Về nạn đói Ất Dậu, “Nguyên nhân sâu xa nhất, như cả tư liệu lẫn lời các nhân chứng cho thấy, là âm mưu vô cùng thâm độc của phát-xít Nhật và tay sai thực dân Pháp muốn tiêu diệt (đông đảo) người Việt Nam bằng nạn đói để dân tộc ta không còn sức lực chống lại chúng”.(1)

Trong tội ác khổng lồ này, Nhật là chính phạm, Pháp là tòng phạm. Không có ý tự diệt chủng nhưng vì lòng tham mà đóng góp vào tội ác là một số quan lại, chức dịch, thương gia Việt Nam.

Ngoan ngoãn ngồi làm “tượng gỗ” cho Pháp suốt bao nhiêu năm, Bảo Đại mà không thoái vị thì còn trời đất gì nữa! Hơn nữa, nếu cho cai trị nước Việt Nam độc lập thì khi giặc tái xâm lược, người chỉ quen làm tượng sẽ chống xâm lược ra sao?!!!

Việt Minh lãnh đạo vừa là lẽ công bằng vừa là hy vọng duy nhất cho sự tồn tại của đất nước.

(Thu Tứ)

(1)
Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – những chứng tích lịch sử, Văn Tạo và Furuta Motoo (chủ biên), nxb. Khoa Học Xã Hội, 2005.



Tố Hữu, “Tượng xuống, người lên”




Tình hình cách mạng ngày càng khẩn trương. Chúng tôi được triệu tập dự hội nghị Xứ ủy Bắc kỳ mở rộng. Sau đó, chúng tôi họp cả ba tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, lập thành một chiến khu, gọi là Hòa Ninh Thanh, rồi đổi là Quang Trung để giữ bí mật. Chúng tôi ra báo Khởi nghĩa để động viên phong trào, do tôi chủ biên, được phát đi cả ba tỉnh, về các làng xã, nên phong trào quần chúng càng sôi động (...)

Không may, một hôm có bọn lính Nhật vào làng Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan. Đội tự vệ ta ra chặn đường; đồng chí Trần Kiên, Khu ủy viên, cũng chạy đến, bị chúng bắn chết. Anh là một cán bộ quân sự nòng cốt, sự hy sinh của anh là một tổn thất lớn cho chiến khu mới.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Trung ương ra lệnh cho các địa phương chuẩn bị huy động quần chúng nổi dậy. Lúc này từ Nghệ Tĩnh trở ra, đồng bào ta rất đói. Lúa bị giặc Nhật vơ vét sạch, tích trữ vào các kho lớn, làm lương thực cho lính Nhật. Tình trạng đói ngày càng lan rộng và trở nên trầm trọng đến mức ngô, khoai, sắn cũng không còn để ăn. Người chết đói la liệt, có làng biển như Diêm Phố ở Hậu Lộc làm nghề đánh cá có tám, chín ngàn dân mà chết đến sáu, bảy ngàn chẳng ai chôn! Người ta kéo nhau lên rừng Hà Trung, Thạch Thành đào củ, hái rau má, rút cuộc cũng hết sạch. Đói quá, họ phải ăn củ chuối, bã nâu, đập vách lấy trấu rang làm thính ăn rất xót ruột. Đến bây giờ, tôi còn nhớ cái cảnh thương tâm ở làng Lục Trúc. Trong làng có nhà một chị hàng xáo, hết cả gạo thóc, chỉ còn mấy lon ngô mà quyết để dành nuôi cán bộ, đành để cô con gái ăn củ chuối đến chương bụng mà chết, cả đêm nghe cháu quằn quại kêu la thật vô cùng đau xót. Càng thấy lòng dân đùm bọc cao quý biết bao!

Người đói nằm la liệt dọc đường làng, đường lớn, rồi dồn dập chết thành những xác teo tóp, gầy đen, không ai chôn vì cả làng đang chết sạch. Tình hình bức bách đến mức phải huy động quần chúng liều mạng phá kho thóc của Nhật để lấy thóc mà ăn. Tôi viết bài “Đói! Đó!” để kêu gọi đồng bào:

Bà con ơi, tính sao đây?
Bã nâu, thính trấu, nhét đầy bụng sao?
Ăn xin, xin chẳng có nào
Nằm lăn mà khóc, mà gào, ai thương?
Há đành chết lặng trên giường
Há đành gục xuống bên đường chết queo?
Dậy đi, hỡi bạn đói nghèo...


Phong trào phá kho thóc dấy lên khắp nơi. Phá có nhiều cách. Chẳng hạn, khi có máy bay Mỹ đến, quần chúng phục sẵn chung quanh kho, bọn Nhật vừa tháo chạy là ào ngay tới phá cửa, xúc thóc chuyền tay nhau từng thúng chuyển đi (...)

Theo lệnh Trung ương, chúng tôi tổ chức các Ủy ban Khởi nghĩa. Các đội tự vệ trang bị đao kiếm, giáo mác, gậy gộc tập luyện ngày đêm, sẵn sàng nổi dậy (...)

Vào khoảng tháng 5, tôi được Trung ương chỉ thị đi tìm các đồng chí ở tù về đang ở các tỉnh miền Trung, lựa chọn một số đại biểu đi dự đại hội Đảng toàn quốc. Lúc này đi lại dễ dàng vì bọn Nhật mất tinh thần, bọn Pháp sợ bọn Nhật, còn bọn Nam triều thì rất sợ lực lượng cách mạng. Tôi đi từ Thanh Hóa vào các tỉnh miền Trung, qua Huế gặp tỉnh ủy, rồi vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đến làng Kỳ Khương, huyện Tam Kỳ, thì gặp các đồng chí ở Buôn Ma Thuột mới về và cả các đồng chí đã tham gia khởi nghĩa Ba Tơ. Tôi gặp lại các anh Nguyễn Chí Thanh, Trần Quý Hai, Nguyễn Chánh, Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt, Trần Quang Giao, tôi thông báo tình hình và truyền lệnh Trung ương và đề nghị cử đại biểu đi họp đại hội Đảng. Các anh cử hai anh Nguyễn Chí Thanh và Trần Quý Hai. Tôi đưa hai anh ra Bắc. Khi thì đi bộ, khi thì đi xe, mất cả nửa tháng mới ra đến Vĩnh Yên. Tôi giới thiệu anh Thanh và anh Hai với đồng chí Lê Đức Thọ phụ trách tổ chức rồi xin phép ra về ngay. Anh Thọ tỏ vẻ ngạc nhiên: “Sao cậu không đi dự?”. Tôi nói: “Tình hình đang rất khẩn trương, tôi cần vào ngay các tỉnh trong đó để kịp thời lập Ủy ban khởi nghĩa đón đợi thời cơ (...)”.

Về Thanh Hóa, tôi bàn kế hoạch khởi nghĩa với các anh em, đề nghị cử đồng chí Điệt thay tôi làm bí thư tỉnh, rồi tôi vào Vinh, ở lại một tháng, lập tỉnh bộ Việt Minh, giúp các đồng chí ra báo Kháng địch. Sau đó, tôi đi ngay vào các tỉnh phía trong: Quảng Bình, Quảng Trị. Song, mục tiêu quan trọng nhất lúc này là Huế (...) Nếu không kịp lật đổ cái ngai vàng Bảo Đại và chính phủ bù nhìn trước khi quân Đồng Minh (Anh, Pháp, Mỹ, Tàu) vào (...) thì tình hình sẽ rất phức tạp. Tôi về đến Huế thì đã là ngày 10/8. Lúc này tỉnh ủy đã thành lập. Phong trào phát triển khắp tỉnh, sẵn sàng nổi dậy ở khắp các huyện.

Công việc ở nông thôn là thuận lợi, chỉ còn vấn đề khởi nghĩa ở Huế thế nào thôi (...) Chúng tôi đến gặp anh Tôn Quang Phiệt là một trí thức có tiếng, có lúc đã được mời làm thủ tướng nội các của Bảo Đại (...) là một đồng chí ở đảng Tân Việt trước và có cảm tình với Đảng (...) Chúng tôi yêu cầu anh thuyết phục ông Phan Tử Lăng - lúc ấy là Tổng chỉ huy quân đội hoàng gia, thực tế là đội cận vệ của Nam triều, gồm khoảng một ngàn thanh niên (...) Ông Lăng vốn là một người yêu nước, mau hiểu tình hình và đồng tình tham gia khởi nghĩa (...) Cũng qua anh Tôn Quang Phiệt, chúng tôi tiếp cận với ông Phạm Khắc Hòe lúc ấy là Đổng lý Ngự tiền văn phòng và các ông Bộ trưởng trong nội các Trần Trọng Kim (...) Tôi lại nói với anh Phiệt nên nói rõ cho họ biết khắp nơi đều sắp nổi dậy, cả ở Thừa Thiên - Huế cũng đã sẵn sàng khởi nghĩa. Không nên chống lại, có hại cho đất nước và bản thân. Anh Phiệt nói lại với các ông trong nội các những điều tôi vừa nói, đều được họ đồng tình. Lúc này Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, song ở Huế chúng còn một lực lượng khá mạnh gồm 5000 quân. 4000 lính Pháp vừa được chúng thả ra, sẵn sàng đón quân Đồng Minh, không thể coi thường. Chúng tôi cử cán bộ đến gặp viên Tư lệnh Nhật, báo cho họ biết lực lượng cách mạng Việt Minh đã phát triển rất mạnh trong cả nước, yêu cầu họ không can thiệp vào nội bộ của Việt Nam (...) và đề nghị nếu có thể thì bán lại cho lực lượng cách mạng một số vũ khí (...) Bọn chỉ huy Nhật tỏ ý đồng tình (...) Đối với 4000 lính Pháp, chúng tôi cũng khuyên họ không chống lại cách mạng Việt Nam (...)

Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế do tôi làm chủ tịch (...) quyết định lấy ngày 23/8 làm ngày khởi nghĩa (...) quyết định tất cả các huyện nổi dậy trước, giành chính quyền ở nông thôn; và huy động các lực lượng khởi nghĩa không chỉ ở thành phố mà cả các đội tự vệ và hàng vạn đồng bào các huyện trong tỉnh tập trung về Huế đúng ngày 23/8.

Tin Hà Nội đã khởi nghĩa ngày 19/8 thổi một luồng phấn khởi lớn đến Huế, càng tăng mạnh uy tín của cách mạng.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 23/8, nhân danh Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, tôi gửi một tối hậu thư cho Bảo Đại với ba nội dung chính như sau:

- Lực lượng cách mạng Việt Nam khắp cả nước và ở Thừa Thiên - Huế đã sẵn sàng khởi nghĩa (...)

- Yêu cầu chính quyền Nam triều giải tán và vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị ngay.

- Chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân, tuyên bố bảo đảm tính mạng và tài sản cho hoàng gia và toàn bộ nội các, kể cả gia đình họ. Đối với lăng tẩm của các vua ngày trước, cách mạng sẽ giữ nguyên vẹn.

Bức tối hậu thư ấy được đưa cho anh Phiệt để trao ông Phạm Khắc Hòe giao ngay đến Bảo Đại. Chúng tôi không đợi trả lời, tiếp tục công việc phát động quần chúng. Đến 2 giờ chiều, mười vạn người đã tập trung về sân vận động Huế. Khắp các đường lớn nhỏ và cả sông Hương đều đỏ rực cờ. Trong lịch sử Thừa Thiên - Huế chưa có một ngày hội lớn và đẹp đến thế.

Đợi đồng bào tề tựu đầy đủ, tôi nhân danh Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố: “Xóa bỏ chính quyền Bảo Đại, lập chính quyền nhân dân toàn tỉnh (...) Yêu cầu đồng bào tiếp tục làm ăn và giữ vững trật tự an ninh (...)”. Tôi vừa nói đến đây thì thấy một ông đứng tuổi mặc áo gấm xanh được anh em tự vệ đưa đến. Không đợi tôi hỏi, ông ta nói: “Thưa ông, tôi là Phạm Khắc Hòe, Đổng lý Ngự tiền văn phòng, xin được thưa lại với ông rằng nhà vua hoàn toàn chấp nhận những điều Ủy ban Khởi nghĩa nói trong thư và sẵn sàng tuyên bố thoái vị ngay”. Tôi vui vẻ đáp: “Ông có thể về nói với ông Bảo Đại là cách mạng sẽ làm đúng như lời hứa”. Nói xong tôi tuyên bố to với đồng bào rằng vua Bảo Đại sẵn sàng thoái vị để chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân. Mọi người hô vang như sấm: “Việt Nam độc lập muôn năm! Chính quyền nhân dân muôn năm!” (...) Buổi lễ long trọng thế là kết thúc. Đồng bào kéo nhau ra về, từng đoàn, đi qua các đường lớn trong thành phố Huế hát vang những bài hát cách mạng: “Tiến lên, tiến lên theo cờ Việt Minh...”.

Cuộc khởi nghĩa ở Huế thành công hoàn toàn, không mất một viên đạn, một sinh mạng nào.

Ở đây cần nói thêm về một chủ trương mới rất kịp thời: Ngay khi về Huế, tôi đã đề nghị Tỉnh ủy rút khẩu hiệu “Đánh đuổi giặc Nhật, tiễu trừ Việt gian” đã nêu trước đó trong cả nước, vì tình hình lúc này hai khẩu hiệu ấy không còn thích hợp nữa, có thể gây hại, thậm chí đổ máu vô ích. Sau này ra gặp Trung ương, tôi báo cáo lại, được các đồng chí tán thành, cho rằng làm như vậy là đúng (...)

Khởi nghĩa xong, đêm 23/8 chúng tôi điện ra Trung ương báo cáo kết quả và đề nghị Chính phủ Trung ương cử một đoàn đại biểu vào Huế để chính thức nhận lễ thoái vị của Bảo Đại. Ngày 28, đoàn đại biểu của Chính phủ gồm các anh Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế, được đồng bào hoan nghênh nhiệt liệt (...)

Ngày 30/8 làm lễ Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm cho Đoàn đại biểu Chính phủ Trung ương dưới lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ phấp phới bay trên đỉnh cột cờ, giữa vang dậy tiếng hò reo của đông đảo đồng bào đứng chật bãi rộng trước cửa Ngọ Môn.


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)