“Ngày 27 tháng 3 (...) địch huy động (...) 5 binh đoàn cơ động (...) 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn cơ giới (60 khẩu pháo), 500 xe, 6 tàu chiến, 40 ca-nô (...) vây (...) hai trung đoàn của 320 cùng với bộ tư lệnh Đại đoàn và Tỉnh ủy Thái Bình (...) Trước qui mô lớn chưa từng thấy của cuộc càn, tôi hết sức lo lắng (…) Khi vượt sông Hồng (…) anh Văn Tiến Dũng đã quyết định chọn cửa Ba Lạt là nơi (...) tàu chiến và ca-nô địch qua lại như mắc cửi (...) 2 giờ 30 sáng ngày 29 (...) tàu chiến địch vừa buông neo, ca-nô ngừng di chuyển (...) những chiếc thuyền gỗ to được đồng bào nhẹ nhàng lao xuống nước (…) Đại đoàn 320 vẫn trụ vững ở Tả Ngạn”. Hú vía!

Lý do những cuộc càn lớn của giặc điển hình không thành công là “không tạo được thế bất ngờ. Việc điều động lực lượng không qua mắt được nhân dân ta (…) Hỏa lực trọng pháo, xe tăng, pháo hạm, máy bay thường không tìm ra mục tiêu (…) Với rất nhiều quân, ngay cả nếu không bị lực lượng vũ trang ta chặn đánh từng bước, quá trình siết vòng vây kết hợp với săn lùng bộ đội, du kích thường rất chậm, đủ thời gian cho bộ đội ta di chuyển ra khỏi khu vực nếu không muốn chấp nhận một trận đánh bất lợi. Hơn nữa (...) vây rộng (...) không thể lấp kín mọi khoảng trống, nhất là ban đêm, để ngăn những đơn vị nhỏ, trang bị gọn nhẹ, di chuyển bằng chân, thoát ra ngoài”.

Chẳng những nó không tiêu diệt hay quét được chủ lực ta ra khỏi trung du và đồng bằng Bắc bộ, mà còn thường bị ta chủ động tiến công hiệu quả: “Sau (...) Hòa Bình (...) Những khu du kích mới hình thành tạo nên chỗ đứng chân và địa bàn cơ động rộng rãi cho bộ đội chủ lực ở địch hậu. Nếu trên địa hình đồng bằng, trung du, những trận đánh lớn thường gây bất lợi cho ta, thì những trận đánh với từng tiểu đoàn diễn ra trong thời gian ngắn, ở những nơi do ta lựa chọn, đã khiến cho quân địch mất khả năng đối phó. Chúng ta đã quay về chiến thuật vận động đánh nhỏ với những đơn vị được trang bị tốt hơn và thiện chiến hơn. Chiến thuật này hạn chế tới mức thấp nhất sức mạnh binh khí kỹ thuật hiện đại của địch (...) Tính cơ động cao trên mọi địa hình của “binh đoàn tác chiến nhỏ” đã khiến cho những binh đoàn cơ động của địch, được tổ chức rất mạnh (nhưng) xoay trở chậm, ít có cơ hội giành chiến thắng”.

Với không nhiều quân chủ lực kết hợp với bộ đội địa phương và du kích ta có thể “kìm chân một lực lượng lớn quân địch” ở phía sau lưng, là tình hình có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Vì nó “tạo điều kiện cho những đại đoàn chủ lực giành chiến thắng trên mặt trận chính diện”.

“(Ở) Bình Trị Thiên, từ đầu tháng 3 đến hết tháng 6 năm 1952, Đại đoàn 325 sau khi nhận trang bị mới (do bạn viện trợ, 325 nhận sau cùng so với các đại đoàn khác), đã triển khai một đợt tiến công dài ngày vào khắp vùng hậu địch (...) tiến bộ vượt bậc. Thời kỳ đen tối của Bình Trị Thiên từ ngày đầu chiến tranh đã thực sự chấm dứt”. Mừng xiết bao!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Địch hậu Bắc bộ, Bình-Trị-Thiên Hè 1952”



Như chúng ta đã dự đoán, sau thất bại chiến dịch Hòa Bình, Bộ chỉ huy Pháp quay trở về mở những cuộc càn quét lớn để bình định vùng tạm chiếm nhằm tiếp tục chiến lược “Việt Nam hóa” (...) Trong mùa hè và mùa thu năm 1952, quân Pháp đã mở 21 trận càn ở Bắc bộ, 46 trận ở Trung bộ, 28 trận ở Nam bộ.

Riêng ở Bắc bộ (...) Những trận càn đều tiến hành với quy mô lớn từ 8 tới 20 tiểu đoàn bộ binh, 3 đến 7 tiểu đoàn pháo binh, kết hợp với những đơn vị thiết giáp, những thủy đội xung kích và máy bay. Mỗi trận thường kéo dài từ 3 đến 4 tuần, với mục đích nếu không tiêu diệt được lực lượng vũ trang ta thì cũng đẩy ra ngoài phòng tuyến Đờ Lát (...)

Trên dải đất hẹp Bình Trị Thiên, từ đầu tháng 3 đến hết tháng 6 năm 1952, Đại đoàn 325 sau khi nhận trang bị mới (do bạn viện trợ, 325 nhận sau cùng so với các đại đoàn khác), đã triển khai một đợt tiến công dài ngày vào khắp vùng hậu địch.

Anh Trần Quý Hai, Đại đoàn trưởng 325, đã cho mở đầu bằng trận đánh điểm diệt viện tại Nam Đông và trên đường 74. Đêm ngày 3 tháng 3 năm 1952, trung đoàn 95 nổ súng tiêu diệt các vị trí Vạn Kim, Nam Tây và Tiền Nam Đông. Ngày 8 tháng 3, bộ đội ta bao vây và tiến công khu đồn chính Nam Đông, đe dọa tiểu khu Quảng Trị và vùng Gio Linh. Ngày 13 tháng 3, địch phải dùng máy bay yểm trợ, đưa hai tiểu đoàn ứng chiến từ Đông Hà lên để giải vây cho Nam Đông. Chúng tiến quân rất thận trọng, cho máy bay bắn phá và bộ binh lùng sục hai bên ven đường. Buổi trưa, quân địch chỉ còn cách Nam Đông 4 ki-lô-mét, bắt đầu chủ quan, tin là ta không dám giao chiến với chúng giữa ban ngày. Đúng lúc đó, trận đánh nổ ra. Các khẩu đội ĐKZ thiêu cháy hai xe bọc thép và một xe chở đầy bộ binh. Tiểu đoàn 15 bộ đội địa phương bịt kín đường rút lui của địch. Các chiến sĩ trung đoàn 95 tổ chức nhiều mũi đồng loạt xung phong, chia cắt quân địch thành những toán nhỏ. Viên thiếu tá chỉ huy cuộc hành quân giải tỏa chết tại trận. Sau 4 giờ chiến đấu, bộ đội ta tiêu diệt 770 quân địch, thu rất nhiều súng các loại và đạn dược. Đêm hôm đó, trung đoàn 95 san phẳng đồn Nam Đông. Báo chí Pháp xôn xao bình luận về trận đánh này.

Cũng trong đêm ngày 13, trung đoàn 101 tiêu diệt vị trí Sơn Tùng ở bắc Thừa Thiên. Sáng ngày 14, địch đưa một tiểu đoàn ứng chiến từ tiểu khu Thừa Thiên lên định đóng lại Sơn Tùng, nhưng sa vào trận địa phục kích của trung đoàn, bỏ lại hàng trăm xác chết.

Ở Quảng Bình, ngày 15 tháng 3, trung đoàn 18 vận động tiến công một tiểu đoàn ứng chiến địch đi tiếp viện tại khu vực Vạn Lộc - Hoàn Lão, nơi địch coi là vùng an toàn, diệt 250 tên địch.

Trong tháng 3 năm 1952, bộ đội địa phương, dân quân du kích trên khắp các địa bàn ở Bình Trị Thiên dồn dập nổ súng tiến công địch. Hệ thống chiếm đóng của chúng sụp đổ từng mảng. Giao thông trên đường số 1 bị uy hiếp nghiêm trọng. Trên hướng bắc Thừa Thiên, trung đoàn 101 san phẳng một hệ thống cứ điểm gồm hơn 10 đồn bốt xung quanh thành phố Huế, mở rộng vùng căn cứ du kích Bao Vinh vào sát cửa ngõ nội thành Huế (...)

Trước tình hình nguy ngập, Xa-lăng buộc phải rút ba tiểu đoàn cơ động ở Bắc bộ, trong đó có hai tiểu đoàn dù, do đại tá Đuy-cuốc-nô chỉ huy, vào tăng viện. Nhưng cho tới khi phải quay về miền Bắc, cả ba tiểu đoàn này đã không làm được gì để cải thiện tình hình.

Tháng 5 năm 1952, Đại đoàn 325 lại mở một cuộc tiến công mới ở Quảng Bình (…) Ở khu vực thị trấn Ba Đồn, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Vị trí Ba Đồn nằm sát đường số 1 là vị trí quan trọng nhất trên tuyến phòng thủ bắc sông Gianh (…) Khi đánh khu đồn chính nằm giữa thị trấn, địch dùng pháo 75 và súng cối chống cự rất quyết liệt. Bộ đội thương vong nhiều. Trời sáng (…) trung đoàn chuyển sang bao vây (…) chuẩn bị đánh viện. Quân tiếp viện địch chia làm hai cánh, một cánh đi theo đường số 1, có máy bay và xe bọc thép yểm hộ, từ Đồng Hới tiến về Ba Đồn, một cánh đi theo sông Gianh, với 5 ca-nô chở đầy quân (…) Cả hai cánh quân đều bị các chiến sĩ trung đoàn 95 và 18 chặn đánh. Hai ca-nô bị đánh chìm, nhiều xe cơ giới bị thiêu cháy. Hàng trăm quân địch bị tiêu diệt. Bọn địch sống sót quay đầu tháo chạy về Đồng Hới. Tối hôm đó, trung đoàn 95 tiêu diệt nốt khu đồn chính tại vị trí Ba Đồn.

Mùa hè năm 1952, Đại đoàn 325 và lực lượng vũ trang Bình Trị Thiên đã có tiến bộ vượt bậc. Thời kỳ đen tối của Bình Trị Thiên từ ngày đầu chiến tranh đã thực sự chấm dứt.

(…)

Ngay sau chiến dịch Hòa Bình, chúng ta đã tích cực chuẩn bị đối phó với những cuộc càn quét lớn của địch (…)

Từ đầu tháng 3 năm 1952, Đảng ủy Đại đoàn 320 đã dự kiến (…) Thái Bình và Hà Nam sẽ là hai mục tiêu chính (…) Đảng ủy chủ trương dàn rộng các đơn vị trên nhiều khu vực, lấy tiểu đoàn làm đơn vị tác chiến chính, kết hợp chặt chẽ đánh trong vòng vây với đánh ngoài vòng vây, đánh địch trong chuyển quân, tiếp tế là chính (…) Nhân dân Thái Bình (…) đào đường, khơi hào làm tê liệt hai con đường huyết mạch số 10 và số 39 (…) củng cố làng chiến đấu, hầm, hào, chôn giấu thóc lúa, chuẩn bị cơ sở đón thương binh (…)

Đầu tháng 3 năm 1952, địch mở hai cuộc càn nhỏ, lực lượng mỗi cuộc 3 tiểu đoàn, ở Từ Sơn (Bắc Ninh) và Yên Lạc, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Tại những nơi này, địch đều bị bộ đội ta chống trả làm tiêu hao nặng, phải rút quân về.

Từ trung tuần tháng 3, Xa-lăng bắt đầu những cuộc hành binh lớn nhằm vào Đại đoàn 320.

Ngày 10 tháng 3, cuộc hành binh “Lội nước” (Amphibie) bắt đầu. Tướng Béc-su chỉ huy 15 tiểu đoàn với sự yểm trợ của pháo binh, cơ giới và nhiều máy bay tiến công vào khu căn cứ du kích Lý Nhân và Bình Lục ở Hà Nam, nơi có trung đoàn 64 đang hoạt động. Bộ Tổng tham mưu đã thông báo cho trung đoàn ý đồ của địch, kèm theo những chỉ thị chống càn. Trung đoàn trưởng Lê Ngọc Hiền đã kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương kịp thời bố trí trận địa chờ địch. Pháo địch dồn dập nổ dọn đường cho quân cơ động từ bốn phía tiến vào khu căn cứ. Dân quân du kích và bộ đội địa phương bám sát từng thôn xóm chiến đấu chặn địch. Binh đoàn cơ động số 1, số 4 và số 7 không thể nào chắp được vòng vây. Quân địch gục ngã trước các lũy tre làng vì những loạt đạn bắn ra bất thần. Nhiều tên vấp phải mìn, tụt xuống hố chông. Nơi nào cũng có súng nổ. Địch không phát hiện được bộ đội chủ lực ở đâu, sa lầy giữa cánh đồng chiêm, làm mồi cho những loạt đạn bắn tỉa (…) Sau 10 ngày, cuộc càn kết thúc với khoảng 500 tên địch bị tiêu diệt. Các căn cứ du kích của ta vẫn đứng vững. Ta mở thêm khu du kích Nhân Bình ở huyện Lý Nhân.

Ngày 27 tháng 3, Đờ Li-na-rét mở tiếp cuộc hành binh “Thủy ngân” (Mercure) ở Thái Bình. Lần này địch huy động lực lượng lớn hơn, gồm 5 binh đoàn cơ động số 1, số 2, số 3, số 4 và số 7 (tương đương với 20 tiểu đoàn bộ binh), 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn cơ giới, 60 khẩu pháo, 500 xe, 6 tàu chiến, 40 ca-nô, nhằm bao vây các huyện Thái Ninh, Kiến Xương, Tiền Hải và một phần huyện Vũ Tiên, nơi có hai trung đoàn của 320 cùng với bộ tư lệnh Đại đoàn và Tỉnh ủy Thái Bình. Khu vực này rộng khoảng 700 ki-lô-mét vuông, nằm kẹp giữa hai con sông, phía bắc là sông Diêm Hộ, phía nam là sông Trà Lý, phía đông là biển. Xa-lăng tập trung mọi lực lượng với tham vọng giành một thắng lợi chưa bao giờ đạt được là: xóa sổ một đại đoàn chủ lực của ta!

Bộ Tổng tư lệnh thông báo cho 320 biết qui mô cuộc hành quân, các hướng tiến công của địch, để đại đoàn kịp thời xử trí. Mặc dầu 320 có nhiều kinh nghiệm hoạt động địch hậu, nhưng trước qui mô lớn chưa từng thấy của cuộc càn, tôi hết sức lo lắng (…) Tổng Quân ủy điện cho đồng chí Đỗ Mười, Bí thư Khu ủy Tả Ngạn, đồng chí Nguyễn Khai, tư lệnh Khu, và đồng chí Văn Tiến Dũng tìm cách đưa đại đoàn vượt ra ngoài vòng vây tiến lên phía bắc Thái Bình và Hưng Yên.

Ngày 27 tháng 3, năm binh đoàn cơ động của địch chia làm năm mũi bắt đầu tiến vào khu càn (…) dồn lực lượng ta về phía biển, nơi tàu chiến địch đang đợi.

Đại đoàn 320 chủ trương để một tiểu đoàn của trung đoàn 48 cùng với dân quân du kích chiến đấu làm chậm bước tiến của GM1 và GM7, đại bộ phận chia làm hai cánh, trung đoàn 52 ở Thái Ninh men theo bờ biển tiến lên phía bắc Thái Bình ra khỏi vòng vây, bộ phận còn lại của trung đoàn 48 ở Kiến Xương cùng với cơ quan chỉ huy đại đoàn sẽ vượt sông Hồng vòng lên Tiên - Duyên - Hưng tổ chức đánh địch ngoài vòng vây.

Ngày 28 tháng 3, địch dùng máy bay, đại bác đánh phá dữ dội khu vực sở chỉ huy đại đoàn. Từng đoàn máy bay Hellcat, B-26 thay nhau trút bom phá và bom na-pan xuống làng Lưu Phương huyện Kiến Xương. Chung quanh sở chỉ huy đã có rất nhiều hố bom sâu hoắm, đất lấp gần kín cửa hầm chính. Sở chỉ huy phải chuyển ra gò đất bên ngoài làng.

Rõ ràng quân địch đã ít nhiều phát hiện khu vực sở chỉ huy Đại đoàn 320. Tôi điện gấp cho anh Dũng: “Anh Hùng (bí danh) vượt vây sang Nam Định bàn với Thanh Giang (bí danh của Đại đoàn 304) đánh phối hợp ngoại tuyến. Văn”. Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chỉ thị cho trung đoàn 57 ở Nam Định phải lập tức đẩy mạnh hoạt động để phối hợp với cuộc chiến đấu của 320 bên Tả Ngạn. Tôi chỉ yên lòng khi được tin anh Dũng và cơ quan chỉ huy đã vượt sông Hồng tới Hưng Nhân (Thái Bình) (…)

Những cuộc hành binh lớn của địch (…) không tạo được thế bất ngờ. Việc điều động lực lượng không qua mắt được nhân dân ta (…) Hỏa lực trọng pháo, xe tăng, pháo hạm, máy bay thường không tìm ra mục tiêu (…) để phát huy sức mạnh hủy diệt (…) Với rất nhiều quân, ngay cả nếu không bị lực lượng vũ trang ta chặn đánh từng bước, quá trình siết vòng vây kết hợp với săn lùng bộ đội, du kích thường rất chậm, đủ thời gian cho bộ đội ta di chuyển ra khỏi khu vực nếu không muốn chấp nhận một trận đánh bất lợi. Hơn nữa, với một vòng vây rộng, quân địch tuy đông vẫn không thể lấp kín mọi khoảng trống, nhất là ban đêm, để ngăn những đơn vị nhỏ, trang bị gọn nhẹ, di chuyển bằng chân, thoát ra ngoài (…)

Khi vượt sông Hồng (…) anh Văn Tiến Dũng đã quyết định chọn cửa Ba Lạt là nơi con sông đổ ra biển có tàu chiến và ca-nô địch qua lại như mắc cửi. Địch đã không nghĩ ta lại chọn đoạn sông rộng nhất và nguy hiểm nhất này để vượt qua. 2 giờ 30 sáng ngày 29, khi tàu chiến địch vừa buông neo, ca-nô ngừng di chuyển là lúc những chiếc thuyền gỗ to được đồng bào nhẹ nhàng lao xuống nước (…)

Chiều ngày 29, chỉ huy GM3 phát hiện một lực lượng lớn quân ta đang có mặt dọc theo bờ biển. Chúng lập tức chia làm hai cánh quân tiến công (…) Suốt ngày 30, địch tập trung mọi cố gắng vào Bích Du, nơi chúng nghi có tới hai ngàn quân ta. Thực ra ở đây chỉ có hai đại đội và một trung đội hỗn hợp cùng với cơ quan chỉ huy của trung đoàn 48. Chín chiếc máy bay B-26 và nhiều máy bay khu trục thi nhau trút bom, pháo binh dồn dập nã đại bác (…) Thôn Bích Du nhỏ bé ngang dọc mỗi chiều chưa đầy 300 mét, nhà cửa cây cối đều bị phá trụi (…) Nhưng bốn cuộc tiến công lớn trong ngày đều bị đẩy lui, địch bỏ lại rất nhiều xác chết. Đến chiều tối, quân địch vẫn chưa lọt được vào thôn. Nhưng chúng tin đã siết chặt vòng vây, chỉ chờ đợi giờ “cất vó”. Ngày hôm sau, địch tiến vào thôn thì không thấy một bóng người! Ban đêm, thủy triều xuống đã để lại một dải cát, nước rất nông, tạo một con đường êm mịn cho quân ta rút (…)

Ngày 1 tháng 4, tất cả các tiểu đoàn của 320 đã vượt ra khỏi trung tâm của trận càn ở Tiền Hải, bắt đầu chủ động đánh vào sau lưng quân địch (…)

Trận càn lớn Méc-quya kết thúc sau 18 ngày. Trong thời gian này, Đại đoàn 320, bộ đội địa phương và dân quân du kích Thái Bình đã đánh gần 200 trận lớn, nhỏ, loại khoảng 1750 quân địch ra khỏi vòng chiến đấu. Phong trào chiến tranh du kích ở địch hậu Thái Bình không hề suy giảm. Đại đoàn 320 vẫn trụ vững ở Tả Ngạn.

Trong tháng 5 và tháng 6, chúng tôi theo dõi có lúc từng giờ hai cuộc hành binh (....) Cuộc càn “Lạc đà” (Dromadaire) gồm 4 binh đoàn do Gin chỉ huy nhắm vào trung đoàn 42 ở vùng bắc sông Luộc, kéo dài nửa tháng. Cuộc càn “Chuột túi” (Kangourou) (...) nhắm vào trung đoàn 46 ở Phú Xuyên, Ứng Hòa, Kim Bảng (...) (Cả hai đều) thất bại hoàn toàn (...)

Sang tháng 7 năm 1952, địch chuyển sang càn quét nhỏ (...) chỉ nhắm vào bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đây không phải chỉ do địch nhận thấy những cuộc hành binh lớn tốn kém và ít hiệu quả, mà còn do các binh đoàn cơ động đã bị tiêu hao nhiều và quá mệt mỏi (...)

Tình hình trung du và đồng bằng Bắc bộ đã hoàn toàn thay đổi kể từ sau kế hoạch Hòa Bình. Năm 1948, chúng ta phải đưa từng tổ công tác, từng trung đội võ trang tuyên truyền về thôn xóm tìm chỗ đứng chân cho những đại đội độc lập. Năm 1951, địch đã thiết lập được bộ máy hành chính ở vùng nông thôn với sự che chở của những hệ thống đồn bốt trên hầu khắp các tỉnh trung du và đồng bằng. Những khu du kích, căn cứ du kích bị thu hẹp lại tới mức tối thiểu, nằm chơ vơ giữa vùng địch kiểm soát. Đưa một đơn vị lớn vào vùng địch hậu lúc này được coi như mạo hiểm. Nhưng sau chiến dịch Hòa Bình, những khu du kích và căn cứ du kích đã mở rộng rất nhiều. Những khu du kích mới hình thành tạo nên chỗ đứng chân và địa bàn cơ động rộng rãi cho bộ đội chủ lực ở địch hậu. Nếu trên địa hình đồng bằng, trung du, những trận đánh lớn thường gây bất lợi cho ta, thì những trận đánh với từng tiểu đoàn diễn ra trong thời gian ngắn, ở những nơi do ta lựa chọn, đã khiến cho quân địch mất khả năng đối phó. Chúng ta đã quay về chiến thuật vận động đánh nhỏ với những đơn vị được trang bị tốt hơn và thiện chiến hơn. Chiến thuật này hạn chế tới mức thấp nhất sức mạnh binh khí kỹ thuật hiện đại của địch (...) Tính cơ động cao trên mọi địa hình của “binh đoàn tác chiến nhỏ” đã khiến cho những binh đoàn cơ động của địch, được tổ chức rất mạnh (nhưng) xoay trở chậm, ít có cơ hội giành chiến thắng.

Nhưng không phải kẻ địch không có lần gặp may.

Sau khi địch mở những cuộc hành binh lớn ở đồng bằng, Bộ Tổng tham mưu rất lo lắng cho hai trung đoàn của 316 đang hoạt động ở trung du. Trung đoàn 98 và 174 đều là những đơn vị quen đánh tập trung, chưa có kinh nghiệm chống càn. Giữa tháng 3 năm 1952, Tổng Quân ủy quyết định cho rút cả hai trung đoàn trở về vùng tự do để chỉnh huấn, chuẩn bị chiến dịch Thu Đông (...) Trung đoàn 174 đã rút ra kịp thời. Nhưng 98, vì ở sâu trong hậu địch Bắc Ninh, đang chuẩn bị tiêu diệt vị trí Lạc Thổ, nên đại đoàn chưa bắt được liên lạc.

Ngày 14 tháng 4 năm 1952, tướng Cô-nhi (Cogny) thay Béc-su chỉ huy Khu Bắc, mở cuộc hành binh Poóc-tô chiếm Thuận Thành nhằm giải tỏa đường 38, gần nơi 98 trú quân. Trung đoàn từ phía nam sông Đuống di chuyển lên phía bắc sông, chọn thế có lợi ở phía sau lưng quân địch. Ngày 18, Cô-nhi mở tiếp cuộc hành binh Pô-lô (Polo) với ba binh đoàn cơ động tiến hành càn quét khu vực nằm giữa cầu Đuống và thị xã Bắc Ninh, đặt 98 vào giữa vòng vây. trung đoàn quyết định nổ súng đánh địch. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt từ chiều ngày 18, tại ba ngôi làng ở Quế Võ, nơi trung đoàn trú quân. Tại Đại Vi Thượng, bộ đội ta tiêu diệt một tiểu đoàn của GM2. Cô-nhi phát hiện 98 đang nằm trong khu vực và quyết định không bỏ lỡ cơ hội. Ngay trong đêm hôm đó, y điều thêm ba binh đoàn cơ động số 1, số 3 và số 7, mở tiếp cuộc hành binh thứ ba “Tuyếc-cô” (Turco) nhằm tiêu diệt lực lượng ta. Ngày 19, trung đoàn 98 ở trong thế bị bao vây bốn phía, kiên quyết chiến đấu không để cho quân địch lọt vào làng. Đêm ngày 19, trung đoàn mở một con đường ở phía tây để trở về vùng tự do. Vì thiếu kinh nghiệm, cả trung đoàn cùng rút theo một con đường. Bộ phận đầu đi lọt. Nhưng bộ phận sau bị quân địch chặn đánh dữ dội. Đáng lẽ phải cương quyết đánh mở đường để vượt ra, bộ phận này lại quay về vị trí trú quân cũ. Ngày 20, quân địch với lực lượng đông áp đảo được máy bay, trọng pháo yểm trợ và xe tăng mở đường, tiến vào ba ngôi làng. Bộ đội ta bị thương vong nhiều nhưng vẫn chặn được quân địch bên ngoài lũy tre. Đêm ngày 20, lại tổ chức vượt vòng vây. Nhưng phòng tuyến địch dày đặc. Chính ủy trung đoàn Lê Quang Ấn và tham mưu trưởng Bùi Đại hy sinh. Một số chiến sĩ rút được ra vùng tự do. Trung đoàn 98 đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 1.000 quân địch, nhưng đây là lần đầu, ta mất đến 600 cán bộ và chiến sĩ trong một trận càn. Một giá quá đắt cho những sai sót đáng lẽ ra có thể tránh được.

Cuộc chiến đấu mùa hè 1952 mở ra khả năng duy trì chiến tranh du kích ở vùng hậu địch Bắc bộ ngay cả khi ta không mở chiến dịch lớn ở chính diện, địch có thể tập trung toàn bộ lực lượng cơ động để đánh phá phong trào. Với những đơn vị chủ lực không đông, có cách đánh thích hợp, chiến tranh du kích sẽ giữ vững và phát triển ở vùng sau lưng địch (...) tạo một thế uy hiếp thường xuyên trên những địa bàn xung yếu, kìm chân một lực lượng lớn quân địch (...) tạo điều kiện cho những đại đoàn chủ lực giành chiến thắng trên mặt trận chính diện.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 810-820)