Có phải trên thế giới chơi diều nhiều nhất là các dân tộc ở phía đông và đông nam châu Á?

Người Nhật vừa chơi diều khổng lồ dây diều to bằng dây chão neo thuyền, vừa chơi diều bé bằng cái móng tay dây diều làm bằng một sợi tóc phụ nữ! Diều to dĩ nhiên thả ngoài trời, còn diều tí hon thả trên bếp lửa!(1)

Cái diều Việt Nam to cũng có hạng, nhưng nét nổi bật nhất là bộ sáo chở theo. Diều truyền thống của ta hình dáng, màu sắc không trau chuốt, cầu kỳ, bù lại nó biết thổi sáo: gặp gió, bộ ba chiêng-đẩu-còi cùng phát tiếng, âm thanh “bổng trầm hòa khéo vào nhau như phường bát âm ngồi trên trời”!

Nghe Tô Hoài kể mà thèm: “chập tối, cả lũ chúng tôi xúm vào kéo dây đưa diều về đồng cao, người lớn đóng cọc buộc lại cẩn thận, chắc chắn. Ðêm mùa hè sáng trăng (...) bác hương Cang và mấy người lớn cởi trần ra, uống rượu. Thức nhắm là một rổ ốc vặn luộc ban trưa lên hồ Tây xúc được một mẻ. Chúng tôi cũng nhể ốc ăn rồi kềnh ra nằm nghe sáo diều, có đứa ngủ trong tiếng sáo ngay trên bãi cỏ.”

Bé được ngủ trong tiếng sáo, thảo nào lớn “tôi vẫn nhớ tiếng sáo chiêng, sáo đẩu, sáo còi đổ chiêng, đổ trống, đổ còi vi vu trên cánh đồng giữa ánh trăng”!

(Thu Tứ)

(1) Theo
Nguyệt San Y Tế, Mỹ, 8-1993.



Tô Hoài, “Cái diều sáo quê ta”




Vùng tôi chơi diều sáo (...)

Trong làng có ông tôi và bác hương Cang chơi diều nghề nhất. Bây giờ mà còn thú chơi ấy tôi chắc cũng khó ai có công phu và đam mê bằng (...) trẻ nhỏ chơi cái diều con con ngoe ngoảy trong gió dưới. Còn như cái diều đại, trường khoát như hai cánh phản thì chỉ khi trời lộng gió trên, diều mới lên được. Dù cho dưới cánh đồng im ắng oi ả nóng bức, cái gió trên vẫn giữ được cánh diều và tiếng sáo lưng trời.

Cả năm, bác hương Cang và ông tôi, mỗi mùa mỗi thứ, sắm sửa cho cái diều.

Phải mày mò lên Mường châu Lương Sơn trên Hòa Bình mới kén được cái thân diều làm bằng giống hóp đá cứng nhất. Hóp đá nhỏ con, rắn mặt, ruột đặc. Nói rõ mua hóp đá làm khung diều, người Mường mới tìm cho cây hóp chết dóc (?), đỏ tía, nhẹ như cái đòn tay, vác mấy cây về chọn, chẳng phí đi đâu. Cây hóp đá bửa đôi mà làm đòn gánh thì mềm và bền cố hỷ.

Cây tre, cây hóp ngả vào mùa lạnh mới chắc thớ không bao giờ mọt. Hóp đá và tre đực ngâm vào bùn trong ao cả mùa, cả năm. Vớt lên, đẽo vót qua loa rồi đem gác bếp cả bộ sườn, bộ khung. Cuối tháng giêng, dỡ xuống, thanh hóp đá và những mảnh tre cật đã được khói hun óng đỏ, dẻo như cái lạt.

Bác hương Cang lên rừng mua hóp, mua tre, ông tôi ngồi nhà vót, ngâm, gác bếp. Ðến đận phiết giấy thì hai người cùng làm. Phiết giấy dán diều cũng tỉ mỉ vất vả (...) những tờ giấy bản tháo ở sách viết phóng xin được của ông đồ Huỵch (...) Giấy bản có gân vỏ dó, khi seo tờ giấy lại pha gỗ mò, bền không rách được. Dán chập cả chục tờ rồi đem phiết cậy. Quả cậy thì bác hương Cang vào trong Mễ Trì quảy về cả thúng. Vỏ cậy giã nhỏ, cầm cái chổi thông lấy nước cậy phiết lên giấy bản, rồi phơi hàng chục lượt, kỹ bằng mấy làm quạt thóc hay nhuộm vải nâu non, nâu già. Chẳng bao lâu, ngoài hiên đã xếp đứng những mảnh giấy to cứng bằng cái nia đại, mặt cậy lên màu nâu sẫm. Phất giấy ấy có mưa xuống như đổ nước vào mo nang, sáo diều vẫn vo vo lơ lửng giữa mưa rào.

Hai ông con cứ rỉ rả bện dây diều, tháng nào lúc nào cũng được. Cuộn thừng đay phải tháo từng dẻ ra xem bọn buôn thừng điêu toa có tráo lẫn thớ nứa vào không. Cái dây diều chỉ cần ba dẻ đay thì vừa nhẹ. Ông tôi và bác hương đánh lại, bện lại sợi thừng đay, xếp lên mỗi cuộn to bằng bắp chuối, bỏ vào nồi ba mươi, luộc suốt một ngày hai đêm.

Xong việc diều, bây giờ bác hương Cang đi thửa sáo. Các vùng ven bên sông Cái hay chơi diều. Có lẽ vì ở nơi sông nước nhiều gió. Mày mò lên đấy mới kiếm được sáo tốt, không phải sáo hàng chợ, nhưng cũng chỉ chuốc được cái lưỡi sáo và đôi miệng sáo đẽo bằng mảnh gộc tre đực. Còn khoét ra cái thân sáo thì đi thợ tiện phố hàng Tiện ngoài Kẻ Chợ hay về làng Nhị Khê, quê gốc nghề tiện. Gỗ thị cũng không được, chỉ có gỗ thòng mực dẻo dai mới làm nên thân sáo. Có ba thứ sáo diều: sáo còi nhỉnh hơn đốt tay cái. Sáo đẩu như ống nứa. Sáo chiêng - còn gọi là sáo tù và, to bằng đốt vầu, ống dài nửa thước, hai miệng loe, nom cái sáo to tướng mốc thếch như con trăn gió. Hôm nào gió nhỏ, lắp sáo còi; gió lửng thì chơi đẩu; có gió trên mới đóng sáo chiêng.

Người ra đồng thả diều từ đầu hạ sang cuối mùa thu, bấy giờ trời quang mà lắm gió trên. Cả xóm xúm lại xem cái diều của ông tôi và bác hương Cang đã bày ra sân. Những cuộn thừng đay bó thành vác đặt lổn nhổn như những con lợn tháu. Bác hương đã gọt sẵn cả chục vè tre đực để làm cọc. Cọc mà không đóng cẩn thận, gặp gió lớn thình lình, có thể cả tảng đất bị lôi bật. Cái diều màu cậy nâu sẫm, đồ sộ, lẫm liệt, dang hai cánh dài hai sải tay như con diều hâu, con đại bàng khổng lồ. Có đêm, hốt nhiên bị bão không cuốn kịp, đứt dây, phải đuổi theo hướng gió qua mấy cánh đồng lên tận bãi dâu ven sông Cái mới tìm được chỗ diều lao xuống. Có khi diều đâm, sạt mái nhà, đổ cả bụi chuối.

Bấy giờ, chỉ trông cái diều dựng ngoài sân tôi đã sờ sợ. Ngỡ như con quái vật ghê gớm chốc nữa bay đâm lên tít mù xa. Tiếng sáo diều văng vẳng liên hồi suốt đêm. Các cụ và trai làng ngồi bên gốc dây bàn tán, đánh cược và cho ngôi thứ, cái diều nào mà tiếng sáo hay thì được đem cãi cọ trước nhất. Gió nho nhỏ, sáo còi lảnh lót trong không. Khi sáo đẩu rền rền, biết là diều sắp lên tới gió trên, tiếng đẩu chuyển gió dưới lên gió trên có êm không. Có gió (trên), sáo chiêng mới lên tiếng và cả bộ ba chiêng, đẩu, còi trong thinh không hòa vào nhau lan ra vang lừng bầu trời. Không trông thấy diều, nhưng biết diều có lên đứng, có giỏi các tiếng sáo mới tròn, diều không chao chát, nghiêng ngả. Giải thi diều chấm ăn thua ở cái điểm tiếng sáo bổng trầm hòa khéo vào nhau như phường bát âm ngồi trên trời.

Một người lực điền vác diều ra giữa cánh đồng, đâm diều lên. Hai bàn tay bác hương Cang thoăn thoắt tháo dây. Nghe chừng diều hết chao, lên cao dần, đến lúc vào gió, mới thong thả cánh tay. Lên đến gió trên thì coi như cái diều oai hùng đứng thảnh thơi một mình giữa trời. Ðến chập tối, cả lũ chúng tôi xúm vào kéo dây đưa diều về đồng cao, người lớn đóng cọc buộc lại cẩn thận, chắc chắn. Ðêm mùa hè sáng trăng. Không nhìn thấy diều, nhưng sáo chiêng rúc đổ hồi tù và, sáo đẩu rền vang, sáo còi lanh lảnh nỉ non thì thành rõ như nức nở trong tai, đêm ngủ còn nằm mơ nghe sáo. Bây giờ cái diều lẫn bóng trăng, cả lũ đố nhau đứa nào nhìn thấy.

Chúng tôi ngồi quanh cọc dây, ngẩng đầu, cố tìm. Chỉ có trẻ con tò mò, còn ông tôi, bác hương Cang và mấy người lớn cởi trần ra, uống rượu. Thức nhắm là một rổ ốc vặn luộc ban trưa lên hồ Tây xúc được một mẻ. Chúng tôi cũng nhể ốc ăn rồi kềnh ra nằm nghe sáo diều, có đứa ngủ trong tiếng sáo ngay trên bãi cỏ. Sáng ra trở dậy, chỉ còn trơ mấy thằng trẻ con lăn lóc. Từ gà gáy, bác hương Cang đã cuộn dây thu diều xuống. Sáng sớm ai nấy lại mỗi người một việc, vào khung cửi, đi chợ. Ðến chiều đem diều ra thả, cuộc chơi lại như đêm qua trong sáng trăng.

Ông tôi và bác hương Cang mất đã lâu. Không còn ai trong làng giỏi chơi diều sáo. Nhưng tôi vẫn nhớ tiếng sáo chiêng, sáo đẩu, sáo còi đổ chiêng, đổ trống, đổ còi vi vu trên cánh đồng giữa ánh trăng.


(Tô Hoài,
Chuyện cũ Hà Nội, nxb. Hà Nội, 2000, tr. 404-409. Nhan đề phần trích tạm đặt.)