Trọng tâm của kế hoạch Rơ-ve là “phát triển quân ngụy, dùng quân ngụy làm nhiệm vụ bình định, tập trung quân Âu Phi để tổ chức lực lượng cơ động”. Đây là chính sách cực kỳ nguy hiểm.

Ngụy quyền là sáng kiến tuyệt vời của đế quốc. Trước tiên, ngụy quyền giúp giảm khí thế của kháng chiến, vì một số người Việt Nam sẽ hoặc do ngây thơ hoặc do tư lợi hoặc do có liên hệ với ngụy quyền hoặc do “chống cộng” mà theo ngụy quyền hay không tham gia kháng chiến. Thứ hai, ngụy quyền dùng ngụy binh theo giặc đàn áp kháng chiến và làm công tác bình định những vùng giặc vừa càn quét. Thứ ba, ngụy quyền giúp giặc cai trị những vùng tạm chiếm.

Kháng chiến càng mạnh thì ngụy quyền càng được đế quốc xây cho cái vỏ “độc lập” đẹp hơn và ngụy binh càng được đông hơn và trang bị tốt hơn, để giúp đế quốc đàn áp kháng chiến hiệu quả hơn. Vì kháng chiến thời Pháp thuộc rất yếu nên triều đình Huế lồ lộ vẻ bù nhìn và quân triều đình Huế sức mạnh không đáng kể. Vì kháng chiến sau Cách mạng tháng Tám ngày càng mạnh, nên ngụy quyền thời sau ngày càng có cái vẻ “độc lập” hơn và ngụy binh cũng ngày càng nguy hiểm hơn.

Do giặc chiếm những vùng phì nhiêu nhất và đông dân nhất, đối phó với ngụy quyền không đơn giản chút nào. Kháng chiến nghèo, chỉ có thể hứa hẹn xã hội sẽ tốt đẹp hơn, thậm chí phải bắt đầu tiến hành những cải cách có khi quá độ.


Tình hình trong nửa sau năm 1951 thật là căng: về quân sự, ta chưa tìm ra cách vừa tiêu diệt được nhiều sinh lực địch vừa tránh được thiệt hại nặng cho quân chủ lực ta; về chính trị, ta cũng chưa có cách hóa giải ngón đòn độc dùng ngụy quyền của giặc.

May quá, Đờ Lát bỗng dưng hiến cho kháng chiến một cơ hội bằng vàng!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Thách thức và cơ hội”



Từ trung tuần tháng 9 năm 1950 đến trung tuần tháng 5 năm 1951, ta đã mở liên tiếp bốn chiến dịch lớn huy động từ hai đến ba đại đoàn, có những đại đoàn, trung đoàn tham dự liền ba chiến dịch, riêng 308 có mặt trong suốt bốn chiến dịch (…) Chúng ta đã chuyển sang thời kỳ vận động đánh lớn (…)

Trong ba chiến dịch Trần Hưng Đạo (trung du), Hoàng Hoa Thám (đông bắc), Quang Trung (nam đồng bằng) (…) Tổng cộng, chúng ta đã loại khỏi vòng chiến chừng 10.000 quân địch (khoảng một nửa là quân cơ động), thu một số lượng quan trọng vũ khí và trang bị kỹ thuật. Các trận đánh vận động ở Liễn Sơn, Xuân Trạch, Thanh Vân, Đạo Tú (chiến dịch THĐ), trận tiêu diệt cứ điểm Bí Chợ (chiến dịch HHT), trận tiêu diệt cứ điểm Non Nước (chiến dịch QT)… đã nói lên một bước trưởng thành của bộ đội trong tác chiến trên địa hình trung du và đồng bằng. Nhưng, nổi cộm lên là thất bại của những trận đánh điểm Bãi Thảo, Bến Tắm, Chùa Cao, bộ đội phần lớn thương vong vì pháo bắn chặn từ xa của địch.

Có những vấn đề đã khiến tôi băn khoăn từ khi kết thúc chiến dịch Trần Hưng Đạo, tới chiến dịch Quang Trung đã trở thành một thử thách lớn.

Đờ Lát không chỉ vực dậy một bước tinh thần quân đội viễn chinh với những lời động viên mà còn giành được lòng tin của quân lính vì biết tập trung lực lượng nhanh chóng vào những điểm nóng, biết chấp nhận những thiệt hại nhỏ, kiên quyết khước từ giao chiến với ta khi không gặp điều kiện thuận lợi. Đờ Lát đã phát huy tối đa sức mạnh của những vũ khí, kỹ thuật hiện đại để ngăn chặn ta trong đánh vận động cũng như trong đánh điểm. Và không phải chỉ có chừng ấy. Trong hoàn cảnh lúng túng của chính quyền Pháp, với uy tín cá nhân và những kinh nghiệm dày dạn của mình, viên tướng năm sao này đang thực thi tất cả những điểm trong kế hoạch Rơ-ve trước đây, một kế hoạch được ta đánh giá là thực tế và nguy hiểm (…)

Đồng bằng Bắc bộ sẽ nhanh chóng rắn lại. Tình hình sau đây sẽ ra sao khi đại bộ phận quân chủ lực của ta đã rút đi?...

Những vấn đề mới đã đặt ra trước chúng ta.

*

Năm 1951 là năm nhiều thiên tai, hạn hán, lũ lụt lớn, cả nước đều mất mùa (...)

Đế quốc Pháp là một thực dân cáo già (...) triệt để khai thác một nhược điểm cơ bản của ta là về mặt kinh tế, tài chính không có nguồn hỗ trợ nào từ bên ngoài. Chúng tập trung làm hai việc: triệt nguồn lương thực và phá giá đồng bạc Việt Nam.

Pháp nhanh chóng tái chiếm châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng, là nơi tập trung nguồn nhân lực và lương thực của nước ta. Chúng bịt tất cả những con đường vận chuyển thóc lúa từ vùng bị tạm chiếm ra vùng tự do. Ở nhiều nơi, sau vụ gặt, chúng bắt đồng bào tập trung thóc tại một chỗ do chúng kiểm soát, và phát lại hàng ngày theo nhu cầu của từng gia đình. Trong những cuộc càn quét, chúng coi trọng việc phá hoại các phương tiện sản xuất, mùa màng, thóc lúa cũng như săn lùng Việt Minh. Chúng đánh giá bắn được một con trâu như diệt được hai du kích! Thóc lúa, hoa màu tìm được đều bị đốt hoặc đổ xuống sông. Chúng dùng đại bác, máy bay bắn phá trên những cánh đồng, cản trở nhân dân sản xuất, và dùng xe bọc thép lội nước chà trên ruộng lúa đang lên đòng. Dã man hơn, chúng ném bom phá hoại các đập nước Thác Huống, Bái Thượng, Phong Lạc, Bàn Thạch, Đô Lương làm cho trên 200.000 héc-ta ruộng đồng bị khô cạn. Trong năm 1951, chúng lập “vành đai trắng” ở nhiều vùng trung du và đồng bằng, rộng từ 5 tới 10 ki-lô-mét, biến hàng chục vạn héc-ta đất canh tác màu mỡ thành những vùng đất hoang hóa.

Đồng bạc Việt Nam bị đánh phá bằng rất nhiều thủ đoạn (...) chủ yếu là bằng tiền giả (...) Chúng in tiền giả dễ dàng trong khi việc in tiền của ta giữa thời chiến gặp nhiều khó khăn (...) Đồng tiến của ta trong những năm 50, 51 mất giá rất nhanh (...)

Tình hình này ảnh hưởng trực tiếp đến sức chiến đấu của bộ đội (...)

Ngày 15 tháng 7 năm 1951, Chính phủ ban hành sắc lệnh (...) thuế nông nghiệp thu bằng thóc (...) Từ cuối năm 1951, thuế nông nghiệp (...) bảo đảm nhu cầu lương thực cho bộ đội (...)

Cũng trong năm 1951, Chính phủ ban hành chính sách thuế công thương nghiệp, và phát hành tờ giấy bạc “Ngân hàng Việt Nam” (...) Tờ bạc mới của ta in ở Trung Quốc (...)

Từ giữa năm 1951, các cơ quan đã xúc tiến mạnh mẽ công tác tinh giản biên chế để tiết kiệm ngân sách (...) đưa số người dư thừa cho lực lượng chiến đấu, sản xuất (...)

*

Kết thúc chiến dịch Quang Trung, anh Nguyễn Chí Thanh bàn với tôi, cần tổ chức một đợt chỉnh huấn (...) Trọng tâm (...) nhắm vào cán bộ (...)

Công tác huấn luyện quân sự, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội ngay từ đầu chiến tranh đã được hết sức coi trọng (...) Sau mỗi mùa khô chiến đấu bao giờ cũng là một đợt huấn luyện về quân sự. Lần này đợt huấn luyện diễn ra khá dài ngày. Lần này đợt huấn luyện diễn ra khá dài ngày, từ tháng 6 tới giữa tháng 11 năm 1951 mới kết thúc (...)

*

Ngay sau khi trở lại Việt Nam (y đã đem xác con tử trận về Pháp), Đờ Lát khẩn trương tiếp tục những nước cờ thực hiện mưu đồ “Việt Nam hóa” chiến tranh (...)

Cuộc đàm phán đình chiến ở Triều Tiên vừa bắt đầu đã mang lại cho Đờ Lát một mối lo (Trung Quốc sẽ có điều kiện để giúp quân kháng chiến ở Đông Dương) (...) Đờ Lát đặt nhiều tin tưởng vào tuyến phòng thủ boong-ke (1) quanh đồng bằng (...) nhưng công trình này đến cuối năm mới có thể hoàn thành (...) cần phải nhanh chóng hơn trong vấn đề lập lại an ninh ở đồng bằng Bắc bộ cũng như những vùng tạm chiếm khác trên cả nước (...)

Ở Bắc bộ, trong tháng 7 và tháng 8 năm 1951, địch càn hàng trăm lần vào vùng du kích và vùng vành đai trắng. Nhưng điều đáng chú ý không phải là số lượng mà là quy mô và phương thức tiến hành những trận càn. Chúng bắt đầu kết hợp chặt chẽ sức mạnh vũ khí, kỹ thuật, những binh chủng hợp thành, khả năng di động nhanh của những binh đoàn cơ động với những thủ đoạn chính trị xảo quyệt của bộ máy ngụy quyền nhằm chia rẽ dân tộc, mua chuộc đồng bào, cô lập triệt để tiến tới loại trừ những lực lượng kháng chiến (...) Vùng du kích bị thu hẹp khá nhiều. Phong trào kháng chiến ở địch hậu giảm sút rõ rệt (...)

Trước tình hình khó khăn ở địch hậu, Tổng quân ủy đề nghị với Trung ương cho mở một chiến dịch nhỏ ở hướng tây bắc (...) Ngày 11-9-1951, Bộ Chính trị ra chỉ thị mở chiến dịch Lý Thường Kiệt (...) Hướng chính là phân khu Nghĩa Lộ. Lực lượng sử dụng là Đại đoàn 312, một liên đội sơn pháo 75 ly, hai đội công binh cùng với bộ đội địa phương các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang (...) Bộ tư lệnh 312 được Tổng quân ủy trao trách nhiệm điều hành chiến dịch (...) Chiến dịch Lý Thường Kiệt thất bại. Ta diệt và bắt khoảng 500 quân địch, không rõ số bị thương, nhưng lực lượng ta tiêu hao rất nhiều: 253 hy sinh, 964 bị thương, 87 mất tích. Anh Lê Trọng Tấn tự nhận là lần đầu chỉ đạo một chiến dịch nên có nhiều sai sót (...) Tôi hỏi kỹ (...) Anh Tấn cho rằng việc di chuyển bộ đội quá chậm nên địch đã biết và chuẩn bị đối phó (...) Tây Bắc là địa hình rừng núi, nhưng trong thực tế bộ đội đã đánh nhau với quân dù trên đồng ruộng (cánh đồng Nghĩa Lộ) ban ngày như ở chiến dịch Trung Du (...) Và khi chiến dịch kéo dài, tiếp tế cho bộ đội (...) vẫn là vấn đề nan giải (...)

*

Nhìn chung cả nước (2), trong nửa cuối năm 1951, địch đã giành thắng lợi lớn trên mặt trận địch hậu, một thắng lợi mà chúng chưa hề giành được những năm trước đó.

Tuy nhiên, địch không khắc phục được nhược điểm cơ bản của một đội quân xâm lược (là phần lớn quân phải phân tán làm nhiệm vụ chiếm đóng) (…) chỉ dành được 41 tiểu đoàn cho khối cơ động chiến lược và chiến thuật, riêng khối cơ động chiến lược chỉ có 21 tiểu đoàn (…) Chúng ta vẫn có thể (…) giành thắng lợi trên chiến trường chính. Chỗ mạnh của ta là hoàn toàn chủ động tiến hành những trận đánh do ta chọn lựa.

Mở một chiến dịch lớn thu hút được nhiều binh đoàn cơ động của địch là cách tốt nhất để cứu vãn tình hình xấu đi ở địch hậu (…) Nhưng Đông Xuân này (1951-1952) nên mở chiến dịch ở đâu?

Tôi trao đổi với đồng chí Vi Quốc Thanh về phương hướng mở chiến dịch Đông Xuân (…) Tôi nói: “… Đánh nhỏ bộ đội ít tiêu hao, nhưng không tạo được tình hình biến chuyển trong giai đoạn mới”. Đồng chí Vi cân nhắc rồi nói: “Tôi sắp về Bắc Kinh họp. Chắc lần này Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có ý kiến góp với các đồng chí Việt Nam”. Ít lâu sau (…) ta nhận được thư của đồng chí La Quý Ba khuyên với tình hình hiện nay, tốt nhất là Việt Nam quay về với chiến tranh du kích (…) Tôi nghĩ nhiệm vụ của bộ đội chủ lực lúc này là phải chứng minh được chúng ta có thể chiến thắng trong vận động đánh lớn (…)

*

Trung tuần tháng 10 năm 1951, anh Hoàng Văn Thái báo cáo với Tổng Quân ủy về dự kiến kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1951-1952 của Bộ Tổng tham mưu (…) Hướng mở chiến dịch được lựa chọn là hữu ngạn Liên khu III. Khó khăn của hướng này vẫn là vấn đề tiếp tế, địa hình có nhiều sông ngòi chia cắt và nhiều cánh đồng chiêm. Nhưng thuận lợi là địch tương đối yếu, xa các căn cứ chính (…) Bộ Tổng tham mưu đề nghị lực lượng sử dụng là 4 đại đoàn (…) Tổng Quân ủy đi tới quyết định sử dụng nhiều lực lượng cùng lúc hoạt động trên nhiều chiến trường (với) hữu ngạn Liên khu III là hướng chính, lực lượng sử dụng đông hơn những hướng khác. Căn cứ vào quyết định của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến (…) Các hướng sẽ bắt đầu hoạt động từ trung tuần tháng 12 năm 1951, đến trung tuần tháng 1 năm 1952 sẽ rút về (…)

Công việc đã triển khai nhưng tôi vẫn rất phân vân (…) Lực lượng ta trải ra quá rộng mà không có trọng điểm (…) ít có khả năng tiêu diệt được nhiều sinh lực địch (…) Sự có mặt của chủ lực có thể làm cho phong trào chiến tranh du kích rộ lên nhất thời. Nhưng sau khi chủ lực rút thì phong trào sẽ lại lắng xuống. Vì kẻ địch co cụm lại để né tránh chủ lực ta một thời gian sẽ tỏa ra đàn áp, khống chế quần chúng. Lực lượng địch đang không ngừng phát triển. Ta không thể vực lại phong trào đấu tranh ở địch hậu nếu không tiêu diệt được một số sinh lực địch đáng kể. Tình hình sẽ ra sao nếu trong cả mùa khô này, sáu đại đoàn chủ lực của ta không giành được một chiến thắng nào tạo nên sự biến chuyển mới!

Nhưng đã sang tháng Mười Một. Ta buộc phải thực hiện phương án này trong khi chưa tìm được một phương án tốt hơn (…)

Giữa lúc đó, chúng tôi được tin Pháp vừa tung ra một cuộc hành binh rất lớn đánh chiếm thị xã Hòa Bình và đường số 6.

Đờ Lát đã chủ động tiến công ta trong mùa khô này.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 742-769)




_________
(1) Mỗi boong-ke là một “khối bê-tông cốt thép đồ sộ, nằm chỉ hơi nhô lên khỏi mặt đất, đủ sức chịu đựng mọi hỏa lực công phá của ta”.
(2) Đại tướng đã trình bày tình hình ở Trung và Nam bộ, nhưng chúng tôi không đăng lại ở đây mà sẽ đăng riêng kỳ sau.