“Khi ta đi đường rừng, bắt gặp một cái hoa chuối rừng (...) đồng thời ngửi thấy một mùi ngai ngái của cỏ cây và cũng ngay lúc ấy, tiếng một con cu rốc từng hồi kêu ở đâu bên kia suối, thì chao ôi! rừng sao mà sâu thăm thẳm”... “Ta đi” đã lâu lắm rồi. Năm 2021 ngồi trước máy vi tính một nơi đô thị, đọc cái tiếng cu rốc kêu từ bài trên màn hình, thấy chao ôi! rừng Na Hang sao mà xa thăm thẳm! (Thu Tứ)



“Chim ở rừng Na Hang”

Quang Dũng




Ở rừng Na Hang (...) mùa đông (...) vui nhộn vô cùng. Ở đâu mà sao kéo về lắm chim thế. Từng đàn chim như nhớ ngày tháng, từ những quê rừng nào xa mấy cũng rủ nhau về tụ họp. Nếu chim mà có biết làm lịch hàng năm như ta thì chắc là phải ghi cái tháng chạp bằng chữ đỏ; và nếu một chú họa mi nào lại kiêm cả họa sĩ ắt nó phải vẽ thêm vào tờ lịch một chùm quả cọ chín mọng, căng bóng như những quả nho tây được xoa mỡ. Mùa đông chính là mùa cọ chín ở rừng. Quả cọ chín rụng lộp bộp xuống những tầng lá ở dưới tàn mình. Lá cọ vốn đã căng mỏng giống như một cái mặt trống bằng da, một giọt mưa cũng đủ gõ kêu lên một tiếng bộp giòn tan. Một cơn mưa ở rừng cọ có khác nào một đội trống ếch thiếu nhi khua đến thỏa thích? Có thể nói là mưa to ở rừng cọ, thật giống một trường nhạc được tháo khoán, tha hồ mà nện dùi rối rít trên vô số cái mặt trống (...)

Một đàn chèo bẻo bỗng lao vút đến, trông như một tốp phản lực. Sở dĩ nói thế vì đuôi lũ chèo bẻo dài và đen, nhọn ở hai bên góc, lúc bay trông oai mà dữ như hai vệt khói phụt ra đằng sau. Ở đầu con chèo bẻo cờ (hai cái lông dài ở đuôi nó giống hai cái cờ phất phơ rất mềm mại, có đường cong mỹ thuật) lại có một túm lông xù lên như bờm ngựa dữ. Lông toàn thân đen tuyền, nhưng loáng nắng thì hơi óng ánh xanh nâu. Trông tốp chèo bẻo cờ này lao đến, gấu ngựa ta cũng không dám chủ quan coi thường, vội nhe hàm răng, đớp đớp cái mõm đen chũi dậm dọa. Ðàn chèo bẻo cờ lượn đi lượn lại như muốn làm hoa mắt lão gấu ngựa bằng những cái cờ dài cong vút sau đuôi. Mấy con bồng chanh đỏ, nhỏ như chim bạch yến hoàng yến, có cái mỏ đẹp như màu mai cua bể luộc, lợi dụng tình thế giữ miếng của đôi bên, lao đến mổ vào túm cọ chín mọng nhất, óng ánh màu tím. Nhưng những con bồng chanh đỏ này bay vù đi ngay vì có tới hàng trăm con chim phường chèo và thày chùa xanh đang ập đến, chao lên lượn xuống, màu vàng là sơn tiêu vàng, màu đỏ là sơn tiêu đỏ rối cả mắt. Bọn họ đông quá. Gấu ta giơ tay phải thì mất chùm quả bên trái. Giơ tay xua và chộp bên trái thì lập tức bị mất chùm quả bên phải. Lại còn chốc chốc bị một cú mổ vào đầu đau điếng. Ðó là những nhát búa ở cái mỏ đồ sộ của loài phượng hoàng đất. Bọn này chính ra không hay tranh ăn với lũ chim nhỏ và thường đứng hàng đàn ở dưới gốc cây, ăn trên thảm mục, bổ cái mỏ nặng hơn đầu ấy xuống miếng mồi, tung lên rồi há mỏ đớp như những tài tử xiếc bắt bóng, tung cầu. Những quả cọ rơi rào rào xuống còn làm cho cả đàn cao cát làm trò tung đớp suốt ngày đến lúc no nê thỏa thích. Bọn cao cát họ với phượng hoàng này rất lạ. Người đi săn cho nó là một loài chim ngờ nghệch dễ bắn vì có khi nghe tiếng súng nổ, nó cũng vẫn ngơ ngác không bay vội. Chỉ khi trông thấy bóng người, con đầu đàn mới kêu hét lên, và thế là cả bọn ào ào bay trốn. Mà nào có nhẹ nhàng gì. Cao cát nặng có con đến năm cân. Mùa cọ, bọn này béo rất nhanh, và người ta đã rán nó được hàng lít mỡ màu xanh vàng. Thịt phượng hoàng đất rất thơm ngon, mỡ nó lại càng thơm. Trông cả đàn cao cát mỏ dài và to như cái búa ấy nghé nghiêng ngờ nghệch đứng ăn dưới rừng cọ, người ta gọi đùa bọn ấy là những lão phó rèn lười biếng nhưng lại có tính thích nghịch ngợm.

Ở trên cây cọ tuy đang có cuộc tranh bứt quả khá gay go giữa gấu và lũ thày chùa xanh và cánh phường chèo sặc sỡ, nhưng sự ầm ĩ vẫn thua ở một cây cọ cách đó không xa. Cái đám chim này mới ầm ĩ tợn. Ðấy là những con chim mà cái tên cũng rất hợp với cái nết: những chú choàng choạc. Bọn này kêu đến đinh tai rức óc. Người ta vẫn không hiểu có mỗi một cái mỏ thì nó rỉa hạt bằng mỏ nào và kêu bằng mỏ nào mà nhộn nhạo cả một góc rừng lên. Nhưng quả thật lắm điều, to mồm (đúng ra phải nói là to mỏ) nhiều khi cũng có lợi, chả thế mà bọn chúng kéo đến cây nào thì cây ấy là của riêng của chúng. Những loài khác điếc tai, rức óc, đành phải lánh xa. Bọn choàng choạc này trông cũng đã không có cảm tình, vì cái bộ lông màu xám của nó. Kể ra thành kiến như thế với anh choàng choạc cũng không oan, vì anh ta là họ quạ, có mấy người mê được cái lão quạ đen (...)

Nhưng rồi giành nhau mãi cũng có lúc phải chán vì cuối cùng, con nào cũng ăn no nứt diều ra. Rừng cọ vẫn rụng quả lộp bộp. Nắng chiều đông khô hanh càng làm màu tím của quả chín thêm sẫm. No nê rồi, loài chim lắng nghe danh ca của mình cất tiếng hót. Bọn liếu điếu, bồ chao, cu xanh, cu gầm ghì và cả đến bọn choàng choạc lắm điều cũng im bặt. Tiếng con bách thanh đã nổi lên. Gã bách thanh này mặc một cái áo lông màu nâu đất, đầu gã mầu gio, đuôi gã dài. Trông gã nền nã và lại mộc mạc, có cái bộ mã giản dị nâu sồng của những tay có tài nghệ vững vàng mà không ưa ăn mặc kiểu cách. Kể về màu thì đây, các em cứ đưa mắt một vòng lên các tàu cọ, các chùm quả, thì sẽ thấy cả một lớp khán giả màu lông đẹp lộng lẫy có, sặc sỡ có... tất cả ngây dại lên vì cái hay của tiếng hót chú bách thanh này.

Này nhé các em xem: Chim gõ kiến vàng có túp lông gáy vàng, trông rất lịch sự và ngộ mắt. Chim bã trầu, cổ và ngực có màu lông đỏ tươi. Rồi vàng anh, tử anh, sáo mỏ ngà, cu xanh, cu cườm, chim trả lửa, đều là những loại tiểu thư công tử có bộ mã... đắt tiền, quí giá cả. Nhưng hễ gã bách thanh này mà đã cất tiếng lên thì các cậu đều mê mẩn và thấy thèm cái giọng hát quyến rũ của anh ta. Bách thanh có tài hót đủ các thứ tiếng chim. Lúc thì làm con yểng, lúc thì nó huýt bài của con sáo, lúc nó giả vờ làm con chim gáy và cao hứng lên nó còn bắt chước cả cái tiếng rất khó bắt chước là cái tiếng kêu từng hồi của con cu rốc. Cái tiếng ấy, tôi cũng không tả nổi được ra đây (...) Tôi chỉ biết rằng khi ta đi đường rừng, bắt gặp một cái hoa chuối rừng, ta lại cũng đồng thời ngửi thấy một mùi ngai ngái của cỏ cây và cũng ngay lúc ấy, tiếng một con cu rốc từng hồi kêu ở đâu bên kia suối, thì chao ôi! rừng sao mà sâu thăm thẳm. Ấy đấy, cái tiếng con cu rốc! (...)

Mùa quả cọ này, đúng là ngày hội hè ăn uống linh đình (...) ngay cả những chú chim gõ kiến vốn là khảnh ăn các thứ hoa quả, chú này chỉ mê có kiến và thỉnh thoảng cũng đổi món bằng vài bữa lúa mới hoặc hạt cải đã gieo ở các vườn mùa thu, nhưng đến mùa quả cọ, gõ kiến cũng phải rời những rừng tre nứa vốn là quê nhà của chú mà tìm đến những rừng gỗ xen cọ này.


(“Mùa quả cọ”, trong tập
Nhà đồi, nxb. Văn Học, 1983. Nhan đề phần trích tạm đặt.)