“Trường kỳ cải thiện”




Hiện nay có một số người Việt Nam đánh giá rất sai thành tích của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế. Ngộ nhận đáng tiếc này có thể dẫn đến dao động lập trường rất nguy hiểm, vì thế chúng tôi xin có đôi lời góp ý.

*

Công cuộc Đổi Mới được chính thức phát động năm 1986. Năm nay là 2016. So với tình hình hồi 30 năm trước, điều kiện vật chất của người dân đã cải thiện lớn lao. Thay vì dẫn số liệu thống kê khô khan, chúng tôi xin nhớ gì kể nấy “một thoáng quê hương” như được thấy tận mắt:

Khắp nước từ đồng bằng lên tận miền cao, nơi nơi nhà cửa phố xá khang trang đã thay thế quang cảnh lụp xụp tồi tàn, có nơi việc cải tạo đô thị thành công hết sức bắt mắt (chẳng hạn kênh Nhiêu Lộc ở Thành phố Hồ Chí Minh). Đa số các địa phương đã xây xong chợ mới, nhiều chợ to đẹp bất ngờ. Siêu thị cũng mọc lên nhiều. Một số thành phố ở công viên có đặt dụng cụ tập thể dục cho dân dùng miễn phí (bên Mỹ không thấy). Ở thôn quê, nông dân nhờ các công trình thủy lợi làm ruộng được quanh năm, bây giờ nhà nhà ti vi, tủ lạnh, có nhà sắm máy điều hòa, thậm chí sắm cả máy giặt. Nhờ điện lực phổ biến rộng khắp, ít khi bị mất và giá rẻ, người Việt Nam nay coi như đã quên nấu cơm đun nước bằng lửa! Cái phích nước to đùng, một thời là đồ gia dụng chủ chốt, đã bị cái ấm siêu tốc hóa thành cổ vật. Cũng lạc hậu luôn rồi, là hai cái “tục” đi bộ và đi xe đạp. Người Việt Nam bây giờ hễ ra khỏi cửa là thót ngay lên một cái xe không cần phải đạp. Xe nhắc cầu đường. Sao mà nhiều và đẹp thế, những đường mới cầu mới từ bắc chí nam! Trên cơ man cầu đường mới đẹp ấy, là đầy những phương tiện công cộng tiện nghi. Đi xa có xe lửa và xe khách. Xe lửa nhiều hơn, nhanh hơn, chất lượng nói chung hơn trước không biết bao nhiêu. Xe khách vốn toàn cũ xì, phun khói đen nghịt, bây giờ điển hình mới tinh, tất cả đều có điều hòa, hễ đường hơi xa là giường thay ghế (bên Mỹ không có). Đi gần có xe buýt, xe tắc-xi. Xe buýt điển hình cũng mới, không ít có gắn điều hòa. Xe tắc-xi đầy đường. Ở thành phố Hồ Chí Minh, sắp có cả tàu điện ngầm. Về đường thủy: từ Thành phố ra Vũng Tàu, từ Hà Tiên ra Phú Quốc, từ Hải Phòng ra Cát Bà v.v. người dân có thể đáp những tàu cánh ngầm nhanh và thoải mái. Về đường không: số ga và số chuyến bay tăng lên nhiều. Tất cả các phương tiện bộ, thủy, không đều có giá vé rất dễ chịu. Xe buýt đặc biệt rẻ, nhất là đối với các em học sinh; còn máy bay thì có khi lại rẻ hơn xe lửa! Bây giờ nói đến ăn và mặc. Thực phẩm đủ loại bán đầy các chợ, giá nói chung phải chăng, khiến ngoại hình của đa số người Việt Nam vốn là thon, gầy, chuyển qua tròn trịa, có lẽ đã không ít trường hợp bị thừa cân đến mức hại sức khỏe. Vải vóc cũng thật nhiều và dễ mua, ai mặc quần thiếu vải là do theo mốt Tây... Bao nhiêu đồng bào ta béo tốt, ăn mặc kiểu cọ ấy, lại đều có mỗi người một cái “di động”, nhiều người sắm được loại đa năng hiện đại đến nỗi bên Mỹ cũng ít thấy! Máy vi tính xách tay không còn hiếm hoi gì cả. À, nạn ăn xin đã gần như hết hẳn.

Không phải là đất nước không còn người nghèo, không còn những địa phương cần cải tạo. Nhưng rõ ràng đã có tiến bộ ngoạn mục. Tại sao lại đi chê lấy chê để?!

Lý do là bao nhiêu hình ảnh hào nháng thấy trên truyền hình trên Mạng, sự hiện diện của du khách và thương nhân Âu Mỹ Nhật Hàn Xin-ga-po Hồng Kông Đài Loan, những thông tin do người Tây gốc Việt và người Việt Nam đi du lịch hay làm ăn hay lao động ở những đất nước giàu có về kể, tất cả kết hợp lại làm cho một số đồng bào phát triển tâm lý “được voi đòi tiên”, “đứng núi này trông núi nọ”!


Sự thực, không phải “tiên” đâu, “núi nọ” không cao hơn “núi này” nhiều vậy đâu! Chẳng qua hình ảnh những thực tế khiêm tốn có khi đến bất ngờ của các “cõi tiên” gần như không được phổ biến, gây ra ảo tưởng. Không cần phải là những nơi xa xôi hẻo lánh, ngay tại quận lỵ Santa Ana của quận Cam giàu có của bang Ca-li-pho-nha có nền kinh tế đứng thứ 6 trên thế giới (năm 2015), vẫn tồn tại những khu vực trông nghèo nàn như thuộc vào một thế giới khác. “Cõi tiên” không thiếu “cảnh trần”, mà mức sống trên tiên cũng không phải như nhiều “người trần” tưởng tượng. Thu nhập Tây tiêu ở ta thì rộng rãi, chứ tiêu bên Tây không thoải mái lắm đâu. Đúng là người Mỹ toàn đi xe con trong khi ta còn chủ yếu đi xe máy, nhưng ngoài ra, họ không có những phương tiện hay tiện nghi gì lạ lùng cả.

Không thua quá xa đâu, tuy nhiên quả thật về phát triển kinh tế, Việt Nam hiện nay có còn thua nhiều đất nước khác. Tại sao?

*

Hãy ôn nhanh trường kỳ lịch sử.

Các quốc gia Tây phương đều vừa có truyền thống thương nghiệp lâu đời, vừa công nghiệp hóa đặc biệt sớm. Nhật và Hàn cũng có truyền thống thương nghiệp rất đáng kể; riêng Nhật đã công nghiệp hóa được hàng trăm rưởi năm. Hồng Kông, Xin-ga-po, Đài Loan thì cư dân chủ yếu là người Tàu quen buôn to bán lớn từ xưa; ngoài ra, Hồng Kông và Xin-ga-po còn được hưởng môi trường kinh doanh đặc biệt thuận lợi do đế quốc Anh dựng lên. Vừa có ưu thế như vậy, tất cả các xứ sở hay lãnh thổ này lại vừa hoặc không hề biết chiến tranh là gì hoặc đã thanh bình trở lại từ lâu lắm.

Trong khi đó, nước Việt Nam có truyền thống kinh tế khác hẳn. Dân tộc ta vốn sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa. Ta có sản xuất thủ công và buôn bán nhỏ, nhưng mọi hoạt động thương nghiệp có qui mô đáng kể trước thời Pháp thuộc coi như đều là của Hoa kiều. Trong thời Pháp thuộc, tình hình cơ bản vẫn y như trước, chỉ có thêm một số dân đi làm phu làm thợ cho giặc. Sau Pháp thuộc, khói lửa triền miên. Rút cuộc, suốt từ ngày Tự Đức bác bỏ canh tân cho đến ngày kháng chiến đạt thắng lợi hoàn toàn, dân tộc Việt Nam không hề có một cơ hội nào để tập trung tiến hành công nghiệp hóa và thương nghiệp hóa đất nước mình! Thực ra thống nhất rồi, ta vẫn chưa có cơ hội, do chiến sự ở Cam-pu-chia, do áp lực quân sự ở biên giới phía bắc và do chính sách cấm vận của Mỹ. Đảng quyết định đổi mới năm 1986, nhưng phải đến năm 1994 thì Mỹ mới bỏ cấm vận. Mãi đến cách nay chưa lâu gì cả, người Việt Nam mới bắt đầu có đủ điều kiện để thực sự tiến hành xây dựng một nền kinh tế hiện đại, từ một tình trạng hết sức lạc hậu, và trên đất nước đã bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề. Ta có tài nguyên tương đối phong phú, nhưng không hề gần phong phú đến mức ta có thể chỉ dựa vào tài nguyên mà sống thật thoải mái như chẳng hạn Ả-rập Xê-út.

Có lẽ cũng nên nhắc ý kiến thắc mắc sao ta chưa bằng Thái-lan. Xin nhắc rằng tuy Thái-lan có truyền thống kinh tế tương tự như Việt Nam nhưng đã không mất độc lập, không bị chiến tranh cản trở, không bị Mỹ cấm vận, họ đáng lẽ ra phải hơn ta nhiều hơn thế nhiều kia!

Rõ ràng lịch sử là lý do chủ yếu khiến Việt Nam còn chưa thịnh vượng bằng nhiều nước khác.

Dĩ nhiên lý do lịch sử sẽ ngày càng yếu đi. Đến một lúc nào đó, nếu kinh tế Việt Nam vẫn còn thua người, khi cắt nghĩa tình trạng kém sút, ta sẽ phải hướng mạnh về phía những lý do khác. Nhưng lúc ấy không phải là bây giờ. Nạn tham nhũng hoàn toàn có thật, nhưng đánh giá sai tiến bộ kinh tế rồi quy hết trách nhiệm cho lãnh đạo cũng là hoàn toàn có thật.

Tham nhũng đâu phải chỉ xảy ra ở riêng nước ta! Ngay cả ở những đất nước thịnh vượng hơn Việt Nam nhiều, bất kể theo chính thể nào, cũng có tệ nạn ấy.
Vô số quan chức Trung Quốc đã ôm không biết bao nhiêu tỉ đô-la chạy qua “tỵ nạn” bên Mỹ, Ca-na-đa, Úc v.v. Ở Nhật đã có hai thủ tướng phải từ chức vì tai tiếng tham nhũng (Tanaka và Takeshita), một người sau đó bị chính thức kết án (Tanaka). Ở Nam Hàn, suốt từ Lý Thừa Vãn cho tới ngay bây giờ, “hầu hết các cựu tổng thống, hoặc gia đình, hoặc những người phụ tá chủ yếu, đều bị tình nghi dính líu trong những vụ tai tiếng (tham nhũng)”!(1) Còn ở Mỹ thì hãy nghe chính một cựu tổng thống và một cựu phó tổng thống phát biểu. Ông Jimmy Carter nói: “Nước ta (…) bây giờ (…) hối lộ chính trị vô giới hạn có ảnh hưởng căn bản tới việc đề cử hay bầu tổng thống (…) ở quốc hội liên bang và ở cấp bang tình hình cũng y như thế”.(2) Ông Al Gore thì nói: “Hệ thống chính trị Mỹ là một thảm họa tuyệt đối (…) Ảnh hưởng của tiền (...) tiền của những nhóm tư ích cự phú!”.(3) Chẳng qua cái việc ăn tiền của các quan chức Mỹ nó mang những hình thức không quen thuộc đối với đa số người Việt Nam nên họ tưởng “quan” Mỹ không tham đó thôi!

Nhưng dĩ nhiên, cần phải thẳng tay bài trừ tham nhũng.

*

Trong số những người đánh giá sai tiến bộ của kinh tế Việt Nam, không ít người vì thế mà dao động lập trường chính trị, trở nên thiên về dân chủ Tây phương.

Liên kết thành công kinh tế với dân chủ Tây phương là nhầm lẫn không thể nặng nề hơn!

Thể chế chính trị ấy không hề cần thiết cho thịnh vượng. Nó tương đối còn mới toanh, trong khi thịnh vượng thì cũ ơi là cũ!
Trong trường kỳ lịch sử thế giới, biết bao nhiêu đất nước đã thịnh vượng trước ngày dân chủ Tây oe oe! Ở ngay Tây phương, từ Hy-lạp, La-mã xa xưa đến các đế quốc thực dân Anh, Pháp, Tây-ban-nha, Hà-lan v.v. trong thời cận đại, không có đâu biết dân chủ Tây như bây giờ là cái gì! Ở Đông phương, văn minh Trung Quốc tồn tại liên tục suốt mấy nghìn năm, rực rỡ lên cùng thời với Hy-lạp nhưng không lụi rất nhanh như Hy-lạp mà cứ tiếp tục sáng mãi (chỉ tạm mờ đi khi chuyển tiếp triều đại), nên nhớ Trung Quốc mới thua Tây phương về vật chất sau khi Tây sáng kiến ra khoa học chứ trước đó các thương nhân Tây qua Tàu đã bàng hoàng trước sự thịnh vượng vượt rất xa Âu châu đương thời, vậy mà ở Trung Quốc không hề có lúc nào có mặt cái gì giống như dân chủ Tây! Cũng ở Đông phương, nước Nhật hồi thế kỷ 19 hết sức nhanh chóng trở nên hùng mạnh ngang ngửa với các đế quốc Tây phương, chính đã do một “Thiên Hoàng” cai trị. Chỉ đến sau khi đại bại trong Thế chiến thứ Hai, Nhật mới bắt đầu theo dân chủ Tây, do bị kẻ chiến thắng là Mỹ áp đặt…

Thủ phạm gây ra ảo tưởng về vai trò tích cực của dân chủ Tây trong phát triển kinh tế là nước Mỹ mới có hơn hai trăm năm tuổi. Xin nhắc rằng bất kể chính trị cơ bản không thay đổi suốt từ khi lập quốc, năm 1929 kinh tế Mỹ đã tụt vào cơn “Đại Suy thoái” (Great Depression) lịch sử. Đến năm 1939 mới bắt đầu hơi bớt suy, thì vừa vặn Thế chiến thứ Hai bùng nổ, nỗ lực chiến tranh vực công nghiệp đang “nằm” đứng dậy, rồi bao nhiêu của cải và nhân tài từ châu Âu ùn ùn “chạy giặc” sang, khiến “con bệnh” Mỹ được động viên và tiếp thuốc bổ tiếp máu bỗng khỏe lên nhanh vùn vụt! Đặc biệt, không như tất cả những quốc gia tham chiến khác, đất nước Mỹ không bị mảy may tàn phá bởi bom đạn địch (đó chính là một lý do chủ yếu khiến Mỹ thắng, lý do chủ yếu khác là sự có mặt của Liên Xô trong khối Đồng Minh). Kinh tế Mỹ phục hưng ào ạt suốt Thế chiến, rồi sau Thế chiến trong lúc các nước khác (kể cả bên thắng) phải lo khắc phục hậu quả chiến tranh thì Mỹ vẫn tiếp tục phát triển ro ro, với vốn liếng mới nhân tài mới và nhiều kỹ thuật mới tình cờ ra đời đúng vào quãng ấy. Mỹ thắng thịnh không hề nhờ dân chủ Tây nhưng thắng thịnh rồi thì Mỹ thừa thế bành trướng dân chủ Tây khắp thế giới, gây ấn tượng hết sức sai lầm là dân chủ Tây giúp sinh thịnh vượng!

Tại sao trong Chiến tranh Lạnh, khối tư bản đã thịnh vượng hơn khối cộng sản? Bởi khối tư bản gồm hầu hết những nước công nghiệp hóa rất sớm, đã đế quốc thực dân suốt mấy thế kỷ, và sau Thế chiến thứ Hai vẫn còn rất giàu. Bởi khối tư bản theo kinh tế thị trường và cho dân hưởng quyền tư hữu. Cũng bởi khối tư bản thao túng mậu dịch quốc tế và thi hành cấm vận đối với khối cộng sản.


Dĩ nhiên tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Sau khi quyết định cải cách kinh tế (năm 1979) và trong hoàn cảnh không còn bị cấm vận (do chiến lược thân Trung Quốc để áp lực Liên Xô của tổng thống Mỹ Ních-xơn), mặc dầu công nghiệp hóa rất muộn, Trung Quốc “dân chủ đảng trị” đã hết sức nhanh chóng vượt qua tất cả các nước dân chủ Tây khác (năm 2010) và cứ đà này chỉ vài chục năm nữa sẽ vượt luôn Mỹ. Đã không hề cần thiết cho thịnh vượng, khi chạy đua kinh tế với dân chủ đảng trị, dân chủ Tây lại tỏ ra kém sút!(4)

*

Nhân thể, xin trình bày vắn tắt một số lý do khác khiến Việt Nam không nên theo dân chủ Tây phương.

Trước tiên là lý thuyết. Dân chủ Tây vốn chẳng qua là một biểu hiện rất muộn của khuynh hướng cá nhân luận của người da trắng. Ở mức cực đoan, nó biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, hết sức tiêu cực, dẫn tới phá sản văn hóa, thậm chí làm con người trở nên bệnh hoạn. Dù ở mức ôn hòa, nó cũng chỉ đáng cho ta tham khảo, cân nhắc để thu lấy một số nét hay, chứ hoàn toàn không đáng thay thế cái khuynh hướng lấy lợi tập thể làm trọng của truyền thống chính trị Á Đông (những người đã sáng kiến ra dân chủ Tây nên cố gắng hoàn thiện nó thay vì đi bắt mọi người theo mình, vì tương lai nhân loại ta hãy chúc họ thật nhiều may mắn). Việc ta cần làm bây giờ là tiếp tục Việt hóa triệt để cái chính thể tuy cũng xuất phát từ Tây phương nhưng lại có cơ chế phù hợp với tinh thần Đông phương.

Kế tiếp, có những người Việt Nam tưởng nếu ta theo dân chủ Tây thì Mỹ sẽ giúp giữ Trường Sa! Chắc chắn bất kể mọi ký kết liên minh chính thức, nếu vào phút chót, can thiệp quân sự xét ra lợi bất cập hại cho Mỹ (vì Trung Quốc đã trở nên quá mạnh), thì Mỹ sẽ không can thiệp! Rồi lại có những người khác hô hào theo dân chủ Tây để được Mỹ ưu đãi trong quan hệ kinh tế. Cũng là nằm mơ mà thôi. Mọi hành động của Mỹ đều tùy thuộc vào ước tính lợi hại cho Mỹ, và ước tính ấy có thể thay đổi bất cứ lúc nào!

Sau cùng, nhưng không hề kém quan trọng: dân chủ Tây nếu rước về chắc chắn sẽ làm mất ổn định chính trị là điều kiện tối cần thiết cho thịnh vượng! Tại sao? Bởi vì nhất định đa số người Việt Nam sẽ không chấp nhận để cho một thiểu số lạm dụng quyển phát biểu mà công khai xuyên tạc, đổi trắng thay đen lịch sử nước, bôi nhọ anh hùng dân tộc, xóa công lao của bao nhiêu liệt sĩ, chiến sĩ!!! Chắc chắn sẽ xảy ra đấu tranh kịch liệt vô giới hạn!


*

Hãy thôi nhầm dân chủ Tây với ý Trời (!) đi. Hãy thôi ảo tưởng về vai trò tích cực của dân chủ Tây trong kinh tế đi. Hãy thôi chờ đợi Mỹ giúp nọ giúp kia đi. Và hãy nhớ trong mọi hoàn cảnh, phải trung thành với chính nghĩa!

Nước Việt Nam không cần một đối tác đặc biệt hay một đồng minh luôn can thiệp vào nội bộ mình. Dân tộc Việt Nam có thể xây dựng kinh tế hiện đại tiên tiến mà không cần phải phản bội bao nhiêu người đã hy sinh cho độc lập, thống nhất! Và ta bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ bằng cách nâng cao khả năng quốc phòng, cùng lúc sẵn sàng làm bạn với tất cả những ai muốn làm bạn với mình trên căn bản bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Dưới sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, với trình độ tiến hóa cao cùng ý chí tiến thủ rất mạnh mẽ của dân tộc, điều kiện vật chất của người Việt Nam đã cải thiện thật là đáng kể. Tất nhiên, ta không nên lấy làm thỏa mãn là đã hơn mình, mà phải đặt mục tiêu nhanh chóng bắt cho kịp các “đại gia” trên thế giới. Muốn thế, ta cần liên tục gấp rút tiến bộ trong nhiều chục năm nữa. Nghĩa là, cũng như trước đây kháng chiến giành độc lập và thống nhất xứ sở đã phải trường kỳ, bây giờ cải thiện kinh tế quốc gia cũng phải trường kỳ.

Để “TRƯỜNG KỲ CẢI THIỆN NHẤT ĐỊNH THẮNG LỢI”, thiết tưởng không thể nhấn mạnh hơn lời dặn này của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ”.(5) Kháng chiến thành công là nhờ cán bộ đã có tài và có đức.

Hồ Chủ tịch cũng dặn “Văn hóa (...) cũng là một mặt trận”.(6) Mặt trận ấy càng lúc càng cần được chú ý ở mức cao nhất. Ta phải tuyên truyền sao cho đông đảo người Việt Nam không chỉ lo làm giàu mà còn giữ được tự hào dân tộc, tích cực đóng góp vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mới xứng đáng kế tục một truyền thống tinh thần lâu đời và rực rỡ. Nước phải có văn hóa riêng thì mới đáng là nước. Ta chớ để uổng cái công dựng nước của các vua Hùng và công giữ nước của bao nhiêu tiền nhân anh hùng mà gần đây nhất là “Bác cháu ta”.

“VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG VÀ VĂN HÓA CAO MUÔN NĂM! CẢI THIỆN THẮNG LỢI MUÔN NĂM!”
.(7)



Thu Tứ
Tháng 12-2016























___________
(1) Trang
foxnews.com, ngày 21-11-2016.
(2) Trang
huffingtonpost.com, ngày 31-7-2015.
(3) Trang
politico.com, ngày 13-5-2014.
(4) Chúng tôi xin sẽ trình bày đầy đủ trong một bài viết khác.
(5) Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây.
(6)
Hồ Chí Minh: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, nxb Văn Học, 1981.
(7) Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch kết thúc: “Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.