Văn nghệ sĩ thì cũng phải làm việc nước. Nhờ có “chuyên môn”, anh có thể được miễn cầm súng ra trận, miễn đi dân công, miễn tham gia sản xuất nuôi quân, nhưng anh không được sáng tạo tùy thích mà phải ưu tiên “nở” ra những cái “hoa” có giá trị động viên tinh thần quân dân. Văn nghệ có mục đích chính trị như thế, nhất thiết phải do những người thạo chính trị lãnh đạo. (Thu Tứ)



Tố Hữu, “Văn nghệ phải vì nước”




Tôi lội qua suối, vào ngôi nhà tranh vách nứa còn tươi, Lát sau, một người dong dỏng cao, nước da trắng bước vào. Tưởng ai, hóa ra là anh Lê Đức Thọ mà tôi đã gặp ở Hà Nội năm ngoái. Anh cười rất tươi (vốn tính anh thế) (...) Tôi hỏi anh Thọ:

- Tôi được Trung ương gọi ra không biết để làm gì? Công việc trong ấy bộn bề lắm, cũng đang thiếu người.

Anh nói ngay:

- Cán bộ thì đâu chả thiếu, nhưng cần cậu ra vì ở đây không có ai phụ trách văn hóa.

Tôi ngạc nhiên:

- Tôi biết ở Hà Nội thiếu gì anh tài giỏi ở Hội Văn hóa Cứu quốc, sao lại gọi tôi?

- Cậu chẳng hiểu gì cả! Cậu tưởng làm văn hóa chỉ cần văn hay chữ tốt thôi à? Không được đâu. Phải có chính trị. Cậu từng là Bí thư tỉnh, Phó Bí thư Xứ ủy, lại làm thơ khá. Năm ngoái vừa ra Hà Nội, cậu đã lôi được mấy anh khó tính vào nam Trung bộ. Thế là biết làm việc đấy. Thôi, khỏi nói nữa. Đã quyết định rồi. Cậu ở đây, mai gặp anh Trường Chinh sẽ nói rõ hơn.

(...) Đến tối tôi được ăn bữa đầu tiên ở chiến khu. Đó là một rá cơm độn ngô và một đĩa muối vừng. Chỉ thế thôi mà ăn rất ngon miệng vì đói quá. Đi cả ngày mệt nên đặt lưng xuống là ngủ ngay. Tờ mờ sáng thức dậy, thấp thỏm đợi anh Trường Chinh đến. Lúc ấy gọi là anh Nhân. Thấy anh bước vào, vẻ mặt điềm đạm, anh nhìn tôi chăm chú rồi nói từ tốn:

- Đồng chí ra đến nơi thế này là tốt. Mặt trận văn hóa rất cần thiết, cần có cán bộ biết làm việc, đoàn kết được anh em, giúp họ nắm, hiểu được đường lối của Đảng. Bác Hồ nói: “Phải kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”. Bác nói vắn tắt thế, nhưng ý nghĩa rất sâu xa đấy.

Tôi nghĩ một lúc, sực nhớ ở đây là rừng núi thì có ai làm văn hóa văn nghệ đâu mà vận động. Bèn nói:

- Thưa anh, ở đây thì vận động ai? Tôi không biết văn nghệ sĩ bây giờ ở đâu. Chắc ở nhiều nơi. Ở Thanh Hóa có khá nhiều, ở trung du cũng có một số. Nếu tôi ở đây, e không có việc làm.

Anh Trường Chinh tủm tỉm:

- Ờ đúng thế. Ta nói chuyện với nhau ở đây thôi, rồi anh sẽ tìm nơi mà làm việc cho hợp. Nhưng cũng nên làm nhanh, đừng để lâu quá, nhỡ có những chuyện không hay. Như Bác Hồ nói, kháng chiến rất gian khổ và lâu dài đấy.

(...) Câu chuyện chỉ hơn nửa giờ. Xong tôi liền lội qua suối, theo chú liên lạc chạy ra trạm gác. Thanh đang ngồi ở bậc cửa (...)

- Tưởng anh đi luôn chứ!

Tôi cười:

- Đi luôn là thế nào? Bây giờ được phân công rồi. Anh làm công tác văn hóa, còn em về cơ quan phụ nữ.

Ngay lúc đó, một chú liên lạc đến và nói:

- Hai anh chị theo tôi.

Tôi định đèo Thanh trên xe đạp, nhưng thấy anh liên lạc đi bộ, bèn chất hai ba-lô lên xe rồi dắt đi. Đi một quãng khá dài, đến một địa điểm mà sau này mới biết là “Quán Ông Già”, chúng tôi rẽ phải, đi thêm một đoạn thì đến một nơi phong cảnh hữu tình: một bãi cỏ xanh mướt bên bờ dòng suối trong mát, thấp thoáng dưới tán rừng có hai căn nhà mới dựng. Vào nhà, chúng tôi gặp ngay chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng, người Huế. Thấy tôi, chị reo lên:

- Có nhà thơ đến!

Thấy Thanh đi sau, chị hỏi tôi:

- Còn cô nào đây?

Tôi nói:

- Cô dâu của các chị đó.

Chị Hồng liền nắm tay Thanh rất thân tình và nói với mấy chị em trong cơ quan:

- Nhà mình có cô dâu mới đây! À mà quên hỏi, em tên là gì nhỉ?

Thanh rón rén nói:

- Thanh ạ.

Chị em trong nhà ùa ra xách ba-lô và kéo chúng tôi vào nhà. Một chị láu lỉnh nhận xét như ra câu đối:

- Con gái tỉnh Thanh, lại tên là Thanh, trông cũng thanh đấy nhỉ!

Mới đến mà không khí chị em vui vẻ, tôi cũng mừng. Thế là có nơi yên ổn rồi. Tôi liền nói:

- Thôi. Xin gửi Thanh lại cho các chị đấy. Tôi chẳng gánh nổi đâu. Bây giờ tôi xin phép về tìm nơi đặt cơ quan.

Chị Hồng ngạc nhiên:

- Sao vội thế! Hôm nay mới gặp mặt thôi mà.

Tôi cười:

- Nhưng mà tôi không thể ngủ ở đây được, phải tìm chỗ khác thôi, rồi sẽ trở lại sớm.

Tôi nói vậy cho Thanh yên lòng. Thực ra tôi rất vội vì chưa biết cơ quan nên đặt ở đâu. Trở lại gặp anh Thọ xin ý kiến. Anh bảo:

- Thôi, cứ tạm ở đây đã.

Tưởng chỉ ít lâu, không dè tình hình lại chuyển biến rất nhanh. Độ một tuần sau đã nghe tin địch nhảy dù xuống Bắc Cạn. Chúng định đánh úp bất ngờ vào cơ quan Trung ương của ta (...)

Nhận định địch có thể đánh rộng ra các vùng xung quanh nên cơ quan Trung ương di chuyển sang Thái Nguyên, về đến Võ Nhai. Sau đó tôi cũng được đi về đấy. Lần đầu mới biết núi rừng Việt Bắc là thế nào. Đi suốt đêm, đến trưa hôm sau thì đến nơi. Tôi rửa chân bước lên một nhà sàn, nhìn vào thấy anh Trường Chinh ngồi bên bếp lửa đang ghi chép gì đấy vào sổ (...)

Chiều tối hôm ấy, tôi nghỉ trong một căn nhà sàn. Bên bếp lửa, bà mế chủ nhà kể chuyện về gia đình. Bà cụ trông rất phúc hậu, nói tiếng Kinh hơi cứng, nhưng cũng đủ hiểu. Vui nhất là khi bà cụ nói đến anh con trai được vào bộ đội và về thăm mẹ. Sau này trong bài “Bà mẹ Việt Nam”, tôi đã cố gắng ghi lại tình cảm giản dị, niềm tự hào rất dễ thương của người dân Việt Bắc khi có con em được đi “Bộ đội Cụ Hồ”.

Ở Võ Nhai được một tuần, tôi xin phép đồng chí Trường Chinh cho về Bắc Giang là vùng trung du có một số anh em văn nghệ sĩ đang ở đấy.

Một buổi trưa, đến Nhã Nam, tôi ghé vào một quán bên đường, hỏi thăm nhà ông Nguyên Hồng. Cụ chủ vui mừng bảo ngay:

- Tưởng ai chứ ông Nguyên Hồng thì đã quen thuộc với bà con ở đây. Ông ta xuống đây chơi luôn, người rất vui tính, nhưng không ở đây đâu, ở trên đồi kia kìa.

Nói rồi cụ chỉ lên mỏm đồi trước mặt.

Ra mé đường, tôi ngồi nghỉ dưới một gốc cây, chợt thấy một người từ xa đi tới, mặc quần áo nông dân nhưng dáng quen quen. Nhìn kỹ, hóa ra là ông Nguyên Hồng nhà ta. Tôi mừng quá, hỏi vui:

- Ông Nguyên Hồng ơi, bỏ nghề văn đi cày đấy à!

Nguyên Hồng hồ hởi nói:

- Không ngờ lại gặp ông ở đây! Tôi đang ở trên đồi kia kìa. Có đủ tứ bình: bác Ngô Tất Tố, Kim Lân, Tạ Thúc Bình và tôi. Vui lắm, nhưng chưa biết làm gì đây.

Anh đưa tôi lên nơi ở. Đó là một mỏm đồi đất bạc màu, lốm đốm cỏ xanh, điểm những khóm sim mua hoa tím, vậy mà không hiểu sao lại gọi là ấp Đồi Cháy. Gặp tôi, các anh đều rất vui, không biết các anh tìm đâu ra ngay một con gà làm thịt, lại có cả rượu. Tôi báo cáo với các anh về tình hình chung như tôi được biết, và nói:

- Bây giờ Trung ương lại giao tôi làm văn hóa với các anh đây. Ở đây ta có năm người, tạm thời lấy đây làm cơ quan vậy. Ai có sức làm gì, viết gì thì cứ làm. Cụ Tố đã nổi tiếng về Việc làngTắt đèn, thế là ta có chủ soái rồi. Còn bác Nguyên Hồng thì đã có Bỉ vỏNhững ngày thơ ấu, cũng là danh nhân đấy.

Nguyên Hồng chỉ vào mặt tôi hét tướng:

- Thế còn anh nhà thơ này thì sao?

Nói xong bèn ngâm to, giọng rung rung:

Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...


Và thế là Nguyên Hồng đỏ kè cả mắt. Tính anh vốn thế, rất dễ xúc động. Anh nói tiếp:

- Còn vị Tạ Thúc Bình đây thì vẽ tranh dân gian rất tuyệt.

Tôi đã gặp các anh ở Hà Nội năm ngoái (1946), giờ gặp lại thấy xúc động và cảm thấy thương yêu nhau quá.

Ở ấp Đồi Cháy được mấy ngày thì nghe đồn: địch đang tiến lên Bắc Giang. Chúng tôi bảo nhau phải sẵn sàng tìm nơi an toàn để làm việc.

Một buổi chiều, như thường lệ, tôi xuống chân đồi nghe ngóng tình hình, bỗng gặp một đoàn phụ nữ đi tới. Cũng áo nâu quần thâm, ba-lô nặng trĩu trên vai, nhưng xem ra các chị đều có dáng vẻ thị thành. Khi họ đến gần, tôi sững người thấy vợ mình cũng đi trong đoàn. Tôi thốt lên:

- Ôi! Thanh đấy à?

Thanh bất ngờ giây lát, rồi không kìm được, không để ý đến những người xung quanh, em chạy đến ôm lấy tôi, thầm thì:

- Đã gần một tháng không thấy anh, em nhớ quá. Giờ gặp nhau thế này, liệu có được sống cùng nhau không?

Tôi ngắm kỹ vợ. Thanh gầy đi và nỗi chịu đựng đã hiện rõ trên khuôn mặt. Tôi lựa lời:

- Chắc đoàn của em về một nơi gần đây thôi. Em cứ đi với các chị, anh sẽ tìm đến ngay.

Thanh khẽ “Vâng” rồi chạy theo đoàn chị em. Tôi kịp nhận ra ngấn nước đang trào lên khóe mắt vợ, tần ngần nhìn theo cho đến khi đoàn người khuất hẳn.

Chưa đến một tuần, đã nghe vẳng tiếng đạn nổ. Tôi nói với anh Nguyên Hồng:

- Thế này thì không yên rồi, phải tìm chỗ khác.

Nguyên Hồng hỏi:

- Ta đi đâu?

- Để tôi hỏi xem sao đã.

Nói vậy nhưng tôi nghĩ ngay đến đất Vĩnh Yên, Phú Thọ, liền chạy một mạch đến cơ quan phụ nữ mới đóng, cũng vừa lúc các chị đang rậm rịch dời cơ quan. Tôi hỏi:

- Các chị định di đâu?

Chị Hồng nói:

- Cũng chưa biết đi đâu. Chúng tôi đều lạ nước lạ cái.

Tôi liền nói:

- Văn nghệ với phụ nữ dễ thân nhau, ta cùng đi một hướng nhé.

Rồi tôi cười:

- Vô tư mà “riêng chung” làm một!

Chị Hồng vui vẻ:

- Thế thì hay quá!

Tôi bàn với anh em dứt khoát sang Phú Thọ. Chúng tôi hẹn với các chị bên phụ nữ hợp thành đoàn, chia thành mấy tốp cùng nhau về Vĩnh Yên rồi sang Phú Thọ. Đoàn toàn văn nghệ sĩ và phụ nữ, chẳng ai lực lưỡng gì, nên ai cũng nhanh thấm nỗi vất vả lội suối trèo non. Buổi trưa, đoàn nghỉ chân dưới một lùm tre mát rượi lưng Đèo Nhe, đoạn giữa Vĩnh Yên và đèo Sơn Cốt. Chúng tôi gặp một anh bộ đội rất trẻ, vui tính, kể rất nhiều chuyện về các trận đánh. Anh kể vô tư đến nỗi chúng tôi có cảm giác anh chàng nói chuyện đánh giặc mà như nói chuyện cày bừa. Nhớ mãi chuyện vui hôm ấy, sau này tôi viết bài “Cá nước” đăng trên tạp chí Văn nghệ. Nghỉ xong, cả đoàn tiếp tục đi về phía Vĩnh Yên. Xế chiều, bỗng nghe đì đoàng tiếng súng ở phía dưới Chợ Me. Thế là phía trước chúng tôi đã có địch, không thể xuống được rồi.

Đang nhốn nháo, bỗng từ trên đồi cọ cây lá um tùm, một tiếng đàn bà nói to như ra lệnh:

- Chớ dại mà đi xuôi, đi nhanh sang phía bên này ngay!

Chúng tôi nhìn lên, thấy một chị vóc người khỏe mạnh, dang tay sang phía trái chỉ đường. Có lẽ là một chị dân quân. Con gái nhưng thật là hùng dũng. Bọn chúng tôi là con trai thấy một người phụ nữ dõng dạc như thế cũng cảm thấy hơi xấu hổ. Lúc này chiếc xe đạp trở nên vướng víu quá, mà dốc thì còn nhiều. Tôi đành vứt nó vào bụi, nói to với chị dân quân: “Tôi biếu chị chiếc xe đạp nhé!”. Chị đáp: “Ối dào! Bây giờ còn xe với đạp, đi đường rừng thì có mà chết”.

Chúng tôi đi theo lối mới. Được một lúc, tôi thấy quá mệt, nghe cơn sốt lên hầm hập, ngồi phệt xuống đường nghỉ.

Chợt có hai người thanh niên đi qua. Họ nhìn tôi ái ngại và hỏi:

- Anh có sao không?

Tôi nói:

- Chẳng sao cả, chỉ ốm thôi.

Anh ta sờ đầu và người tôi, rồi bảo:

- Thế này thì chẳng đi được đâu, để tôi cõng anh một đoạn.

Tôi hỏi: “Anh về đâu đấy?”. Anh ta bảo: “Về một cơ quan gần đây thôi”. Họ cõng tôi vào một căn nhà. Một người đàn ông trạc hơn tôi vài tuổi hỏi: “Các anh ở đâu lên đây? Về cơ quan nào?”. Tôi bảo: “Chúng tôi muốn lên Phú Thọ, nhưng đến đây thì sốt mệt quá, không biết có nghỉ lại đây một đêm được không?”. Anh ta hỏi: “Các anh làm công tác gì vậy?”. “Chúng tôi là cánh quân văn nghệ. Đây là ông Nguyên Hồng, ông Kim Lân, còn tôi là Tố Hữu”.

Nghe đến tôi, anh chủ nhà ồ lên:

- À ra nhà thơ đấy à. Sao chẳng có ai đưa đường cả vậy?

Tôi cười:

- Kháng chiến mà, tự lo liệu lấy thôi.

Mấy anh em được mời ăn một bữa có cá kho, rau luộc, còn tôi thì bát cháo hành nóng sốt. Ăn xong, anh chủ nhà mới nói:

- Anh em với nhau cả thôi. Tôi là Vũ Tuân, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Yên.

Thật là may, có đồng chí lãnh đạo địa phương như thế này thì khỏi lo. Chúng tôi ở lại đêm ấy, ngủ được một giấc ngon. Sáng hôm sau cả đoàn lại chuẩn bị lên đường (...)

Sang đất Phú Thọ, chúng tôi dừng lại ở huyện Thanh Ba, nơi cơ quan Tỉnh ủy đang ở. Mừng quá, được gặp lại cả hai anh Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi mới từ Hà Đông lên (...) Tôi gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, hỏi xem có thể đóng cơ quan ở đâu. Anh nhìn bản đồ, chỉ ngay vào Đào Giã nói:

- Ở đấy (...) có làng Gia Điền kín đáo mà yên tĩnh, chỉ phiền là hơi xa chợ.

Tôi cười:

- Chúng tôi chẳng cần chợ búa lắm. Tiền đâu mà mua nhiều, mà mua được gì cơ chứ. Chỉ cần hai bữa cơm là được.

Anh cũng cười và nói:

- Các anh có cần chúng tôi giúp gì không?

Tôi nói:

- Cám ơn anh, chúng tôi sẽ cố tự xoay xỏa lấy vì các anh cũng đang bận mà.

Thế là chúng tôi tìm đến làng Gia Điền (...) Vào nhà đồng chí chủ tịch xã hỏi thăm có nhà dân nào ở được, thì ông bảo ngay:

- Có một bà cụ có một anh con trai đi bộ đội, hiện đang ở một mình, đây quen gọi là bà Gái. Các anh cùng tôi đến đấy xem.

Chỉ mấy bước chân, chúng tôi đã đến nhà bà Gái. Đó là một nếp nhà tranh vách đất, gồm một gian nhà rộng và một chái bếp, bên sân nhỏ là mấy luống rau dền. Ông chủ tịch xã giới thiệu chúng tôi với bà cụ và nói:

- Đây là các bác ở cơ quan trên xin về ở nhờ, mong bác vui lòng giúp đỡ.

Thấy chúng tôi vào, bà cụ mừng rỡ:

- Nhà tôi trống trải lắm. Có thằng con trai thì đi bộ đội rồi. Có các anh vào thêm cho vui.

Chợt thấy mấy chị phụ nữ, cụ hỏi:

- Thế các chị này cũng ở đây à?

Tôi hiểu ý bà cụ ngần ngại có cả đàn ông đàn bà con gái trong nhà, bèn nói ngay:

- Các chị chỉ ở tạm một hôm thôi rồi về cơ quan của các chị ấy.

Vậy là hôm sau, mang theo giấy giới thiệu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, tôi đưa các chị đến một xóm nơi cơ quan phụ nữ của tỉnh đóng (...)

Anh em bàn nhau xây dựng cơ quan. Trong bọn chúng tôi, anh Tưởng lớn tuổi hơn cả, là người từng trải ở thành phố, tôi bèn gợi ý mời “bác Tưởng” cho ý kiến nên sắp xếp thế nào cho có “bề thế”. Anh Tưởng là người học nhiều biết rộng, nhưng cứ làm bộ quê mùa, rù rì nói:

- Thưa với các bác, em thì vụng về lắm, lại đang nhớ vợ ở Hà Nội đây. Thôi, ông Lành nói đi.

Tôi nói:

- Đành vậy thôi. Bây giờ việc ăn ở chẳng có gì bàn. Tiền Trung ương chi mỗi đứa một tháng dăm đồng cũng đủ ăn. Mặc thì cứ thế này là sang lắm rồi. Nhà có phản gỗ đủ cho vài ba vị nằm và có mấy cái chõng tre. Bà cụ đã có buồng riêng ở dưới bếp. Nghe nói bác Nguyên Hồng thạo món cơm rượu lắm, tùy bác lo liệu nhé. Nếu cần thì có bác Kim Lân giúp. Người Đình Bảng cái gì cũng làm được.

Mọi người cười. Không ai có ý kiến gì. Thế là xong một việc. Tôi nói tiếp:

- Bây giờ việc thứ hai. Công việc Trung ương giao cho văn hóa văn nghệ. Làm gì bây giờ? Tôi đề nghị: bộ đội thì đánh giặc, dân thì sản xuất nuôi quân, còn mình làm văn nghệ thì viết văn, ca hát, vẽ tranh cho bộ đội và dân vui. Nhưng nói mồm thì chả ăn thua gì. Ta cố ra một tờ tạp chí cho hay. Cố gắng mỗi tháng ra một số là tốt rồi. Việc này anh Thi đã quen làm, xin anh phụ trách cho. Còn tôi thì xin làm chức hành chính: thưa trình với các vị lãnh đạo ở Trung ương và địa phương, bảo đảm hậu cần, dưa cà mắm muối...

Nguyên Hồng hét lên:

- Còn làm thơ nữa chứ!

Tôi cười (...)

Sực nhớ ở đất Phú Thọ có mấy nhóm văn nghệ sĩ đã lên trước, tôi về Tỉnh ủy hỏi, thì được biết: Có vợ chồng anh Văn Cao ở Phố Ẻn bên sông Thao. Ở Hạ Hòa, Ao Châu có mấy anh chị Thế Lữ, Song Kim, Thanh Tịnh, Phạm Văn Khoa, Đoàn Phú Tứ. Còn ở Xuân Áng bên kia sông có các anh Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Tạ Mỹ Duật. Thế là trên đất Phú Thọ cũng đủ các nhà văn, họa, nhạc, kịch. Các anh Nam Cao, Tô Hoài đang làm báo Cứu quốc ở Bắc Cạn. Cụ Nguyễn Công Hoan thì đang phụ trách trường văn hóa của quân đội. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đang dắt một đội thiếu niên ca múa lưu động ở mấy tỉnh trung du... (…)

Riêng ở Khu IV, cụ Đặng Thai Mai đã tập hợp được nhiều văn nghệ sĩ có tên tuổi: Nguyễn Tuân, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Xuân Sanh và cả Hải Triều, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên vừa từ Bình Trị Thiên ra (…) Điểm lại thì hầu hết văn nghệ sĩ có tên tuổi thời đó đều đi kháng chiến, song ở rải rác, chưa có cơ hội tập trung về một chỗ và thống nhất hành động để làm việc.


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)