Ðọc Bình Nguyên Lộc, biết me hay mưa cắc cớ ("Những hàng me Sài Gòn"). Ðọc Vương Hồng Sển, biết thứ mưa đó có tên là “mưa me”. Cây me biết mưa, còn cây điệp thì biết múa mỗi khi gió dậy! Ðiệu “múa nhảy giao liên, ba đào sóng bổ (...) nên thơ” của những nhánh cây, gọi thử là múa điệp. Tác giả Sài Gòn tạp pín lù khiêm tốn: “... Mấy hàng lỗ mỗ không cần lưu tâm đến”. Ậy, không đọc sách ông, làm sao biết có múa điệp, mưa me. (Thu Tứ)



Vương Hồng Sển, “Cây lề đường Sài Gòn”



Ban đầu (...) trồng xoài, tiện lợi là xoài cho trái, sanh hoa lợi (...) lúc ấy (...) chỉ có xe (...) ngựa (...) trẻ nít ra lộ lượm xoài có thể tránh xe dễ, sau này xe ô-tô thường cán trẻ lượm vì xe chạy quá mau (...) nên đốn xoài, trồng me (vẫn chưa bỏ hoa lợi nhỏ nhặt) nhưng lá me đọng nước, gọi mưa me, tạnh đã lâu mà khách qua đường vẫn ướt đầu ướt áo, bèn thay me và chọn cây dầu, lá lớn, dễ quét hốt, và chọn cây sao, lá bền và gỗ, khi cây lớn nếu đốn sẽ dùng làm ván cầu và sườn rui tiện lợi. Cây điệp, bông đỏ rất đẹp, lá cọng dài tủa ra hai bên như đuôi phụng, nên cũng gọi cây phượng vĩ, điệp gỗ quá giòn, nhánh thường gãy khi có gió lớn, và nay trồng cây điệp Tây, có khi cũng gọi cây ô môi, và vẫn còn trong vòng lẩn quẩn, vì lá nhỏ chứa nước mưa như me, thêm nhiều sâu bọ (...)

Sau (...) 30-4-1975 (...) nhà nước có sáng kiến trồng nhiều cây dầu gió (eucalyptol), cây nầy tiết ra chất dầu thơm nhẹ (...)

(...) đường Ðinh Tiên Hoàng, khúc Văn khoa Ðại học cũ, hai hàng cây (me) (...) chết khô, sở trồng tỉa sai búa rìu đến chặt hạ (...) hóa ra cảnh hoang vu bơ phờ y như có một luồng gió bão thổi qua (...)

(...) đại lộ nay mang tên ông Tôn Ðức Thắng, trước đây (...) cây hai bên lề vẫn trồng điệp ta xen kẽ với điệp Tây, qua mùa trổ hoa, bông trổ nhúm đỏ liên kề nhúm vàng, và khi có gió dậy, nhánh cây múa nhảy giao liên, ba đào sóng bổ (...) cảnh ấy đã mất phần nên thơ, khi có cây nào chết, nay thay thế thấy cây dái ngựa, cây hàm bà lằng bất chấp mọc thế nào, cũng xong. Cây dái ngựa, gốc to, mau lớn, lá xanh tươi tốt, như sao sến, là cây nên trồng theo lề đường vậy. Mấy hàng lỗ mỗ không cần lưu tâm đến.


(
Sài Gòn tạp pín lù, nxb. Hội Nhà Văn, 1992, tr. 67-72. Nhan đề phần trích tạm đặt.)