Đờ Lát “biết mình phải giành lại thế chủ động, mở một cuộc tiến công lớn với chiến thắng vang dội”. Hòa Bình tuy địa hình rừng núi nhưng gần đồng bằng, gần Hà Nội, lại có đường thủy tốt. Hóa ra, ngay cả với những yếu tố thuận lợi này, quân Pháp vẫn không thể nào không thất bại khi đánh nhau với quân ta ở núi rừng. Một lần nữa, chúng được thấm thía rằng bộ đội chủ lực Việt Minh “rất khó nắm bắt và rất cơ động, di chuyển cực nhanh chóng và biết tập trung sức mạnh vào thời điểm thích hợp”.

Trong chỉ 5 giờ đồng hồ, địch bắn yểm trợ 5.000 trái pháo! Được cái chúng không dám bắn gần cứ điểm quá, nên nếu quân ta tiến sát được hàng rào thì an toàn. Dĩ nhiên vượt lưới lửa phải chịu tổn thất, cứ xem tình hình 3/7 khẩu sơn pháo đã bị bắn hỏng trong lúc vượt thì biết.

Quân tinh nhuệ của mẫu quốc lên rừng làm ăn bết bát, mà quân tay sai ở đồng bằng lại còn tệ hơn nhiều! Cái “chiến thắng vang dội” mơ ước thiết tha của thống tướng Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy, nó làm sao trở thành hiện thực đây?!

“Tôi hiểu là những tổn thất của ta qua mấy chiến dịch liên tiếp đã khiến các đồng chí cố vấn thiên về những hoạt động nhỏ và phân tán (…) Tôi biết trong chiến dịch này sẽ không có mặt các cố vấn. Các đồng chí lo trách nhiệm của mình nếu ta gặp khó khăn (...) Tôi lên đường không một chút hoài nghi, phân vân”. Kết quả của Hòa Bình rồi sẽ giúp bạn cũng thôi “hoài nghi, phân vân”.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Hòa Bình” (1)



Đầu năm 1951, Đờ Lát đờ Tát-xi-nhi viết cho chính phủ Pháp: “... chúng ta có thể thắng, tôi xin bảo đảm với các ngài điều đó” (...) Đờ Lát biết những việc mình đã làm trên chiến trường chưa đủ (...) mọi người đều thấy quân viễn chinh chưa hề thoát khỏi thế phòng ngự, bị động. Ông ta biết mình phải giành lại thế chủ động, mở một cuộc tiến công lớn với chiến thắng vang dội. Cuối tháng 12 năm 1951, Quốc hội Pháp sẽ bỏ phiếu về chiến tranh Đông Dương (...) Mỹ cũng đang cần thấy tiến bộ rõ ràng về tình hình quân sự (...) Và cá nhân Đờ Lát, trong những ngày cuối cùng (ông ta vừa biết mình bị ung thư), cũng mang đạt được chiến thắng loại này (...)

(Bộ chỉ huy Pháp đưa ra nhiều phương án cho một cuộc tiến công lớn ở ngoài đồng bằng) Cuối cùng, Xa-lăng đề xuất đánh chiếm Hòa Bình. Đờ Lát lập tức chấp thuận. Hòa Bình là một nút giao thông thủy - bộ nối liền Việt Bắc với đồng bằng và miền Trung, rất quan trọng với ta. Địa hình Hòa Bình nhiều rừng núi, phức tạp, bộ đội Việt Minh dễ thâm nhập, hỏa lực áp đảo của quân viễn chinh khó phát huy. Đường số 6 nối liền Hòa Bình với Hà Nội chạy giữa vùng rừng núi rậm rạp, khúc khuỷu dễ bị phục kích. Bù lại, Hòa Bình chỉ cách đồng bằng có 20 ki-lô-mét, cách Hà Nội 76 ki-lô-mét, nằm trong tầm hoạt động thuận lợi của máy bay ném bom. Ngoài đường số 6, Hòa Bình còn có sông Đà, tàu chiến qua lại dễ dàng, bảo đảm việc tiếp tế và phát huy hỏa lực của thủy quân. Hơn thế, trong tình hình hiện nay, quân Pháp chiếm Hòa Bình sẽ không gặp trở ngại, vì những đại đoàn chủ lực của Việt Minh đều ở xa, tại chỗ chỉ có một lực lượng bộ đội địa phương không đáng kể (…) Ý đồ chiến lược của Đờ Lát là cắt rời (…) Việt Bắc (…) khỏi (…) phần lãnh thổ Việt Nam từ Hòa Bình trở vào Nam (…)

Cuộc hành binh “Hoa tuy-líp” (Tulipe) là khúc dạo đầu. Ngày 10 tháng 11 năm 1951, 12 tiểu đoàn bộ binh và 5 cụm pháo binh của Pháp bất thần chiếm Chợ Bến, cắt đường di chuyển của bộ đội ta từ Việt Bắc xuống đồng bằng.

Ngày 14 tháng 11, cuộc hành binh “Hoa sen” (Lotus) tiếp nối, do chính Xa-lăng chỉ huy. Lực lượng sử dụng là 16 tiểu đoàn, 8 cụm pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 2 đại đội xe tăng, cùng với không quân. Buổi chiều, 3 tiểu đoàn nhảy dù xuống thị xã Hòa Bình đã bị phá trụi bên sông Đà. Nửa đêm, hai binh đoàn cơ động chia làm hai hướng, một hướng theo đường số 6 tiến về thị xã Hòa Bình, một theo sông Hồng và sông Đà tiến chiếm Tu Vũ.

Chiều ngày 15 tháng 11, Đờ Lát đích thân chủ tọa một cuộc họp báo tại Hà Nội, loan tin “chiến thắng Hòa Bình” (…) tuyên bố (…) “Hôm nay với trận tiến công Hòa Bình, ta đã gây khó khăn lớn cho đối phương. Tiến công Hòa Bình có nghĩa là chúng ta bắt buộc đối phương phải xuất trận. Trận Hòa Bình sẽ có ảnh hưởng quốc tế lớn” (…)

Ngày 19 tháng 11 năm 1951, Đờ Lát tới Hòa Bình (…)

*

Khi bàn kế hoạch Đông Xuân 1951-1952, chúng ta đã dự kiến địch sẽ tiến công trước nếu ta chậm triển khai. Những hướng địch có thể đánh ra là Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình. Ta cho rằng ít có khả năng địch sẽ đánh Hòa Bình, vì đây là vùng rừng núi bất lợi cho chúng, nên không chú ý đề phòng ở hướng này (…)

Tối ngày 14 tháng 11 năm 1951, bộ phận tin kỹ thuật báo cáo chiều nay địch đã nhảy dù xuống Hòa Bình. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm (…) Đờ Lát đã cho ta cơ hội bằng vàng để tiêu diệt sinh lực địch và cứu vãn tình hình địch hậu. Tôi quyết định triệu tập hội nghị Quân ủy vào hôm sau.

Ngày 15 tháng 11 năm 1951, Tổng Quân ủy họp. Anh Hoàng Văn Thái báo cáo ý kiến của Bộ Tổng tham mưu:

- Bộ Tổng tham mưu có hai ý kiến. Đa số đề nghị đình chỉ chiến dịch ở Liên khu 3 để mở chiến dịch ở Hòa Bình. Lý do là địch mới đánh ra chưa kịp củng cố phòng ngự. Hòa Bình lại là vùng rừng núi nơi ta dễ bao vây, chia cắt địch, ngoài ra còn tiếp giáp với Việt Bắc, cơ động lực lượng và tiếp tế thuận lợi (…) có thể nổ súng sớm (…) Ý kiến thứ hai (…) cho rằng ta cứ tiếp tục kế hoạch đã chuẩn bị, không nên bị động chạy theo địch. Địch đánh ra là địch mạnh, cố ý kéo chủ lực ta tới để tiêu diệt. Ta phải tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu (…) trên chiến trường do ta lựa chọn (…) không nên đi vào cái bẫy địch đã giăng ra.

Tôi hỏi:

- Ý kiến của đồng chí cố vấn thế nào?

Anh Thái nói:

- Đồng chí Mai tỏ vẻ dè dặt (…) chỉ nói không nên bị động trước hành động của địch.

Tôi hiểu là những tổn thất của ta qua mấy chiến dịch liên tiếp đã khiến các đồng chí cố vấn thiên về những hoạt động nhỏ và phân tán (…)

Tổng Quân ủy trao đổi và thống nhất (...) đề nghị với Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cho mở chiến dịch Hòa Bình (...)”.

Để tranh thủ thời gian, trong khi chờ đợi chỉ thị của Trung ương (...) lệnh cho Đại đoàn 312 đang ở Tây Bắc di chuyển xuống gần Hòa Bình (...) Riêng trung đoàn 209 bám sát địch, tranh thủ tiêu diệt một bộ phận nhỏ của địch. Những đơn vị ở gần Chợ Bến, chớp thời cơ khi địch chưa kịp củng cố công sự, chủ động tiêu hao, tiêu diệt những bộ phận quân địch làm nhiệm vụ càn quét. Liên khu III cũng lợi dụng cơ hội đẩy mạnh chiến tranh du kích ở đồng bằng. Bộ Tổng tham mưu trao đổi với Tổng cục Cung cấp bố trí các kho lương thực, vũ khí đạn dược ở khu trung tuyến Đồn Vàng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ (...)

Những tin chiến thắng đầu tiên từ mặt trận đã bay về.

Ngày 16 tháng 11, trung đoàn 64 thuộc 320 đang có mặt ở Ngoại Đáy phát hiện hai đại đội Âu Phi vừa xuất hiện ở Tứ Đền, ngay bên sườn phía nam Chợ Bến. Chúng là đơn vị của tiểu đoàn 2 trung đoàn 3 lê-dương. Giữa ban ngày, bộ đội ta từ những khe đá, bụi cây ven thung lũng bất thần tiến công vào giữa đội hình quân địch. Một đại đội lê-dương bị tiêu diệt, nhiều tên bị bắt sống. Viên quan tư Đờ Vanh-xăng (De Vincent) chỉ huy tiểu đoàn bỏ mạng, cả bộ chỉ huy tiểu đoàn đầu hàng (...)

Ngày 17 tháng 11 năm 1951, Bộ Tổng tham mưu tổ chức hội nghị trực tiếp trao nhiệm vụ sơ bộ cho các đại đơn vị: 308, 312 di chuyển xuống sát Hòa Bình; 316 kết hợp với Liên khu Việt Bắc phát triển chiến tranh du kích ở Trung Du; 320 kết hợp với Liên khu III đẩy mạnh chiến tranh du kích ở Hà Nam Ninh; cả 316 và 320 đều phải sẵn sàng đưa một số đơn vị vào địch hậu khi có lệnh; 304 di chuyển lên đường số 6 tham gia đánh giặc ở Hòa Bình.

Ngày 18 tháng 11 (...) anh Nguyễn Chí Thanh và anh Hoàng Văn Thái cùng với một bộ phận nhẹ của Bộ Tổng tham mưu lên đường đi trước tới Cẩm Khê (Phú Thọ), gần Hòa Bình (...) Đồng chí Vi Quốc Thanh về Bắc Kinh chưa trở lại Việt Nam. Tôi nhắc anh Thái mời đồng chí Mai Gia Sinh, Cố vấn về tham mưu, cùng đi.

Đồng chí Mai nói với anh Thái:

- Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng cần lên đường sớm xin cứ đi trước. Tôi nghĩ sau mấy chiến dịch gặp khó khăn về cách đánh, mùa Đông này, ta nên đánh nhỏ như kế hoạch trước đây (...) Bộ Tổng tư lệnh có quyết định mới, xin để tôi báo cáo lại với bên nhà.

Tôi biết trong chiến dịch này sẽ không có mặt các cố vấn. Các đồng chí lo trách nhiệm của mình nếu ta gặp khó khăn (...)

Ngày 23 tháng 11 năm 1951, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Bác, nhất trí với đề nghị của Tổng Quân ủy (...)

Đêm ngày 23 tháng 11, trung đoàn 48 của 320 tiến công vị trí Đồi Sim trên đường số 21, phía nam Hòa Bình. Sau nửa giờ chiến đấu, bộ đội ta lọt vào tung thâm. Hai đại đội vừa tới chiếm đóng, số thương vong, số đầu hàng, số bỏ chạy (...) Ở hướng tây bắc, địch phát hiện trung đoàn 165 của 312 đang di chuyển về hướng Hòa Bình. Xa-lăng ra lệnh cho tiểu đoàn Thái số 3 đang càn quét ở Thu Cúc, Lai Đồng đánh vào sau lưng quân ta nhằm trì hoãn bước tiến. Trung đoàn 165 kịp thời đối phó, vây chặt tiểu đoàn Thái trên hai quả đồi ở Lai Đồng. Máy bay địch thả dù dây kẽm gai và lương thực. Sang ngày 26 tháng 11, ta tiêu diệt và bắt sống gần hết tiểu đoàn Thái, 550 tên địch. Tuy nhiên, 165 cũng bị tiêu hao. Các trận Tứ Đền, Đồi Sim, Thu Cúc, Lai Đồng đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 1000 quân địch.

Trước khi lên đường, tôi viết bản huấn lệnh (...) “Tìm địch mà đánh, diệt các cứ điểm mới mở của địch, diệt các bộ phận đi càn quét của chúng, cắt đứt đường giao thông liên lạc của chúng, biến sông Đà thành sông Lô năm xưa, đường số 6 thành đường số 4...”.

Tôi lên đường không một chút hoài nghi, phân vân (...) Ta sẽ tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc bộ cũng như các vùng địch hậu khác sẽ được phục hồi.

*

Ngày 30 tháng 11 năm 1951, tôi tới sở chỉ huy tiền phương ở Đồng Lương, thuộc huyện Cẩm Khê, bên bờ sông Thao.

Tại Hòa Bình đã xuất hiện lần đầu một hình thức chiếm đóng qui mô lớn, với những hệ thống cứ điểm mạnh hình thành hai tuyến phòng ngự dọc đường số 6 và dọc sông Đà.

Địch đã nhanh chóng cấu trúc hệ thống phòng ngự dã chiến gồm 28 cứ điểm lớn, nhỏ với những công sự bằng gỗ, đất có hàng rào dây thép gai vây quanh. Đa số cứ điểm có từ 1 tới 2 đại đội bộ binh. Ở những vị trí quan trọng như Pheo, Đồng Hến, Ao Trạch, Chẹ, Đá Chông, Tu Vũ, địch bố trí 3 đại đội bộ binh, 1 trung đội xe tăng, 1 đại đội pháo.

Quân Pháp tổ chức thành hai phân khu. Ở phía bắc, phân khu sông Đà - Ba Vì (...) sở chỉ huy đặt ở Đan Thê, do đại tá Đô-đơ-li-ê (Dodelier) chỉ huy (...) bảo vệ con đường sông nối liền thị xã Hòa Bình với đồng bằng (...) Phía nam là phân khu Hòa Bình - đường số 6 (...) sở chỉ huy đặt tại Hòa Bình, do đại tá Clê-măng (Clément) chỉ huy (...) bảo vệ con đường bộ huyết mạch nối liền thị xã Hòa Bình với Hà Nội (...) Lực lượng dự bị của địch đóng tại Trung Hà. Phân khu Chợ Bến cũng được tổ chức thành một tiền đồn bảo vệ cho Hòa Bình ở phía đông (...)

Ngày 1 tháng 12 năm 1951, Tổng Quân ủy họp mở rộng thông qua kế hoạch tác chiến. Tổng Quân ủy nhận thấy trong đợt đầu chiến dịch cần tập trung đánh địch trên tuyến sông Đà - Ba Vì, để vừa triệt con đường tiếp tế chủ yếu của địch, vừa đánh thông hành lang tiếp tế của ta từ hậu phương ra mặt trận, chuẩn bị khi có điều kiện sẽ chuyển phần lớn lực lượng sang đường số 6.

Trên tuyến sông Đà, địch có hai khu phòng ngự then chốt: khu La Phù - Đan Thê và khu Tu Vũ - Núi Chẹ. Ở La Phù - Đan Thê địch mạnh hơn, vì gần các khu căn cứ Trung Hà, Sơn Tây và có nhiều đường giao thông thủy bộ cho việc ứng cứu. Ở Tu Vũ - Núi Chẹ, hai vị trí này tuy ở gần nhau nhưng lại nằm trên hai bờ sông (...) Tổng Quân ủy quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt khu Tu Vũ - Núi Chẹ, đồng thời đánh địch vận chuyển trên sông Đà.

Nhiệm vụ mở màn chiến dịch được trao cho 308. Đại đoàn đã tham gia liền bốn chiến dịch (...) Anh Vương Thừa Vũ (tư lệnh) và anh Song Hào (chính ủy) đều nhận thấy nên chọn trung đoàn 88 đánh Tu Vũ. 88 vừa qua không thành công trong trận Chùa Cao, nhưng vẫn là đơn vị được rèn luyện nhiều trong đánh công kiên (...) Đại đoàn 312 sẽ dùng trung đoàn 209 đánh vị trí Chẹ (...) Thời gian nổ súng là ngày 9 tháng 12 năm 1951 (...)

Bộ Tổng tham mưu đề ra những yêu cầu về chiến thuật (...) Đánh công kiên phải bám sát địch, đề phòng xe cơ giới (...) Đánh viện trên bộ phải tổ chức chống chiến xa, phá hoại cầu đường (...) Đánh viện trên sông phải phân tán hỏa khí, bố trí thành nhiều chặng trên một tuyến dài, làm trận địa giả (...)

Những người dân làm nghề đánh cá trên sông Hồng và sông Đà đã tập trung 200 thuyền lớn, nhỏ ghép thành một cầu phao trên bến Lạc Song, cách thị xã Hòa Bình 19 ki-lô-mét, để đưa Đại đoàn 312 vượt sông. Nhưng việc vượt sông đã không thể kết thúc trong một đêm. Trận đánh Tu Vũ - Núi Chẹ phải lui lại một ngày.

Sáng ngày 9, tôi được báo cáo đêm qua, trung đoàn trưởng Nguyễn Bàng và tham mưu trưởng Nguyễn Tâm của 209 đi điều tra vị trí Chẹ, rơi vào ổ phục kích của giặc, đều hy sinh. Đại đoàn đã cử trung đoàn phó Hoàng Cầm thay (...)

Sáng ngày 10 tháng 12 (...) địch dùng 5 tiểu đoàn chia làm 3 cánh càn quét vùng tây nam Ba Vì, đúng khu vực tập kết của 312 (...) 209 xuất kích chậm, chỉ tiêu diệt được 2 đại đội dù trong cánh quân địch từ Chẹ càn vào khu vực Đồng Song, số còn lại bỏ chạy. Các cánh quân khác của địch cũng rút lui bỏ dở cuộc càn.

Về sau ta mới biết, ngày 9 tháng 12, địch tìm được trong thi thể một sĩ quan ta một cuốn sổ có ghi kế hoạch 308 và 312 đánh Tu Vũ và Núi Chẹ (...)

Sau trận đánh vận động ngày 9, trung đoàn 209 không còn thời gian chuẩn bị tiến công Chẹ vào đêm ngày 10 tháng 12, được chuyển sang làm nhiệm vụ kiềm chế trận địa pháo ở Chẹ. Nhiệm vụ đánh thắng trận đầu dồn vào trung đoàn 88 (...) trung đoàn trưởng là đồng chí Thái Dũng (...)

Tu Vũ nằm bên tả ngạn sông Đà (...) do tiểu đoàn bộ binh Ma-rốc số 1, một đơn vị thiện chiến, trấn giữ (...) chạy dài khoảng 300 mét trên bờ sông Đà, chiều ngang hẹp, địa hình bằng phẳng, được chia làm 3 khu: khu A và khu B cách khu C một con ngòi rộng 6 mét. Sở chỉ huy địch ở khu A. Hỏa lực tại đây rất mạnh (...) Ngoài ra còn 6 xe tăng và xe thiết giáp tạo thành những ổ đề kháng di động trong cứ điểm. Vị trí có hàng rào dây thép gai và bãi mìn rộng 24 mét bao bọc. Những bãi lau chung quanh vị trí trong tầm 100 mét đều được phát quang.

Ngày 10 tháng 12, lúc 8 giờ tối, bộ đội ta vừa chiếm lĩnh trận địa thì địch phát hiện. Từ các vị trí Đan Thê, Đá Chông, Chẹ, pháo địch câu về tạo thành một hàng rào lửa bao quanh vị trí. Đại đội chủ công Tô Văn lợi dụng kẽ hở giữa những loạt pháo, nhanh chóng tiếp cận được hàng rào khu A, nhưng các đơn vị khác, kể cả sơn pháo 75 ly, đều bị đại bác địch chặn lại. Chỉ riêng tiểu đoàn 322 ở mũi diện kịp nổ súng đúng giờ quy định, chiếm được khu C nằm bên kia ngòi Lát. Tới nửa đêm, có thêm một số đại đội vào được tới hàng rào khu B. Ba khẩu sơn pháo bị bắn hỏng trong quá trình tiếp cận cứ điểm địch. Đại đoàn quyết định điều động trung đoàn 36 sẵn sàng tăng cường cho 88 để đánh Tu Vũ cả ban ngày.

2 giờ sáng ngày 11 tháng 10, 3 trong số 7 khẩu sơn pháo đi cùng bộ binh mới tới được trận địa khu A. Đại đội chủ công Tô Văn đã nằm đợi 5 giờ liên tiếp dưới những trận bão đại bác bên hàng rào dây thép gai. Cuộc tiến công lập tức bắt đầu. Ba khẩu pháo cùng lúc phát hỏa đánh sập ba lô-cốt. Tất cả các loại súng của bộ binh phun đạn vào khu A. Xung kích nối tiếp nhau xông lên dùng bộc phá đánh tan hàng rào dây thép gai, bãi mìn và xung phong.

Ở khu B, trong lúc chờ đợi cuộc tiến công, các chiến sĩ đại đội 209 của tiểu đoàn 23 đã dùng kìm bí mật cắt phần lớn hàng rào. Nghe tiếng đại bác nổ ở khu A, biết trận đánh đã bắt đầu, bộ đội ta lập tức giật bộc phá thổi bay những chỗ hàng rào còn lại, tiến vào đồn địch. Các chiến sĩ nhanh chóng tỏa ra diệt liên tiếp sáu ụ súng.

Cuộc tiến công nổ ra quá muộn khiến quân địch hoàn toàn bất ngờ. Hàng rào lửa đại bác đã chứng tỏ đối phương không thể nào vượt qua. Chúng tưởng rằng trong 5 giờ qua, 29 khẩu pháo đã nghiền nát các đơn vị xung kích. Nhưng họ vẫn xuất hiện giữa vị trí như từ trên trời rơi xuống!

5 giờ sáng, tôi được đồng chí Đặng Quốc Bảo, chính ủy trung đoàn 88, báo cáo qua điện thoại, Tu Vũ đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Từ lúc này, 88 bắt đầu có một danh hiệu mới: Trung đoàn Tu Vũ.

Tôi quyết định đi thăm Tu Vũ. Đồng chí Nam Hà, tham mưu trưởng trung đoàn 88, người đã trực tiếp chỉ huy mũi diện hoàn thành nhanh chóng nhiệm vụ, đưa tôi đi thăm chiến trường (...) Nhìn mặt đất, thấy rõ pháo chi viện của địch bắn dày đặc. Sau này mới biết địch đã dùng 5.000 trái pháo yểm trợ Tu Vũ (...) 88 thất bại ở Chùa Cao, nhưng lần này đã vượt qua được lưới lửa bắn chặn và giành chiến thắng. Rõ ràng qua chỉnh huấn, bộ đội ta tiến bộ nhiều. Cần phải rút kinh nghiệm thật kỹ trận đánh. Nó sẽ rất có ích cho ta trong chiến đấu công kiên sau này (...)

*

Các hướng đã nổ súng phối hợp với mặt trận chính diện Hòa Bình sớm hơn chúng tôi mong đợi.

Hướng đồng bằng, cũng trong ngày 11 tháng 12 năm 1951, các chiến sĩ của Đại đoàn 320 bí mật vượt qua lớp lớp đồn bốt, sông lạch, đồng lầy, và mạng lưới gián điệp, vệ sĩ (của các khu Công giáo) thâm nhập vào vùng địch hậu Ninh Bình. 2 giờ 30 sáng ngày 12, cuộc tiến công thị trấn Phát Diệm bất thần nổ ra. Chỉ trong vòng hai tiếng, trung đoàn 48 đã tiêu diệt toàn bộ quân địch đóng tại Phát Diệm. Một trận đánh táo bạo, quả cảm được tính toán kỹ lưỡng. Để bảo vệ đồng bào, trước khi dùng bộc phá đánh vào những nơi địch ngoan cố chống cự, bộ đội ta đã đưa mọi người ở những nhà chung quanh tản qua chỗ khác. Khi trời sáng (…) những tên lính tiểu đoàn 18 ngụy đã biến mất, thị trấn đầy những anh bộ đội áo xanh (…) Trung đoàn 52 giấu quân ngay sát vị trí Chùa Cao, chờ hai đại đội địch tới tiếp viện cho Phát Diệm lọt vào trận địa phục kích trên đường số 10, mới nổ súng diệt gọn. Địch chưa hết bàng hoàng thì ngày 15 tháng 12, trung đoàn 48 diệt tiếp hai vị trí Yên Mô Thượng và cầu Xanh. Cùng thời gian, trung đoàn 64 ở địch hậu Hà Nam diệt vị trí Ngô Khê. Địch hoang mang rút chạy khỏi các bốt An Nông, Thọ Cầu, Ba Đa. Trung đoàn 64 đã phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích cùng đồng bào nổi dậy tiến công quân địch khắp nơi. Hai khu du kích Lý Nhân và Duy Tiên được khôi phục và nối liền. Rất nhiều ngụy binh bỏ ngũ.

Hướng trung du, các đồng chí Lê Quảng Ba, Chu Huy Mân đã nhanh chóng đưa hai trung đoàn của 316 thâm nhập vùng địch hậu Bắc Ninh. Ngày 9 tháng 12, trung đoàn 98 của 316 diệt vị trí Thứa (quận lỵ Lang Tài) do một đại đội và một trung đội ngụy bảo vệ. Binh đoàn cơ động số 7 tới chiếm lại Thứa, bị 98 diệt thêm 300 tên. Tiếp đó, 98 diệt bốt Đậu, uy hiếp vùng cầu Đuống và thị trấn Gia Lâm kế cận Hà Nội. Ngày 16 tháng 12, trung đoàn 174 của 316 đánh vị trí La-ri-vê do một đại đội da đen và một trung đội ngụy giữ. Đây là lần đầu tiên một tiểu đoàn của ta, tiểu đoàn 249 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy, tiêu diệt một vị trí công sự mới nằm trên phòng tuyến boong-ke của Đờ Lát.

Tại Hòa Bình, Tu Vũ thất thủ đã gây cho địch nỗi kinh hoàng, vì đây là một vị trí được tổ chức phòng ngự rất cẩn mật.

Sự xuất hiện của 312 ở Ba Vì đe dọa vị trí Núi Chẹ (…) Ngày 11, Bộ chỉ huy chiến dịch được tin một cánh quân 2 tiểu đoàn địch đang càn quét sườn núi phía tây Ba Vì (…) một tiểu đoàn lọt vào trận địa của trung đoàn 209 ở xóm Sủi, có nguy cơ bị tiêu diệt. Xa-lăng phải tổ chức một đoàn quân cứu viện tới giải vây. Sang ngày thứ ba, Xa-lăng đành phải kết thúc cuộc hành bình. Thất bại này khiến Xa-lăng ngã lòng, bởi y đã tính trong khu vực Ba Vì chỉ có 4 tiểu đoàn của 312, tin là với 6 tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ, được 5 cụm pháo và máy bay yểm trợ, có thể đánh bật quân ta ra khỏi đây. Nhưng họ đã thấy các tiểu đoàn viễn chinh hoàn toàn bất lực trước một đối phương thua kém về lực lượng và vũ khí trang bị, nhưng “rất khó nắm bắt và rất cơ động, di chuyển cực nhanh chóng và biết tập trung sức mạnh vào thời điểm thích hợp” (Yves Gras, sđd., tr. 432).

Thế mà lại còn một điều đáng lo ngại hơn là sự xuất hiện của một mặt trận thứ hai (…) ở châu thổ sông Hồng. Lần đầu tiên, hai đại đoàn chủ lực 316 và 320 cùng tiến công ở trung du và đồng bằng Bắc bộ. Những đồn binh yếu ớt trong phòng tuyến Đờ Lát không đủ sức đương đầu, trong khi phần lớn quân cơ động và quân dù bị giam chân ở mặt trận Hòa Bình! Xa-lăng quyết định điều hai binh đoàn cơ động số 1 và số 4 đang càn quét ở Ba Vì về trung du để đối phó với 316 đã lọt vào Bắc Ninh. Được tin này, Bộ chỉ huy chiến dịch đưa gấp trung đoàn 102 của 308 sang hữu ngạn sông Đà phối hợp với 312 đánh địch khi chúng rút quân. Các đơn vị của ta không bám sát đường, không nắm chắc địch, nên chỉ tiêu hao được một đại đội ở gần Đồng Tâm trên đường 89.

Trên đường số 6, đoạn từ Xuân Mai đến Bến Ngọc, địch đã rải 11 đại đội Âu Phi của trung đoàn 4 bộ binh Ma-rốc và bán lữ đoàn lê-dương 13 chiếm giữ. Ngoài ra, còn một số đại đội ngụy đóng xen kẽ. Ở mỗi điểm cao, địch đóng từ một đến hai đại đội. Các căn cứ Xuân Mai, Ao Trạch, Gò Bùi, Đồng Bái, Đồng Bến, Thịnh Long đều có trận địa pháo sẵn sàng yểm trợ cho cả hệ thống cứ điểm. Bên đường 21, từ Xuân Mai đến Chợ Bến, địch cũng chiếm giữ nhiều điểm cao, trong đó lợi hại nhất là Gò Mối và Đồng Tâm (…)

Ngày 2 tháng 12 năm 1951, trung đoàn 66 phục kích trên quãng đường từ Cầu Dụ đến Hang Đá cách Hòa Bình 15 ki-lô-mét về phía đông bắc. 11 giờ 45 phút, 30 chiếc xe phủ bạt kín từ phía Xuân Mai đi lên. Cùng lúc, 4 xe chở đầy lính từ thị xã Hòa Bình xuống đón ở Cầu Dụ. Ta nổ súng vào cả hai đầu của đoàn xe. Bị đánh bất ngờ, địch chống cự yếu ớt. Chỉ trong 20 phút, 66 đã tiêu diệt xong 34 xe, giành thắng lợi trận đầu trên đường số 6. Ngày 7 tháng 2, tiểu đoàn 353 của trung đoàn 9 phục kích địch ở Giang Mỗ, phía tây thị xã Hòa Bình 8 ki-lô-mét, tiêu diệt 200 địch, phá hủy 10 xe, có cả xe tăng (…) Ngày 11 tháng 12, tiểu đoàn 375 phối hợp với tiểu đoàn Cô Tô đánh địch ở vùng Dốc Kẽm tiêu diệt gần hai trung đội, phá 11 xe công binh.

Những hoạt động tích cực của 304 trên đường số 6 khiến địch la hoảng: đường số 6 đã bị cắt đứt!

Ở tả ngạn sông Đà, sáng ngày 11 tháng 12, tiểu đoàn 84 của 36 phục kích một đoàn ca-nô địch ở Đoan Hạ, bắn chìm một chiếc, bắn bị thương hai chiếc. Buổi chiều, tiểu đoàn 16 của 141 phục kích ở Lạc Song, chặn đánh đoàn ca-nô từ Trung Hà lên Tu Vũ, bắn bị thương 2 chiếc, một chiếc khác kéo cờ trắng chạy vào bờ xin hàng.

Sau bốn ngày chiến đấu, Bộ Tổng tư lệnh quyết định kết thúc đợt 1 chiến dịch.

Tôi đã yên tâm về phương hướng hoạt động của lực lượng vũ trang ta trong Đông Xuân 1951-1952. Trên cả chiến trường Bắc bộ, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 23 đại đội địch, phần lớn là Âu Phi. Riêng tại Hòa Bình, 10 đại đội bộ binh tinh nhuệ của địch bị tiêu diệt. Một số vấn đề chiến thuật đã được giải quyết. Điều rất đáng mừng là những trận đánh phối hợp nổ ra đúng lúc ở đồng bằng. Chỉ trong đợt này, Đại đoàn 320 đã tiêu diệt được 800 quân địch, giải phóng hầu hết huyện Yên Mô và một phần huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Các khu Công giáo Phát Diệm, Bùi Chu trước đây vốn là vùng Công giáo tự trị, tự bảo vệ. Sau chiến dịch Hà Nam Ninh, Đờ Lát rất bực tức vì hàng vạn Việt Minh đã lọt vào vùng này mà những người Công giáo không hề báo tin, và các đội quân tự vệ của họ đã bỏ chạy, không chống cự khi bị tiến công. Đờ Lát quyết định hủy quyền được tự bảo vệ của hai giáo khu này và điều quân đội tới thay thế. Nhưng những đơn vị “Pháp - Việt” ở Phát Diệm đã nhanh chóng tan tác trước những trận tiến công bất thần của 320.

Chúng ta đã chấp nhận thách thức của Đờ Lát. Đợt 1 chiến dịch chứng minh là ta đã quyết định đúng.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 770-785)