“... tụi Giôn-xơn tưởng đánh Việt Nam nhỏ bé, thì chúng nó nuốt chửng ngay được, hóa ra cuộc chiến tranh này đang làm cả xã hội Mỹ lung lay, và nếu nó kéo dài thì có thể sẽ xảy ra những rối loạn không lường được ngay từ bên trong nước Mỹ”.



Nguyễn Đình Thi, Vào lửa (3)



Nắng buổi sáng mùa hè bắt đầu gay gắt. Những vệt mây trắng tan dần, bầu trời mỗi lúc một thêm xanh chói. Các chính trị viên đại đội lục tục đến, anh nào anh nấy nhễ nhại mồ hôi. Họ chui cả vào trong cái lán chật hẹp, ngồi xúm xít dưới mái phên tre.

Cuộc họp bắt đầu trong lúc vẫn đang báo động, tiếng máy bay giặc vẫn ì ầm lởn vởn trên cao. Xuân mở đầu:

- Ta làm việc nhanh thôi nhé. Chỉ có hai mục hội ý với các đồng chí: một là nghe những đề nghị của các đơn vị và hai là báo cáo với các đồng chí vài ý kiến của Đảng ủy trung đoàn. Bây giờ vào luôn mục thứ nhất, nào các đơn vị có yêu cầu gì cần trung đoàn giải quyết thì nêu lên. Mục này chắc sôi nổi đây.

Họ cười ồ lên.

- Đề nghị trung đoàn đưa trả hai xe mượn của chúng tôi, đề phòng trường hợp phải di chuyển bất thình lình.

- Đề nghị anh cho một số pháo công về thường xuyên ở “cụm”. Anh cho đồng chí Giang về đây thì tốt nhất, không còn lo hỏng hóc gì nữa.

- Chúng tôi có sáu đồng chí thương binh ở bệnh viện về, đều thiếu quân trang. Có đồng chí bị cháy hết ba-lô, chỉ còn một bộ quần áo.

- Báo cáo chính ủy, nghe nói sắp có mũ sắt đúng không?

- Báo cáo chính ủy, lâu lắm anh em chưa được chuyến thư gia đình nào. Đề nghị liên hệ với bưu điện xem sao.

- Giá trên cho mỗi đại đội một đài thu thanh bán dẫn thì tuyệt! Tin tức chậm quá anh ạ. Báo đã hơn hai tuần nay chúng tôi chưa được xem.

- Nghe nói có nhiều văn công Trung ương về quân khu, đề nghị xin một đoàn về đây ạ.

- Đề nghị trung đoàn liên hệ với huyện xin cấp thêm rau tươi. Anh em thức đêm nhiều, rất háo.

- Mũ sắt thì cũng tốt, nhưng đội nóng lắm. Đề nghị xin ít nón ạ. Ơ, các cậu cười à, lính ta đội nón tốt chứ lại. Các cậu lại coi thường cái nón dân tộc tính à? Tôi đề nghị có nón để chống nắng.

Xuân gật đầu:

- Sáng kiến đáng chú ý đấy. Nào còn yêu cầu gì nữa không?

- Tạm đủ rồi đấy.

- Tôi sẽ về báo cáo với Đảng ủy trung đoàn và giải quyết nhanh những gì giải quyết được. Riêng về thư và báo thì không phải tại bưu điện đâu, mà tại đơn vị ta cứ chuyển quân xành xạch ấy mà. Nhưng kỳ này có thể ở đây lâu lâu một tí, thư từ báo chí sẽ đến đều hơn. Bây giờ đến lượt trung đoàn yêu cầu lại các đơn vị chứ. Trung đoàn chỉ có một yêu cầu thôi: các đơn vị ở đây làm thế nào bắn rơi máy bay địch tại chỗ, ngay tại trận địa này.

Cuộc họp nhộn hẳn lên.

- Nghe chính ủy bảo chỉ có một yêu cầu thôi đã tưởng bở!

- Ái chà, làm được cái khoản này gay đấy.

Xuân hỏi:

- Sao, đại đội một thấy thế nào?

Cả hội nghị lắng im hẳn để cho Thành, chính trị viên Ca Một, trả lời. Họ đều biết Ca Một ở trận địa này lĩnh nhiệm vụ gay go nhất. Anh chính trị viên trẻ mím đôi môi hơi mọng như môi một cô gái, hình như để cân nhắc kỹ thêm, rồi bỗng gò má đen rám của anh nhuốm một sắc đỏ, và anh nói quả quyết:

- Báo cáo chính ủy, chúng tôi không thiếu quyết tâm đâu, nhưng ở vị trí chúng tôi hiện nay chiến đấu có nhiều khó khăn. Vì chúng tôi bị hở sườn, máy bay địch cứ theo dọc sông là xuống rất thấp vào thẳng đến tận trận địa chúng tôi mà rót bom và bắn rốc-két, như sáng nay chẳng hạn. Tôi thấy thằng địch nó rất láu cá và rút kinh nghiệm rất nhanh, ngày hôm qua khi nó bổ nhào để ném bom cầu, nó toàn bổ nhào thọc nách chúng tôi, cho nên anh em bắn kém kết quả. Theo tôi thì cần bàn lại tất cả phương án tác chiến của Cụm.

Tham mưu trưởng Giác tỏ vẻ hơi phật ý:

- Về vấn đề này, tối hôm qua, hội nghị các thủ trưởng quân sự đã bàn và giải quyết rồi.

Thành vẫn không lui, gò má anh càng đỏ tía:

- Vâng, tôi biết. Đồng chí Sơn đi họp về đã thuật lại quyết định của ban chỉ huy chuyển vị trí của Ca Bốn bên kia sông để yểm hộ thêm cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi bàn nhau thấy như thế vẫn còn là vá víu.

Phong từ nãy vẫn ngồi im, miệng cười mỉm, lúc này cũng nghiêm lại.

- Thế các đồng chí Ca Một đề nghị cụ thể như thế nào? Sao trong hội nghị đêm qua đồng chí Sơn không trình bày cho thật hết ý kiến?

Cái vầng đỏ trên gò má Thành lan đến cả hai tai.

- Vì vấn đề này khó. Và cũng có phần vì đại đội trưởng chúng tôi ngại bị hiểu lầm là nao núng gì đó.

Đám chính trị viên dự họp xì xào. Thành nói tiếp, lúc này anh đã hết đỏ tai và bỗng lộ rõ vẻ bình tĩnh của một người đầy tự tin.

- Theo ý kiến chúng tôi thì đơn vị ta mới đến nhận nhiệm vụ, còn bị động với trận địa cũ do đơn vị bạn để lại. Thật ra lực lượng của chúng ta cho phép ta bố trí khác đi, thêm nữa là thằng địch gần đây đã đổi cách đánh của nó, cho nên chúng ta cũng phải chuyển. Ví dụ tại sao ta không đổi vị trí Ca Sáu qua cái gò này chẳng hạn. Và sao lại bó tay với cái ngọn một trăm hai mươi? Xách vài khẩu lên chứ lại!

Thành rải ngay tấm bản đồ ra giữa lán và bắt đầu trình bày những đề nghị của đơn vị anh.

Huyến, chính trị viên Ca Sáu, lên tiếng:

- Tôi thấy hiện nay hẵng cần làm cho tốt phương án đã bàn tối hôm qua. Về vị trí của Ca Sáu chúng tôi, thì tôi có ý kiến hơi khác với đồng chí Thành nhưng tôi cũng đồng ý với các đồng chí Ca Một là đề nghị ban chỉ huy cho bàn thêm.

Mậu vừa ở ngoài sở chỉ huy vào chỗ lán họp. Anh ngồi ghé vào bên cạnh Xuân, chăm chú lắng nghe, rồi nói:

- Được! Được thôi! Các đơn vị cứ nghiên cứu thêm để góp ý kiến cho đầy đủ hơn nữa. Chúng tôi đang sửa soạn một phương án tác chiến mới, tốt hơn, sẽ bàn kỹ để thống nhất với nhau.

Xuân hỏi hội nghị:

- Đã đồng ý chưa?

Nhiều tiếng trả lời:

- Đồng ý với anh Mậu đấy.

Xuân nói tiếp:

- Đấy là về phần kế hoạch quân sự, rồi sẽ còn bàn thêm. Còn đây là cuộc họp các chính trị viên, tôi xin nhắc lại các đồng chí mấy điểm: ta đánh với thằng Mỹ ở đây không phải chỉ một vài ngày, mà còn phải ở lì đây đánh liên tục, cho nên các đồng chí phải làm cho bộ đội ta hiểu thật rõ điều đó, làm cho mỗi chiến sĩ sẵn sàng đánh gay go, ác liệt với máy bay địch, ngày nào cũng đánh, một ngày có thể đánh nhiều trận. Thằng địch nó luôn luôn đổi cách đánh cho nên ta phải đối phó hết sức linh hoạt, ta cũng phải luôn luôn tìm ra cách đánh mới, do đó phải chịu mệt, nhất là về vấn đề làm công sự và di chuyển vị trí. Nếu lười một tí, ì ra một tí, vì mệt mà sơ hở một tí là có thể bị thiệt hại với thằng địch ngay, có khi chỉ trong mấy phút đồng hồ mà phí công lao hàng năm xây dựng đơn vị. Điều này thì các đồng chí hiểu cả, chiến đấu của cao xạ pháo là như vậy. Theo tôi cảm thấy thì anh em ở đây đều đã đánh suốt mấy tháng liền, có tinh thần dũng cảm, có kinh nghiệm khá, nhưng phải đề phòng mệt mỏi, và cũng phải đề phòng là tự mãn với kinh nghiệm đã qua, rồi tự bó mình lại đấy. Bây giờ các đồng chí chính trị viên phải đích thân chú ý tổ chức đời sống bộ đội cho tốt, tìm cách cho anh em ăn uống hợp với thời tiết mùa nực, anh em đã mệt mà nếu bữa nào cũng chỉ cơm khô với thịt mỡ thì khó nuốt được. Và chú ý vệ sinh phòng bệnh, đây gần sông cần tổ chức cho anh em tắm rửa, rồi văn hóa văn nghệ cũng phải rôm rả hơn lên, đừng ỷ lại văn công, bộ đội ta đâu phải thiếu “cây văn nghệ”... À, tôi quên một điểm là các đồng chí phải hết sức giáo dục cho bộ đội tiết kiệm hơn nữa, tiết kiệm đạn, tiết kiệm lương thực.

Xuân ngừng lại, anh vừa nhìn thấy hai chiến sĩ đang gánh lủng lẳng cái gì vào lán tham mưu.

- Cái gì đấy, hai đồng chí?

- Báo cáo thủ trưởng, mảnh máy bay vừa bắn được lúc sáng.

- Đem vào đây xem nào.

Thế là cả hội nghị xúm vào mấy cái tảng kim khí sơn màu xám nhạt, gẫy nham nhở.

- Cái gì nặng thế này nhỉ? Nhặt được ở đâu?

- Báo cáo các anh lúc cái máy bay nó sạt qua làng thì văng ra mấy mảnh này, không biết là cái gì.

- Có lẽ đây là cái càng bánh xe của nó.

- Không phải, nó dài đến mét rưỡi thế này kia mà.

- Khéo cái bộ phận phóng tên lửa của nó.

- Tớ cho là cái đường gờ trên cánh của nó.

- Như thế thì nó còn vỡ nhiều mảnh khác, chưa nhặt được đấy thôi. Coi là Ca Một sáng nay đã hạ được một Ép Tám của hải quân Mỹ rồi.

- Đã chắc đâu. Ông quân khu ông ấy chưa công nhận đâu, còn điều tra xác minh gay go lắm.

Phong cười và giục anh em:

- Thôi xem qua rồi về còn lo việc chứ.

Đám bộ đội cười nói ồn ào chia tay nhau.

*

Còn lại mấy anh em trong ban chỉ huy Cụm, Xuân hỏi ý kiến Mậu về vấn đề thắc mắc của Ca Một. Mậu trả lời chậm rãi:

- Anh em họ lo cũng có lý đó anh ạ. Tôi cũng muốn chuyển lại cách bố trí khác, cho mỗi đại đội có hai ba trận địa trong khu vực này để có thể cơ động hơn. Nhưng không thể làm nhanh ngay được, mà phải có thời giờ, ước lượng chừng một tuần lễ mới xây dựng xong theo phương án mới được.

- Có thể làm nhanh hơn không?

- Tôi tính một tuần vì phải đào đắp cũng nhiều. ví dụ có gò cao phải san thành mặt bằng, có chỗ ruộng thấp phải nâng lên.

- Có lẽ lát nữa bọn mình nên bàn với ông Viên xem có cách nào địa phương giúp cho làm nhanh hơn được không?

- Chúng tôi cũng đã trao đổi với huyện ủy. Nhân dân đang bận thu hoạch nốt lúa chiêm, lại còn vụ lạc nữa, cho nên huy động bà con hồi này có khó khăn đó.

Hơn mười giờ thì Viên đạp xe đến cùng với đồng chí bí thư xã sở tại. Mặt đỏ gay, Viên chui vào trong cái lán của ban chỉ huy, và uống cả một bi-đông nước vẫn chưa hết khát. Đồng chí Tài, bí thư xã, trạc ngoài năm mươi, nom rõ là một nông dân dầy dạn. Bàn tay to và méo mó của đồng chí cầm cái mũ lá quạt lấy quạt để, trong lúc mồ hôi vẫn rỏ giọt trên vầng trán đen nhẫy.

Viên cho biết lúc sáng, nó thả tám quả bom thì sáu quả rơi xuống sông và bãi ngô, hai quả rơi vào xóm, mình mất một đứa bé và sáu người lớn bị thương, một người chết, cháy mất bốn nóc nhà và ít thóc của hợp tác xã.

- Lúc trước thì bà con coi thường quá, bảo sao cũng không chịu sơ tán, bây giờ lại có mấy nhà mất tinh thần, chạy mất tăm tích từ sáng, bỏ mặc hết nhà cửa, lúa gặt về chưa lăn, chưa phơi cũng vứt đó.

Viên quay lại phía đồng chí bí thư xã:

- Anh Tài hầy, như thế còn khoai lạc, đội sáu đều chưa thu hoạch được, ta tính toán sao?

Đồng chí Tài trả lời:

- Không can chi. Chúng tôi huy động đội một sang tương trợ chừng hai đêm thì xong.

- Vấn đề nhân lực bây giờ phải nắm sát đấy. Phần nào tiếp tục thu hoạch mùa màng, phần nào thanh niên đi nghĩa vụ, phần nào đi dân công, và ta còn phải giúp các đơn vị đây nữa.

Viên ghi cẩn thận trong sổ tay tất cả những đề nghị của bọn Xuân, rồi bảo:

- Những cái này không khó gì. Đối với bộ đội chỉ trừ cái gì địa phương chúng tôi không có thì đành chịu, chứ còn chúng tôi có cái gì thì các đồng chí cũng có cái đó. Riêng vấn đề làm trận địa, như vậy là gấp, mà phải huy động bà con nhiều, cũng có phiền phức, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết.

Đồng chí Tài nói:

- Ôi chà, nghe gọi đi làm trận địa cao xạ là nhân dân kéo đến thôi mà!

Phong chen vào:

- Thế tôi đề nghị xã Nam Sơn đây đảm bảo luôn cho đêm nay làm xong chỗ trận địa mới ở cái gò gần lò gạch cho một đơn vị chúng tôi có thể chuyển sang vào sáng sớm mai, có kịp được không?

Đồng chí Tài kêu lên:

- Gấp vậy kia à! Chỗ Ca Sáu đấy chứ gì?

Viên hỏi:

- Sao, liệu có huy động kịp bà con không?

- Một đêm thì gay, nhưng cũng làm được. Phần giao cho chúng tôi dứt khoát như vậy phải không? Thế bây giờ tôi sang bên đại đội bàn ngay cho sớm sủa. Anh Viên ở lại đây hè.

- Ừ, mình ngồi lại một chút rồi cũng sang sông thôi.

Đồng chí Tài chụp cái mũ lá rộng vành lên mái đầu đã hoa râm, và ra dắt cái xe đạp đi cùng một cán bộ tham mưu xuống Ca Sáu.

Bàn xong mọi việc, Xuân giữ Viên lại ăn cháo bữa trưa, và nghỉ một lát. Buổi trưa nắng hầm hập, vừa nóng vừa oi, họ nằm trong cái lán mà cứ như lửa táp vào người. Đã thế lại báo động liên miên, tiếng máy bay không mấy lúc dứt. Bọn Mậu cứ vào lán được một lúc lại chồm dậy chạy ra chỉ huy sở.

Viên nằm phanh áo, quạt phành phạch luôn tay. Mậu ngồi bên cười:

- Anh Viên nóng lắm nhỉ. Trời này, mập vậy cũng khổ!

Viên vẫn phành phạch cái quạt:

- Đồng chí Mậu người đâu?

- Tôi quê Long Châu Sa anh à.

- Long Châu Sa lắm cá hầy?

- Cá thì khỏi phải nói. Làng tôi chưa đến mùa cá, mới sắp đến mùa nước thôi, mà muốn ăn cá chỉ cần một sợi dây móc lưỡi câu, một đầu buộc một cục đá, móc vào, rồi ném “tõm” xuống sông, sáng mai dậy kéo lên, cá mắc câu con này đến con khác. Nhưng cá cũng chưa bằng lúa. Lúa vùng tôi trồng không phải cấy. Qua giêng, hai, người ta đốt đồng rồi đợi mưa thì gieo. Gieo xong rồi cứ để đó. Đến tháng sáu tháng bảy nước tràn lên bờ, ngập đầy đồng. Cây lúa cứ theo nước mà cao lên, nước lên đến đâu lúa cao đến đó. Có khi một đêm, lúa cao lên đến gang tay. Lúa đó là giống lúa chịu nước, người ta gọi là lúa nàng tây, lúa nàng rừng, lúa năm dưng, lúa bông bói. Chà, khi nước lên thì cá trên Biển Hồ đổ xuống theo nước tràn vào ruộng. Nước rút xuống, cá ở lại đìa. Đìa cá, khi nó ăn móng thì mặt đìa bong bóng nổi đều như nồi cơm sôi vậy.

- Ái chà! Thôi chịu khó đánh thằng Mỹ cho mạnh rồi về nhà ăn cá Long Châu Sa, đồng chí Mậu à.

- Tôi cũng mười lăm mười sáu năm chưa thấy lại quê.

- Đến giờ phát thanh rồi đấy. Anh Viên vặn đài nghe Miền Nam có tin gì mới không?

Cái đài bán dẫn của Viên lúc này mới thật giá trị. Tiếng nói quen thuộc của cô gái phát thanh đài Hà Nội cất lên trong cái lán: “... Công Tum: quân giải phóng đã san bằng chi khu Tu-mơ-rông, tiêu diệt hai đại đội địch, thu trên một trăm súng...”.

Báo động cấp một. Mậu tiếc rẻ đứng dậy.

- Các anh cứ ở trong này. Ra ngoài đó nắng lắm.

“... Đà Nẵng: quân giải phóng chặn đánh một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đi càn quét, tiêu diệt một đại đội địch, phá năm xe lội nước, bắn rơi hai máy bay lên thẳng”...

Xuân bình luận thầm: “Hừ, mày ném bom cầu cống ngoài này, chúng tao vẫn đi như thường. Trong ấy chẳng cần tàu bay tàu bò gì, quân giải phóng vẫn cắt được đường đi của chúng mày”.

Hết một phần tin chiến sự, đài lúc này dạo một khúc nhạc nhộn nhịp.

Tiếng Viên nói:

- Này, ngoài ni ta đánh mạnh với các thứ diều hâu cú vọ của thằng Mỹ cũng đỡ cho anh em mình trong nớ được khá đấy chứ. À, anh Xuân bữa nào về trung đoàn bộ? Chị Lích có nhắn là nếu tiện thì bữa về cho chị ấy gửi nhờ một gói về cơ quan y tế tỉnh.

- Được thôi, lẽ ra đêm nay tôi phải về ngay, nhưng tôi định ở nán thêm ngày nữa.

- Chắc bà ấy lại gửi ít đỗ lạc chi cho con đó mà. Bà Lích này cũng là một con người đặc biệt. Anh Xuân chắc biết cậu Ban chồng cũ bà ta.

- Ban nào?

- Cậu Ban ở Đại đoàn X mà!

- Tôi không quen anh ấy.

- Câu chuyện cũng rắc rối. Hồi đó bà Lích còn là y tá, trong kháng chiến gặp cậu Ban, lấy nhau được một đứa con gái, đôi vợ chồng mê nhau lắm. Đến hòa bình, thế nào mới tóe ra cậu Ban đã có vợ ở quê nhà, ở với bố mẹ cậu ta trong vùng bị chiếm. Nhưng bố mẹ cậu Ban thì buộc tội chị này đã thất tiết, và chị ta cũng chưa con cái gì cho nên gia đình cứ đòi cậu Ban phải bỏ chị vợ cũ. Cậu chàng cứ loanh quanh như còn gà mắc tóc không biết tính thế nào! Còn người vợ cả chỉ khóc và bảo: “Anh Ban mà bỏ tôi thì anh ấy mang lấy tội, còn tôi thì cũng không cần”. Đang lính quýnh cả thì bà Lích biết chuyện. Bà ấy không nói với ai, cứ lẳng lặng về thẳng quê cậu Ban, gặp người vợ rồi gặp cả bố mẹ, họ hàng nhà chồng, hỏi hết đầu đuôi. Sau đó, bà ta về cắt đứt luôn với cậu Ban, cậu ta van xin như thế nào bà ấy cũng không nghe. Bà ấy bảo: “Vợ anh tốt lắm, chị ấy khổ lắm. Địch nó càn nó cưỡng hiếp, chị ấy không có tội gì, bố mẹ nhà chồng lại còn hất hủi tàn nhẫn mà chị ấy vẫn cứ ở nhà chồng, làm đủ mọi công việc và chờ anh bằng ấy năm, anh bỏ chị ấy làm sao được”. Thế là bà ấy đem con đi ngay, và xin đổi vào tuốt tận trong này. Vậy mà từ dạo ấy, bà ta vừa nuôi con, vừa làm, vừa học, từ y tá bây giờ thành y sĩ rồi đấy. Dạo cuối năm ngoái, có một lần cậu Ban vào đây, bà ấy tránh đi, về nhà tôi nằm khóc mãi, mà vẫn nhất định không gặp cậu Ban, để cho cậu ta ở chơi với con gái một ngày.

- Thế còn người vợ cũ của Ban thế nào?

- Hai vợ chồng ở với nhau tốt rồi, đã được mấy con. Chị ấy vẫn ở nhà quê, làm ruộng hợp tác.

- À, chị Lích hôm nay đâu nhỉ?

- Từ sáng bà ấy quanh quẩn dưới nơi trúng bom với mấy người bị thương. Bây giờ chắc về trạm rồi.

Xuân bỗng lắng tai nghe những tin mới rất hay trong đài nói. Viên cũng ngừng cả tay quạt để nghe cho rõ hơn.

“Hàng trăm bà mẹ Mỹ biểu tình trước Tòa Nhà Trắng mang biểu ngữ chất vấn chính phủ: Tại sao chúng tôi phải chịu cảnh tang tóc?... Sinh viên Mỹ biểu tình mang khẩu hiệu: Giôn-xơn, hôm nay ngươi đã giết bao nhiêu trẻ con ở Việt Nam?”.

Viên đập mạnh cái quạt giấy xuống cái ván nằm, và thốt lên:

- Cần phải đấu thằng Giôn-xơn mạnh nữa vào!

Xuân nhắm mắt lại, nhưng tai anh vẫn nghe đài và trí óc anh vẫn theo đuổi ý nghĩ đang chưa xong. Ừ, tụi Giôn-xơn tưởng đánh Việt Nam nhỏ bé, thì chúng nó nuốt chửng ngay được, hóa ra cuộc chiến tranh này đang làm cả xã hội Mỹ lung lay, và nếu nó kéo dài thì có thể sẽ xảy ra những rối loạn không lường được ngay từ bên trong nước Mỹ.

“… Nhân dân thành phố Xan-dơ-bua của Áo quyên góp ủng hộ nhân dân Việt Nam… Chín mươi nhà văn, nhà bác học, khoa trưởng các trường đại học ở Thụy Điển ra lời kêu gọi lên án chính sách tội ác của Mỹ ở Việt Nam…” (…)

Có tiếng máy bay ù ù nghe rất nặng trên cao.

- Anh Viên, ta ra ngoài đi thôi!

Xuân kéo Viên chạy ra gò chỉ huy, chỉ cho Viên xuống một cái hố cá nhân rồi anh thụp xuống một bụi cây cạnh đó, ngửa đầu nhìn lên vòm trời xanh chói lòa. Tám chiếc phóng pháo Bê Năm Bảy xếp đội hình chữ A đang bay thẳng tới, từ trên cao tám chín nghìn thước, chúng rắc bom ngay.

Mặc kệ tiếng bom nổ dậy mặt đất, Xuân vẫn cứ ngửa cổ nhìn những đốm khói đạn cao xạ nổ tới tấp, bám lấy đội máy bay địch. Tuy biết rằng ở độ cao này, súng của mình phải bắn với, rất khó có kết quả, nhưng Xuân vẫn mong một đốm khói kia bỗng làm nổ tung ngay một máy bay địch giữa trời. Song bọn địch vẫn cứ giăng hàng bay qua rồi biến mất.

Phía bờ sông, cả bên kia sông, những chùm bom vãi xuống đang làm dấy lên từng đám khói và bụi đất đặc sệt, nửa đen nửa nâu, gió thổi làm bay tạt ngang qua trên mặt cánh đồng và dần tan loãng đi.

Xuân nhìn về phía chiếc cầu xi-măng vẫn trắng toát giữa nắng và quay sang nói với Mậu:

- Thế này thì ngày hôm nay nó còn đánh nữa!