“Nghe sao ấm áp tựa nghe đời”...

Gà gáy ngoài đời nghe ấm ran. Gà gáy trong thơ nghe lại càng ấm ran.

Gà rạo rực, bất quá kêu ò ó o... o...!

Nhà thơ rạo rực, kêu đủ lối. Sau đây là lối bảy chữ, bốn câu.

(Thu Tứ)



Huy Cận, “Sớm mai gà gáy”




Tiếng gà gáy ơi! gà gáy ơi!
Nghe sao ấm áp tựa nghe đời.
Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp,
Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi.

Cha dậy đi cày trau kịp vụ,
Hút vang điếu thuốc khói mù bay.
Nhút cà, cơm ủ trong bồ trấu,
Chút cá kho tương mẹ vội bày.

Gà gáy nhà ta, gáy láng giềng,
Ta nghe thuộc mỗi tiếng gà quen
- Cha ơi con chửa nghe gà chú!
- Nó cũng như mày hay ngủ quên.

Hàng cau mở ngọn đón ngày vào,
Xóm nhỏ nép bên triền núi cao.
Gà lại gáy dồn thêm đợt nữa,
Nắng lên xòe quạt đỏ như mào.

Gà gáy ơi! tiếng gà gáy ơi!
Nghe sao rạo rực buổi mai đời!
Thương cha lủi thủi không còn nữa,
Chẳng sống bây giờ thôn xóm vui.


1962










_____________
Gáy ran: gáy vang; ràn: chuồng trâu, bò (chính xác là phần trên của chuồng, nơi gác nông cụ); cày trau: cày vỡ, lật đất phơi cho ải, dễ tơi; nhút: dưa muối làm bằng xơ mít (theo Ðặng Tiến).