Tại sao xưa kia mỗi lần đi đánh nước Chiêm Thành, ta hay bắt người Chăm đưa về cho ở đất ta?

Có lẽ trước tiên là để giải tán bớt quân đội Chiêm Thành. Nói bắt người, chứ chắc thực ra chủ yếu là bắt binh lính.

Còn gì nữa chăng? Có phải vào thời ta hay đưa người Chăm về, ở bắc Trung bộ và cả ở Bắc bộ đất trống còn nhiều, ta cần thêm nhân lực để khai hoang?

(Thu Tứ)



Nguyễn Đức Tánh, “Làng Sở, tượng Phỗng”



Hỏi thăm chỗ tỉnh thành đóng ngày xưa thì bây giờ phần nhiều đã lở xuống sông đi rồi. Nguyên về đời nhà Lê tỉnh lỵ Nghệ An đóng ở trước núi này. Lúc bấy giờ tòa Hiến Tư Trị đóng ở làng Nghĩa Liệt; tòa Thừa chính Tư trị ở làng Triều Khẩu; mà tòa Trấn thủ thì ở làng Vệ Chánh, cho nên ở làng này có một khu đất gọi là xứ Công Ðường, nhưng bây giờ đã lở xuống sông hết rồi (...)

Lại hỏi tới sự tích người Chàm ở làng Vệ Chánh. Nguyên theo tục truyền thì khi trước vua ta đi đánh bắt được người Xiêm (Xiêm đây là Xiêm Thành, tức Chiêm Thành) đưa về phân tháp ra cho ở từng làng một, như làng Vệ Chánh này và mấy làng ở tổng Nam Kim huyện Nam Ðàn, như làng Xuân Lôi, làng Xuân Áng và làng Thanh Tứ. Những làng ấy đều gọi là làng Sở mà làng Vệ Chánh này khi xưa cũng gọi là Vệ Sở, vậy thì làng này khi xưa là người Chàm ở không nghi gì nữa. Nhưng hỏi họ thì họ cứ ấp úng mà trả lời rằng họ là hậu sinh, không biết gì đến việc ấy cả. Hỏi gia phả thì họ nói chỉ có gia phả mấy đời sau này mà thôi.

Thầy trò lại lên ô-tô đi tới làng Lộc Ðiền để xem miếu vua Lê (...) trên thượng từ ở chính giữa thờ vua Thái Tổ, bên hữu thờ vua Thái Tôn, bên tả thờ vua Thánh Tôn. Ở nhà trung từ dọc thì thờ ba vị (...) con vua Thái Tổ (...)

Còn cái trung từ ngang thì để các đồ tế khí. Trước hương án có để hai cái tượng bằng đá, chân quì mà hai tay cầm hương. Cái tượng ấy người ta thường gọi là “Phỗng” là tượng người Xiêm Thành của vua Thánh Tôn chế ra khi đi đánh Xiêm Thành về, để ngụ ý là nước Xiêm Thành đã thần phục rồi. Thế là cái tượng “Phỗng” chế ra từ đời ấy đầu, về sau dân gian mới bắt chước mà tạc ra tượng gỗ như vậy để ở các nơi danh từ như ở Nghệ thì đền Võ Mục, đền Ðại Càn, đền Ðộc Lôi, đền Mai Hắc Ðế v.v.

Còn cái tượng ấy sở dĩ gọi là “Phỗng” thì có người nói rằng: Khi xưa nước Xiêm Thành có ông vua tên là Bổng thường sang quấy nhiễu ở nước Nam. Vua nước Nam thân chinh bắt được đưa về rồi sai tạc tượng ông ấy ra để dâng hương ở các đình đền, bởi vậy người ta gọi là tượng ông “Bổng”, về sau nói trại đi thành ra “Phỗng”. Lời nói ấy tuy cũng có lẽ, nhưng xét trong sử thì vua nước Xiêm Thành không có ông nào tên là Bổng cả (...)

Theo thiển kiến chúng tôi thì có lẽ là bởi cớ sau này: Nguyên cái tượng ấy thì trong nham cảo viết là “Bổng hương tượng”. Vì chữ là Bổng hương tượng cho nên người ta gọi là tượng bổng hương (tượng dâng hương), đến sau dần dần mãi nói sai đi, mới thành ra “tượng Phỗng”.


(Nguyễn Ðức Tánh, “Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh” (1928-1929), trong Du ký Việt Nam (bài đăng trên tạp chí Nam Phong 1917-1934, nhiều tác giả, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm), nxb. Trẻ, 2007, tập II, tr. 520-521)





______________
Nhan đề phần trích tạm đặt.