“Tăng Bạt Hổ”

Đặng Quý Địch





Tăng Bạt Hổ tên thật là Tăng Doãn Văn (…) sanh năm 1858 tại làng An Thường huyện Bồng Sơn phủ Hoài Nhơn tỉnh Bình Ðịnh (...) võ giỏi (...) Năm 18 tuổi đầu quân (...) thăng đến cai cơ (...)

Ngày 23-5-1885, kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị ban chiếu Cần Vương. Ðược tin này, ông cùng một số đồng chí (...) kéo lên nguồn Kim Sơn (nay thuộc quận Hoài Ân) chiêu mộ nghĩa binh lập chiến khu chống Pháp (...) bắt liên lạc với (...) Bùi Ðiền lúc bấy giờ đang lập chiến khu trong núi Chóp Chài (Phù Mỹ) (...)

Tháng 8 năm 1886 (...) Nguyễn Thân (...) kéo quân vào Bình Ðịnh (...) trú quân tại đồn Lại Giang (...) Dò được tin này, ông (...) mật ước với (...) Bùi Ðiền cùng đem binh đang đêm tấn công vào đồn Lại Giang. Nhưng rủi thay, Bùi Ðiền lại lầm tưởng Lại Giang ra Lộc Giang nên đúng ngày giờ ước hẹn Bùi Ðiền đem quân đánh đồn Lộc Giang (nay thuộc xã Ân Tường) (...) còn ông đột kích Lại Giang. Bởi lực lượng phân tán nên hai cánh quân đều thất bại (...) ông bị mấy vết thương (...) phải trốn tránh nay làng này mai làng khác (...) Mãi đến 5 tháng sau, các vết thương mới lành. Bấy giờ (...) lực lượng đã tan rã từ lâu (...) ông nghĩ chỉ còn cách cầu viện nước ngoài (…)

Tháng giêng 1887 ông cùng một số đồng chí lên Tây Nguyên để tìm đường sang Xiêm. Khi ông vừa tới đèo Dốc Ðót (giáp giới An Khê), thì gặp một con cọp đứng chận giữa đường, mấy người theo ông ai cũng run như cầy sấy. Ông không một chút sợ hãi, hướng vào cọp bình thản nói: “Này chúa sơn lâm! Tôi đi đây là vì đại nghĩa chứ chẳng phải làm việc riêng tư. Xin ông tránh sang một bên để kẻ vong quốc này lên đường cho sớm” (...) Cọp (...) tránh (...) cho ông và các bạn qua đèo. Từ đó, ông hay được gọi Tăng Bạt Hổ. Lên tới Tây Nguyên, ông một mình ông vượt biên giới sang Lào rồi qua Xiêm. Nước Xiêm thời bấy giờ tuy tránh được cảnh chiến tranh nhưng cũng đang bị (...) Anh và Pháp dòm ngó. Từ năm 1855 trở lại, vương triều Prajadhipok phải ký biết bao nhiêu hiệp ước bất bình đẳng với Anh, Pháp và các nước Tây phương khác mới được yên thân (...) Xiêm giữ mình còn e chưa nổi thì sức đâu mà giúp nước ta. Tuy vậy chuyến đi này đã mang đến cho ông và cho cách mạng Việt Nam một kết quả không ngờ. Số là những ngày lưu lạc trên đất Xiêm, ông đã đến thăm đồng bào ta đang làm ăn trong hai tỉnh U Đông và Khô Rạt (...) đem tình cảnh bi đát của nước nhà mà thuật cho họ nghe (...) ai cũng căm thù giặc Pháp (...) Thấy tinh thần yêu nước của Việt kiều khá cao, ông nảy ra ý định kết nạp họ thành những tổ chức hoạt động cho cách mạng. Nhờ có các cơ sở này mà sau đó, những nhà ái quốc nước ta sang Xiêm được kiều bào giúp đỡ tận tình (...)

Mấy tháng sau, ông rời Xiêm qua Tàu (...) đi khắp hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây để tìm đồng chí. Khi nghe tin Lưu Vĩnh Phúc (viên chủ tướng Cờ Ðen, người đã thắng trận Ô Cầu Giấy, giết được đại tá Henri Rivière) hiện đang ở Ðài Loan, ông tìm đến gặp Lưu định nhờ Lưu giúp cho mượn binh. Rủi thay, Ðài Loan vừa bị Nhật chiếm, quân Cờ Ðen tứ tán, Lưu bơ vơ (...)

Không thể cầu viện Trung Hoa vì quốc gia này đang bị liệt cường xâu xé, ông thấy chỉ còn có Nhật Bản có thể giúp (…) bèn sang đó (...) học tiếng Nhật, rồi đội tên Nhật xin đăng vào hải quân (...)

Tăng Bạt Hổ (...) chiến đấu đặc biệt xuất sắc ở Ðài Liên và Lữ Thuận trong cuộc Nhật - Nga chiến tranh xảy ra từ tháng 2 năm 1904 (…) Ngày ăn mừng chiến thắng Lữ Thuận, ông được ban thưởng huy chương và được dự yến do Minh Trị Thiên Hoàng thết đãi (…) Nhật Hoàng tự tay ban cho ông một chung ngự tửu. Ông tiếp lấy uống cạn rồi bỗng ôm mặt khóc òa lên. Mọi người kinh ngạc, vây lấy ông mà hỏi nguyên nhân, ông ấm ức bày tỏ nỗi lòng:

“Tôi không phải người Nhật mà là người vong mạng Việt Nam, được bệ hạ tin dùng. Nay thấy quí quốc thắng Nga một cách vẻ vang làm giống da vàng cũng được hãnh diện lây, tôi nghĩ đến tình cảnh nước tôi nên không cầm được giọt lệ. Biết bao giờ nước tôi mới mở được một bữa tiệc như vầy!”

Nhật Hoàng không tiếc lời khen ngợi tấm lòng ái quốc của ông.(1) Từ đó, ông không còn ở trong quân ngũ nữa mà nghiễm nhiên trở thành một chính khách Việt Nam hoạt động bên cạnh chính phủ Nhật. Các chính khách thời danh của Nhật như Khuyển Dưỡng Nghị, Ðại Ôi Trọng Tín đã dành cho ông nhiều cảm tình đặc biệt. Nhân đó ông ngỏ ý muốn cầu viện Nhật nhưng bấy giờ Nhật còn phải đương đầu với Nga, chưa rảnh tay nghĩ đến chuyện Ðông Nam Á. Khuyển Dưỡng Nghị và Ðại Ôi Trọng Tín khuyên ông nên nghĩ đến việc tự cường. Nhưng muốn tự cường, trước phải lo đào tạo nhân tài, họ đề nghị ông nên về nước phát động một phong trào Ðông Du, đưa thanh niên sang Nhật cầu học. Hai ông còn hứa giúp đỡ du học sinh Việt Nam trong thời gian ở trên đất Nhật. Thấy lời khuyên hữu lý, ông về nước (…)

Tăng Bạt Hổ gặp Phan Bội Châu trong cuộc họp khoáng đại của Nghĩa Ðảng tại Quảng Nam vào hạ tuần tháng 10 năm 1904. Trong chuyến sang Nhật đầu tiên vào tháng giêng năm 1905, Phan Bội Châu đã nhờ ông hướng đạo. Tháng chạp năm này, ông lại từ Nhật về nước mang theo bài “Khuyến thanh niên du học” của Phan Bội Châu (...) liên lạc với các nhà ái quốc ở Bắc xúc tiến việc thành lập Ðông Kinh Nghĩa Thục. Mùa đông năm 1908 (…) từ Bắc vào Trung vận động Ðông Du (…) Ðến Huế thì mắc bệnh (…) nửa tháng sau qua đời.


(Lộc Xuyên Ðặng Quý Ðịch,
Nhân vật Bình Ðịnh)















____________
(1) Ông Phương Hữu, trong cuốn
Phong trào Ðại Ðông du, có dẫn một đoạn thơ diễn việc nhà ái quốc Tăng Bạt Hổ khóc ở Nhật như sau:

“Thân phiêu bạt đã đành vô lại
Bấy nhiêu năm Thượng Hải Hoành Tân
Chinh Nga nhân buổi hoàn quân
Tủi mình bô bá theo chân khải hoàn!
Nâng chén rượu ban ơn hạ tiệp
Gạt hàng châu khép nép quỳ tâu...
Trời Nam mù mịt ngàn dâu
Gió thu như thổi dạ sầu năm canh!...”