Xuân là chính ủy một trung đoàn phòng không. Xuân vừa đi họp xa, đang trên đường trở về đơn vị. Vài cảnh Xuân trông thấy dọc đường:

“Khi người ấy đến bên xe, giơ cái đèn lên thì Xuân mới thấy đó là một cô gái trạc mười chín, hai mươi tuổi. Cô ta đeo một khẩu súng trường bên vai, mũi súng chúc xuống đất, ánh đèn làm cho đôi má non mịn của cô thêm đỏ hồng lên dưới vành nón đang rỏ nước mưa ròng ròng”. Cách mạng phục hồi truyền thống “đàn bà cũng đánh” của văn hóa dân tộc.

“... một cái làng bị tàn phá. Những tàu cau cháy đen rũ xuống quăn queo. Một vài mảnh tường gạch còn sót lại đứng nham nhở giữa những mảnh chum vại, những đám ngói vụn ngổn ngang đầy mặt đất. Bốn bề (...) những hố bom sâu hoắm”. Cái làng này rất có thể đã bị giặc Pháp tàn phá. Nó đã sống lại. Nó sẽ sống lại.

“... mấy mẹ con một người đàn bà đi sơ tán (...) chị ta bế một đứa bé chừng một tuổi ngủ trên tay, ba đứa trẻ nữa khoảng lên năm lên bảy (...) đang buồn ngủ quá, chúng nó cứ nằm rũ xuống cạnh đôi thúng, mặc cho người mẹ luôn mồm gọi: - Khánh kìa, dậy đi. Kìa chị Khánh đánh thức hai em đi chứ, phà sắp đến rồi kìa (...) Phà đã cặp bờ (...) người mẹ càng cuống quít (...) - Dậy các con ơi!”. “Chị Khánh” còn bé quá, nhưng chắc chắn chỉ ít lâu nữa sẽ trở thành một “người chị Việt Nam” điển hình giúp mẹ đắc lực, có khi thay hẳn mẹ. “- Thôi để chúng tôi bế các cháu đỡ cho. Bọn Xuân xúm cả lại”. Tình đồng bào ấm quá.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vào lửa (1)



(…)

- Nghe nói chiều nay Long bị thương phải không anh?

- Ờ, hình như K4 bị trúng tên lửa bun-púp của nó. Anh em nhà mình vừa chân ướt chân ráo đến nhận trận địa đêm hôm kia, hai ngày nay nó quần luôn mấy trận, nhưng nó vẫn không ném trúng được cái cầu, chắc còn lắm chuyện với nó.

- Phải hạ luôn tại chỗ một thằng, chúng nó mới kinh anh ạ!

- Nhất định thế rồi. Nhưng không phải dễ ăn. Nhiệm vụ cái cụm cao xạ chỗ này gay đấy.

- Báo cáo chính ủy, anh em lâu nay quen đi cơ động, phục kích địch, bây giờ về đánh ở chỗ cố định, chắc cũng có lúng túng.

- Ờ, có lẽ. Còn xem đã, Đức ạ, có lẽ cậu về đơn vị bây giờ đúng lúc. K6 vừa được thay hai khẩu pháo mới nguyên. Mình cảm thấy có một số vấn đề ở cụm pháo này. Có cái gì đấy, cho nên đánh chưa tốt lắm. Đơn vị bạn ở đây trước cũng gặp nhiều khó khăn, mà hồi ấy nó đánh ít hơn (…)

Chính ủy Xuân vẫn còn tư lự với những ý nghĩ lo lắng thầm về cụm cao xạ ở đầu cái cầu xi-măng bên ngã ba sông ấy. Lúc chiều nay, nghe Phong, chính trị viên cụm, báo cáo qua dây nói thì thấy (…) có vẻ lo ngại về tình hình bộ đội mệt mỏi. Đúng là các đơn vị trước khi về cụm này đều đã chiến đấu liền suốt mấy tháng rồi. Nhưng có đúng vấn đề ở chỗ ấy không? Có phải vì bộ đội mệt mà đánh mấy trận vừa rồi kém không? (…) Hay là tại một khuyết điểm gì của chỉ huy? (…) Hồi thằng Mỹ mới “leo thang” ra Miền Bắc, Xuân cũng đã băn khoăn không hiểu là với các thứ súng cao xạ cỡ nhỏ (…) mình sẽ làm thế nào hạ những thứ máy bay phản lực bay nhanh hơn tiếng động? Nhưng rồi trung đoàn đã chiến đấu trong đủ mọi tình huống, và đã hạ đủ loại máy bay kiểu mới nhất của Mỹ (…) Thật ra thì đến bây giờ mình vẫn là vừa đánh nhau mà vừa học thôi. Nhưng phải làm sao cho những bài học này đỡ tốn máu nhất!... Xuân cảm thấy một cơn bải hoải kéo đến làm cho đầu óc anh choáng váng và chân tay anh rã ra. “Mấy tháng nay mình thiếu ngủ quá! Dù sao cũng đã bắt đầu thấy thấm cái tuổi và đủ các thứ bệnh trong phủ tạng từ những năm đánh Tây lần trước!” (…)

*

Gần đến phà thì trời đổ mưa to. Trong cơn mưa ào ào mù mịt, chiếc xe con cứ len lỏi qua những đoàn ô-tô vận tải cồng kềnh mà vượt lên. Đến lúc xe chạm mũi vào chiếc cần dài chắn ngang thì bọn Xuân mới trông thấy ánh đèn dầu vàng nhòe trong một túp nhà lá bên cạnh đường.

- Xe nào đấy?

- Xe phòng không. Các đồng chí cho ra phà.

- Chờ đã.

Một người nhỏ nhắn đội nón khoác mảnh áo mưa, từ trong túp lều xách cái đèn đi ra. Khi người ấy đến bên xe, giơ cái đèn lên thì Xuân mới thấy đó là một cô gái trạc mười chín, hai mươi tuổi. Cô ta đeo một khẩu súng trường bên vai, mũi súng chúc xuống đất, ánh đèn làm cho đôi má non mịn của cô thêm đỏ hồng lên dưới vành nón đang rỏ nước mưa ròng ròng. Hòa nhanh nhảu:

- Đây giấy “yêu tiên”, chị cho chúng tôi sang ngay nhé.

Cô gái liếc qua tấm thẻ “hỏa tốc” rồi ngước đôi mắt nhìn một lượt mấy anh bộ đội trong xe.

- Các đồng chí đi nhanh thì vừa kịp ghép vào chuyến phà này đấy. Đến chỗ nhiều hố bom, các anh đi vòng theo bên trái, đường lở nhiều, các anh cẩn thận, vừa có một xe đổ ở chỗ ấy xong.

Cô gái lùi lại, ấn cho chiếc cần dài nhấc bổng lên. Xe vụt qua, Xuân ngoái đầu lại còn thấy bóng cô vẫn đứng bên đường, nhòa đi trong mưa.

Quảng đường ra bến phà khó đi quá. Nó lượn ngoằn ngoèo giữa những hố bom, khắp bốn bên không còn cây cỏ gì nữa, chi lổn nhổn những đất vụn, và vẫn những hố bom mãi. Mặt đường đã bị cày nát ra thành bùn nhão. Họ đi qua bên chiếc xe cam-nhông mới bị lật nghiêng ngay bên đường. Năm sáu đồng chí công an và dân quân đang hì hục cùng anh lái khuân những kiện hàng trong xe ra. Chiếc com-măng-ca cứ gầm máy, ngập bánh trong bùn mà bò chậm như rùa.

Mưa vẫn đổ ào ào nhưng lúc này lại đỡ tối hơn, một chút ánh sáng bàng bạc lan dần, là là mặt đất. Có lẽ trăng cuối tháng lên, sau những đám mây đang tan. Trong ánh sáng mờ, họ nhận ra một cái làng bị tàn phá. Những tàu cau cháy đen rũ xuống quăn queo. Một vài mảnh tường gạch còn sót lại đứng nham nhở giữa những mảnh chum vại, những đám ngói vụn ngổn ngang đầy mặt đất. Bốn bề vẫn chỉ thấy những hố bom sâu hoắm. Cái cảnh man rợ làm cho mọi người đều nín lặng. Chị Lích khẽ thở dài một tiếng.

Chao ôi, những lũy tre hiền hậu của quê hương! Những xóm làng Việt Nam đã bao lần cháy rụi rồi lại gây dựng nên, bị triệt hạ hết lại mọc lên! Mỗi nền nhà nhào lẫn với bao nhiêu mảnh sắt, mỗi lớp cây trồng trên bao nhiêu lớp tro bụi! Trong khoảnh khắc, những hình ảnh từ rất lâu bỗng dồn dập trong trí nhớ của Xuân… Mấy thửa ruộng lúa bỏ thối, cái đêm trăng lạnh ngắt ở chân đồn Thu Cúc năm bốn mươi bảy… và cái bản bỏ hoang ngập cỏ đến lút đầu người mà khi Xuân đi qua vẫn thấy thoang thoảng mùi hoa cam vắng vẻ, cái hương thơm ấy cứ phảng phất mãi trong trí nhớ của Xuân cho đến tận bây giờ!... Dân mình thật đã nếm trải đủ thứ cay cực!

Tiếng chị Lích hỏi:

- Anh Viên này, đám ba đứa trẻ nhà vợ chồng Hiệu ấy bây giờ ai nuôi nhỉ?

- À, mấy hôm mới bị bom còn rối bời lên, ban quản trị hợp tác gởi tạm ba đứa cho bà Quế hàng xóm. Bà Quế đang nuôi con nhỏ, thành ra cho con bé gái ấy nó bú ghẹ được. Bây giờ thì đã có ba đồng chí mình nhận nuôi mỗi nhà một cháu rồi. Bữa chia mấy đứa trẻ tôi có đấy, tội nghiệp thằng bé lớn cứ khóc lăn ra không chịu rời hai em nó, nhưng biết làm thế nào! Chỉ có con bé con thì chưa biết gì cả, cứ toét miệng cười. Nó kháu đáo để, bà Lích nhá (…)

Đã đến bờ sông. Những cơn mưa như trút lúc này tạnh hẳn. Trên không trung vòm mây đã vén ra vài khoảng trời lấp lánh sao. Gió thổi mạnh, dòng sông ì oạp vỗ sóng trong bóng tối. Từ bờ bên kia sông vẳng sang tiếng một chiếc ô-tô đang rú lẫn với những tiếng xoèn xoẹt xẻ gỗ, tiếng tràng đục gõ chí chát ở một xưởng mộc nào (…)

Chị Lích ngồi bên vệ đường nói chuyện với mấy mẹ con một người đàn bà đi sơ tán. Người đàn bà dáng còn trẻ, chị ta bế một đứa bé chừng một tuổi ngủ trên tay, ba đứa trẻ nữa khoảng lên năm lên bảy, sàn sàn nhau trứng gà trứng vịt, đang buồn ngủ quá, chúng nó cứ nằm rũ xuống cạnh đôi thúng, mặc cho người mẹ luôn mồm gọi:

- Khánh kìa, dậy đi. Kìa chị Khánh đánh thức hai em đi chứ, phà sắp đến rồi kìa.

- Chị đưa các cháu đi đâu mà có một mình thế?

- Em đưa chúng nó về gửi mẹ em đấy, chị ạ. Nhà mẹ em ở bên kia sông, đi vào ít nữa thôi. Ở đây kín đáo, em cho mấy đứa này ở với bà ngoại cho đến bao giờ đánh Mỹ xong hẵng hay. Chỉ có con bé này còn trứng nước quá, không thì em cũng gửi luôn bà cháu cả thể. Bây giờ đi làm mà để mấy đứa bé ở nhà với nhau, nó không đành được.

- Thế anh chị làm việc ở đâu?

- Vợ chồng em cùng làm ở sở nông cụ Quyết Tiến. Nhà em là bộ đội phục viên chị ạ. Anh ấy xin tái ngũ đi được hơn tháng rồi. Lúc anh ấy nộp đơn xin đi, chỉ lo về các cháu thôi. Anh ấy ở nhà tháng được sáu chục, cộng với lương em vợ chồng được hơn một trăm thì nuôi các cháu tạm đủ, bây giờ còn năm mẹ con có hơn bốn chục thì thiếu. Nhưng rồi vợ chồng bàn nhau, nghĩ cũng chính vì mấy đứa con mà anh ấy đi bộ đội lần nữa. Kia, phà đến rồi, con Khánh dậy đi.

Chiếc phà từ giữa dòng sông đang đè sóng lõm bõm tiến vào. Mấy đứa trẻ vẫn ngủ ríu vào nhau. Chị Lích khẽ vuốt tóc chúng nó, và ôm lấy một đứa, bế lên.

Phà đã cặp bờ. Trong lúc ô-tô lên xuống huyên náo, người mẹ càng cuống quít lay mấy đứa trẻ.

- Dậy các con ơi!

- Thôi để chúng tôi bế các cháu đỡ cho.

Bọn Xuân xúm cả lại, người thì gánh hộ cái thúng, người thì bế hộ một đứa bé. Người mẹ xuýt xoa:

- May quá, không có các đồng chí thì em chẳng biết làm thế nào. Con Khánh tỉnh rồi thì đứng xuống đi con!

Nhưng đứa bé gái cứ ôm chặt lấy cổ Xuân, nép đầu vào vai anh. Xuân cười với chị Lích:

- Lâu lắm tôi mới lại ẵm trẻ con.

Anh ôm cái Khánh bước xuống phà, hơi người của đứa bé ấm rực cả một bên ngực anh.

Những anh công nhân phà cởi trần trùng trục bắt đầu kéo dây, cái phà nhả bờ, từ từ ra giữa sông. Nước chảy xiết, rào rào đập vào mạn phà làm cho nó như đứng ì lại, không nhúc nhích lên được nữa mặc dù mọi người đi xe đều bắt tay vào kéo đỡ. Nửa đùa nửa thật, Viên nói lên mối lo thầm của tất cả xung quanh:

- Hầy, đang thế này mà Giôn-xơn nó đến thì mới rắc rối!

Hai anh công nhân đứng gần Xuân thở phì phò, vừa kéo dây vừa luôn tay gạt mồ hôi trên mặt.

- Này, mày có để ý cái xe bộ đội qua ban nãy không? Có thấy gì đặc biệt không? Có mấy o văn công đấy.

- Sao mày không bảo ngay lúc bấy giờ? Tao biết thì thế nào cũng yêu cầu hát một bài mới cho sang phà chứ!

Xuân mỉm cười nghe hai anh chàng thở hổn hển vẫn tán gẫu với nhau.

Một hồi kẻng báo động nổi lên phía xa.

- Anh em mau tay lên! Có máy bay thì các đồng chí đi phà nằm cả xuống không ai được nhốn nháo.

Đồng chí chỉ huy phà cất tiếng sang sảng và lên đạn khẩu súng trường đánh rốp. Trên phà im lặng hẳn, chỉ còn tiếng thở dồn dập, tiếng dây cáp chuyển răng rắc. Cái phà nặng nề vượt qua những xoáy nước giữa dòng và lừ lừ vào gần bờ. Những hồi kẻng, hồi trống báo động dây chuyền cứ gần lại mãi rồi một hồi kẻng bật lên keng keng, ngay phía trạm kiểm soát trên bờ. Mọi người hồi hộp nhìn cái bãi cát trước mặt cứ nhích dần lại gần! Thoát rồi! Chỉ còn dăm sải nước nữa.

Tiếng máy bay xoẹt đến làm cho mọi người nhảy tóe xuống nước. Tiếng đồng chí chỉ huy phà quát:

- Lao cầu! Ô-tô lên đi. Anh em cứ bình tĩnh. Ô-tô lên đi!

Trên bờ, mấy khẩu súng trường đã lóp đóp nổ. Xuân vẫn ôm cái Khánh trước ngực, lội lên bãi, anh nghe rõ tiếng trống ngực của đứa bé đập thon thót.

- Bé không sợ. Không việc gì nhé.

Vòng tay của đứa bé ghì chặt thêm lấy cổ Xuân. Chị Lích và Đức cũng mỗi người bế một đứa bé lội ì ọp đằng sau. Tất cả cái bãi sông bỗng vàng khè lên, Xuân thấy rõ bóng anh ôm đứa bé in lên mặt cát. Lại luôn một chùm pháo sáng nữa. Xuân ngoái lại:

- Chị đưa cháu đây cho tôi.

- Không sao…

Tiếng máy bay sà thấp xuống, rú lên như xé tai. Một khẩu trung liên bên bờ sông nổ liên hồi. Xuân ôm đứa bé chạy men theo bờ sông dựng đứng, anh thấy rõ những tia lửa rốc-két lòe ra. Và tiếng rít như còi của những quả bom đang lao xuống.

- Nó qua đầu mình rồi!

Xuân dừng lại chờ chị Lích và bế thốc lấy đứa bé trên tay chị.

Anh nhìn quanh tìm chỗ nấp và gọi về đằng sau:

- Chạy tản ra! Trên này có lạch rất tốt!

Mặt đất giật nảy lên vì những tiếng nổ ùng ùng bên kia sông. Họ ùa vào một cái lạch xâm xấp nước. Càng đi sâu vào, hai bờ lạch càng cao lên ngập đầu người.

- Ở đây thì yên trí rồi!

Đức cũng vừa đến nơi, anh trao đứa bé cho chị Lích rồi quay vụt trở lại, đón Viên và người mẹ còn lạch bạch đằng sau. Lại một tràng bom nổ trên bờ bên kia sông. Những cột lửa đỏ bầm bùng tóe lên. Hai chiếc máy bay đã vòng lại. Khẩu trung liên bên bờ lại bắn, những tiếng đạn nổ ròn toang toác. Tiếng máy bay rít lao xuống đầu họ mỗi lúc một gần. Xuân ôm choàng hai đứa bé vào lòng, anh cúi gập người che cho chúng nó. Tuy biết rằng cái lạch sâu này rất tốt, trừ phi bom lại rơi trúng vào giữa lạch, nhưng Xuân vẫn thấy trống ngực thắt lại vì hồi hộp. Chẳng lẽ mình lại chết một cách dấm dớ ở chỗ này!

Những tiếng bom hú dài. Xuân nắm vai chị Lích còn lom khom ôm đứa bé, ấn mạnh xuống và hét:

- Cúi xuống!

Vừa vặn lúc ấy Đức dắt hai mẹ con người đàn bà hớt hải vào đến nơi. Mắt họ lóa lên vì lửa chớp, tai họ ù đi chỉ nghe thấy ục khẽ như tiếng vồ nện, dưới chân họ chao đi như đưa võng, những cục đất trên bờ lạch rơi lục cục xuống khắp chung quanh họ, và cả trên đầu, trên lưng họ.

Sau tràng bom này, bọn địch bay đi thẳng. Trong mấy phút, quãng sông im bặt một cách lạ lùng. Họ vẫn còn nín lặng nghe ngóng. Xuân bỗng nhận thấy hơi thở của chị Lích và đứa bé phả vào gáy anh nóng hổi và chị đang nắm chặt tay anh từ lúc nào. Anh khẽ nói:

- Nó cút rồi đấy!

Phía bến phà, bỗng bật lên mấy tiếng còi ô-tô. Và họ nghe rõ tiếng cậu Hòa gọi đằng xa:

- Anh Xuân ơi! Anh Xuân ơi!