“Các chiến sĩ (...) y như lớp đàn anh đã tạo ra Điện Biên Phủ (...) chẳng có vẻ gì là hùng dũng, ghê gớm. Nom họ thường nhỏ nhắn, mảnh dẻ, nhưng (...) đấy là những người chịu đựng vất vả thiếu thốn với một sức dẻo dai, bền bỉ kỳ lạ. Họ có thể hàng tháng liền nằm sương gối đất, ăn cơm muối với rau rừng mà vẫn ngày này sang ngày khác hành quân thâu đêm suốt sáng, đào đất quần quật. Họ là những người con của một dân tộc đã quen thắt lưng buộc bụng đánh vật với đất bùn trải mấy nghìn năm ròng rã, mà không gì quật ngã nổi (...) những đôi mắt đen của họ lấp lánh trí thông minh”. Thể chất dẻo dai, ý chí sắt đá, đầu óc linh hoạt, là dân tộc ta.

“Trong cuộc kháng chiến (...) chống thực dân Pháp, mỗi anh em bộ đội là một người đã nếm trải bao cực khổ, cay đắng của cuộc đời người nô lệ bị bóc lột đè nén tàn tệ. Nhìn nét mặt (của họ) có thể thấy in sâu dấu vết của những năm tháng đói rét tủi nhục (...) Trong khi lớp chiến sĩ trẻ bây giờ (...) không thể thực sự biết thực dân và tay sai là thế nào! Như vậy họ có biết căm thù đế quốc được không? Và ném vào cuộc chiến đấu ác liệt, liệu họ có chịu nổi không? (...) Xuân như muốn nói thầm với bóng dáng của biết bao người đi trước đã ngã xuống trên khắp các nẻo đường (...) “Không, không một chút gì của các đồng chí mất đi đâu! (...) Tất cả, tất cả bao nhiêu cái quý nhất, cao thượng nhất trong tâm hồn của hàng vạn, hàng vạn chiến sĩ cách mạng, kháng chiến đều còn cả (...) nơi mỗi người con trai, con gái mười bảy, mười tám, hai mươi tuổi kia!”. Sở dĩ lớp sau không thua lớp trước, ấy là nhờ giặc sau bom đạn còn ác liệt hơn giặc trước. Cứ hễ nó đánh ta, thì không phải sợ dân ta chiến đấu kém anh dũng. Nhưng phải rất sợ khi nó không đánh mà khoe vật chất hào nháng. Khi ấy, tức là bây giờ, thì dân đua nhau tự đồng hóa với nó. Phải làm sao để văn hóa tiếp tục độc đáo, chứ không thì nước chẳng qua là cái tên trống. Bao nhiêu hy sinh vô cùng cao cả không phải là để cho Việt Nam chỉ là một cái tên trống! Phải diệt nạn con cháu làm tủi vong linh của cha ông!

Về chiến sự ở đây, thiết tưởng bộ đội cao xạ giữ cho máy bay giặc vì cứ phải lo tránh đạn mà không đánh trúng cầu là cơ bản hoàn thành nhiệm vụ rồi. Dĩ nhiên nếu thỉnh thoảng làm cho vài chiếc máy chở bom hóa thành bom được thì càng tốt.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vào lửa (4)



Cả buổi chiều vẫn báo động hết đợt này đến đợt khác. Xuân nói chuyện bằng dây nói về “nhà” với Hưng, trung đoàn trưởng, anh giục ở nhà chuyển gấp thêm đạn, xem tình hình ở đây chắc là phải đánh dồn dập với thằng địch. Đồng chí anh nuôi bưng lên một rổ khoai luộc, họ ăn rồi chia nhau đi mỗi người mỗi nơi. Phong và Viên sang sông, xem xét các trận địa pháo bên đó, còn Xuân thì xuống Ca Sáu. Anh định ở đại đội này một lúc rồi đến Ca Một ở đầu cầu.

Nắng gắt quá, trên trận địa đêm qua còn vũng nước, bây giờ đất phơi nóng rãy. Những vệt bánh xe in trong bùn đã cứng lại. Cành lá cắm ngụy trang trên công sự đã khô giòn cả. Cũng như đã bao nhiêu ngày liên tiếp, các chiến sĩ đang túc trực trên những mâm pháo nóng bỏng, mặt anh nào anh nấy chín dừ. Mồ hôi chảy trong lưng họ, thấm đẫm những chiếc áo sơ-mi đã bạc trắng vì mưa nắng. Tiếng máy bay giặc vẫn rập rình, chờn vờn lúc xa lúc gần, thỉnh thoảng lại một tràng tiếng nổ dội đến ục ục, như chìm sâu dưới đất.

Cái quang cảnh trận địa pháo của ta bây giờ kể cũng lạ! Xuân còn nhớ mấy năm trước, khi đem pháo lên miền tây để rình những chuyến máy bay địch thả biệt kích, rừng núi đã kín đáo vắng vẻ mà anh em lại còn rào quanh tất cả nơi để pháo, người đi qua đường có tò mò đến mấy cũng không thể nhìn thấy gì. Còn bây giờ, ở đây, những khẩu pháo nằm ngay giữa ruộng, ven đường đi và trong lúc báo động thì trên đường, nhân dân vẫn qua lại như không có chuyện gì. Chốc lại một chiếc xe đạp, có xe của cán bộ đạp miết đi công tác, có xe của hai vợ chồng trẻ đèo nhau đi nhẩn nha, qua bên cạnh trận địa, họ vừa nhìn xem bộ đội vừa rúc rích với nhau. Mỗi tốp chị em đi gặt gánh lúa về qua là tiếng nói cười líu tíu quấn theo họ. Các chị đi khuất vẫn như còn để lại những tiếng cười văng vẳng bay trong hương lúa thơm nỏ dưới bóng hàng cây bạch đàn cao.

Các chiến sĩ ta đều trẻ măng, sàn nhau trên dưới hai mươi tuổi, có những cậu mới mười sáu, mười bảy cũng đã tìm cách nhập ngũ được. Cũng y như lớp đàn anh đã tạo ra Điện Biên Phủ, họ chẳng có vẻ gì là hùng dũng, ghê gớm. Nom họ thường nhỏ nhắn, mảnh dẻ, nhưng Xuân đã biết đấy là những người chịu đựng vất vả thiếu thốn với một sức dẻo dai, bền bỉ kỳ lạ. Họ có thể hàng tháng liền nằm sương gối đất, ăn cơm muối với rau rừng mà vẫn ngày này sang ngày khác hành quân thâu đêm suốt sáng, đào đất quần quật. Họ là những người con của một dân tộc đã quen thắt lưng buộc bụng đánh vật với đất bùn trải mấy nghìn năm ròng rã, mà không gì quật ngã nổi. Nét mặt họ hiền hậu, thật thà, miệng họ như lúc nào cũng sẵn sàng nhoẻn miệng cười, những đôi mắt đen của họ lấp lánh trí thông minh. Một điều khác hẳn với ngày trước là các chiến sĩ trẻ bây giờ, trước khi vào bộ đội, hầu hết đã qua lớp bốn lớp năm, và không hiếm anh em đã qua lớp chín lớp mười. Chỉ mới có hơn mười năm xây dựng Tổ quốc, cơm áo chúng ta chưa dồi dào, nhưng khắp hang cùng ngõ hẻm ở đâu ta cũng có trường học rồi.

Mấy năm trước, nhiều cán bộ cũ trong bộ đội còn ngần ngại chưa dám tin hẳn vào lớp trẻ mới bây giờ, bước vào thử thách sẽ như thế nào. Trong cuộc kháng chiến lần trước chống thực dân Pháp, mỗi anh em bộ đội là một người đã nếm trải bao cực khổ, cay đắng của cuộc đời người nô lệ bị bóc lột đè nén tàn tệ. Nhìn nét mặt mỗi chiến sĩ hồi đó, người ta có thể thấy in sâu dấu vết của những năm tháng đói rét tủi nhục, và khi người chiến sĩ được cầm lấy cây súng đánh giặc thì đó còn là cái chìa khóa để mở toang cái cổng ngục giam hãm và bước ra một cuộc sống tự do.

Trong khi lớp chiến sĩ trẻ bây giờ thì lớn lên là thấy cả đất nước, tương lai là của họ rồi, từ bát cơm hàng ngày cho đến quyển sách đều trong tầm tay họ, miễn là họ chịu làm, chịu học. Họ có thể thắc mắc vì chuyện một đồng chí cán bộ còn thiếu dân chủ, hoặc còn kém về khoa học kỹ thuật cho nên chưa hướng dẫn tốt cho họ trong sản xuất. Họ có thể chưa bằng lòng vì làng xóm ta chưa có điện, trạm bơm, chưa có máy móc cày bừa, chưa có xi-nê, văn công luôn! Chao ôi, so với những chuyện khổ của con người ngày trước, thì những thắc mắc ấy khác biết chừng nào! Họ không thể thực sự biết thực dân và tay sai là thế nào! Như vậy họ có biết căm thù đế quốc được không? Và ném vào cuộc chiến đấu ác liệt, liệu họ có chịu nổi không?

Nhưng đến lúc vào lửa thì các bậc cha chú đã thấy! Lớp trẻ bây giờ không những gan dạ chẳng thua lớp trước một mảy may, họ lại có học, họ hiểu biết về khoa học kỹ thuật. Họ có cách suy nghĩ mới mẻ, họ luôn luôn đặt ra những vấn đề mà nhiều khi người cán bộ cũ như Xuân không nhìn thấy hoặc không hiểu ngay được. Trong công việc hàng ngày của anh bây giờ, nhiều lúc Xuân cảm thấy anh còn dốt nhiều thứ quá. Tóc bạc rồi cũng phải cố mà học, Xuân thường tự nhủ như vậy, ít nhất mình cũng phải biết nghe, đừng có tự biến mình thành một hòn đá ì ra trên đường đi của mọi người. Nhiều lần, Xuân và những người bạn cùng lứa tuổi với anh đã tâm sự với nhau: “Chúng mình vẫn thường nghe và vẫn thường nói dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, nhưng bọn mình vẫn chưa hiểu hết điều ấy!”. Nhìn những chiến sĩ trẻ tươi như hoa, vậy mà trong chiến đấu thì hiên ngang ngang dạ, Xuân như muốn nói thầm với bóng dáng của biết bao người đi trước đã ngã xuống trên khắp các nẻo đường để cho Tổ quốc ta sống mãi: “Không, không một chút gì của các đồng chí mất đi đâu! (...) Tất cả, tất cả bao nhiêu cái quý nhất, cao thượng nhất trong tâm hồn của hàng vạn, hàng vạn chiến sĩ cách mạng, kháng chiến đều còn cả (...) nơi mỗi người con trai, con gái mười bảy, mười tám, hai mươi tuổi kia!”...

- ... Cấp hai! Cho bộ đội ẩn nấp...

Trận địa đại đội đang im phăng phắc, bỗng nhộn nhịp lên. Từ những ụ đất, những đường hào, các chiến sĩ tỏa ra, cười nói ồn ào, vừa lau mồ hôi mồ kê nhễ nhại, vừa đi nhanh về các lán.

Xuân vắt cái khăn tay ướt đẫm rồi lau mặt lần nữa. Mồ hôi anh vẫn long tong rỏ giọt.

- Chính ủy vào nghỉ một tí cho đỡ nắng ạ.

Nghe anh em mời nhanh nhảu, Xuân cười, bỏ mũ chui vào dưới cái mái phên. Cậu Lai khẩu đội trưởng, rót một ca nước đầy tràn mời chính ủy uống (...)

Câu chuyện mỗi lúc một vui, lôi kéo thêm cả anh em ở khẩu đội bên cạnh sang. Những chiến sĩ trẻ ngồi xúm xít quanh đồng chí chính ủy tóc đã điểm sợi bạc. Mặt đất trần trụi bốn bề hắt nắng chói lòa vào trong cái lán nhỏ và những cơn gió Lào từ Trường Sơn thổi đến như quạt cát rang vào mặt mọi người. Anh em cậu nào cũng đen cháy như đồng hun.

- Kìa, các o trong xí nghiệp lại gánh nước ra kìa!

Băng qua cánh đồng, một đoàn các chị và các em bé đang gánh mấy thùng nước đi tới. Các chị đã quen đường, cứ gánh thẳng vào giữa trận địa. Đặt những gánh nước xuống, các chị bỏ nón quạt phấp phới, trong lúc các em chạy đi các lán thu hết các bi-đông, xoong, ca và mọi thứ đựng nước.

Một em gái trạc mười bốn mười lăm tuổi, tóc cặp sau lưng, chạy đến chỗ lán Xuân ngồi.

- Các anh đưa bình toong cho em.

- Chào em Tuyến.

Lai đưa cả một chùm bi-đông.

- Hôm nay em cho anh uống nước có ngon bằng hôm qua không đấy?

- Em chỉ có nước chè xanh thôi.

Em gái cười, thấy có chú bộ đội lạ mặt nhiều tuổi, em hơi e thẹn (...) Em quàng vào người cả bảy tám cái bi-đông, tay xách thêm mấy chiếc ga-men. Hai bàn chân nhỏ trắng bụi thoăn thoắt chạy đi trên mặt đất nóng bỏng.

*

Gần bốn giờ, Đức ở phía bờ sông về. Anh đại đội trưởng nói với Thọ và Huyến:

- Ổn lắm. Tìm được một vị trí rất tốt. Chỉ có mấy cây phượng vướng tầm bắn, sẽ phải đẵn đi, tiếc quá. Đủ người thì công sự một đêm xong được. Đồng chí Tài đã hẹn cho đại đội mình trăm rưởi dân công, chập tối bắt đầu làm.

Đức nói chưa dứt lời thì có lệnh báo động. Huyến bảo:

- Thôi cậu cứ nghỉ đi. Thọ và mình ra chỉ huy được rồi.

Nhưng Đức ngồi trong lán chưa được mấy phút đã bật đứng dậy. Anh nghe tiếng máy bay địch bay đến nhiều và gấp rút, có vẻ nó muốn tiến công! Đức quàng miếng vải dù, ra đứng bên miệng hố của đồng chí quan trắc: bây giờ là cậu Can, thay thế cho Toàn bị thương ở Đồi Sim. Can đứng dưới hố, ngước mắt lên, khẽ mỉm cười với anh đại đội trưởng, rồi lại chăm chú dán mắt vào kính ngắm.

Bọn địch từ phía biển Đông bay vào. Nắng chiều rọi làm cho chúng nó lóe sáng trên nền trời, nhìn rõ từ rất xa.

Cả trận địa im lặng. Đức nghĩ thầm: “Nắng quá, coi chừng mâm pháo khô dầu”. Trông ai như chính ủy. Đúng, anh Xuân đang đứng tựa vào bờ đất, bên khẩu đội của Lai. Đức bỗng vụt nhớ lại những ngày Điện Biên Phủ. Hồi ấy Đức là một anh lính trẻ bắn súng máy phòng không, còn anh Xuân bấy giờ làm chính trị viên tiểu đoàn. Đức vẫn nhớ hôm đại đội hạ được chiếc Bê Vanh Xít đầu tiên, khi chiếc máy bay bốc cháy đỏ ngụt trên trời, anh Xuân cứ tung mũ lên và hét, còn Đức thì đứng ngây người bên súng, quên cả công việc đánh nhau, quên luôn những tràng bom vẫn đang nổ rung hết trận địa! (...)

Đức có thù riêng với máy bay địch: chúng đã bắn chết chị Sâm! Mỗi khi nhớ lại việc ấy, đến bây giờ Đức còn đau đớn bồn chồn. Thầy mẹ chết sớm, chị Sâm không những là người chị lớn của Đức mà chị thật sự như là mẹ vậy! Đức quên sao được những ngày đói khủng khiếp năm bốn mươi lăm, những bát cháo cám nuốt vào cứ mắc nghẹn ở cổ, và đọng cứng lại trong bụng... Bấy giờ Đức mới lên mười, chị Sâm dắt em lần lên tận Phú Thọ, không biết chị làm thế nào xin được vào đi ở cho một lão chủ ấp. Nhà nó nuôi một đàn chó dữ tợn như những con beo, ngày ngày Đức cứ lảng vảng chui rúc ngoài các đồi chè đợi đến tối mới dám mò vào chỗ hàng rào sau nhà, ngồi im thin thít không dám thở mạnh cho đến lúc nghe thấy sột soạt bên trong, và tiếng chị Sâm thì thào: “Đức ơi, em đâu?”. Chị thò tay qua khe rào đưa ra gói cơm nguội chị đã nhịn ăn để dành cho Đức. Và trong lúc Đức bốc ăn ngấu nghiến thì bàn tay chị rờ rờ trên đầu, trên mặt, trêm vai Đức, hai chị em không nhìn thấy nhau, Đức chỉ nghe tiếng chị khóc sụt sịt: “Sao mày gầy thế này, em ơi vai em chỉ những xương với xương!”.

Sau ngày cách mạng, chị Sâm trốn ra và lại dắt Đức tìm về làng, rau cháo nuôi Đức. Rồi kháng chiến, chị vào du kích, Đức cũng được các anh chị du kích trong xã coi như em, và dần dần giao cho chạy giao thông. Năm Đức mười bốn tuổi thì được lấy đi làm liên lạc cho đại đội du kích của huyện, rồi lại lên tiểu đoàn địa phương của tỉnh, cứ dần dần xa nhà thêm mãi. Ít lâu sau, giặc Pháp lập vành đai trắng, chiếm đóng rộng ra vùng quê Đức, thỉnh thoảng dăm bảy tháng Đức mới lại có dịp về qua làng một lần, gặp chị. Đêm tháng chạp, năm năm mươi hai ấy, Đức còn nhớ mãi, trời tối lắm mà mưa rét muốn đứt ruột, Đức lội qua mấy lượt sông lại đồng lầy, mò về đến nhà, hai hàm răng đánh lập cập. Nhưng nhà trống hơ trống hoác không còn ai. Đức tìm sang bên bà cụ hàng xóm, bà cụ mở liếp, cầm cây đóm soi mặt Đức rồi bỗng khóc òa lên: “Cháu ơi, tàu bay nó bắn chết chị cháu rồi!”.

Cho nên năm năm ba, khi được tuyển vào đơn vị phòng không, thì Đức không còn muốn rời đi đâu khác nữa! Vào chiến dịch Điện Biên, lần đầu ta mới có ít khẩu cao xạ cỡ nhỏ, từ cán bộ đến chiến sĩ đều bảo nhau: thật có chết cũng sướng! Từ bấy giờ Đức cứ ở bền với cao xạ pháo, khi ở đơn vị, khi đi học, thấm thoắt nay anh đã trở thành người chỉ huy một đại đội, và nay lại bắn máy bay Mỹ!

*

Bọn máy bay kẻ cướp đã tới. Chúng nó không tiến vào trận địa mà vòng một vòng xuống hướng nam. Nó muốn lợi dụng hướng mặt trời để bổ nhào đây. Như để đáp lại ý nghĩ của Đức, đồng chí thông tin gọi to, truyền lệnh của cụm:

- Đề phòng địch bổ nhào từ hướng tây... mục tiêu bốn Ép Trăm Linh Năm đi đầu...

Tiếng Thọ ra lệnh:

- Toàn đại đội, bắt tốp đầu!

- Các đồng chí bình tĩnh bắn cho thật trúng nhá!

Tiếng chính trị viên Huyến nói to, nghe chẳng khác như dặn anh em trong một chuyến đi săn.

Những nòng súng đen bóng chĩa lên trời xoay nhanh. Tiếng máy bay lúc này ầm ầm rung đất. Cậu Can mắt vẫn dán vào kính ngắm, gào lên:

- Bốn nghìn sáu... bốn nghìn hai... ba nghìn chín...

Nó chơi thẳng vào đại đội mình rồi! Đức vừa thấy thằng đi đầu nghiêng cánh lao xuống.

Các khẩu pháo của đại đội gầm lên, phụt những tia lửa dài. Những luồng gió hất các mảnh vải dù trên người các chiến sĩ bay lật phật. Khói, bụi cuộn lên. Chiếc máy bay nhào ngửa, chòng chành giữa những tia đạn đỏ vun vút bay chung quanh.

- Mày thả quá tầm rồi!

Đức thốt lên, trong lúc những quả bom rít như còi bay vụt qua và nổ ầm ầm phía sau lưng anh, giữa cánh đồng.

Chiếc máy bay thứ hai rú đinh tai lao tiếp xuống. Trận địa lại rung lên trong những tiếng súng nổ. Chùm bom này nổ ngay cạnh đường. Giữa trận địa, trong khói đạn lẫn với bụi cát mù mịt, vẫn lóe lên những tia lửa đỏ rực của pháo bắn.

- Các đồng chí vừa rồi bắn tốt! Bình tĩnh chuẩn bị bắn tiếp. Ngắm cho trúng, bắn chắc vào!

Tiếng Huyến vẫn dõng dạc. Hai chiếc máy bay địch lúc này lại vọt lên cao tít, lượn vòng lảng ra xa.

- Hai thằng ấy hốt quá ném trượt cả!

Xuân đã tới ngồi xuống bên bờ hố cạnh Đức và chìa một điếu thuốc lá cho anh đại đội trưởng. Họ không có diêm châm, chỉ ngậm điếu thuốc lá. Xuân nói tiếp:

- Nó dứ ở đây thôi, nó muốn dập Ca Một để đánh cầu kia kìa!

Chiến sĩ Can đứng dưới hố ném một bao diêm lên. Hai anh cán bộ châm thuốc hút và chăm chú nhìn về phía chiếc cầu xi-măng. Từ trên cao tới mười mấy nghìn mét, một chiếc máy bay địch như cái chấm nhỏ lao xuống hướng đầu cầu và phụt ra một đốm đỏ để lại một tia khói trắng dài.

- Nó bắn tên lửa Bun-púp!

Chiếc máy bay vẫn vun vút lao xuống theo để điều khiển tên lửa. Nhưng Ca Một đã bắn lên, bên kia sông cũng bắn. Chiếc máy bay xuống tới đâu thì lại như làm hiện lên ở đó từng chùm những đốm khói đen của đạn cao xạ. Những tia đạn vẫn như một cái lưới lửa tung lên vây lấy chiếc máy bay làm nó phải vội vàng ngóc đầu tạt sang ngang. Một cột nước bốc lên tung tóe trắng xóa giữa sông. Những đợt sóng cồn lên lấp loáng chói mắt. Bun-púp xuống sông rồi!

Một chiếc Ép Trăm Linh Năm nữa lao xuống đầu cầu, rồi một chiếc nữa! Bom nổ, súng rền, đất rung lên. Những cột khói bom lẫn với khói pháo che mù mịt cả một quãng bờ sông. Trên các lũy tre, các lùm cây, chim chóc bay lên rối loạn. Trận đánh phía đầu cầu vẫn tiếp diễn dữ dội. Những tiếng nổ chỉ còn là một tiếng ù ù rền không dứt. Trông lưới đạn của mình rất chụm và cứ quây chặt lấy từng chiếc máy bay địch bổ nhào lồng lộn, tim anh đại đội trưởng đập mạnh. Đức chỉ tay nói với chính ủy:

- Mình bị hở phía đồi Một Trăm Hai Mươi anh ạ, nó cứ hướng ấy mà vào, phải bịt đằng ấy mới được!

Bỗng Xuân đứng dậy, tới bên một đồng chí trinh sát, lấy cái ống nhòm đưa lên mắt. Đức cũng đứng lên. Một cột khói bom đen kịt vừa cuồn cuộn bốc lên từ vị trí Ca Một. Lại một cột khói nữa liền theo. Tiếng súng đuối hẳn, rồi cứ rời rạc dần. Nghe như chỉ còn hai ba khẩu bắn. Đức như điên cả người, anh giận sao ngày hôm nay chưa chuyển kịp trận địa! Ca Sáu ở đây xa quá, anh cứ phải đứng mà nhìn thế kia!

Những tốp máy bay địch thả bom xong đã hướng ra biển theo nhau bay đi. Nhưng lại một thứ hai chúng nó đã đến, bay đen cả một khoảng trời.

Xuân bỏ ống nhòm xuống, nói:

- Cái cầu chưa việc gì! Thôi mình ra Ca Một xem các cậu ấy thế nào.

Đức không dám ngăn đồng chí chính ủy, nhưng anh rất lo. Xuân dặn:

- Cậu chú ý đề phòng đừng để nó giọt sau lưng đấy!

Giây lát, Đức thấy chiếc com-măng-ca của chính ủy chạy trên con đường mấp mô giữa cánh đồng. Mười sáu chiếc “vỉ ruồi” lần này bay thẳng đến phía cầu. Tốp đầu tiên sà xuống bắn ngay vào vị trí pháo bảo vệ đầu cầu.

“Nó muốn dập Ca Một đến cùng!”. Đức vừa nghĩ vừa khập khiễng chạy lên vị trí chỉ huy.

Chiếc com-măng-ca của chính ủy lúc này đang lượn ngoằn ngoèo sát một hàng cây phi lao. Đức nghe tiếng pháo ở Ca Một như dần mạnh hơn, đúng, ba khẩu, rồi bốn khẩu, năm khẩu, khá lắm, Ca Một cừ lắm…

Chiếc com-măng-ca đã vượt qua con đường đá gần đầu cầu xi-măng và đỗ lại giữa bãi khoai ven sông. Đức nhìn xuống ống nhòm thấy bóng chính ủy thoăn thoắt chạy xuống bãi sông và mất hút trong những làn khói.

Những chiếc “vỉ ruồi” vẫn nhào xuống, lộn lên, bâu lấy khoảng đầu cầu. Những cột khói đen lại mọc lên chi chít như những cây nấm đen man rợ. Cái cầu lúc mất đi lúc lại hiện ra thấp thoáng. Trong màn khói đặc sệt, bắn tung lên những cành cây, những tảng đá và lóe lên giần giật những chớp lửa đỏ của cao xạ.

Bỗng Huyến gầm lên cạnh Đức:

- Thằng kia chết!

Trận địa xôn xao.

- Khói đen, khói đen rồi!

Đức cũng muốn bật kêu thét lên: “Mẹ mày! Nào!”.

Một chiếc máy bay địch cố vọt lên cao, làn khói từ thân nó tuôn ra đằng sau như một cái đuôi đen kịt mỗi lúc một dài mãi ra. Và nó bỗng chúi xuống, cứ như thế lết ra phía biển.

Đến lúc tất cả im lặng trở lại, trong tai Đức vẫn còn vang động những tiếng ù ù. Phía bờ sông, chiếc cầu xi-măng lại hiện ra trắng toát giữa những đám khói. Nhìn trong ống nhòm thấy rõ thân cầu vẫn còn nguyên, mặc dù một bên đầu cầu, đường sá đồng ruộng đã bị cày nát lên, cây cối đổ gục ngổn ngang.