“Nguyễn Bính - Thơ trở về”




Từ năm sinh 1918 đến khoảng năm 1940, Nguyễn Bính ở miền Bắc. Từ khoảng 1940 đến năm 1954, ông ở miền Nam.(1) Sau 1954, ông lại ra ở Bắc cho đến khi mất năm 1966. Ba giai đoạn của một cuộc đời ấy có thể gọi là Giữa Quê, Đi Xa và Trở Về. Giai đoạn nào Nguyễn Bính cũng làm được nhiều thơ hay.

Những bài thơ Giữa Quê chủ yếu diễn tình cảm riêng tư. Những bài Trở Về cũng chứa nhiều tình cảm riêng tư, nhưng loại khác, và giữa tình riêng có quyện nhuyễn tình chung. Nội dung thơ sau khác trước, ấy bởi đời nhà thơ đã có hai biến chuyển quan trọng trong lúc ông Đi Xa. Thứ nhất là việc Nguyễn Bính theo kháng chiến. Thứ hai là việc ông lấy “được” vợ. Về việc thứ hai, qua bao nhiêu thi phẩm nổi tiếng, ai nấy đều biết đường tình duyên của nhà thơ đã trắc trở tới mức nào. Nông nỗi đại khái do Nguyễn Bính tuy rất nhiều (thi) tài nhưng lại rất ít (tiền) tài. Vừa hay, có lẽ ông đang định lại gieo vần “gửi chị Trúc” để than thở, thì bỗng “Trời đất nổi cơn gió bụi”. Cách mạng rồi kháng chiến giải quyết vấn đề cho ông. Một mặt, nhà nước ta hết sức giúp đỡ để tranh thủ văn nghệ sĩ nổi tiếng; mặt nữa, lòng người Việt Nam trở nên bừng bừng lý tưởng: “Đã người kháng chiến mẹ thì cho không”! Tội nghiệp nhà nước, vì không chuyên làm Bà Nguyệt nên sợi chỉ hồng buộc cho nhà thơ lần đầu rồi phải cởi, để ông tự làm Ông Tơ, cầm tờ “thuận ly” xuống Cà Mau hỏi cưới một người con gái Bến Tre… Mới được non hai năm, “tình Bắc duyên Nam” đang nồng đượm, lại được củng cố bằng một đứa con, thì xảy ra chuyện “lũ chúng nó ngăn sông cản núi”, chia rẽ Bắc Nam, khiến Nguyễn Bính chợt thấy mình “ở một đầu nỗi nhớ” ngày đêm trông về đầu kia! Lòng thương vợ nhớ con và lòng yêu nước thù giặc kết hợp ngay với năng khiếu thơ khiến ra đời những “lời lời hàng hàng” thật là tha thiết...

Thơ Nguyễn Bính sau 1954 còn gồm những vần diễn tâm trạng khi hồi hương: vừa ngậm ngùi vì “mười năm mất mát biết bao”, vừa hân hoan bởi “nước non để có hôm nay sáng trời”, và những vần “vẽ” cảnh nông thôn, cũng đều rất gợi cảm.

Tuy nội dung khác, thơ Trở Về vẫn mộc mạc và tinh tế y như thơ Giữa Quê. Sau đây là một số tác phẩm tiêu biểu.

“Tỉnh giấc chiêm bao”

“Chín năm đốt đuốc soi rừng / Về đây ánh điện ngập ngừng bước chân / Cửa xưa mành trúc còn ngân / Góc tường vẫn đọng trăng xuân thuở nào / (...) / Tình cờ gặp giữa phố đông / Em đi ríu rít tay chồng tay con / (...) / Chín năm bão tối mưa ngày / Nước non để có hôm nay sáng trời / Em đi hạnh phúc hồng tươi / Anh nhìn tận mắt cuộc đời đẹp sao / Sắc hương muôn nẻo tuôn trào / Tiếc mà chi giấc chiêm bao một mình / (...)”.

Người về Hà Nội đây không phải Nguyễn Bính, mà là một bộ đội Việt Bắc hay Tây Bắc, bởi những “đốt đuốc soi rừng”, “làng xa, bản nhỏ, đèo cao”, “luyến núi thương rừng” v.v. Người ấy giống Nguyễn Bính ở chỗ cũng có một mối tình dang dở. “Tình cờ gặp”, nhưng “tiếc mà chi”, đất nước vừa hồi sinh, hãy mừng cho tất cả rồi lo xây dựng đời ta.

“Trở về quê cũ”

“Ði đã mười năm mới trở về / Tâm tình tràn ngập bước đường quê / (...) / Ði lâu quên cả màu hoa dại / Quên cả mùi hương gạo tám thơm / (...) / Một cơn khói lửa mấy tơi bời / Cảnh cũ làng xưa khác cả rồi / Ngước mắt trông lên trời cũng lạ / Nhà ai đây chứ phải nhà tôi / (…) / Nháo nhác đầu hồi chim sẻ kêu / Mưa thưa trăng lạnh nửa ao bèo / (…) / Xuân này vui tết lại vui quê / Lại chuyện làm ăn, chuyện hội hè / Xanh biếc đầu xuân nương mạ sớm / Giậu tầm xuân nở, bướm vàng hoe / (…) / Hôm ấy tôi đi nắng ửng vàng / Bời bời ngõ cũ tím hoa xoan / (...) / Ta đi, chào núi, ta đi nhé! / Phơi phới tình quê buổi xuất quân...”.

Trong “Tỉnh giấc chiêm bao”, “anh” về “tỉnh” Hà Nội, còn đây “tôi” về quê Nam Định. Cũng như anh, tâm tình tôi buồn vui lẫn lộn, “mừng tủi bâng khuâng khóc lẫn cười”. Vừa “bời bời”, lại vừa “phơi phới”, dĩ nhiên ấy bởi mất riêng nhưng lại được chung. (“Tôi” rất giống Nguyễn Bính, không hiểu tại sao trở về rồi lại “xuất quân”? Hình như nhà thơ hay đồng hóa mình với bộ đội.)

“Gửi người vợ miền Nam”

“Thư một bức nghìn lời tâm huyết / Đêm canh dài thức viết cho em / Bồi hồi máu ứ trong tim / Chảy theo ngòi bút hiện lên thư này / (…) / Nhớ lại buổi chúng mình gặp gỡ / Xanh bóng dừa bỡ ngỡ nhìn nhau / Cắn môi chẳng nói lên câu / Ai hồng đôi má nghiêng đầu làm thinh / (...)”.

Buổi như thế, “em” mới lần đầu chứ “anh” thì đã bao nhiêu. Bao nhiêu nhưng phải đến buổi này, nhờ ơn kháng chiến, kết cuộc mới được như ý. “Lứa đôi tuổi trẻ đầu xanh”… Ấy, xanh đầu chỉ một người, còn người kia thì xanh lòng thôi chứ (năm 1952, Nguyễn Bính đã 34 tuổi).

“Em thì tuần cữ còn non / Một ngày bốn lượt ôm con xuống hầm / (…) / Vách lá mới tươi cờ Tổ quốc / Xuồng hành quân mát nước sông xa / Mẹ ngồi thức mấy canh gà / Gói thêm bánh tét gửi ra chiến trường / (…) / Lửa Điện Biên đỏ trời phương Bắc / Gió hòa bình thổi mát xóm thôn / Em vâng tiếng gọi nước non / Đưa anh theo bóng cờ son lên đường”.

Gian khổ, nguy hiểm, mà vẫn đầm ấm quá. Mặc dầu “xe giặc càn tím ruột đồng xanh” vẫn được gần vợ trẻ con thơ, đến khi giặc cút mới phải chia lìa (bởi có ngay giặc khác)… “Đời chiến đấu thêm tươi thêm đẹp”: chữ “chiến đấu” có thể hiểu theo nghĩa rộng, cầm bút cũng là chiến đấu. Nhưng còn “Anh tập kích hạ đồn Ngã Bảy”? Chắc nhà thơ đã đi cùng bộ đội, rồi hăng say quá mà bất giác tự đồng hóa mình với bộ đội.

“Em trở giấc trăng nghiêng nửa gối / Mẹ chống rèm sương gội vườn cam / (...) / Mấy gian khổ chẳng nao dạ sắt / Bao tù đày chẳng tắt niềm tin / Tháp Mười đẹp nhất bông sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ / (…) / Cau nở bẹ dừa tơ lớn đọt / Xoài thơm hương cam ngọt trĩu cành / Cây vườn ngày một thêm xanh / Trái ngon thêm ngọt chờ anh trở về / Dạ canh cánh tình kia nghĩa nọ / Mắt đăm đăm ngoài đó trong này / (…) / Lời thề năm ấy còn đây / Còn ta ta phải còn ngày đoàn viên”.

“Anh” nằm mơ thấy “em”, rồi thấy dừa thấy xoài. Còn em hẳn đêm đêm cũng nằm mơ thấy anh, nhưng chỉ anh thôi chứ không hình dung nổi ruộng vườn cây trái gì cả vì chưa ra ngoài ấy lần nào. Người ngày Bắc đêm Nam, kẻ ngày Nam đêm Bắc. Bao giờ cho đến ngày “dạ” thôi “canh cánh”, “mắt” hết “đăm đăm”?...

“Giấc mộng đẹp qua nghìn vạn dặm / Gối chăn này vẫn ấm hơi em / Đầu cành ríu rít tiếng chim / Giật mình trông hút bóng em xa dần / (…) / Ta những tưởng hai năm đoàn tụ / Mà vì đâu để lỡ hẹn hò / (…) / Ai chia rẽ kẻ Nam người Bắc? / Mảnh trăng tròn ai cắt làm đôi? / Ai làm máu đổ, lệ rơi? / Ai đang rấp ngõ, ai xui phá cầu? / (…) / Quản chi sóng cả sông sâu / Tay ta lại bắc nhịp cầu ta qua / Cầu nối nhịp duyên ta tròn vẹn / Dòng Hiền Lương mát bến xuôi đò / Con sông vẫn đẹp đôi bờ / Tấm lòng có một cơ đồ không hai”.

Mộng ấm cả chăn! Đã “giấc chiêm bao nhắc nhở”, rồi ra đường lại gặp “đoàn trẻ nhỏ bước chân lẫm chẫm” nhắc nữa, “tháng đợi năm chờ” dài quá ai ơi…

“Nghĩ đến buổi nước mình thống nhất / Lệ tuôn trào khoé mắt rưng rưng / Anh sẽ đón gia đình ra Bắc / Vợ chồng mình dạo khắp thủ đô / Con ta được gặp Bác Hồ / Mẹ ta được vãn cảnh chùa Ngọc Sơn / (…) / Cùng trở lại quê mình vườn cũ / Dấu đạn thù còn trổ thân cây / Nhà ta ta lại sum vầy / Lại gieo mạ nếp, lại gây giống dừa / (…) / Chiều chủ nhật xanh mây biếc gió / Tay nắm tay đi giữa Sài Gòn / Lo màu chọn kiểu áo con / Sách in nét chữ tươi giòn thơ anh / (…) / Làng trên xóm dưới vui ca / Mặt sông pháo nổ, mái nhà sao bay / (…)”.

Mộng “đẹp như mơ” hiện ra thành những vần “đẹp như thơ”. Rồi ngừng ở đó, chứ không chịu hiện tiếp thành cuộc đời… Nguyễn Bính ít nhất còn được một bài thơ dài, chứ nhiều người khác đồng cảnh ngộ rút cuộc chỉ có giấc mộng thôi. “Giơ-neo ngâm khúc” làm nhớ đôi điều. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh bảo thể ngâm đã “cơ hồ chết”. Văn học cách mạng và kháng chiến chứa nhiều bằng chứng thực ra nó vẫn sống khỏe. Trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ bảo thể ngâm “rất thích hợp để diễn tả những tình cảm ảo não triền miên”. Lại văn học cách mạng và kháng chiến chứa nhiều bằng chứng nó cũng rất thích hợp để diễn những tình cảm tích cực.

“Đôi mắt”

“Vò nhàu chéo áo làm vui / Ướt đôi mắt đẹp nhìn tôi nặng tình / Sông đầy lạnh bến dừa xanh / Kể từ ngày cưới xa anh lần đầu / (…) / Miền Nam em đứng trông chồng / Ðầu sông ngọn sóng một lòng đinh ninh / (…) / Ðường về dựng suối treo ghềnh / Chân ta vững bước, mắt mình dõi trông / Chiều quê lại ngát hương đồng / Ðẹp sao đôi mắt tiễn chồng hôm xưa...”.

Mới “xanh bóng dừa bỡ ngỡ nhìn nhau” đó, “đám cưới mình tiếng hát vang sông” đó, “tổ êm biếc bóng cây vườn đung đưa” đó, mà đã “lạnh bến dừa xanh”! Tình vợ chồng tuy chỉ mới có non hai năm, nhưng đã nặng lắm. “Tôi” đứng ở đầu Bắc của nỗi nhớ, hướng vào đầu Nam như thấy hiển hiện đôi mắt “vọng phu”...

“Đêm sao sáng”

“Ðêm hiện dần lên những chấm sao / Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao / (…) / Sao Hôm như mắt em ngày ấy / Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu / (…) / Em ở bên kia bờ vĩ tuyến / Nhìn sao thao thức mấy năm rồi... / Sao đặc trời cao sáng suốt đêm / Sao đêm chung sáng chẳng chia miền / Trời còn có bữa sao quên mọc / Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em”.

Nguyễn Bính “lưu lạc phương nam này” lâu lắm, “tình Bắc duyên Nam” đôi mới chịu đẹp, thế mà chưa được bao lâu “Xanh kia” đã nỡ bày trò rẽ Bắc chia Nam. Trước hễ xảy ra trắc trở thì “tôi” thơ (không phải thư) “gửi chị Trúc”, giờ tôi ngước lên “chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi” mà cầu “lộng lẫy uy nghi” run rủi cho đất thấp chóng cũng “chẳng chia miền” y như trời cao.

“Chim thêu”

“Chiều chủ nhật ba thường đi dạo / Các cửa hàng bày áo trẻ con / Lòng ba không khỏi riêng buồn / Ngắm từng kiểu áo, nhớ con vô cùng! / Lũ chúng nó ngăn sông cản núi / Áo ba mua khôn gửi về Nam / (…) / Ba ôm tấm áo xanh giữa ngực / Tưởng chừng nghe thổn thức tim con / (…) / Treo áo con bên bàn làm việc / Nhìn chim thêu, ba viết thư này / Áo không gửi được hôm nay / Thì ba giữ lấy mai ngày cho con / Ngày mai ấy, nước non một khối / Giở áo này, thấu nỗi niềm xưa / (...)”.

Thấy áo, mua áo, ôm áo giữa ngực mà “tưởng chừng” cảm giác được “tim thổn thức”, thấy được “cặp mắt đen tròn”, nghe được văng vẳng “tiếng chim non gọi đàn”! Ôm xong rồi treo, rồi vừa ngắm “chim thêu” trên áo treo, vừa thơ lên tâm sự... Tưởng tượng đã có cái ngày “con” giở áo “ba Bính” mua cho, giở cả cảo thơm, vừa ngắm áo vừa ngâm nga những vần bảy bảy sáu tám mà “thấu nỗi niềm xưa”!...

“Mưa xuân” (2)

“Chiều ấm mùi hương thoảng gió đưa / Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa / Cây cam cây quít cành giao nối / Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa / Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân / Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần / Bươm bướm cứ bay không ướt cánh / Người đi trẩy hội tóc phơi trần / Đường mát da chân lúa mát mình / Đôi bờ cỏ dại nở hoa xanh / Gò cao đứng sững trâu kềnh bụng / Nghếch mõm nghe vang trống hội đình / Núi lên gọn nét đá tươi màu / Xe lửa về Nam chạy chạy mau / Một toán cò bay là mặt ruộng / Thành hàng chữ nhất trắng phau phau / Bãi lạch bờ dâu sẫm lá tơ / Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ / Chiều xuân lưu luyến không đành hết / Lơ lửng mù sương phảng phất mưa”.

Mưa xuân lần trước “em” rõ mồn một, quê chỉ là cái nền mờ. Mưa xuân lần này gái quê đứng hoàn toàn kín đáo trong “người đi trẩy hội”, chỉ có quê hiện ra thật “gọn nét”, “tươi màu”. Hương quê lần trước thơm “ngào ngạt” khiến bướm cuống quýt “vẽ vòng” (bài “Xuân về”). Vẫn quê nhưng lần này “ấm mùi hương thoảng gió đưa”, bướm không cuống mà cứ thong thả nhịp nhàng đôi cánh… Cái quê không “em”, quê “chay”, không hề nhạt. Đọc những vần “vẽ” nó đây, thấy “lưu luyến không đành hết” đọc!

“Chiều thu”

“Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ / Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu / Con cò bay lả trong câu hát / Giấc trẻ say dài nhịp võng ru / Lá thấp cành cao gió đuổi nhau / Góc vườn rụng vội chiếc mo cau / Trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác / Ðàn kiến trường chinh tự thuở nào / Lúa trổ đòng tơ, ngậm cốm non / Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con / Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín / Ðiểm nhạt da trời những chấm son / (…) / Sông đỏ phù sa, nước lớn rồi / Nhà bè khói bếp lững lờ trôi / (…) / Thong thả trăng non rựng cuối làng / Giữa nhà cây lá bóng xiên ngang / Chìu con, cặm cụi đôi ngày phép / Ngồi bẻ đèn sao, phất giấy vàng”.

Đây không phải Nguyễn Bính, vì có con, và hẳn lại là bộ đội, vì “đôi ngày phép”. Người lính về thăm nhà đang cảm xúc rất êm đềm quê hương thanh bình... Phải thế chứ! Sau thu cách mạng, bao nhiêu thu chiến trường, thu khói lửa, thu tơi bời, thu tan tác, rồi cũng phải đến thu thanh bình chứ. Phải có lúc được thong thả trông trời trông lúa trông hồng trông na, trông bê con, trông trẻ con, trông mẹ trẻ con về chợ, được cặm cụi ngồi bẻ đèn sao cho con chứ. Bao thu mới đến được thu, trời xanh không một bóng thù bay qua...

“Xuân nhớ”

“Rộn rã xuân về giữa thủ đô / Hồn đơn gác lẻ đón giao thừa / Nhà ai hàng xóm khoe mầu cúc / Vườn cũ mai vàng biết nở chưa? / Câu thơ đứt giữa lòng trang giấy / Mắt rượu mờ trông mái tóc thề / Đất Bắc phải đâu là đất khách / Sao lòng mãi nặng mối tình quê? / Ngày muộn, mẹ già hong tóc trắng / Khác nào mây núi đỉnh Trường Sơn / Mẹ ơi giữ lấy vườn mai nhé / Cho trải vàng xuân đẹp bước con”.

Trông cúc nhớ mai. Đi giữa xuân hồng nhớ xuân vàng. Nhưng đó lại là một người Bắc chính hiệu! Thì một lòng hai quê, càng hay chứ sao. Chỉ còn chín lần xuân về nữa thì tha hồ “đẹp bước”, tiếc quá “câu thơ” ơi.



Thu Tứ
Tháng 11-2016

















_________
(1) Trong mấy năm đầu, Nguyễn Bính có thỉnh thoảng trở ra Bắc.