“Chúng không đi tìm những trận đánh lớn với chủ lực ta trong vận động (...) Hễ gặp lực lượng lớn của ta giữa địa hình rừng núi, là những binh đoàn cơ động, những tiểu đoàn dù lập tức co lại”. Địch không dám đánh dĩ nhiên vì sợ thua. Nhưng nghĩ xem, thực ra rừng núi đâu có thiên vị bên nào! Địch thua là bởi kém linh hoạt trong suy nghĩ tận dụng địa hình, và chắc chắn cũng bởi kém ý chí nữa (hành quân ngồi xe quen rồi, ở đồng bằng còn không cuốc bộ nổi, nói chi trên núi). “Chúng (...) chờ ta tiến công vào những điểm cao, hoặc vận động ban ngày trên những địa hình trống trải rồi dùng hỏa lực mạnh từ xa để sát thương”. Chỉ có giỏi dựa vào hỏa lực. Thế mà cũng mang tiếng là quân đội chuyên nghiệp thiện chiến!

“Tuyến phòng thủ Đờ Lát dùng 25 tiểu đoàn Âu Phi tinh nhuệ (…) 800 lô-cốt boong-ke, những khối bê-tông thấp lùn với lỗ châu mai sâu hoắm nằm sát mặt đất như những con quái vật (…) ngay từ sau khi hoàn thành cuối năm 1951, chúng đã chứng tỏ sự bất lực trong việc ngăn chặn hàng trung đoàn, đại đoàn của ta ra, vào vùng tạm chiếm (...) đến nay chúng vẫn nằm yên giữa đám lau lách ven đường như dấu ấn chiến tích đáng buồn của Đờ Lát ở Đông Dương”. Tại sao lại “bất lực”? Hiển nhiên vì không đủ dày để bít tất cả đường ra vào khả dĩ. Quân ta chỉ việc đi đường khác! Chúng mày cứ nằm trong bê-tông mà đợi tới... năm 1954 nhé, hễ chui ra sớm là chết với chúng tao! Chợt nhớ cái lũy Maginot. Trong chỉ có mười mấy năm, quân đội Pháp hai lần xây tuyến phòng thủ cực to mà vô dụng!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Hòa Bình” (2)



Sở chỉ huy chiến dịch đã chuyển từ Đồng Lương về Xóm Giớn, Tân Lập, tây Tu Vũ 7 ki-lô-mét, nằm sâu hơn về phía thị xã Hòa Bình. Ngày 15 tháng 12 năm 1951, Tổng Quân ủy họp hội nghị mở rộng.

Hội nghị (...) nhận thấy chiến trường địch hậu trung du và đồng bằng phải trở thành một mặt trận thực sự, phối hợp với mặt trận chính Hòa Bình, để giành thắng lợi lớn trong Đông Xuân này (...)

Tại Hòa Bình, ta dự kiến địch sẽ củng cố các vị trí chiếm đóng, đồng thời mở những cuộc hành binh càn quét đẩy chủ lực ta ra xa (...) Nhiệm vụ của mặt trận chính trước hết là kiềm chế, giam giữ lực lượng cơ động địch cho chiến trường địch hậu ở trung du và đồng bằng đánh địch.

Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ cắt đứt đường vận chuyển chính của địch trên sông Đà, bảo vệ đường vận chuyển của ta, chuẩn bị đánh điểm, diệt viện ở Núi Chẹ, Đá Chông. Đại đoàn 312, được tăng cường trung đoàn 66 của 304, có nhiệm vụ tiêu diệt điểm cao 600 và vị trí Chẹ, diệt viện từ Mỹ Khê lên Ba Vì. Đại đoàn 304 (thiếu 66) tiếp tục hoạt động trên đường số 6.

Ở mặt trận phối hợp, Tổng Quân ủy quyết định các đại đoàn 316, 320 chỉ để lại một trung đoàn bảo vệ vùng tự do, đồng thời làm lực lượng dự bị. Đại đoàn 316 đưa thêm một trung đoàn vào vùng sau lưng địch ở Bắc Ninh. Đại đoàn 320 đưa một trung đoàn vào các huyện Nam Trực, Hải Hậu thuộc Nam Định. Như vậy, ở trung du cũng như hữu ngạn (sông Hồng) sẽ có mỗi nơi hai trung đoàn chủ lực của Bộ cùng với lực lượng vũ trang địa phương đẩy mạnh chiến đấu ở hậu địch.

Các chiến trường xa, Bình Trị Thiên, Liên khu V, Nam bộ phải ra sức hoạt động kiềm chế địch, tích cực phối hợp với chiến trường chính.

Chúng ta chấp nhận thách thức của Đờ Lát trên mặt trận Hòa Bình. Tại đây ba đại đoàn chủ lực của ta trực tiếp đương đầu với lực lượng cơ động của địch lên xuống trong tầm từ 13 tới 19 tiểu đoàn. Chưa khi nào trên chiến trường Đông Dương, Pháp tập trung một số quân lớn và nhiều phương tiện chiến tranh như vậy vào một trận đánh, do chính bộ chỉ huy quân viễn chinh trực tiếp điều hành. Họ đã đưa tới đây những cấp chỉ huy giỏi nhất, có những người sẽ trở thành những nhân vật chủ chốt ở Điện Biên Phủ sau này. Một số công trình phòng ngự cũng như chiến thuật áp dụng ở Hòa Bình đã được coi như mẫu mực trong những bài giảng ở các trường quân sự Pháp.

Trên toàn mặt trận, quân địch đóng thành những cụm cứ điểm, hầu hết nằm trên những điểm cao dọc phòng tuyến thị xã Hòa Bình - Đường số 6, và phòng tuyến sông Đà, liên kết với nhau bằng một hệ thống hỏa lực bảo vệ từ xa. Chúng không đi tìm những trận đánh lớn với chủ lực ta trong vận động, mà chờ ta tiến công vào những điểm cao, hoặc vận động ban ngày trên những địa hình trống trải rồi dùng hỏa lực mạnh từ xa để sát thương. Kể cả trong những cuộc càn quét, hễ gặp lực lượng lớn của ta giữa địa hình rừng núi, là những binh đoàn cơ động, những tiểu đoàn dù lập tức co lại.

Cách bố phòng của quân địch phản ánh nhược điểm cố hữu của quân xâm lược (…) Lực lượng hùng hậu ban đầu của những binh đoàn tiến công nhanh chóng biến thành lực lượng phòng ngự, chỉ còn là những đại đội, tiểu đoàn tự giam mình trên những quả đồi rải rác thấp thỏm chờ đợi một cuộc tiến công không biết sẽ nổ ra vào lúc nào. Đờ Lát (…) rất khó rút ra vài binh đoàn cơ động để ném vào một trận đánh.

Đối lại, phía ta trận tuyến không hề có một công trình phòng ngự nào, ngoài một số hầm trú ẩn ở nơi đóng quân đề phòng bị oanh kích. Người lính xung kích luôn có một chiếc xẻng để đào hố tránh đạn đại bác khi nằm quanh vị trí địch chờ trận đánh bắt đầu. Trận tuyến của ta được bảo vệ bằng tấm lưới ngụy trang khổng lồ của những rừng cây, khe núi, và bàn tay đùm bọc của nhân dân ở những bản làng. Bộ đội ta hoàn toàn thoải mái đi lại trên khắp mặt trận, tha hồ chọn lựa nơi đánh, lúc đánh (…)

Hoạt động kiềm chế sức mạnh pháo địch vẫn chưa hiệu quả. Chúng ta chưa có khả năng dùng pháo binh tiêu diệt những trận địa pháo của địch. Dùng súng cối vào việc này không mấy hiệu quả (…)

Trung đoàn 36 nhiều lần đánh tàu địch trên sông Đà chưa thành công (…) Trưa ngày 22 tháng 12, tôi được tin sáng nay 36 đã bắn chìm một đoàn tàu vận tải của địch cách thị xã Hòa Bình 10 ki-lô-mét, tiêu diệt thủy đội xung kích và đại đội yểm trợ đi trên tàu. Lần này, trung đoàn đã bố trí trận địa phục kích kéo dài 6 ki-lô-mét ở khu vực Lạc Song - Đồng Việt, đón các đoàn tàu từ Bến Ngọc xuôi về Trung Hà (…)

Trận đánh ngày 22 đã làm tê liệt tuyến vận chuyển trên sông được coi là tuyến tiếp tế chính của địch. Xa-lăng vội ra lệnh chấm dứt cuộc hành quân càn quét ở Bắc Ninh, điều gấp hai binh đoàn cơ động số 1 và số 4 trở lại Ba Vì bên hữu ngạn sông Đà (…)

Đêm ngày 29 tháng 12, trung đoàn 141 của 312, do trung đoàn trưởng Nam Long chỉ huy, tiến công điểm cao 400 và 600, hai trong số ba điểm cao trên núi Ba Vì khống chế một phạm vi khá rộng trên phòng tuyến sông Đà. Tại điểm cao 400, tiểu đoàn 16 nhanh chóng tiêu diệt một đại đội địch, bắt sống 20 tên. Trận đánh điểm cao 600 do tiểu đoàn 11 tiến hành gặp chống cự quyết liệt, phải kéo dài tới 3 giờ 30 sáng. 120 địch chết, 135 tên bị bắt. Ngày 30, Pháp cho quân chiếm lại điểm cao 600, nhưng cuối cùng cũng phải rút. Địch mất một chỗ đứng lợi hại trên phòng tuyến sông Đà.

Cũng trong đêm ngày 29, trên đường 21, trung đoàn 57 của 304 tiêu diệt Đồi Mồi, vị trí tiền tiêu bảo vệ phân khu Chợ Bến, do một đại đội Âu Phi chiếm giữ. Đêm ngày 31, tiểu đoàn 400 của trung đoàn 9 (304) đánh điểm cao Hàm Voi, tiêu diệt một trung đội Âu Phi. Đồi Mồi và Hàm Voi là những vị trí quan trọng trên đường 21, có nhiệm vụ bảo vệ sườn cho tuyến thị xã Hòa Bình - Đường số 6.

Ở trung du và đồng bằng, chúng ta có dịp kiểm tra sức mạnh của tuyến phòng thủ Đờ Lát và kết quả của chính sách bình định mà Pháp cùng ngụy quyền đã dồn công sức tiến hành suốt năm qua.

Tuyến phòng thủ Đờ Lát dùng 25 tiểu đoàn Âu Phi tinh nhuệ (…) 800 lô-cốt boong-ke, những khối bê-tông thấp lùn với lỗ châu mai sâu hoắm nằm sát mặt đất như những con quái vật phục trên mọi nẻo đường từ vùng tự do dẫn vào vùng tạm chiếm (…)

Nếu như trong suốt kháng chiến chống Pháp, chúng ta không có vũ khí đủ mạnh để san bằng những chiếc boong-ke này, cho đến nay chúng vẫn nằm yên giữa đám lau lách ven đường như dấu ấn chiến tích đáng buồn của Đờ Lát ở Đông Dương - thì ngay từ sau khi hoàn thành cuối năm 1951, chúng đã chứng tỏ sự bất lực trong việc ngăn chặn hàng trung đoàn, đại đoàn của ta ra, vào vùng tạm chiếm.

Ở trung du, ngày 15 tháng 12, trung đoàn 174 cùng với cả một đại đội sơn pháo tiến vào địch hậu Bắc Ninh. Đêm ngày 25 tháng 12, một tiểu đoàn của 98 diệt vị trí Cầu Ngà, một tiểu đoàn của 174 vừa xâm nhập tiến công vị trí Phố Mới. Sự có mặt của cùng một lúc đến hai trung đoàn của 316 gây xáo động vùng hậu phương của địch kế cận với Hà Nội trước đó vẫn yên tĩnh. Quân địch nằm yên trong những đồn bốt dày đặc nơm nớp đợi một cuộc tiến công. Trung đoàn 176 của 316 ở lại vùng tự do, đề phòng địch đánh lên Lạng Sơn, thấy chưa có gì đe dọa, đã đưa hai tiểu đoàn vào địch hậu ở Bắc Giang và Hải Ninh. Một tiểu đoàn luồn sâu tới vùng du kích huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Một tiểu đoàn về tận vùng duyên hải Hải Ninh tiễu phỉ và xây dựng cơ sở dọc đường số 4.

Ở hữu ngạn, Đại đoàn 320 và lực lượng vũ trang địa phương khuấy động hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình (…) Nhân dân các địa phương hăng hái phá tề xây dựng lại cơ sở đã mất trong năm qua. Chưa đầy một tháng, lực lượng vũ trang ta đã tiêu diệt 45 vị trí tề vũ trang, phá 312 ban tề trong tổng số 380 ban tề ở tỉnh Hà Nam, diệt 115 ban tề trong số 121 ban tề ở tỉnh Ninh Bình.

Lần đầu, hai đại đoàn chủ lực của ta lọt vào địch hậu đồng bằng và trung du. Những vị trí địch đóng ở vòng trong với lực lượng đại đội tiểu đoàn không đủ sức đương đầu với chủ lực ta. Chỉ trong một thời gian, tình hình địch hậu đã thay đổi hẳn. Những vị trí địch liên tiếp sụp đổ. Các trận địa pháo mất mục tiêu bắn vu vơ. Mười hai tiểu đoàn cơ động của Pháp còn lại ở đồng bằng bị điều đi ứng cứu hết nơi này qua nơi khác, chạy xuôi chạy ngược như đèn cù. Hệ thống ngụy quyền, ngụy quân ở trung du và hữu ngạn tan rã từng mảng lớn. Khắp vùng địch hậu diễn ra phong trào nổi dậy của quần chúng. Các khu du kích, căn cứ du kích chẳng những được phục hồi mà còn mở rộng, nối liền từ hữu ngạn sang tả ngạn sông Hồng, từ đồng bằng lên trung du.

Cuối tháng 12 năm 1951, Bộ Tổng tư lệnh quyết định kết thúc đợt 2 chiến dịch.

Trong hai đợt chiến đấu, ở Bắc bộ, chúng ta đã loại khỏi vòng chiến khoảng 8.000 quân địch.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 786-791)