Khơ-me Đỏ chẳng những xua quân qua thảm sát dân ta mà còn ra tay giết hàng triệu chính đồng bào mình. Việc ta giúp nhân dân Cam Pu Chia lật đổ và trừ khử Khơ-me Đỏ vừa là hành động tự vệ chính đáng vừa có ý nghĩa nhân đạo to lớn.

“Núi Cao Mê Lai là trung tâm sốt rét của vùng biên giới Thái - K (...) Đường vào (...) có tượng một con voi quay... đuôi (...) Dân K kể rằng (...) do voi sống trong Cao Mê Lai chịu không nổi bỏ chạy ra nên có tượng đó” (trang
quansuvn.net).

Sau chiến tranh, Thái Bá Y đã ở lại Cam Pu Chia. Tháng 4-2016, chúng tôi có được gặp anh trong chuyến thăm Trường Sa. Người bộ đội năm xưa vẫn xúc động nhiều khi nhắc lại chuyện cũ.

(Thu Tứ)



Thái Bá Y, “Mùa khô Cao Mê Lai”




Cao Mê Lai điệp trùng núi thấp cao
Đường hành quân gập ghềnh bao trắc trở
Mùa thu về rừng không còn lá đổ
Đất khô cằn dã thú trụi cả lông
Cao Mê Lai tìm chẳng thấy dòng sông
Con suối nhỏ mùa khô không còn nước
Năm lít nước cho mười ngày chiến dịch
Thẻ lương khô từng nấc bẻ chia nhau...

Thằng bạn thân giờ đã vào lòng đất
Mai tao về bè bạn hỏi mày đâu?
Cao Mê Lai rừng lắm muỗi sừng trâu
Đến cả voi cũng bỏ núi quay đầu
Và cọp dữ cũng tìm đường đào thoát
Mai rút rồi, nên canh thâu trằn trọc
Bỏ thằng Thu nằm lại quá buồn rầu
Mới hôm qua tao mày còn chiến đấu
Thôi tao về, mày ở lại... về sau.(1)


Cao Mê Lai
Ngày 5 tháng 5 năm 1985







_____________
(1) “Về sau”: ý nói khi hài cốt được chiêu tập.