“Huế tháng Tám” là lịch sử được thơ lên đích đáng.

Gặp Bác: Trong
Hồi ký song đôi, Huy Cận kể có lần sau khi đi thực tế ở vùng mỏ than về, được gặp Hồ Chủ tịch, Người có cầm tay bảo nửa đùa nửa thật là để xem xem có vết chai nào không. Bất cứ ai sắp được diện kiến cũng phải chuẩn bị bị kiểm tra!

Gặp Nguyễn Tuân: Đó là một Nguyễn Tuân đã gần giác ngộ. “Chính những thái độ ưu ái, cởi mở ấy của anh Tố Hữu và anh Trần Huy Liệu là yếu tố thêm vào cho mình dứt khoát đi với cách mạng” (
NT - Người đi tìm cái đẹp). Hội ngộ Thủy Tạ giúp một người hoàn tất cải tạo tư tưởng mình.

Giữ gìn dấu xưa: Không phải chỉ những cái có liên hệ với anh hùng, danh nhân mới cần được bảo tồn, mà tất cả mọi cái có giá trị biểu dương văn hóa truyền thống đều cần được bảo tồn. Tất cả là bằng chứng về trình độ tiến hóa rất cao của dân tộc. Mất bằng chứng văn hóa mình, con cháu ta sẽ hoang mang, dao động khi tiếp xúc với các nền văn hóa khác.

(Thu Tứ)



Tố Hữu, “Huế tháng 8 - Giữ dấu xưa”




Những ngày tháng sau đó, cả tỉnh Thừa Thiên và riêng thành phố Huế, không khí cách mạng càng sôi nổi náo nhiệt (…) Trên đường phố cũng như ở chợ búa, bến sông, người ta nhìn nhau có vẻ thân quen, ai cũng gọi nhau là đồng bào (…) Hai tiếng “đồng bào” lúc này quá đỗi thiêng liêng (…) Cả mấy tháng liền, ở Huế có tục mới rất vui: cứ 12 giờ trưa thì kéo còi lên inh ỏi. Mọi người đang đi liền dừng lại, đứng nghiêm, giơ tay lên chào. Coi tiếng còi như tiếng gọi của hồn nước, rất đỗi thiêng liêng (…)

Có lẽ bài “Huế tháng Tám” của tôi phản ánh khá trung thực tình cảm của đồng bào mình lúc đó (…)

Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi
Cổ ta réo trăm trận cười, trận khóc!
Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc
Hả hê chưa, ai dám bịt mồm ta?
Ta hát huyên thiên, ta chạy khắp nhà
Ai dám cấm ta say, say thần thánh?
Ngực lép suốt bao năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi
Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ
Gió gió ơi! hãy làm giông làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi!
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác
Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc
Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!
(…)

Ngày 30 tháng 8 năm 1945, chúng tôi họp Xứ ủy toàn Trung kỳ, cử ra Xứ ủy và Ban Thường vụ với đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Ủy viên Trung ương mới từ Hội nghị Tân Trào về, làm Bí thư. Tôi làm phó Bí thư thường trực (…)

Đầu tháng 10 năm 1945, tôi được điện Trung ương gọi ra Hà Nội (…) Tôi đến Bắc bộ phủ, anh Vũ Đình Huỳnh đưa tôi lên mấy bực thềm và nói nhỏ vào tai: “Anh lên gặp Hồ Chủ tịch đấy!”. Tôi vô cùng xúc động, chưa biết gặp cụ sẽ thế nào?

Đến cửa phòng nhìn vào, thấy một ông chưa già lắm, trán cao, mái tóc muối tiêu, có chòm râu thưa, đang ngồi ở bàn, đọc gì đấy.

Anh Vũ Đình Huỳnh nói nhỏ nhẹ: “Thưa Cụ, anh Tố Hữu đến đấy ạ”. Cụ nhìn thấy tôi, vẫy tay gọi đến gần và hỏi: “Chú ra đấy à?”.

Tôi: “Dạ”.

Cụ hỏi: “Chú ra bằng gì?”.

Tôi thưa: “Dạ, bằng ô-tô”.

- Ô-tô của ai?

- Dạ thưa, ô-tô của mình…

Cụ nhìn tôi, có vẻ ngạc nhiên, hỏi lại:

- Của mình, là của ai?

- Dạ của cơ quan ạ.

Cụ cười:

- Nhớ nhé, ô-tô của cơ quan, chứ không phải của các quan đâu đấy!

(…) Cụ nói tiếp:

- Bây giờ Đảng cầm quyền, có nhà cao cửa rộng, có ô-tô sang trọng, dễ lên mặt “quan” lắm. Xe của cơ quan là để đi làm việc công, không phải để các chú đi chơi mang cả quan ông, quan bà, quan cô, quan cậu, thế là hỏng đấy.

Tôi thưa nhỏ:

- Dạ, bọn tôi đâu dám làm bậy.

Cụ hỏi:

- Các chú ăn ở nơi đâu?

Tôi liền đáp:

- Dạ, lúc đầu ở tòa Khâm - tòa Khâm sứ ấy mà - to đẹp lắm. Bọn quan Tây sang trọng thế nào không rõ, nhưng bọn anh em chúng tôi thì cũng như dân mình thôi, chỉ có thêm đôi dép đi cho tử tế.

- Thế các chú ăn gì?

- Dạ, sáng nào cũng một bát cháo hoa với đĩa cà muối gọi là ăn điểm tâm. Đến trưa thì ăn cơm độn khoai, sắn, một đĩa rau muống luộc, một bát nước mắm. Có khi thêm một đĩa cá kho mặn hoặc tép khô; buổi chiều cũng thức ăn như thế (…)

Cụ lại hỏi:

- Thế dân sống thế nào?

Tôi thưa:

- (…) Lương thực trong tỉnh gần như đã cạn. Chúng tôi đã phát động trồng rau màu khắp nơi.

Cụ hỏi ngay:

- Khắp nơi là thế nào? Huế có nhiều vườn hoa cũng phá à?

- Dạ, những vườn hoa thì phải giữ cho đẹp thành phố, còn các bãi cỏ trước cửa Ngọ Môn và trong thành đều trồng khoai sắn xanh um, dưới hào vây quanh thành thì thả rau muống bè. Ở các huyện cũng đều làm như vậy vì lúc này sắp vào mùa mưa lạnh rồi, không trồng lúa được.

- Thế các chú có chống giặc dốt không?

- Dạ có. Khắp nơi đều mở lớp “bình dân học vụ”, xóa nạn mù chữ cho mọi người, chẳng những các cháu nhỏ mà nhiều người lớn tuổi cũng theo học chăm chỉ. Ở đâu cũng nêu khẩu hiệu: “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ”. Quang cảnh tối nào, nhà nào cũng có đèn dầu cho mọi người học, rất vui.

- Thế các chú có tập quân sự không?

- Dạ phong trào dân quân tự vệ khá rầm rộ. Thanh niên trai gái và cả người đứng tuổi đều tự nguyện vào các đội tự vệ, cầm gậy gộc sắp hàng đi răm rắp. Chúng tôi nói cho đồng bào hiểu phải luôn cảnh giác đề phòng giặc Pháp trở lại. Có cụ già rất hăng hái, liền nói: Bọn hắn trở lại thì phải đập chết đi chớ. Chẳng lẽ để mất nước, làm nô lệ một lần nữa à?

Nghe đến đó, Cụ tủm tỉm cười.

- Dân mình tốt thiệt.

Đột nhiên Cụ hỏi:

- Nghe nói các chú hay cãi nhau, mất đoàn kết lắm hả?

Tôi thưa thật:

- Hồi ở trong tù, đôi lúc cũng tranh luận với nhau chuyện này chuyện khác, ý kiến không giống nhau (…) Song ra khỏi tù, ai cũng tập trung cho khởi nghĩa, đều đoàn kết với nhau làm việc nên không khí trong nội bộ đều vui vẻ cả (…)

Tôi nói đến đấy, Cụ trầm ngâm, nói:

- Bây giờ bọn Pháp dựa vào quân Anh đang trở lại xâm lược nước ta ở Nam bộ và đang cố đánh ra các tỉnh ở phía nam Trung bộ. Cuộc chiến đấu của chúng ta chắc còn lâu dài. Không thể coi thường. Song nếu biết giữ vững đoàn kết nội bộ, gần gũi, động viên nhân dân hăng hái cứu nước thì chúng ta sẽ giữ vững được độc lập. Đừng để bọn phản động quấy rối nội bộ, chia rẽ đồng bào ta như chúng đang phá phách ngoài này. Chú nhờ mấy điều Bác dặn, về nói lại với anh em, nghe!

Tôi chào Cụ và xin phép ra về (...) Những vấn đề Cụ nói đều rất lớn, nhưng giọng vẫn ôn tồn nghe như lời cha dặn con, không có gì là mệnh lệnh. Nhưng thấy Cụ quá gầy, trong bụng tôi cũng rất lo. Ấn tượng sâu sắc trong tôi là đôi mắt rất tinh anh và giọng nói hiền từ (...)

Một tháng sau, anh Hoàng Quốc Việt vào Huế, cùng anh Thanh và tôi ở chung một nhà. Chắc là Bác và Thường vụ Trung ương có ý theo dõi sát tình hình công tác và nội bộ xem có thật sự đoàn kết không (...)

Ở Huế gần một năm sau khởi nghĩa thì tôi được Trung ương gọi ra Hà Nội, giao cho làm công tác văn hóa, lúc này chưa có ai chuyên trách (...) Tôi phải tìm mọi cách làm quen với các nhà văn và nghệ sĩ nổi tiếng ở Hà Thành (...) Anh Hoài Thanh tôi đã quen ở Huế (...) cho tôi biết người có lẽ khó gặp nhất là ông Nguyễn Tuân (...) Anh chỉ cho tôi nơi anh Tuân hay đến. Đó là nhà Thủy Tạ ở Bờ Hồ. Thế là một buổi sáng, tôi tìm đến nơi ấy, thấy một người đứng tuổi, trán cao với đôi mắt tinh nhanh, đang ngồi trầm ngâm trước bàn với một ly cà-phê. Tôi đến gần, ngồi ghế bên cạnh và lên tiếng trước:

- Chào anh Nguyễn Tuân!

Anh ngẩng đầu lên, nhìn tôi một thoáng, có vẻ ngạc nhiên và trả lời khá lịch sự:

- Vâng, tôi là Nguyễn Tuân đây. Xin lỗi, tôi được nói chuyện với ai đây?

Tôi cười vui, xởi lởi:

- Anh thì ai cũng biết. Còn tôi thì làm sao anh biết được. Tôi là Tố Hữu, cán bộ Việt Minh, cái tên tôi không có ý nghĩa gì với anh đâu. Tôi muốn gặp anh, và nếu được làm quen với anh thì hay lắm.

Anh Tuân không nói gì, nhưng có vẻ ngẫm nghĩ, rồi nói có vẻ hài hước:

- Thế là ta quen nhau rồi đấy. Nhưng tôi chưa hiểu anh định nói điều gì vậy?

Lúc này tôi thấy nên nói thẳng ý nghĩ của mình:

- Tôi nghe anh em nói: Tuy Cách mạng tháng Tám đã thành công rồi mà hình như anh vẫn còn buồn, còn cảm thấy “thiếu quê hương” như anh đã viết.

Anh ta gật gật đầu, cười tủm tỉm.

- Cũng có đấy. Nhưng làm gì bây giờ?

Tôi liền nói:

- Thôi anh Tuân ơi, bây giờ nước mình giành được độc lập rồi, đâu còn “thiếu quê hương” nữa. Biết bao nhiêu việc đang cần người như anh. Bây giờ ở miền Nam, bọn Tây đã khởi sự đánh nhau với ta, muốn chiếm nước ta một lần nữa. Ga Hà Nội ngày nào cũng rầm rập những chuyến tàu đưa quân Nam tiến để đánh nhau với chúng. Nếu anh thích đến những vùng chiến sự xem đồng bào và bộ đội mình chiến đấu như thế nào, tôi nghĩ rất nên.

Đến đây thì anh Nguyễn “ồ” lên một tiếng:

- Nên đến lắm chứ! Để biết bộ mặt bọn giặc thế nào và dân mình chiến đấu ra sao. Nhưng tôi không có cách nào đi được.

Tôi liền nói:

- Không khó gì đâu. Chúng tôi tổ chức cho anh và các anh em khác vào đó. Nếu các anh muốn, chính phủ mình có ô-tô đấy. Vài ba chiếc thì không khó. Thế bao giờ anh định đi?

Anh nói:

- Càng nhanh càng tốt.

Tôi hẹn anh:

- Thế thì tuần sau nhé? Tôi đến đây và đưa anh và các anh em khác đi.

Thế là đúng một tuần sau, anh Tuân cùng anh Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Đỗ Cung và một số anh khác lên ô-tô vào miền Trung, có ghé qua Huế, rồi đi vào vùng Phú Yên. Tôi báo cáo việc này với các anh ở Trung ương và Hội Văn hóa Cứu quốc. Ai cũng nói: Anh làm được thế là tốt đấy. Lúc này, các anh ấy có đi vào Nam mới hiểu được lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của đồng bào và chiến sĩ. Muốn sáng tác hay, thì phải hiểu thực tế.

Lúc này ở Hà Nội tình hình rất phức tạp. Bọn Quốc dân đảng, Việt Cách, dựa vào quân Tưởng “Hoa quân nhập Việt” giành giật chính quyền với ta. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Trung ương, chính phủ ta đối phó rất kiên quyết và cũng khá mềm dẻo nên vẫn giữ vững được tình hình, chủ động mua thời gian để chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu lâu dài không thể tránh. Quả nhiên, sau khi quân Tưởng rút đi thì bọn thực dân Pháp ngày càng láo xược, hung hăng khiêu khích. Kháng chiến đang sắp bắt đầu. Trung ương bảo tôi phải về ngay Thanh Hóa là nơi tôi từng làm bí thư trong 3 năm, với chỉ thị: tích cực tổ chức để Thanh Hóa cùng Nghệ Tĩnh trở thành một vùng hậu cứ cung cấp lương thực và nhân lực cho trường kỳ kháng chiến. Tỉnh Thanh Hóa cũng là nơi nhiều người trí thức vào đó làm việc một thời gian.

Thế là cuối tháng 11 năm 1946, tôi lại trở về Thanh Hóa làm bí thư, cùng anh Đặng Thai Mai làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính (…)

Vì đã qua những năm hoạt động bí mật, tôi hiểu tâm lý của người dân, nhất là ở nông thôn, rất kính trọng người già. Nếu các cụ không vui lòng thì rất khó tổ chức thanh niên, nhất là phụ nữ. Vì thế cuộc họp đầu tiên là mời các vị phụ lão tiêu biểu ở các huyện, xã, trình bày với các cụ tình hình đất nước và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng, đề nghị các cụ động viên con cháu (...) Các cụ được Tỉnh ủy mời đến với thái độ trọng thị nên rất vui lòng (...) Thế là từ đó thanh niên kể cả phụ nữ được vào tổ chức và hoạt động rất thoải mái, làm được việc gì tốt đến báo cáo hết với các cụ, nên không khí ở các làng xóm rất vui.

Riêng đối với nhân sĩ, trí thức ở địa phương, và nhất là ở Hà Nội vào, anh Đặng Thai Mai cùng chúng tôi tổ chức hội thảo, bàn mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Hội thảo đã có nhiều ý kiến hay giúp Tỉnh ủy lãnh đạo thiết thực và hiệu quả hơn. Tôi nhớ một ý kiến rất quan trọng của một vị: Thanh Hóa cùng Nghệ An là một vùng có truyền thống chống ngoại xâm rất lâu dài, có nhiều di tích, di sản về những anh hùng, danh nhân tiêu biểu cho tài năng, trí tuệ của cả dân tộc, kháng chiến cần phải hết sức tránh gây thiệt hại đến những dấu xưa quý giá ấy . Đó là cụ Nguyễn Đình Ngân, vốn là học giả nổi tiếng phụ trách tàng thư ở kinh đô Huế (...)

Lúc này, có một số văn nghệ sĩ Hà Nội sơ tán về Thanh Hóa: Nguyễn Tuân, Phạm Văn Đôn, Sỹ Ngọc, Nguyễn Thị Kim, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Xuân Sanh, Chu Ngọc v.v. Chúng tôi bàn với nhau phương hướng sáng tác. Để có quỹ, anh chị em tổ chức mấy đêm: nói chuyện, ngâm thơ, ca nhạc có bán vé rẻ. Các họa sĩ thì ra vườn hoa vẽ chân dung (...) Ít lâu sau, từ Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh ra thêm các anh Hải Triều, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên v.v. Hầu hết văn nghệ sĩ đều tập trung về làng Quần Tín, Thọ Xuân. Tại đây, họ mở lớp dạy cho những anh chị em trẻ. Nhờ đó có những tài năng mới nhanh chóng trưởng thành như Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung...


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)