!”. Nhưng thực ra anh em ăn không ngon, không phải chỉ vì mệt. Chính Huyến cũng như anh em thôi! Họ còn đang ức, những cột khói bom bốc lên trước mắt họ suốt buổi chiều làm cho họ không muốn ăn nữa.

Cơm xong, khi Đức ra lệnh cho anh em sẵn sàng đi làm trận địa mới thì trong đại đội tươi hẳn lên. Có thế chứ, Ca Sáu phải ra sát cái chỗ quyết chiến điểm ấy mới có hy vọng làm ăn được cái gì ngày mai! Suốt chiều nay, xem xét đường bay và tiến công của địch, anh em đã nhằm ra phía cái mỏm cao ấy mà bàn tán với nhau: “Giá ở chỗ kia mà có vài khẩu thì thế nào cũng xơi được mấy thằng!”.

Vừa sẩm tối thì nhân dân trong xóm kéo ra tới nơi. Không phải trăm rưởi dân công như đồng chí Tài đã hẹn với Đức lúc trưa, mà không biết là năm trăm hay sáu trăm! Người ta thấy cả các ông cụ, các em học sinh trường làng cùng các thầy giáo. Đông nhất vẫn là các o. Đồng chí Tài bí thư xã cũng đích thân vác cuốc đi. Đồng chí rẽ vào gặp ban chỉ huy đại đội và bàn với Đức và Huyến:

- Không! Chúng tôi nhất định không để cho bộ đội đi làm trận địa! Anh em chiến đấu như thế, phải được nghỉ! Còn ngày mai chứ!

- Nhưng...

- Chúng tôi từng này con người lại không đắp xong mấy cái ổ pháo cho đồng chí được à! Hôm nay nhà nào cũng đòi đi tất. Không phải giải thích động viên chi cả! Không phải chỉ trừ các bà có con mọn, các cụ già ốm yếu và trẻ nhỏ là mới chịu ở nhà thôi. Nhà cố Bồng, năm cha con đều vác xẻng cuốc đi kia. Các đồng chí cứ cho anh em bộ đội đi tắm mát, rồi chốc nữa có cháo của hợp tác xã gánh ra, ăn xong thì đi ngủ cho ngon. Bốn giờ sáng là kéo pháo ra trận địa mới, không cần ô-tô chi hết, chúng tôi kéo hộ ra cho, đạn dược lều lán chi chi chúng tôi dọn cho hết, yêu cầu anh em bộ đội chỉ đi người không ra. Bây giờ chỉ cần mấy đồng chí cán bộ ra hướng dẫn nhân dân làm cho thật tốt, thật đúng yêu cầu quân sự.

Đến lúc Đức và Huyến phải chịu, đồng chí Tài mới hể hả:

- Ờ, vậy mới phải lẽ chứ!

Đức bảo:

- Thọ ra trước chỗ trận địa mới cùng các cán bộ trung đội hướng dẫn cho dân công làm. Tôi lên họp trên Cụm xong sẽ ra sau.

Đoàn cán bộ cùng đồng chí Tài đi ngay. Huyến cho tập họp toàn đại đội, kể lại những lời của đồng chí Tài. Cuối cùng Huyến bảo:

- Đấy, đầu đuôi như thế. Tùy các đồng chí muốn làm thế nào thì làm, sao cho khỏi phụ lòng nhân dân.

Trong bóng tối một tiếng nói trả lời anh:

- Mai cứ cho nó xuống thật gần mà bắn thẳng vào đầu nó xem nào!

Một tiếng khác đáp luôn:

- Thế nó thả bom trúng cầu thì sao? Diệt được nó nhưng còn phải giữ được cầu chứ.

Những lời bàn tán xôn xao cả lên. Huyến nói to:

- Tôi có ý kiến như thế này. Từng khẩu đội các đồng chí họp lại, tự phê bình xem ngày hôm nay chúng ta chiến đấu ưu khuyết điểm như thế nào và rút kinh nghiệm bàn bạc cách đánh ngày mai. Họp xong, các đồng chí soát lại súng đạn, sắp xếp gọn ghẽ, để sẵn sàng cho nhân dân kéo pháo đi. Rồi anh em từng khẩu đội lần lượt vào xóm mà tắm cho nhanh, còn đi nghỉ sớm. Khẩu đội một trực ban chiến đấu. Các tổ trưởng Đảng ở lại hội ý. Giải tán.

*

Trong lúc ở Ca Sáu, cũng như ở các đại đội khác, các chiến sĩ đang rì rầm ngồi họp với nhau trong bóng đêm, thì ở chỉ huy sở, dưới một mái lán chật chội, các cán bộ cũng ngồi chụm đầu chung quanh ngọn đèn bão đặt trên tấm bản đồ. Bên cạnh họ, cái máy điện thoại đổ chuông cạch cạch không ngừng, các đơn vị liên tục báo cáo, hỏi ý kiến về việc này việc khác.

Từ đầu cuộc họp, Xuân vẫn ngồi im lặng nghe. Bên cạnh anh là cái ba-lô của chiến sĩ Đương, chứa một cái màn, một tấm chăn đơn, một bộ quần áo gấp phẳng phiu, một cái túi đựng đồ rửa mặt, một quyển sổ tay, một cái hộp vuông nhỏ bằng gỗ thơm, trên có dán mảnh giấy viết mấy chữ: “Con gửi biếu mẹ để mẹ đựng trầu thuốc”. Còn một cái sáo trúc nữa, và một đôi đũa vót rất khéo bằng tre ngà, thứ tre rất đẹp của rừng miền Tây. Đôi đũa có dán một mảnh giấy vòng quanh: “Tặng Liên yêu quý của Đương”. Xuân như trông thấy khuôn mặt linh lợi của cô gái đến ban chính trị của trung đoàn bữa nọ, với đôi má hồng lên vì thẹn, khi cô ngước mắt lấy hết bạo dạn nói với Xuân là cô đến tìm anh Đương người làng cô…

Tham mưu trưởng Giác cầm ngược cây bút chì, chỉ vào một điểm khoanh đỏ trên bản đồ:

- Trận địa Ca Sáu ở gò này như vậy là chắc làm kịp rồi. Ở đây, vừa bảo vệ được cầu, mà yểm trợ cho xưởng cưa cũng tốt hơn. Còn bên này sông, thì phải làm thêm trận địa ở đây, ở đây… Sáng mai ta chuyển thêm một đại đội ra ngoài bờ sông, hỏa lực được tập trung hơn. Về Ca Một thì tôi thấy nên cho lùi vào trận địa mới này của Ca Sáu, đánh đổi cho Ca Sáu ra đầu cầu, vì dù sao Ca Một cũng bị thương vong, lại bị hỏng mất một khẩu pháo, Ca Sáu mấy ngày nay đánh ít hơn, ra thay Ca Một là phải.

Mậu cúi đầu, nhắm lim dim mắt, khi đồng chí tham mưu trưởng trình bày xong, anh mở mắt ngẩng lên hỏi Sơn:

- Cậu thấy thế nào?

Trong lán im hẳn đi mấy giây. Sơn ngồi xếp bằng tròn một góc, ánh đèn từ dưới hắt lên càng như làm gãy khúc thêm những nét gan góc trên bộ mặt đen lì.

- Ban chỉ huy quyết định thì xin làm, nhưng ý chúng tôi thì khác…

- Cậu nói rõ ra. Ý kiến như thế nào?

- Vâng. Chúng tôi xin không đi đâu cả mà cứ ở nguyên đầu cầu, và đề nghị ban chỉ huy cho một đơn vị lên chiếm lĩnh mỏm đồi Một Trăm Hai Mươi.

- Vấn đề đồi Một Trăm Hai Mươi sẽ bàn sau. Ta giải quyết việc này đã.

Mậu quay lại Phong, chờ anh chính trị viên Cụm nói.

- Tôi thấy Ca Một vẫn chiến đấu được. Cứ để ở đấy không sao.

Phong vừa nói vừa cười cười nhìn Giác như bảo: “Được đấy, không sao đâu, anh đừng ngại!”. Mậu gật đầu:

- Tôi cũng đồng ý với anh Phong. Cứ để Ca Một ở đầu cầu, nhưng cần chuyển sang trận địa thứ hai.

Hội nghị lại im lặng, có ý chờ chính ủy quyết định thế nào. Xuân thấy nên thuyết phục Giác thêm. Anh nói:

- Anh em Ca Một mấy ngày nay đã sống chết ở chỗ ấy, đã có nhiều kinh nghiệm và đang muốn trả thù cho đồng đội. Một đơn vị khác, tuy quân số, vũ khí đầy đủ hơn, nhưng đưa tới chưa chắc đã bằng. Tôi thấy cứ để Ca Một ở đầu cầu là phải. Ngày mai chắc ác liệt hơn hôm nay nữa đấy, nhưng tôi tin anh em sẽ làm tròn nhiệm vụ rất anh dũng. Và sao ta không bổ sung cho Ca Một một khẩu đội?

- Ca Sáu chúng tôi xin xung phong đưa một khẩu đội sang chỗ đồng chí Sơn.

- Cám ơn người anh em nhé.

Sơn nhoẻn người nhoài ra đưa tay, bắt tay Đức một cái. Hội nghị xì xào vui hẳn lên. Mậu nói:

- Bây giờ ta sang vấn đề đồi Một Trăm Hai Mươi. Đưa súng lên đây thì đắc địa lắm rồi. Ngọn đồi này nhọn, nên đặt một đơn vị súng máy nặng, không nhiều, một Bê chẳng hạn. Nhưng lấy ờ đâu và làm trận địa một đêm có kịp không, anh Phong?

- Chiều này tôi có lên xem thì trên ấy nhiều đá, làm trận địa rất hóc búa. Đồi rất dốc, và toàn bụi gai, đưa súng lên được cũng chua xương đấy. Nhưng chi ủy xã và cả đảng ủy lâm trường đảm bảo có thể phát tạm một con đường, cho người kéo súng lên, và đồng chí Viên hiện nay vẫn ở ngay bến củi để huy động nhân dân cả mấy xã lân cận đến giúp.

Giác tiếp theo lời Phong:

- Về vũ khí, tôi đã điện về trung đoàn, xin đêm nay cho thêm một Bê súng máy lên. Nhưng anh Hưng chưa trả lời, và nếu được đồng ý thì cũng đến sáng mai Bê đó mới lên tới nơi. Vì vậy tôi đề nghị tập trung cả bốn khẩu súng máy của các đại đội bên kia sông cho đưa ngay đến bến củi bây giờ, lập thành một Bê độc lập, có thể giao cho đồng chí Hải ở tác huấn đây chỉ huy.

Mậu mỉm cười gật gù:

- Nghe thông đó. Xem chừng hội nghị đồng ý với anh Giác cả thì phải. Chà, bây giờ gay nhất là vấn đề dân công làm trận địa, không biết tình hình lúc này ra sao?

Phong đứng dậy, sang bên lán điện thoại:

- Để tôi qua nói chuyện với các đơn vị xem thế nào.

Mậu xích đến bên bản đồ:

- Bây giờ ta bàn phương án tác chiến mới nhé...

Một đồng chí thông tin chợt thò đầu vào:

- Báo cáo chính ủy sang nói chuyện với trung đoàn.

Xuân sang lán điện thoại. Bên kia đầu dây, Hưng, trung đoàn trưởng, đang nói chuyện với một người nào.

- A-lô, Xuân đây. Ở nhà hôm nay thế nào, anh Hưng?

Tiếng Hưng cười:

- Bình thường thôi. Nó bay trinh sát nhiều, và thả “nhiễu” quấy ra-đa suốt đến tối. Anh Xuân này, quân khu vừa cho biết thế là nó rơi hai chiếc đấy. Một chiếc rơi ngoài biển, thằng phi công nhảy dù ra được, chúng nó vớt mất, còn một chiếc cháy từ trong ấy ra đây rơi ở ngay gần thị trấn. Anh cho thông báo cho bộ đội phấn khởi.

- Anh nắm được tình hình ở đây chưa?

- Có, Mậu đã báo cáo. Tôi đã cho đạn đi rồi đấy. À, đồng ý cho một Bê súng máy lên luôn thể. Trước ba giờ sáng, đoàn xe sẽ đến chỗ các anh. Có cả mũ sắt mới nữa.

- Tốt lắm, tốt lắm! Anh có ý kiến gì thêm về tác chiến ngày mai không?

- Anh ở tại chỗ quyết định thôi. Nhưng phải cảnh giác cả đêm nay mà đồng thời lại phải cho bộ đội có thì giờ ngủ. Theo tôi, cứ dứt khoát cho một nửa quân số được ngủ yên. Anh xem có được không? Sao, hôm nay anh chưa về à?

- Chưa về được.

- Anh chuẩn bị mai về, sáng ngày kia anh phải họp trên quân khu.

- Tối mai tôi về thôi.

- À, con cháu Mai nó vào tìm anh đấy.

- Thế nào? Cháu nó vào có việc gì thế anh?

- À, hình như nó muốn đi thanh niên xung phong, nên vào hỏi ý kiến anh. Nó đi xe đạp từ Hà Nội, đến quân khu sáng nay. Anh Trí giữ nó lại, bảo nó đợi ngày kia anh về họp thì gặp luôn, nhưng nó cứ nằng nặc là cần gặp anh, sáng mai lại phải về rồi. Nó đến đây lúc chiều, tôi cho nó đi theo đoàn xe đạn lên đấy. Nó khỏe, mà năm nay nó lớn hung rồi, thoạt nhìn tôi không nhận ra.

Xuân mỉm cười một mình. Con bé đáo để thế! Đã định cái gì là khăng khăng làm bằng được. Từ Hà Nội mấy trăm cây số thế không biết nó đạp xe mất mấy đêm? Sao, nó định bỏ học đi thanh niên xung phong à!

Máy bay địch đã bắt đầu mò đến thả đèn dù dọc con đường ô-tô. Mỗi lần ánh pháo sáng quầng lên phía xa thì người ta lại nhìn thấy cái mỏm gò và cánh đồng chung quanh đen những người. Dưới các thửa ruộng, thình thịch tiếng cuốc. Những dòng người gánh đất chạy hối hả, chen chúc như một tổ kiến khổng lồ. Tiếng rỉu bổ chan chát, tiếng cưa đưa xoèn xoẹt, - đấy là anh em trong xưởng cưa đang đẵn mấy cây phượng trên gò, và cưa những cành cây cao, vướng tầm bắn. Thỉnh thoảng lại ồn những tiếng kêu thét: “Xê ra! Chạy ra!”. Rồi rắc rắc, rào rào, một cành cây kếch xù nữa rơi xuống.

Đến chín mười giờ đêm, vẫn còn dân công ở các làng kéo đến. Chốc lại một đoàn vài chục người từ đường cái đi vào.

- Anh chị em đâu đấy hề?

- Vân Sơn đây. Ai như ông Tài phải không? Chà, đông rứa tụi mình còn việc chi mà làm!

- Chi mà lo thiếu việc. Bà con Vân Sơn ta sửa luôn cho con đường từ ngoài kia vào đây. Quãng mô hẹp thì đắp rộng ra, cứ bốn bước ngang là vừa kéo pháo.

Đồng chí Tài vừa nói vừa xăm xăm đi trước đưa đoàn người mới tới ra nhận phần đường. Đông nhất, ở đây cũng như ở mọi công trường, vẫn là các o nữ thanh niên. Đòn tre nghiến trên vai, lưng áo đẫm mồ hôi, các o quần quật gánh đất nối nhau trèo lên gò, đổ ở các ụ pháo rồi lại gánh sọt không trở xuống, vừa đi vừa chí chóe đùa cợt nhau, nói cười rúc rích. Cũng như những người nông dân Việt Nam bao đời trước chỉ có đôi vai gánh đất mà đã đắp nên những con đê khổng lồ, đã khơi những con sông đào ngang dọc tưới mát các đồng bằng, thời nay vẫn chỉ có đôi vai gánh đất, những cô gái Việt Nam đắp không biết bao nhiêu con đường, xây nên những đập nước, nhà máy và đến bây giờ, lại gánh đất để góp phần đánh bọn giặc trên trời.

Tan cuộc họp trên Cụm, Đức đến thẳng đây, kiểm tra xong mọi việc, anh vẫn loanh quanh chưa muốn về đại đội. Cảnh làm trận địa tấp nập quá, Đức cứ la cà từ đám này qua đám khác.

- Anh coi thử cái ụ này được chưa, anh bộ đội ơi!

- Ấy, con ni! Mới có chút đất thấp lè tè vậy, phải dăm bảy chục lượt gánh nữa!

Đức cười, nói to với đám mấy o:

- Khá rồi đấy, mấy o gắng lên, chừng một lát nữa thì xong thôi.

- Chúng em đắp ụ thật dày, thật cao, mai chúng em chờ coi anh bắn rớt dăm thằng Mỹ, anh nhớ!

- Mi sao mà đứng ngây ra rứa, mới được vài chuyến đã mệt rồi à?

- Mệt chi, nó mải ngắm anh bộ đội đó mà!

Các o lại cười rúc cả lên với nhau.

- Anh ơi, anh “văn nghệ” lên vài câu cho vui chút!

- Chao! Tối quá, chẳng thấy được mặt anh cho bõ thèm.

- Kìa, sao anh chẳng lên tiếng? Hay anh chê chúng em chẳng biết nghe?

- Úi chà chà, tụi bây chỉ được cái ngỗ nghịch. Bộ đội người ta bận việc, ai mà đùa với bây được?

- Cố Bồng ơi, bận rộn chi mà anh ấy chẳng hát được một câu?

- Tôi mà hát thì các o bịt tai chạy hết, còn lấy ai đắp trận địa nữa!

- Không sao, không sao. Bom Mỹ tụi em còn chẳng bịt tai nữa là!

- Thôi, tụi bây có mau lên không! Dưới kia đang chờ rồi!

- Cho anh nợ đấy nhớ!

Đức mỉm cười nhìn theo đoàn các o gánh sọt chạy ùa xuống gò. Thấy các o ở đây, anh lại nhớ đến cái tổ nữ ở xưởng chữa ô-tô. Họ cũng lém lỉnh, nghịch ngợm như thế. Hôm đầu Đức đến tìm Ngà ở xưởng, Ngà đã dắt anh về phòng của cái tổ ấy. Họ ở chung với nhau, toàn các cô thợ trẻ, trong một căn phòng riêng ở khu tập thể của công nhân. Gọi là phòng nhưng bốn chung quanh vẫn còn là vách liếp cả. Mỗi cô gái có một cái giường gỗ, một cái tủ con bên giường, giống y như nhau, còn hòm xiểng, chậu thau thì xếp ở chân giường, gầm giường, lộn xộn cả. Nhưng bên vách đầu giường thì mỗi cô trang hoàng một kiểu, cô thì dán đầy ảnh diễn viên văn công và chớp bóng, cô thì treo tấm gương soi có đôi chim bồ câu, cô thì bầy một cái giá sách nhỏ, một cốc hoa, - chẳng có gì nhưng vẫn rõ là chỗ ở của các cô gái chưa chồng. Khi Ngà đưa anh vào, Đức cứ lúng túng đỏ mặt lên, tuy các cô bạn Ngà chỉ nhìn anh và cười. Nhưng họ đối với anh rất tốt! Buổi trưa ấy, họ đi bưng cơm canh bánh mì về tận phòng cho Đức và Ngà, rồi tất cả đều biến đi đâu hết để cho hai người được tự do nói chuyện. Cho đến lúc sắp kẻng đi làm buổi chiều mới lại thấy họ về, đem theo cả một liễn chè đỗ đen cho Đức. Vừa giục Đức ăn chè, các cô vừa hối hả thay quần áo xanh và chụp cái mũ cát-két lên đầu rồi chạy! Có lẽ đêm nay, cái tổ nữ vui nhộn ấy cũng đang hì hục cuốc đất, gánh đất đắp một trận địa cao xạ ở ngoại thành Hải Phòng ngoài kia...

Những đống đất, bụi cây chung quanh Đức và những mặt người bỗng sáng đỏ cả lên. Một tốp máy bay địch vừa tới lượn trên ngã ba sông, chúng nó thả đèn dù mấy chục chiếc rơi cả chùm chói rực. Nó muốn ném bom đêm chắc! Người ta ngừng cả lại mấy phút đứng xem.

- Hà, bây cứ đến mà soi đèn cho bầy choa làm việc.

- Thằng Giôn-xơn lắm trò! Giữa ban ngày còn chẳng làm chi nổi ai nữa là lập lòe lập lòe!

- Bay soi đó mà thấy được chi! Bay có đủ đèn dù mà soi khắp nước tao được thì cứ soi!

- Mặc nó, coi qua vậy cho hay mắt rồi việc mình mình lại làm đi thôi!

Tụi địch lượn mấy vòng ì ì rồi bay đi. Chùm đèn dù vẫn từ từ rơi và tản rộng ra dần, xuống gần đến mặt đất.

Đức nghĩ thầm: “Phải về thôi, láng cháng ở đây nhỡ phải chiến đấu lại chạy về không kịp!”. Đức gọi mấy anh cán bộ trung đội, cùng xuống gò, họ vượt nhanh qua cánh đồng, về đơn vị.