“Nguyễn Bính - Thơ đi xa”




Chúng tôi đã bàn về thơ Nguyễn Bính thời ông còn ở giữa quê và thời sau khi ông trở về quê sau bao nhiêu năm biền biệt. Bây giờ xin bàn tiếp về thơ Nguyễn Bính trong quãng giữa cuộc đời, kéo dài đại khái từ năm 1940 tới năm 1954.

Hình như từ 1940 đến 1942, Nguyễn Bính đã sống nhiều ở Huế, với một số lần trở ra Bắc. Năm 1943 ông vào Sài Gòn. Khoảng cuối 1945, đầu 1946, Nguyễn Bính theo kháng chiến, sống chủ yếu ở miền tây Nam bộ cho tới ngày tập kết.

Trong thời gian xa quê của Nguyễn Bính, năm sáu năm đầu là kiếp lãng tử. Cụ thể là như thế nào? Tô Hoài kể: “Một lần, Nguyễn Bính rủ tôi đi “giang hồ” (…) Lên tàu hỏa ra ga Đầu Cầu thì lên không. Ở đấy (…) ông trưởng ga (yêu) thơ Nguyễn Bính. Đến ga Bắc Ninh (…) đỗ lại (…) Vũ Hoàng Chương gài chúng tôi xuống nhà ả đào, nhà cô Tuyết Lành dưới phố Niềm (…) Chán cảnh phố Niềm, chúng tôi lên Phủ Lạng Thương, kéo theo xếp ga Chương (…) vào nhà Bàng Bá Lân (…) Được mấy hôm, nếu Bàng quân không đưa tiền tàu và nói thẳng rằng thế là tiền tiễn, chưa biết bao giờ chúng tôi mới nhổ rễ (…)” (Tự truyện). Tại sao Nguyễn Bính hóa lãng tử? Tìm hứng thơ, ưa sự xê dịch, thích bạn bè, chắc đều đúng cả, nhưng cái sự kiện ông thất nghiệp tưởng cũng là một lý do căn bản. Đi chơi quanh năm thì vui quá chứ gì? Không đâu. Đi mà túi rỗng, mà từ vé xe tàu, chỗ ở tạm, cho đến từng bữa ăn đều tùy thuộc cả vào lòng tốt của bạn bè, độc giả hâm mộ thơ, thì có thể lúng túng khó chịu vô cùng. Tệ nhất, cái hoàn cảnh vô sinh kế (và vô sản) nó khiến cho Nguyễn Bính không thể nào đạt được ước nguyện tha thiết là lấy một người mình yêu.

Thơ Nguyễn Bính trong giai đoạn lãng tử gồm những nội dung chính gì và giá trị ra sao? Nội dung thì trước tiên là tâm sự một người thất tình hết sức trầm trọng: nhớ, khóc, kể, hận, than đua nhau nên vần, có khi “trăm câu một vần”, nhiều bài được “gửi” cho một người chị hình như tưởng tượng. Thứ đến là lòng da diết nhớ quê: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó / Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”. Rồi đến nỗi cay đắng nhân tình thế thái: “Tay trắng bạn bè đều tránh mặt / Sa cơ thân thích cũng khinh thường”. Toàn buồn đậm đà cả! Về giá trị, những trải nghiệm thấm thía ấy có nhiều lần hiện ra thành thơ hay, giúp thi nghiệp Nguyễn Bính thêm bề thế và đa dạng.

Sau khi tham gia kháng chiến, Nguyễn Bính làm rất ít thơ. Vì bận công tác, bận việc gia đình (rút cuộc thi sĩ đã lấy được vợ), vì lý do gì nữa, chúng tôi không rõ. Thơ về kháng chiến của Nguyễn Bính, Hoài Thanh có lần dẫn mấy câu này: “Quê các anh ở miền Trung đá núi / Bãi cát vàng bờ biển uốn quanh co / Đêm trong xanh cao vút tiếng ai hò / Trên bến vắng một dòng sông nổi bạc” (“Những người của ngày mai”). Tưởng có thể coi như lời dạo cho một cụm thơ về kháng chiến rất hay mà sau khi “Trở về quê cũ”, nhà thơ sẽ sáng tác.

Sau đây là một số thi phẩm tiêu biểu của Nguyễn Bính trong thời Tha Hương.

“Một trời quan tái”

“Chiều lại buồn rồi, em vẫn xa / Lá rừng thu đổ, nắng sông tà / Chênh vênh quán rượu mờ sương khói / Váng vất thôn sâu quạnh tiếng gà / (…) / Tôi lạnh đầu sông, giá ngọn nguồn / Nhớ nhà thì ít, nhớ em luôn / (…) / Tôi uống cả em và uống cả / Một trời quan tái, mấy cho say!” (Lạng Sơn, 1940).

Thi sĩ có việc gì mà “đi mãi mãi vào sơn cước” thế này, để khi hoàng hôn đến phải kêu “… em vẫn xa”? Em xa, quán rượu thì gần, nên “tôi” tạt vào “nhắp chén quan hà” cho đỡ nhớ. Nhưng ô kìa: “Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy”! Rượu có em, uống mấy mà say!

“Thư gửi thày mẹ”

“Ai về làng cũ hôm nay / Thư này đưa hộ cho thày mẹ tôi / (…) / Nhớ thương thày mẹ khôn cùng / Lạy thày, lạy mẹ thấu lòng cho con” (trong tập Tâm hồn tôi in năm 1940).

Ði đã “mười mấy năm trời”, hứng gió phơi sương đã “nửa đời”… Nhưng năm 1940 Nguyễn Bính mới có 22 tuổi! Lại còn chuyện “Mẹ ơi, đừng bán cây lê con trồng…” khi mẹ đã mất chỉ mấy tháng sau khi sinh nhà thơ! Thôi, ta cứ theo văn bản mà bàn. Lớn thế, mà còn... nũng nịu! Ấy, với “thày mẹ tôi” thì dù đi gần hết đời, “tôi” vẫn cứ còn “bé bỏng”, tội nghiệp. “Mẹ cha thì nhớ thương mình / Mình đi thương nhớ người tình xa xôi...”! Lại ấy! Không phải Bính không nhớ thương cha mẹ đâu. Chẳng qua một đằng Bính thường giữ kín trong lòng, còn đằng kia Bính luôn để cho tha hồ trào ra thành thơ. “Một mai những tưởng cơ đồ làm nên”... Ấy lần chót. Nhà cao cửa rộng, thóc đầy kho, tiền chật tủ Bính quả không “làm nên”, nhưng tưởng cái sự nghiệp thơ của “đồng kẽm ngang đường bỏ rơi”, của “người con hư”, thì đã làm vẻ vang cho “thày mẹ” hơn bất cứ thứ cơ đồ vật chất nào. Công đẻ đứa con này thật không phải tiếc.

“Trời mưa ở Huế”

“Trời mưa ở Huế sao buồn thế! / Cứ kéo dài ra đến mấy ngày / (…) / Trời mưa ở Huế sao buồn thế! / Cứ kéo dài ra đến mấy ngày...” (Huế, 1941).

Trời thì “ngao ngán một loài mây” xám xịt. Bờ sông thì la liệt “đò vắng khách chơi, nằm bát úp”. Cảnh buồn thiu, mà trong túi khách lại đầy... nợ, mà trong lòng khách không dám chứa... cô hàng xóm nào hết, còn cách chi cho đỡ sầu ngoài cách “nón lá áo tơi” ra chợ ngồi uống rượu. Nhưng men vào, vẫn cứ “sầu nghiêng”. “Quên được làm sao” “chuyến đi đày” này, Huế ơi!

“Một con sông lạnh”

“Chén sầu nghiêng giữa tràng giang / (…) / Chúng tôi người bến sông xa / Giang hồ một chuyến về qua xứ này / (…) / Lạy trời đừng sáng đêm nay / Ðò quên cập bến, tôi say muôn đời / Chiêu quân lên ngựa mất rồi!” (Huế, 1941).

Người ở đâu đâu, ai nài ép mô mà “về qua xứ này”, mà kêu “sông lạnh” sông ấm. Ai thấy lạnh thì cứ uống cho đỡ run, dưng bắt người đàn phải “gắng say”! “Ðôi dây nức nở...”. Dây đàn Huế nức ít, lòng người giang hồ mới nức nhiều. Ðêm nay một người Nam Định thất tình kêu giời trên đò sông Hương!

“Lửa đò”

“Suốt trời không một điểm sao / Suốt trời mực ở nơi nào loang ra / Lửa đò chong cái giăng hoa / Mõ sông đục đục, canh gà te te / Chừ đây bên nớ bên tê / Sương thu xuống gió thu về bồng bênh / Ðàn ai chừng đứt dây tình / Nổi lên một tiếng buồn tênh rồi chìm” (Huế, 1941).

Đêm Hương Diệu là một đêm rằm, “trời đầy trăng”.(1) Đêm Hương Bính “suốt trời” lại đầy “mực”. Trăng “lạnh lẽo suốt xương da”, mà “mực” cũng “buồn tênh”. Nhưng thấy lạnh, buồn, là ai và ai cực kỳ đa cảm kia, chứ với “du khách” điển hình, nhất là người mua “cái giăng hoa”, thì “lửa đò” hẳn ấm, vui ra phết. Nhớ một ông Tú cũng người Nam Định nổi tiếng “hay hát hay chơi, hay nghề xuống lõng”. Ở đất Vị Xuyên ngoài ấy, người ta gọi đò là lõng nhỉ.

“Xuân tha hương”

“Tết này chưa chắc em về được / Em gửi về đây một tấm lòng / (…) / Tết này chưa chắc em về được / Em gửi về đây một tấm lòng / (…) / Chắc chị đời nào quên nhắc nhở: / Xa nhà rượu uống có say không?” (Huế, tháng chạp Tân Tỵ 1941).

Người Bắc, đi đâu mà tháng tận năm cùng lại ở Huế, ở để mà kêu: “Chén rượu tha hương. Giời! Ðắng lắm!”! Rượu tha hương đắng quá bồ hòn, mà cột nhà hàng xóm tha hương treo câu đối đầy chữ, không chịu đọc chữ, lại đi đọc... giấy, để thấy “tương tư giữa giấy hồng”!… Bính tương tư, Bính kể, Bính khóc, Bính than, Bính hận, rồi Bính hứa với chị: “Em không khóc nữa không than nữa / Ðây một bài thơ hận cuối cùng”. Dĩ nhiên cuối cùng không phải cuối cùng. Chị Trúc còn nghe em Bính tỉ tê chán!

“Anh về quê cũ…”

“Anh về quê cũ: thôn Vân / Sau khi đã biết phong trần ra sao / Từ nay lại tắm ao đào / Rượu dâu nhà cất, thuốc lào nhà phơi / Giang hồ sót lại mình tôi / Quê người đắng khói, quê người cay men / (...) / Thôn Vân có biếc có hồng / Hồng trong nắng sớm, biếc trong vườn chiều / Ðê cao có đất thả diều / Trời cao lắm lắm có nhiều chim bay / Quả lành nặng trĩu từng cây / Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen / Hiu hiu gió quạt trăng đèn / Với dăm trẻ nhỏ thả thuyền ta chơi / Ăn gỏi cá, đánh cờ người / Thần tiên riêng một góc trời thôn Vân / (…) / Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân! / Anh em ly tán, lâu dần thành ra / Không còn ai ở lại nhà / Hỏi còn ai nữa? để hoa đầy vườn / Trăng đầy ngõ, gió đầy thôn / Anh về quê cũ có buồn không anh?” (1942).

Mình trôi nổi sông hồ với chỉ có mình là hoàn cảnh giúp thấm thía cái đắng của khói thuốc, cái cay của men rượu. “Tôi” buồn đã đành, nhưng “anh” về thôn Vân “thần tiên” có khi cũng chẳng vui mấy, vì “không còn ai ở lại nhà”. Sống vui nhất là sống cùng người thân trên quê cũ, sống buồn nhất là sống một mình nơi đất khách. Còn giữa sống một mình trên quê cũ với sống cùng người thân nơi đất khách, đằng nào buồn hơn hay vui hơn nó tùy ta quý quê cũ hơn hay quý người thân hơn.

“Xây hồ bán nguyệt”

“Bính em một tấm lòng vàng / Ðầu xanh chịu mấy lần tang ái tình / (…) / Em đi kiếm gạch Bát Tràng / Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân / Hồ tiên đâu phải hồ trần / Em không thả cá mà thuần thả thơ / (…) / Ví bằng thương đến em đây / Chúc cho em chóng mà xây nổi hồ” (trong Mây Tần in năm 1942).

Bính từ độ xa quê với vài người không hề lớn thêm tí nào. Bính vẫn là “thân bé bỏng” với thày mẹ Bính, vẫn là “em thơ” với chị Trúc của Bính. Có “chị nhớn” đỡ lắm, vì cứ “có tang” là Bính lại thư gửi chị. Ờ, mà sao Bính đen tình thế nhỉ? Chắc chung qui cũng chỉ do thiếu... gạch Bát Tràng. Bính thì bao giờ kiếm cho đủ gạch: người ta biết tính toán làm ăn, thả cá xuống hồ, nuôi cá, bắt cá, còn Bính đi “thuần thả thơ”, lãi ở đâu mà mơ “chu toàn công việc”, mời “Chị về chơi nhé xem nàng rửa chân”! Cá thả cá nuôi cá bắt không còn cái xương cá nào. Thơ thả lâu rồi vẫn lội. Xem nhung nhăng dưới hồ, chạnh nhớ người đêm đêm “gối đầu cánh tay” nhả chị phun em...(2)

“Hoa với rượu”

“Thấy rét u tôi bọc lại mền / Cô hàng cất rượu ủ thêm men / (…) / Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi / Hoa thừa rượu ế ấy tình tôi / Xa xôi vườn cũ hoa cam rụng / Gặp lại nhau chi, muộn mất rồi...” (Huế, 1942).

Nguyễn Bính nhiều “em”, hẳn có em thật, có em hư cấu. Em Nhi có vẻ “hư” (căn cứ vào gia cảnh của nhà thơ), nhưng câu chuyện tình thời thơ ấu này được “cấu” thật lãng mạn. Cái đoạn kết “Tôi với em Nhi kết vợ chồng / Say người thiên hạ lại say nhau / Chiều chiều hai đứa sang thăm chị / Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu” có hậu quá. Hóa ra thi sĩ chưa viết xong, còn thêm mấy câu nữa để lại “kết đoản” như thường lệ. Thơ chỉ đẹp khi tình dang dở”!(3)

“Bài hành phương nam”

“Hai ta lưu lạc phương nam này / Ðã mấy mùa qua én nhạn bay / (…) / Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh / Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi!” (Đa Kao, 1943).

Hành là “... bài thơ dài dùng làm lời cho bài hát”.(4) Từ điển nói vậy, chứ “dài” không cần đâu. Bài hành “Tỳ bà” mà quan Tư mã Giang Châu Bạch Cư Dị khóc ướt áo rồi làm quả có đến non 100 câu, nhưng các bài “Tòng quân hành” của Vương Xương Linh, “Trường Can hành” của Thôi Hiệu, “Lũng Tây hành” của Trần Ðào đều chỉ có bốn câu. Dùng làm ca từ? Không biết “Tỳ bà hành” đặc biệt dễ hát ra sao, chứ ba bài hành kia chẳng khác bất cứ bài thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt nào. Về nội dung, không thấy “hành Tàu” có gì chia sẻ với nhau, còn “hành Việt” hình như đều chứa người đi xa.

“Bài thơ vần rẫy”

“Nhớ ngày tôi vào chơi Hà Tiên / Chiều chiều cùng chị về trong rẫy / (…) / Chừng nào mới lại vào Hà Tiên / Chiều chiều cùng chị về trong rẫy / Chắc chẳng bao giờ nữa. Chị ơi! / (…)”.

Cùng gửi chị, mà giọng bài thơ “thư” này khác hẳn giọng những bài gửi chị Trúc. Thân như chị ngoài kia thì Bính thơ sướt mướt, chưa thân lắm như chị trong này thì Bính thơ điềm đạm. Thơ giọt ngắn giọt dài hay, mà thơ không có giọt nào cũng hay, lại “lạ miệng”. Giá “tôi” có vài người chị nữa cho giàu thêm vẻ một cụm “thư thi”.

“Xuân vẫn tha hương”

“(...) / Xuân này em chị vẫn tha hương / Vẫn ăn cái tết ngoài thiên hạ / (…) / Em đi non nước xa khơi quá / Mỗi độ xuân về bao nhớ thương! / (...) / Trước mặt bút nghiên sầu tịch mịch / Quanh mình chăn chiếu rộn tang thương / Một thân lữ thứ sầu phong tỏa / Ðốt ngọn đèn lên bóng rợn tường / Ðêm ba mươi tết quê người cũng / Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương / (mấy câu tiếp theo đây là nhớ xuân đất Bắc) / Nêu cao pháo nổ trầm hương ngát / Hoa bưởi hoa cam rụng ngập vườn / Mưa xuân rắc bụi quanh làng mạc / Gái lịch trai thanh chật phố phường / Lá lộc chồi tơ tay ngọc hái / Giao thừa xuân đến bưởi thơm hương / (...) / Bao giờ em được về quê cũ / Dâng chị bài thơ Xuân cố hương” (Sài Gòn, tháng chạp Quý Mùi 1943).

“Em” đi giang hồ hơi lâu, va chạm hơi nhiều, “sa cơ”, lòng “tàn lạnh”, nên thơ gửi “chị” bay đậm mùi thở than thế thái nhân tình. Nhưng mùi chủ yếu là mùi nhớ. Đọc vần nối vần chở nỗi lòng một người “Xuân vẫn tha hương” đang da diết nhớ “Xuân cố hương”, thấy dễ chia sẻ quá, bèn cũng tự mình gieo thử ít vần “đề vịnh” thơ xưa: Xuân đã về, Xuân đã về! / Thư em gửi chị, não nề, tội chưa / Trăm câu tâm sự người xưa / Xa quê ai có bây giờ sẻ chăng?...

“Sao chẳng về đây”

“Lối đỏ như son tới xóm Dừa / Ngang cầu đã điểm hạt mưa thưa / (…) / Kinh kỳ bụi quá xuân không đến / Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?” (Thanh Đa, 1944-1945). Người “chân quê” lang thang năm này qua năm nọ ở phố, ở tỉnh, một hôm bỗng “(…) sực tỉnh sầu đô thị / (…) về đây rất vội vàng”.

“Đây” không xa “Sài đô” bao nhiêu, thế mà có “vô số những trời xanh”, có “một con sông chảy rất lành”, có “bướm vàng”, có “vườn hoa loạn phấn hương”, làm cho “tôi” thấy ngậm ngùi, tiếc cho mình chẳng sớm trở gót. Nguyễn Bính ở Thanh Đa cũng lâu lâu, sao hình như làm rất ít thơ tình? Có phải “hoa” thì đâu cũng có, nhưng do kinh nghiệm tình trường đã dày dặn quá, “bướm” bây giờ thấy lòng hơi bớt xôn xao?



Thu Tứ
Tháng 11-2018














___________
(1) Xem bài “Lời kỹ nữ” của Xuân Diệu.
(2) “Nhả ngọc phun châu”: làm thơ.
(3) Thơ Hồ Dzếnh: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”.
(4) Nguyễn Như Ý (chủ biên),
Đại từ điển tiếng Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 1999.