“Các anh em viết văn viết báo vừa nghe vừa chép lia lịa mà không sao (…) ghi hết được cái tinh thần cao thượng và những tình cảm trong sáng rất đẹp của họ (...) Chúng tôi tập hợp các bài nói lại, in ra thành từng quyển nhỏ phát đi các nơi, ai đọc cũng rất thích”. Không biết có còn một quyển nào ở đâu đó chăng? (TT)



Tố Hữu, “Nhiều không chép kịp”




Tôi bị sưng phổi (...) Trung ương bảo phải chuyển tôi ngay sang Đại Từ (Thái Nguyên) (...) để có bác sĩ chạy chữa (...)

Tôi liên lạc với huyện ủy Đại Từ, tìm ra một xóm rất kín đáo, gần bìa rừng Tam Đảo, có dòng suối trong mát với mấy nếp nhà tựa vào lưng đồi (...) Tôi nhờ dựng thêm mấy căn nhà cơ quan và cả một hội trường khá rộng, trù liệu để họp anh em văn nghệ sĩ (...) Ở đây thuận tiện là tập hợp được anh em văn nghệ sống gần nhau (...) lại gần các cơ quan quân đội, có thể mời các đồng chí chỉ huy, các chiến sĩ lập công đến nói chuyện (...) Nơi ấy gọi là xóm Chòi. Về sau là “bản doanh” của văn nghệ kháng chiến. Chẳng những mấy anh em ở Gia Điền mà nhóm sân khấu của anh Thế Lữ ở Ao Châu, nhóm họa sĩ của anh Tô Ngọc Vân ở Xuân Áng, anh Nam Cao ở báo Cứu quốc cũng về đây cả. Cụ Ngô Tất Tố ở Nhã Nam, lên đây thấy anh em đông vui cũng ở lại (...)

Vào giữa năm 1948 (...) anh Trường Chinh truyền đạt cho tôi ý kiến của Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Đại hội Văn hóa toàn quốc (...) Tôi cùng một số anh được giao nhiệm vụ chuẩn bị điều kiện vật chất cho hội nghị (...) Hội nghị thành công khá tốt đẹp. Sau đó chúng tôi tranh thủ tổ chức ngay Đại hội Văn nghệ Việt Nam (...) bầu một ban chấp hành (...) Đại hội cử anh Nguyễn Tuân làm tổng thư ký Hội Văn nghệ và một ban thư ký gồm đại biểu của các ngành nghệ thuật: Trần Văn Cẩn, Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước; và tôi làm phó Tổng thư ký (...)

(...)

Trung ương quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, từ ngày 11 tới ngày 19 tháng 2 năm 1951 (...) Tại Đại hội này, tôi được cử vào Ban Chấp hành Trung ương, làm úy viên dự khuyết (...) vẫn được phân công làm công tác tuyên truyền và văn hóa (...)

Từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 6 tháng 5 năm 1952, Trung ương triệu tập Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (...) Mọi người lắng nghe tiếng nói của chính những người làm nên những chiến công oanh liệt và những thành quả lao động xuất sắc (...)

- Người đầu tiên lên báo cáo là anh hùng La Văn Cầu, người dân tộc Tày, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đồng chí còn rất trẻ, mới 20 tuổi, dáng mảnh khảnh, mặc chiếc áo màu cỏ úa, chỉ còn một tay. Thật khó tưởng tượng người chiến sĩ ấy đã đánh 29 trận rất xuất sắc. Trong trận đèo Bông Lau, đồng chí đã dũng cảm xông lên bắn chết tên lính Pháp ngồi trên xe tăng, cướp ngay súng của nó bắn gục cả ba tên địch khác đang chạy đến, rồi tiếp tục truy lùng diệt thêm sáu tên nữa. Trong trận Đông Khê, La Văn Cầu chỉ huy tổ bộc phá, đánh lô-cốt đầu cầu. Cả tổ đều bị thương, chỉ còn anh vượt rào xông lên, cũng bị thương và ngất đi. Tỉnh dậy, thấy cánh tay phải bị đạn bắn gãy nát, đồng chí khẩn thiết yêu cầu đồng đội chặt hộ cánh tay bị thương để khỏi vướng, rồi tiếp tục ôm bộc phá xông lên, phá tan được lô-cốt, mở đường cho đơn vị xung phong diệt gọn vị trí địch (...)

- Chị Nguyễn Thị Chiên, 22 tuổi, quê ở Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, trung đội trưởng nữ du kích xã. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, đi ở cho địa chủ, đi ở cho địa chủ, khổ cực từ bé. Tháng 4 năm 1950, địch càn phá ác liệt, một đêm chị Chiên dẫn đường đưa đồng chí bí thư chi bộ về hoạt động thỉ gặp giặc phục kích. Chị ra hiệu cho đồng chí cán bộ chạy thoát, sau đó bị địch bắt, tra tấn rất dã man suốt ba tháng, nhưng vẫn dũng cảm chịu đựng, không khai một lời, rút cuộc địch thả ra. Tháng 10 năm 1951, chỉ huy một đội du kích phối hợp với bộ đội truy kích địch trên đường 39, bắt được sáu tên. Tháng 12 năm 1951, đánh địch đi càn, chị bắt sống được bốn tên, có tên quan hai chỉ huy, và bắn chết ba tên. Tháng 1 năm 1952, tiến công đồn An Bồi, cùng đồng đội đánh bộc phá, xông vào bắt sống sáu tên, có tên đồn trưởng, sau đó cõng thương binh về. Biết thành tích, rồi trông thấy chị nhỏ nhắn, ai cũng kinh ngạc. Chị nói nhỏ nhẹ: “... bọn nó trông hung tợn mà thấy ta quyết liệt thì lại run như cầy sấy!”.

- Anh hùng Cù Chính Lan đã hy sinh trong trận đánh Cô Tô ngày 29 tháng 12 năm 1951. Tên anh nổi lên rất nhanh sau mấy trận thật oanh liệt. Đặc biệt, ngày 13 tháng 12 năm 1951, đơn vị anh vừa diệt xong một đại đội địch ở Giang Mỗ thì một xe tăng địch tiếp viện lao tới. Cù Chính Lan nhảy lên xe, mở chốt lựu đạn, táo bạo chờ cho khói thuốc xì ra mới mở nắp tháp xe ném xuống, tiêu diệt được toàn bộ địch bên trong.

- Anh hùng lao động Ngô Gia Khảm bất chấp nguy hiểm nghiên cứu, chế tạo được một số loại lựu đạn, mìn rất lợi hại. Nhiều lần anh bị thương, cháy cả da mặt, cánh tay, nhưng vẫn kiên trì tiếp tục công việc sản xuất vũ khí.

Trong Đại hội lần này, có 8 anh hùng (5 lực lượng vũ trang, 3 lực lượng lao động) cùng 150 chiến sĩ thi đua.

Các anh em viết văn viết báo vừa nghe vừa chép lia lịa mà không sao theo kịp những câu chuyện họ kể, không làm sao ghi hết được cái tinh thần cao thượng và những tình cảm trong sáng rất đẹp của họ (...) Chúng tôi tập hợp các bài nói lại, in ra thành từng quyển nhỏ phát đi các nơi, ai đọc cũng rất thích. Sau này, qua mỗi chiến dịch lớn, theo chỉ thị của Trung ương, lại triệu tập những người được lựa chọn là anh hùng hay chiến sĩ thi đua về báo cáo. Càng nghe càng thấy ở đây không chỉ là những thành tích, chiến công, mà còn là những ý tưởng, tình cảm lớn của những con người thật sự vì nước vì dân (...)

Cùng với công việc tổ chức các đại hội, hội nghị anh hùng chiến sĩ thi đua, chúng tôi cử cán bộ đi các địa phương, đến các nơi tiên tiến và cả những nơi có thất bại, nghiên cứu thực trạng và về báo cáo lại để rút ra những bài học, không những về công tác tư tưởng mà cả về chỉ đạo thực tiễn của Đảng (...)

Có lần một đồng chí ở Thừa Thiên ra (...) cho tôi biết tin về cháu Lượm (...) là con của một chú em họ của tôi. Từ Cách mạng tháng Tám, nó đã về với tôi ở Huế và cùng một số bạn nhỏ đi theo làm liên lạc cho các đơn vị bộ đội (...) Trong khi đưa thư qua một cánh đồng, cháu bị trúng đạn, hy sinh khi mới 14 tuổi (...) ngã xuống như Kim Đồng và bao bạn nhỏ dũng cảm khác. Tôi viết bài thơ “Lượm”

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca-lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...


Tôi nhớ mãi giọng nói hồn nhiên của nó:

Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Vui hơn ở nhà


Theo lời người bạn kể, tôi hình dung:

Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng


Tự nhiên, tôi khẽ thốt lên:

Lượm ơi, còn không?

Không! Những anh hùng, dù nhỏ tuổi như cháu, không bao giờ chết.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta có rất nhiều dũng sĩ thiếu niên như cháu Lượm (...) Có lẽ đó cũng là một đặc trưng (...) có truyền thống lâu đời (...) Trần Quốc Toản ngày xưa (...)


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)