“Năm 1951 là một trong những năm khó khăn nhất ở Nam bộ”. Ở Bắc bộ cũng thế!

Hoan hô tỉnh đội trưởng Huỳnh Văn Nghệ tổ chức đánh kỳ tập thành công và liệt sĩ AHLLVTND Phan Văn Út giết được một tên tướng giặc!

(Thu Tứ)



“Tình hình Nam bộ năm 1951”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp




Ở Nam bộ, từ đầu năm 1951, Đảng ta đã quyết định thành lập Trung ương Cục thay cho Xứ ủy Nam bộ trước đây. Đồng chí Lê Duẩn là Bí thư, đồng chí Lê Đức Thọ là Phó bí thư thường trực. Với địa hình đồng bằng, chằng chịt sông ngòi, nằm trong vòng kiểm soát của quân địch ngay từ thời kỳ đầu chiến tranh, bị phong tỏa chặt chẽ bốn phía, lại xa Trung ương, cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở Nam bộ đã diễn ra trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Gần sáu năm qua, địch đã tập trung mọi cố gắng để đưa Nam bộ trở lại thời kỳ “vàng son” trước kia, nhằm tính chuyện chia cắt lâu dài. Từ khi Đờ Lát sang, tuy có chủ trương tập trung lực lượng đối phó với ta ở miền Bắc, nhưng cùng lúc không hề xao lãng Nam bộ. Những hoạt động bình định còn được tiến hành ráo riết hơn trước.

Tướng Săng-xông (...) quyết tâm đè bẹp phong trào chiến tranh du kích của ta bằng cách đánh không ngừng vào các khu căn cứ, chia cắt lực lượng kháng chiến ở Nam bộ thành hai vùng dọc theo sông Cửu Long. Địch tiếp tục đóng đồn bốt, dựng thêm những tháp canh, dùng tàu, xuồng kiểm soát chặt chẽ mọi tuyến đường giao thông thủy bộ, cô lập hoàn toàn Khu VII, Khu VIII (...) Từ Đồng Tháp Mười lên Chiến khu Đ có khi phải đi mất ba, bốn tháng (...) Những cuộc tiến công liên tiếp (...) buộc cơ quan chỉ đạo và những kho tàng của ta luôn luôn phải di chuyển. Chúng mua chuộc, lôi kéo khối Cao Đài ở Tây Ninh, đồng bào thiểu số ở bắc Biên Hòa và Đồng Tháp Mười. Những hoạt động của địch đã làm chiến trường Nam bộ bị chia cắt manh mún, chỉ đạo, tiếp vận rất khó khăn, nhiều lúc đình trệ.

Đầu năm 1951, Bộ Tư lệnh Nam bộ chủ trương: Chủ động kiềm chế địch trên chiến trường Nam bộ và tiến lên kịp với phong trào toàn quốc. Muốn chủ động kiềm chế địch phải giành giật Khu VIII, tiến công ở Khu VII, giữ vững Khu IX (…)

Thời gian này, Trung tướng Nguyễn Bình trên đường ra Việt Bắc bị địch phục kích và hy sinh tại Cam-pu-chia. Đồng chí Nguyễn Bình vốn là Tư lệnh Chiến khu Đông Triều trước Tổng khởi nghĩa, được Chính phủ điều động vào Nam ngay sau khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Hội nghị quân sự Nam bộ tháng 11 năm 1945 nhất trí cử đồng chí làm Tư lệnh Nam bộ, đồng chí Hoàng Đình Dong làm chính ủy. Đồng chí là một chỉ huy gan dạ, xông xáo, địch rất e ngại.

(Sau khi Trung tướng Nguyễn Bình hy sinh) Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Trung ương Cục, giữ chức Chính ủy kiêm Tư lệnh Nam bộ, đồng chí Dương Quốc Chính là Phó tư lệnh. Tháng 5 năm 1951, Trung ương Cục quyết định chia lại chiến trường Nam bộ, thành lập Phân liên khu miền Đông và Phân liên khu miền Tây, lấy sông Tiền làm ranh giới. Một số tỉnh được sáp nhập lại làm cho các địa phương đều có căn cứ, bàn đạp rộng, hành lang liên hoàn có điều kiện hỗ trợ cho nhau, giảm nhẹ bộ máy cấp tỉnh để tăng cường cho cơ sở. Các đồng chí Trần Văn Trà, Phạm Hùng được phân công làm Tư lệnh và Chính ủy Phân liên khu miền Đông. Các đồng chí Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Văn Vịnh là Tư lệnh và Chính ủy Phân liên khu miền Tây. Những trung đoàn Đồng Nai, Tây Đô v.v. giải thể. Lực lượng vũ trang tổ chức lại theo hướng tiểu đoàn tập trung của phân liên khu và của tỉnh, đại đội độc lập của huyện, thành lập những đội tuyên truyền vũ trang, phát triển chiến tranh du kích xuống từng xã.

Lực lượng vũ trang của ta lập tức phát huy hiệu quả chiến đấu tại Phân liên khu miền Đông.

Tháng 6 và tháng 7 năm 1951, tiểu đoàn 300 và bộ đội Nhà Bè bắn cháy và bắn chìm 42 tàu thuyền địch trên sông rạch, diệt 8 trung đội, 13 tiểu đội. Tổ đặc công của tiểu đoàn 800 đột nhập kho xăng Nhà Bè, do 3 đại đội Âu Phi luân phiên canh gác ngày đêm, dùng mìn điện gây nổ đốt cháy hơn nửa triệu lít xăng. Hai tổ đặc công nước dùng thủy lôi đánh chìm tàu Xanh Lu-béc-bi-ê, chiếc tàu lớn nhất của địch, trên sông Lòng Tàu. Các tiểu đoàn 302, 303 và những đại đội độc lập cơ động đánh địch trên đường số 4, đường 13, đường 2, đường 20 tiêu diệt hàng trăm quân địch, phá hủy nhiều xe cơ giới, diệt tháp canh, đột nhập thị xã, thị trấn phá hoại, tiêu diệt địch từ bên trong. Nổi bật là trận đánh Trảng Bom ngày 20 tháng 7.

Yếu khu Trảng Bom là một căn cứ quân sự quan trọng nằm trên quốc lộ 1, cách thị xã Biên Hòa 20 ki-lô-mét về phía bắc, gồm 1 bốt chính và 10 bốt phụ, do 1 đại đội Âu Phi và một đại đội lính ngụy canh giữ. Đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, tỉnh đội trưởng tỉnh đội Thủ Dầu Một - Biên Hòa trực tiếp tổ chức và chỉ huy trận đánh. 75 chiến sĩ và cán bộ của đại đội 55 tiểu đoàn 303 và đội biệt động Thủ Biên cải trang thành những công nhân cao-su đi làm về, ngồi trên hai xe vận tải. Khi xe đi ngang bốt chính, quân ta nhảy xuống diệt lính gác cổng, rồi xông thằng vào đánh chiếm các lô-cốt, xe bọc thép. Ở những cứ điểm xung quanh, bộ đội địa phương, đội vũ trang tuyên truyền và du kích các huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom nổ súng phối hợp nhịp nhàng theo kế hoạch hiệp đồng. Bị tiến công bất ngờ, bọn địch trong yếu khu không kịp chống trả. Quân ta diệt 50 lính Âu Phi, bắt sống 50 tên khác cùng bọn tề điệp, dùng xe GMC chở toàn bộ chiến lợi phẩm, trong đó có 200 súng các loại, hàng chục tấn dạn được, thực phẩm, đồ dùng quân sự và 5 triệu đồng Đông Dương về căn cứ an toàn.

Ngày 31 tháng 7, đột biệt động Sa Đéc bắt viên tướng Săng-xông, Tư lệnh Nam bộ, phải đền tội trong khi đến thị xã kinh lý.

Cuối tháng 8, quân ta đánh bại cuộc hành quân Gió Lốc (Tourbillon) vào Đồng Tháp Mười. Bộ phận săn tàu của tiểu đoàn 309 dùng ba-dô-ka bắn chìm và cháy 9 tàu, sà-lan. Địch đốt cháy 700 nhà dân. Đêm 4 tháng 9, đội đặc công tỉnh Mỹ Tho đột nhập thị xã Cái Bè, thiêu hủy trên một triệu lít xăng, 1000 tấn đạn, diệt hơn 80 lính Âu Phi (...)

Chiến khu Đ được xây dựng thành căn cứ đứng chân của Trung ương Cục miền Nam.

Tại Phân liên khu miền Tây, trong tháng 5, bộ đội ta mở chiến dịch Sóc Trăng (...) Chiến dịch do đồng chí Nguyễn Chánh, Phó tư lệnh Phân liên khu chỉ huy. Tiểu đoàn 410 sau 3 giờ chiến đấu đã tiêu diệt đồn Xẻo Me, sau đó triển khai đánh quân viện. Buổi sáng, quân viện địch từ thị xã Bạc Liêu tới. Đại bác pháo kích và máy bay thả bom na-pan vào đội hình. Bộ đội ta kiên quyết bám trận địa, tiêu diệt hai trung đội địch, phá hủy bảy xe. 15 giờ chiều, thêm một tiểu đoàn cơ động từ Cần Thơ tới cứu viện. Bộ đội ta chiến đấu dũng cảm dưới hỏa lực phi pháo địch, diệt 50 tên địch, buộc chúng phải rút lui. Đánh điểm và hai lần đánh viện, có ba chục đồng chí hy sinh và bị thương. Ở hướng phụ của chiến dịch, tiểu đoàn 406 đánh lui cuộc càn quét của một tiểu đoàn ngụy, diệt gần 70 tên, bắn rơi một máy bay khu trục. Ta xây dựng lại cơ sở vùng sóc Khơ-me ở hai huyện Thạnh Trị và Vĩnh Châu.

Tuy vậy, đây là thời kỳ đen tối nhất của Phân liên khu miền Tây. Quân địch đã lấn chiếm toàn tỉnh Bến Tre, phần lớn các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, càn quét quyết liệt ở Cần Thơ và Rạch Giá (...)

Năm 1951 là một trong những năm khó khăn nhất ở Nam bộ. Các vùng căn cứ thường xuyên nằm trong tình trạng bị bao vây, chia cắt, phải đối phó với những cuộc càn quét liên tiếp của địch. Quân Pháp chuyển giao các đội quân giáo phái cho bộ tham mưu ngụy để sử dụng vào kế hoạch bình định. Đặc biệt, chúng dùng mọi thủ đoạn bắt đông đảo thanh niên vào lính (...) Nhờ đó, chúng đã bổ sung được những thiếu hụt do phải đưa 7 tiểu đoàn cơ động và 2 cụm pháo từ Nam bộ ra Bắc hồi đầu năm.

Cách điều chỉnh lại chiến trường và lực lượng đã giúp Nam bộ đi đúng hướng, cầm chân vững chắc 20% lực lượng địch trên chiến trường Đông Dương.


(Hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)