“Tạp chí (...) Văn nghệ (...) in ra số đầu vào tháng 4 năm 1948 (trên) giấy Lửa Việt, một loại giấy làm từ tre nứa còn lẫn cả những cọng rơm rạ, màu ngà ngà”. Không biết có còn ở đâu một bản? Theo bộ đội ra mặt trận chưa phải là bộ đội, nhưng chắc chắn tích cực hơn hẳn cứ ở hậu phương mà sáng tác. Và nhờ theo, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi v.v. mới viết được những trang văn không thể nào quên. Ốm nằm nhà dân như Tố Hữu thật đáng nằm! (Thu Tứ)



Tố Hữu, “Nhà văn có nên ra trận?”




Lúc này chiến thắng Việt Bắc đang có tiếng vang lớn trong nhân dân. Anh em văn nghệ sĩ đều rất mừng và thêm tin tưởng ở kháng chiến (...)

Một hôm, anh Thi và tôi ra phố Ẻn tìm anh Văn Cao (...)

- (...) mình đang cao hứng sáng tác một bản nhạc đây (...) chiến thắng sông Lô đẹp thế này thì không thể không viết được.

Quả nhiên vài tuần sau, anh đem vào Gia Điền một bài hát và cùng với anh Thi hát to bài “Trường ca sông Lô” nghe rất hay (...)

Anh Thi vốn kín đáo, cặm cụi viết bài “Nhận đường”. Một luận văn rất sắc sảo mà có tính trữ tình (...) Chẳng những thế, đêm đêm còn nghe anh hát thì thầm để hoàn chỉnh bài “Người Hà Nội” (...)

Một hôm có người bên báo Cứu quốc của Như Phong sang đưa cho chúng tôi bài “Đôi mắt” của Nam Cao, một truyện ngắn rất sắc sảo, tả rất thực tâm trạng của một số trí thức đã đi theo kháng chiến, nhưng nhìn những người nông dân chất phác một cách ngạo mạn, coi thường. Nguyễn Huy Tưởng thì tiếp tục viết Những người ở lại, vở kịch lớn mà anh mơ ước được trình diễn khi trở về Hà Nội (...) Ông Nguyên Hồng thì ở trên rừng mơ về Hải Phòng (...) ấp ủ bộ truyện dài Sóng gầm (...) Còn tôi thì đã có sẵn mấy bài thơ “Cá nước”, “Bà mẹ Việt Bắc”, “Phá đường” có thể đóng góp vào những số báo sắp ra (...)

Lúc này là cuối năm 1947, trời lạnh lắm, chỉ có cành tre khô làm củi, phải hốt thêm lá tre về đốt lên sưởi cho ấm. Dù vậy, không khí trong nhà lúc nào cũng vui vẻ, sôi nổi, mọi người đều làm việc hết mình cho số báo đầu tiên,

Điểm lại bài vở, chúng tôi thấy đã khá phong phú, chững chạc, có thể ra mắt được rồi. Chỉ còn vấn đề in (...) Giấy đã có giấy Lửa Việt, một loại giấy làm từ tre nứa còn lẫn cả những cọng rơm rạ, màu ngà ngà. In thì có thể nhờ bên báo Cứu quốc...

Về tên gọi tạp chí, nhất trí là Văn nghệ. Mọi người đều cho rằng phải tìm một biểu tượng có ý nghĩa. Ban đầu do Văn Cao vẽ phác thảo, rồi đưa sang Xuân Áng để các anh Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn góp ý thêm. Cuối cùng là hình một cửa sổ mở trông ra trời cao với một ngôi sao sáng. Biểu tượng khá đẹp mang ý nghĩa văn nghệ hướng vào cuộc đời lớn, có Đảng lãnh đạo, còn giữ mãi đến bây giờ, hơn năm mươi năm.

Tạp chí được in ra số đầu vào tháng 4 năm 1948 (...) như một trận thắng mở màn (...) thành ngọn cờ tập hợp được các văn nghệ sĩ vào một mặt trận. Nhận được giấy triệu tập về dự Hội nghị cán bộ Trung ương mở rộng, tôi mang mấy số theo để báo cáo với anh Trường Chinh và các anh khác trong Thường vụ. Anh Trường Chinh nhìn qua, tỏ ý vui:

- Các đồng chí cố gắng làm được thế này là tốt. Vừa đoàn kết được anh em, vừa đi đúng hướng. Nhưng đây là bước đầu, cần chú ý thu hút nhiều anh em hơn nữa, và đi sâu hơn nữa vào cuộc chiến đấu đang diễn ra ở các vùng. Nêu cao được lòng yêu nước và khí phách anh hùng của chiến sĩ và đồng bào ta.

(...) Tôi nói:

- (...) việc đi sát bộ đội là rất cần thiết (...) Tôi đề nghị nên phát động phong trào đầu quân ngay trong anh em văn nghệ sĩ (...)

Anh Trường Chinh ngạc nhiên (...) Tôi nói:

- (...) Văn nghệ sĩ đầu quân (...) làm văn nghệ là chính, không nhất thiết cầm súng.

Anh Trường Chinh (...)

- Với anh thì không có vấn đề gì. Nhưng với những anh em khác quen sống ở thành phố về ở nông thôn, lên rừng núi, mà lại bảo vào bộ đội nữa thì cần bàn kỹ với anh em (...) gian khổ (...) dễ ngại lắm đấy.

Tôi nói:

- Tôi tin là anh em rất hào hứng. Hồi năm 1946, tôi đề nghị anh Nguyễn Tuân và một số anh khác vào cực nam Trung bộ, nơi chiến sự ác liệt, các anh ấy vui vẻ đi ngay. Mấy tháng qua, được gần gũi một đơn vị pháo binh, anh em văn nghệ sĩ ai cũng yêu mến tinh thần của bộ đội. Họ phần đông là nông dân chất phác, dũng cảm, lại có một số anh em có học, yêu văn nghệ, có người còn sáng tác nữa. Bộ đội thích làm thơ ca và đàn hát. Tôi đã thu nhặt được trên báo tường và sổ tay nhiều bài khá hay. Khi nào rỗi rãi, tôi đọc anh nghe.

Anh Trường Chinh nói:

- Có lý. Vào bộ đội viết, hát cho anh em nghe và bày cho anh em sáng tác lúc nghỉ ngơi thì rất tốt, sẽ càng hăng hái chiến đấu.

Thấy anh đồng tình, tôi mừng quá (...)

(...) Tôi về báo lại cho anh em (...) Mọi người đều rất vui (...) Công việc rất đơn giản. Tôi gặp các anh chỉ huy, các anh đều rất mừng, chỉ nói: “Các anh thích vào đơn vị nào thì xin mời”. Thế là người theo bộ binh, người theo pháo binh (...)

Lúc nào bộ đội ta ở Phú Thọ đang rậm rịch chuẩn bị chiến dịch sông Thao, bắt đầu đánh các đồn Đại Bục, Đại Phác, sau đó chuyển qua đánh Phố Ràng. Nhờ thắng giòn giã, khí thế chiến đấu càng lên mạnh (...)

Sống với anh em bộ đội ở hậu phương (...) suốt ngày chỉ ngâm nga ca hát, nói chuyện vui hoặc nghe các anh kể chuyện bộ đội. Nhiều cảnh ngộ rất thú, rất lạ. Càng nghe càng yêu quý các chiến sĩ ta (...) Giờ phút gay nhất là khi bắt đầu vào trận. Mỗi đơn vị đều được sắp xếp thành đội hình chuẩn bị xung phong. Cánh văn nghệ không có vũ khí gì, chỉ chọn nơi tiện nhất mà quan sát, đợi sau khi quân ta diệt xong địch thì mới vào đồn. Có những anh đòi phát súng để tham gia đánh, đều không được chấp nhận. Các đồng chí chỉ huy nói lịch sự: “Việc đánh là của chúng tôi, còn các anh thì xin cứ lo sáng tác. Chúng tôi phải bảo vệ, không phải chỉ tính mạng của các anh mà chính là tài năng và tác phẩm đấy”. Chúng tôi nghe thế cảm động lắm, nhưng thấy anh em bộ đội đánh, mà mình đứng nhìn thì thật không yên lòng. Nhưng biết làm sao được, đành vậy thôi.

Sau hai trận Đại Bục và Đại Phác, trở về Hạ Hòa nghỉ ngơi chuẩn bị đánh trận Phố Ràng. Tôi và Nguyễn Huy Tưởng ở chung một đơn vị. Đang nằm chung với anh em thì nghe một anh bộ đội kêu toáng lên:

- Trời ơi là trời, nhớ vợ quá các bác ơi!

Tưởng ta bật cười:

- Tớ cũng thế thôi. Vợ tớ ở trong thành cơ mà, tớ có kêu trời đâu. Nhớ thế là nó “hư người đi đấy”.

Tôi nghe thế liền cãi: “Sao lại hư được?”. Được thông cảm, anh lính quay sang tôi: “Anh có bài nào nhớ vợ, đọc cho anh em nghe với!”. Tôi nói: “Mình đọc nhé. Đây là bài “Mưa rơi”:

Mưa rơi đầm lá cọ
Mái tóc em ướt rồi
Đôi má em bừng đỏ
Muốn hôn quá... mà thôi!
Sợ em mình xấu hổ
Cầm hai bàn tay nhỏ
Xa nhau chẳng muốn rời...
Em đi, đường đất mưa rơi
Bùn non son quánh chân đồi Phù Ninh
Em đi, anh nhớ dáng hình
Cái khăn mỏ quạ, cái mình áo nâu...
”.

Đến đây, anh lính reo: “Bác tả giống vợ em quá, tài thật!”. Mọi người cười ầm cả nhà (...)

Đánh xong trận Phố Ràng, tôi bắt đầu sốt cao, phải về nằm nghỉ ở nhà bà Gái. Bà có một người con trai đi bộ đội ở Tây Bắc. Một mình bà ở nhà, tối tối bà nhớ con khóc thầm. Nghe tiếng khóc của người mẹ nhớ thương con, tôi không sao cầm lòng được, tự thấy mình phải làm một cái gì đó để an ủi bà. Tôi nghĩ: có lẽ không gì tốt hơn là viết hộ cho con trai của bà một lá thư bằng thơ gửi cho mẹ. Thế là bài “Bầm ơi” được viết ra rất nhanh:

Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều này có đứa con xa nhớ thầm
Bầm ơi có rét không bầm
Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu…
.

Viết xong, sáng hôm sau tôi đọc cho bà nghe, bịa ra là anh con trai gửi về. Bà mẹ nghe đến đâu thì chảy nước mắt đến đấy. Khi nghe đến câu

Nhớ con bầm nhé đừng buồn
Giặc tan con lại sớm hôm cùng bầm
,

bà cụ mếu máo nói:

- Đấy các bác xem, thằng con tôi nó thương mẹ thế đấy. Mà tôi thì cứ nhớ nó đến đứt ruột ra. Nhưng nó đi đánh giặc thì phải thôi. Con trai ai cũng đi cả, nó ở nhà sao được?

(…) Sau đó tôi viết bài “Bà bủ” cũng lấy nguyên mẫu bà Gái này (…)

Khoảng ngoài năm 80, một hôm có một sĩ quan cấp tá vào nhà tôi ở Hà Nội, chào tôi và tự giới thiệu:

- Cháu là con trai của bà bầm được bác viết thành thơ đây.

Thật là bất ngờ. Thế là gần bốn mươi năm tôi mới được gặp anh con trai của bà Gái (…) Tôi hỏi thăm sức khỏe của bà cụ và vào nhà lấy tấm lụa Bác Hồ gửi cho vợ tôi khi sinh cháu gái đầu lòng. Bác thường làm như vậy. Ai tặng Bác quà gì thì Bác lại cho cán bộ hoặc những người có công với cách mạng. Tôi trao tấm lụa cho anh sĩ quan và nói:

- Tôi nhờ anh đưa về nhà cho bầm, thưa với bà đây là tấm lụa của Bác Hồ, tôi xin tặng lại cho bà vì nhớ mãi tấm lòng của bà đã cho anh em ăn ở trong nhà thời kháng chiến.

Anh bộ đội rất cảm động ra về. Mấy năm sau, trở lại thăm tôi, anh xúc động kể:

- Cháu đã theo lời dặn của bác trao tấm lụa cho mẹ cháu. Cụ cảm động lắm, nhất là khi biết đó là tấm lụa của Bác Hồ. Cụ bảo cắt may ngay tấm áo để khi nào có ngày hội thì mặc ra làng. Gần đây mẹ cháu đau yếu luôn luôn. Một hôm, có lẽ biết mình không qua khỏi, cụ nhắc “khi nào bầm qua đời thì mặc cái áo này vào cho bầm”. Một tuần sau mẹ cháu mất. Cụ đã ra đi với tấm áo lụa đó. Hôm nay, cháu xin lên thưa lại và một lần nữa cám ơn bác.

(…) Lại một hôm, một cụ già khoảng bảy mươi tuổi, khuôn mặt quắc thước với bộ ria mép rất đẹp, bước vào nhà tôi. Tôi không nhớ ra ai, bèn hỏi:

- Xin lỗi, bác ở đâu ạ?

Ông cụ nhìn tôi rồi cười lớn:

- Thế anh không nhớ cái lão Quắc này à?

Lúc ấy tôi mới nhận ra đấy là ông Quắc đại đội trưởng pháo binh mà tôi được ở gần trong mấy tháng ở Phú Thọ, được theo ông đi đánh Đại Bục, Đại Phác, Phố Ràng. Ông đại đội trưởng này rất vui tính. Hình như ông có mấy cô con gái mà cậu nào cũng đòi xin làm rể. Mà thủ trưởng này thì đều sẵn sàng “gả” hết. Không hiểu sau này có anh nào được làm rể không. Ông ta đặc biệt chăm sóc tôi. Câu được con cá nào, có nhúm lạc nào cũng đưa cho tôi ăn (…)

Nói là pháo binh cho oai vậy thôi, chứ thực ra lúc ấy trong tay bộ đội ta chỉ có một khẩu sơn pháo, đánh đâu thì kéo đến đấy và thắng nhiều trận oanh liệt, thật là kỳ diệu.


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)