“Tuần trăng mật của chúng tôi” tuyệt vời (trừ hôm ghé Phát Diệm tình cờ ngay sau khi bọn phản động vừa bạo loạn). Hóa ra Trung ương cũng không ở đâu thật xa xôi. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, lãnh đạo ta luôn tìm an toàn chủ yếu trong bất ngờ. (TT)



Tố Hữu, “TƯ chẳng ở đâu xa”




Tôi làm việc ở Thanh Hóa lần này chỉ mới bảy tháng, lại được Trung ương gọi ra.

Nghe tin tôi sắp rời tỉnh nhà, chị Hào, Bí thư phụ nữ tỉnh, vừa cười vừa hỏi tôi:

- Anh hai mươi bảy tuổi rồi, sao không lấy vợ đi?

Thú thực lúc đó tôi chưa nghĩ đến việc này vì công việc còn bộn bề quá. Lấy vợ thêm bận bịu. Nhưng nghĩ lại thấy chị ấy nói cũng phải, bèn hỏi:

- Chị có mối nào không đấy?

Chị tủm tỉm:

- Anh thường gặp cô ấy mà không để ý à? Cái Thanh đấy. Nó học ở trường Đồng Khánh về, rất ngoan mà cũng xinh nữa. Nó hoạt động hăng lắm đấy, chịu không?

Tôi nhớ lại mấy lần họp Tỉnh ủy hay họp với Hội Phụ nữ đều thấy cô ấy dự và ngồi gần chỗ tôi. Cô ấy thường rất ít nói, mà nói gì cũng rất ngắn và suy nghĩ chín chắn. Cô có nước da trắng hồng, nghe ai trêu vui thì thẹn đỏ mặt, trông khá tươi. Bèn nói với chị Hào:

- Thế thì chị chắp mối đi. Tôi vụng về lắm, không quen nói chuyện với con gái đâu.

Không biết chị Hào thu xếp thế nào mà chỉ một tuần sau tôi và Thanh gặp được nhau. Tôi còn nhớ nơi chúng tôi gặp nhau là một ngôi nhà cũ đã bị phá theo lệnh tiêu thổ, không còn mái, chỉ còn trơ lại mấy bức tường. Thanh đứng trước tôi, e thẹn, cứ vân vê tà áo không biết nói gì. Với tôi, đây cũng là lần đầu tiên đứng một mình với một người con gái, không phải để nói chuyện công tác, nên lúc đầu cũng hơi lúng túng. Từ khi bước vào tuổi thanh niên theo cách mạng, đã có thời tôi là “chủ trò” rủ các bạn nam nữ đồng lứa đi chơi tập thể trên bãi biển Thuận An hay núi Ngự Bình, cùng nhau đọc thơ, kể chuyện, ca hát. Thời ấy, tôi thường là trung tâm của bạn bè. Cũng có khi tôi nhận ra ánh mắt khác thường của một bạn gái nào đó đang nhìn mình, nhưng lúc ấy, với tôi, tuyên truyền cách mạng là điều lớn lao nhất, nên tôi chẳng quan tâm gì. Nhưng giờ đây, tôi bỗng nhận ra một tình cảm thật lạ đang trào lên trong lòng. Tôi thầm cảm ơn chị Hào đã giúp cho tôi gặp Thanh. Tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh, nói:

- Tôi rất mến Thanh. Không biết ý Thanh thế nào.

Nói xong, tôi tự giận mình: bao nhiêu lời lẽ biến đâu hết mà nói năng quê mùa đến vậy. Thanh đỏ mặt nhìn tôi, hỏi lại:

- Anh nói thế là thế nào?

Tôi bỗng trở nên can đảm:

- Còn thế nào nữa? Ai cũng bảo Thanh và tôi là đẹp đôi đấy. Đồng ý không?

Thanh dường như cũng tự tin hơn:

- Anh liều thật. Lỡ không đồng ý thì sao?

Tôi chẳng nói nữa. Biết là “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, liền cầm lấy tay cô bạn rất lâu trong lòng bàn tay mình và nói như kết luận:

- Thế là xong nhé. Ta tính ngày cưới đi thôi.

Đến đây, Thanh tròn xoe mắt:

- Sao vội thế? Phải có thời gian tìm hiểu đã chứ.

Tôi nói:

- Không cần đâu. Tôi đã biết Thanh từ lâu. Từ khi ở Huế, người ta đã nói với tôi về Thanh rồi. Bảy tháng qua, những lần hội họp, càng hiểu rõ thêm, càng thấy mến. Chẳng phải tìm hiểu nữa.

Thanh không nói gì, chỉ hỏi: “Thế bao giờ ta gặp nhau lại?”. Tôi mừng quá, càng nắm chặt tay cô bạn:

- Chỉ một tháng nữa là anh phải lên Việt Bắc rồi, nhanh lên thôi. Em về huyện thu xếp sớm nhé.

Thanh tỏ vẻ sửng sốt:

- Thu xếp là thế nào? Em đang là Huyện ủy viên, công việc bỏ cho ai? Anh có việc thì cứ đi, chuyện chúng mình để thư thả còn bàn thêm.

Tôi thấy mình hấp tấp quá, bèn dịu giọng, nhưng vẫn nói tới:

- Ấy là anh mong em cùng đi một lần với anh. Thời buổi “kháng chiến trường kỳ” tìm nhau khó lắm. Anh sẽ về gặp ngay Huyện ủy, bàn về công việc của em. Lại còn phải thưa với Tỉnh ủy đàng hoàng chứ, được không?

Thanh gật đầu:

- Thế hôm nào anh về huyện?

- Chừng năm hôm nữa, em về chuẩn bị trước đi thì vừa.

Thế là đúng hẹn, tôi về Hoằng Hóa, gặp các đồng chí Huyện ủy và cả các cô ở Hội Phụ nữ. Ai cũng vui vẻ nói vào: “Chúng tôi nhường cán bộ cốt cán cho anh đấy nhé, nhưng cũng mừng cho hai anh chị, chỉ mong đi xa đừng quên chúng tôi!”. Tôi liền về thăm bà mẹ của Thanh, xin cho phép được làm con rể của bà. Nhờ có chị Nghiên được bà tin cậy, nói giúp nhiều, nên tuy đột ngột, bà cũng ưng thuận cho làm lễ cưới, không phải ăn hỏi gì. Lại do sự sắp xếp của chị Hào, mấy ngày sau, tôi và một số đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy về làng Đạt Tài tổ chức lễ kết hôn. Lúc này vào tháng bảy ta là tháng mưa ngâu năm 1947, mưa rả rích cả ngày. Đến sát ngày cưới, tôi mới nhận ra là mình thiếu một người thay mặt gia đình, bèn chạy ngay xuống chợ Vực mời cụ lang Trường, là cơ sở cách mạng khi tôi còn hoạt động bí mật và coi tôi như người trong nhà. Tôi đèo xe đạp mời cụ thay mặt nhà trai về nhà gái. May có các anh chủ nhiệm Việt Minh, Chủ tịch Ủy ban và các chị ở Hội Phụ nữ Tỉnh về dự nên lễ cưới được tổ chức tuy đơn giản, nhưng trang trọng, cũng có mâm cơm cúng ông bà khá chu đáo. Tôi nhớ mãi hôm ấy, Thanh mặc chiếc áo dài màu xanh lá mạ, không son phấn gì mà nước da trắng hồng, cứ ánh lên, trông rất xinh. Còn tôi thì vẫn cứ bộ ka-ki vàng nhạt “tứ thời” như mọi cán bộ khác, trông khá đứng đắn, nhưng hơi quê (…)

Xong buổi lễ, tôi xin phép đưa Thanh về thị xã Thanh Hóa, rồi về nơi sơ tán. Bây giờ việc đi xe đạp đèo con gái là bình thường. Nhưng hồi ấy con trai mà đèo con gái ngồi trên khung xe đạp chạy giữa thành phố là một điều kỳ dị, huống chi tôi là Bí thư Tỉnh Ủy mà nhiều người biết. Ai trông thấy cũng buồn cười. Nhưng biết làm sao khác. Đành vậy thôi.

Ở với nhau tại nơi sơ tán được một tuần, chúng tôi lên đường ra Việt Bắc. Đi cách nào đây? Cuốc bộ thì xa quá và mệt. Bèn thuê một chiếc thuyền con, mời thêm cả hai ông bạn cùng đi cho vui (…) Thuyền xuôi sông Mã về Nga Sơn rồi sang Phát Diệm. Đêm ấy trăng sáng thật là thơ mộng (…) Chiều hôm sau, chúng tôi lại xuống thuyền ngược dòng sông Đáy suốt đêm, mờ sáng thì đến Hà Đông. Nghỉ một lát, chúng tôi chia tay nhau. Tôi và Thanh xuống thuyền lên Việt Trì và cứ thế ngược sông Lô lên Tuyên Quang. Tuần trăng mật của chúng tôi thế là được lênh đênh trên sông nước (…) được xem cảnh đẹp (…) Những lũy tre xanh, đồi chè, đồi cọ. Thích nhất là được ăn cá tươi của các bè trên sông bán cho, nấu cháo ăn ngon tuyệt.

Trên sông Lô, không khí bình lặng hơn. Buổi sáng, trời vào thu, xanh trong, vài đám mây trắng xốp trôi lãng đãng. Hai bên sông, nhiều khu rừng rậm rạp, lau trổ bông lấp loáng ánh nắng, gợi nhớ câu hát ngày nào:

Anh hùng xưa, nhớ thời niên thiếu,
Dấy binh, lấy lau làm cờ…


Thuyền ghé vào bến Bình Ca. Chúng tôi cảm ơn bác lái rồi lên bờ. Tôi đưa Thanh lên trước, sau đó lần lượt mang xe đạp và hai cái ba-lô lên bến. Từ đây, chúng tôi sẽ cùng hai chiếc ba-lô khá nặng này hành quân bằng chiếc xe đạp mà tỉnh Thanh Hóa cấp cho. Khi thuyền đã rời bến, chỉ còn lại hai chúng tôi đứng trước một cửa rừng um tùm lau tre và những cây cổ thụ rậm rịt. Tôi cảm thấy cuộc đời bắt đầu một thời kỳ mới. Thanh ngơ ngác nhìn xung quanh, ngỡ ngàng, có phần e ngại. Tôi chẳng nói gì, nhưng biết trong lòng Thanh khá ngổn ngang. Mới ở quê nhà, bỗng chốc lên rừng, giữa chốn hoang vu chỉ có đôi vợ chồng trẻ. Cảnh vật heo hút quá. Tôi làm bộ bình thường, bông đùa:

- Bây giờ mới thật là lãng mạn đây, đến tận nơi chứ chẳng phải tưởng tượng như ông Thế Lữ “Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già”.

Thanh hờn dỗi:

- Thế mà cũng cười, trông rừng hoang dại thế này, ghê chết.

Tôi lại ngâm nga:

Đường cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô…


- Thôi anh ơi, liệu mà đi thôi, còn ngâm với nga!

Nghe giọng Thanh, tôi hiểu rằng bây giờ phải vào vai anh chồng nghiêm túc, bèn nói:

- Nói cho em vui vậy thôi, ta cũng phải đi kẻo tối. Nào, ta lên đường!

Tôi nói giọng khỏe re, kỳ thực cũng lo: người và hành lý khá nặng mà sức vóc tôi chẳng lực lưỡng gì (…) Đi một đoạn thì lên dốc, đường hẹp, cỏ mọc um tùm. Tán tre tràn cả ra đường. Trời chưa trưa mà đã nóng toát mồ hôi. Tôi cứ dấn đạp, e đến chiều chưa tới điểm hẹn thì gay.

Xế trưa, thấy một ngôi nhà lá đơn sơ. Mấy người mặc áo chàm ngồi trong quán thấy chúng tôi, liền hỏi:

- Hai anh chị đi đâu đấy?

Tôi hỏi lại:

- Đây là đâu chú?

Một người nói:

- Đây là huyện Sơn Dương, thế các người đi đâu?

- Chúng tôi sang Đại Từ, Thái Nguyên.

Thấy trong người thấm mệt, tôi hỏi:

- Nghe nói đèo Khế gần đây, có xa không chú?

Một người hất hàm về phía trước

- Đi một quãng là đến thôi. Vắt lắm đấy.

Chúng tôi uống bát nước chè rồi lên đường.

Quả nhiên đi vài cây số, nhìn lên thấy một dốc cao, không thể đạp xe lên được. Hai đứa bèn xuống đi bộ. Tôi bảo Thanh đặt ba-lô lên xe để tôi đẩy. Nhìn cô bé mặt đỏ nhừ, mồ hôi ròng ròng mà thương quá. Đèo Khế khá dài, đi mãi mới lên đến đỉnh. Thấy một cây khế to, tôi à lên một tiếng: “Đúng là đèo Khế rồi”, tiếc là không thấy quả nào. Vui miệng hỏi cô em:

- Thèm khế chưa?

Bị nguýt một cái.

- Còn lâu!

Nói cho vui vậy, chứ bụng tôi vẫn lo vì đường còn dài. Dẫu sao đường xuống dốc đi dễ chịu hơn. Xe chạy bon bon, phải vững tay lái lắm mới khỏi ngã. Đến nửa chiều thì xuống đến chân đèo, lại gặp một quán nước, thấy một bà cụ người dân tộc, liền hỏi:

- Mế ơi, đây là Yên Lãng chưa?

Bà cụ cười:

- Đúng rồi đấy.

Chúng tôi ghé vào uống nước, ăn vài quả chuối, rồi hỏi bà cụ:

- Đây lên Quảng Nạp còn xa không mế?

Bà cụ ngẫm nghĩ. Có lẽ vì đây là đất “Ba Không” (không thấy, không nghe, không nói), nên cụ chỉ nói:

- Khắc đi khắc đến.

Biết không thể hỏi thêm, chúng tôi lên xe, tôi dấn đạp nhanh, may ra tới kịp trước khi trời tối. Quả nhiên đến chiều, khi trời còn sáng thì đến một nơi có mấy ngôi nhà trông vẻ như một cái chợ xép. Tôi vào một ngôi lợp cọ còn mới, vách đất còn ướt, có lẽ một trạm gác. Một thanh niên ngồi trên sàn, thấy tôi vào, liền hỏi:

- Anh tìm ai?

Tôi hỏi lại:

- Đây là trạm liên lạc phải không?

Anh ta chăm chú nhìn tôi:

- Có giấy giới thiệu không?

- Có.

Tôi đáp và đưa ra một mảnh giấy có đóng dấu Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Anh ta đọc rất lâu, dường như đánh vần không sót chữ nào, rồi dặn tôi:

- Thôi được, cứ ngồi đây, đừng đi đâu nhé.

Nói xong, anh biến mất vào rừng gần đấy. Nửa giờ sau, anh ta quay lại bảo:

- Anh này theo tôi!

Tôi quay lại cầm tay Thanh định dắt theo, nhưng anh ta liền gạt đi và bảo:

- Không được, một người thôi. Chị này cứ ngồi đợi đấy.

Để Thanh khỏi lo, tôi bảo:

Coi như ở nhà mình vậy. Chẳng sao đây, chốc nữa anh trờ lại.

Tôi theo chú người dân tộc vào một lối rừng rậm. Được một quãng, anh ta dừng lại, bảo tôi:

- Anh lội qua con suối này, đến ngôi nhà bên kia. Tôi đi ra trạm liên lạc đây.

Tôi lội qua suối, vào ngôi nhà tranh vách nứa còn tươi, Lát sau, một người dong dỏng cao, nước da trắng bước vào. Tưởng ai, hóa ra là anh Lê Đức Thọ mà tôi đã gặp ở Hà Nội năm ngoái.


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)