“Để tạo bất ngờ, Đại đoàn 308 được lệnh (…) chuẩn bị sẵn sàng để khi tới nơi có thể nổ súng ngay. 308 phải vượt một chặng đường dài trên 400 ki-lô-mét (…) vượt qua ba con sông lớn: sông Lô, sông Thao, sông Đà”. Hoan hô chiến sĩ - lực sĩ Việt Nam!

“Trước chiến dịch Biên Giới, quân địch chỉ mong tìm được chủ lực ta đánh một trận để tiêu diệt. Bây giờ chủ lực ta đi tìm nó, chọc tức nó mà nó vẫn bấm bụng ngồi yên một chỗ không dám giao chiến”. Địch ép ta phải đánh điểm, là việc cực khó vì hễ có vị trí bị đánh là nó “tập trung pháo (bắn chính xác) ngăn chặn những đợt tiến công ban đêm (...) kéo dài cho tới lúc viện binh và không quân can thiệp”. “Phần lớn thiệt hại của ta là trong những trận đánh điểm”.

“Một điều khá bất ngờ đối với ta là binh lính ngụy công giáo đối phó khá yếu ớt, và đồng bào ở những vùng trước đây được coi là trung tâm công giáo phản động, không hề gây trở ngại gì cho bộ đội trong những cuộc tiến quân”. Bất ngờ phấn khởi.

“Con trai của (...) Đờ Lát (...) tử trận ở Gối Hạc”. Không dựa thế cha để tránh nhiệm vụ nguy hiểm, đáng khen.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Hà Nam Ninh”



Từ chiến dịch Hoàng Hoa Thám về, tôi tới gặp anh Trường Chinh. Đồng chí Tổng bí thư vẫn vui vẻ (…) Anh hỏi tôi: “Anh đã nhận được nghị quyết tháng 3 của Trung ương chưa?”. “Tôi đã nhận được”.

Hội nghị Trung ương họp lúc tôi đang ở mặt trận. Nghị quyết Trung ương một lần nữa xác định: “Cuộc đấu tranh của ta là cuộc đấu tranh trường kỷ và gian khổ” và “Tự lực cánh sinh là chính” (…)

Tôi báo cáo với đồng chí Tổng bí thư những nguyên nhân dẫn tới kết quả rất hạn chế của chiến dịch. Anh Trường Chinh nói:

- Đánh nhau thể nào cũng có trận được, trận không. Mình khôn, nhưng phải nghĩ địch cũng khôn. Mình đã diệt hai binh đoàn của nó ở biên giới, vừa rồi suýt diệt gọn GM 3 ở trung du, địch đã rút kinh nghiệm nên lần này chúng không mắc lừa. Có tiếp tục “đánh điểm diệt viện” thì cũng phải biến hóa (…) Bác và Trung ương đã nhận được báo cáo của anh và anh Nguyễn Chí Thanh đề nghị sau chiến dịch Hoàng Hoa Thám sẽ mở chiến dịch tại Liên khu III (…) Trung ương thấy nên mở một chiến dịch nữa trước mùa mưa (…)

Theo đánh giá của các đồng chí vừa đi tìm hiểu tinh hình về thì ở Liên khu III, Ninh Bình là nơi địch yếu hơn cả.

Tôi sang Điềm Mạc gặp Bác.

Nghe tôi báo cáo tình hình xong, Bác nói đã trao đổi với đồng chí Trường Chinh. Đờ Lát bề ngoài hùng hổ, nhưng không phải là anh hăng máu vịt mà rất khôn ngoan. Cũng không nên coi thường Xa-lăng. Chính Xa-lăng đã quyết định không đưa viện lên vùng chiến trường ta chọn trong khi Đờ Lát còn ở Pa-ri. Nhưng cũng có thể nói: cả Đờ Lát và Xa-lăng đều vẫn còn e chủ lực ta! Trước chiến dịch Biên Giới, quân địch chỉ mong tìm được chủ lực ta đánh một trận để tiêu diệt. Bây giờ chủ lực ta đi tìm nó, chọc tức nó mà nó vẫn bấm bụng ngồi yên một chỗ không dám giao chiến với ta! Không nói là nó hoàn toàn sợ ta, nhưng nó còn đang chuẩn bị, nó sẽ chờ lúc có lợi, tìm nơi có lợi để quyết chiến với ta.

- Thưa Bác (…) nếu chưa tiêu diệt được nhiều địch thì cũng phải đánh để nâng đỡ phong trào chiến tranh du kích. Mỗi lần ta mở chiến dịch là đồng bào hậu địch đỡ được những trận càn và chiến tranh nhân dân lên hẳn.

- Chú nói đúng.

Bác trầm ngâm rồi nói tiếp:

- Tình hình Triều Tiên đã tốt hơn. Chí nguyện quân Trung Quốc dùng chiến thuật “nhân hải” đẩy lùi được quân Mỹ về vĩ tuyến 38. Trung Quốc có trên 400 triệu dân mới làm được như vậy. Ta phải đánh theo cách của ta (…)

*

Trung tuần tháng 4 năm 1951, Bộ Chính trị (…) quyết định mở chiến dịch Quang Trung (…) Đảng ủy chiến dịch gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm. Tôi là Bí thư đảng ủy kiêm chỉ huy trưởng chiến dịch (…)

Ngày 25 tháng 11 năm 1948, Chính phủ đã ra sắc lệnh thành lập Liên khu III, gồm 12 tỉnh: Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình. Đây là sự hợp nhất các chiến khu 2, 3 và 11 (…) Đến cuối năm 1948, toàn liên khu III đã xây dựng được 480 làng kháng chiến. Mỗi làng có lũy tre dày đặc bao quanh, hệ thống hầm hào, trạm canh gác (…) Trong những đợt càn quét (…) khi lọt được vào làng chúng thường đốt phá, bắn giết rất dã man (…) Có những nơi (…) hàng đại đội, tiểu đoàn địch tiến công cả ngày, thậm chí hai, ba ngày liền, bị tổn thất nhiều mà vẫn không lọt được vào làng. Đường số 5 nối liền Hà Nội với cảng Hải Phòng trở thành một mặt trận, thường xuyên “nổi sấm” lật đổ từng đoàn tàu, tiêu diệt nhiều xe vận tải của địch (…) Công tác địch vận diễn ra trên diện rộng (…) Quân địch đóng tại những thành phố, thị xã thực tế là nằm trong vòng vây của phong trào chiến tranh nhân dân rộng lớn (…) Từ tháng 10 năm 1949 đến tháng 5 năm 1950, địch tổ chức 6 cuộc hành binh lớn (…) mở liên tiếp những trận càn quét bình định, càn quét tới đâu, lập ngay ngụy quyền, bố trí ngụy quân, xây dựng đồn bốt tới đấy (…) Đặc biệt, chúng (…) sử dụng một số cha cố phản động để gây chia rẽ lương - giáo (…) lôi kéo những người đi đạo chống phá cách mạng (…)

Địa bàn được lựa chọn trong chiến dịch Quang Trung là ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (…) Đây là vùng địch mở rộng chiếm đóng từ tháng 10 năm 1949 (…) Chúng lập ra “tỉnh công giáo tự trị Bùi Chu” (…) Tòa giám mục Bùi Chu biến thành cơ quan đầu não của ngụy quyền và hệ thống lực lượng “vệ sĩ” (…) Bùi Chu và Phát Diệm trở thành trung tâm của lực lượng công giáo phản động ở Liên khu III, nơi có 500 nhà thờ và 80 vạn dân (…)

Địch ỷ vào cơ sở giáo dân, nên lực lượng của chúng ở Hà Nam Ninh so với những vùng khác trong Liên khu III là yếu hơn cả (…)

*

Bác căn dặn bộ đội: “Tiêu diệt địch nhưng nhất thiết phải lấy được lòng dân (…)”.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 3 đại đoàn: 304, 308, 320, 5 đại đội pháo binh, một số đơn vị công binh, 4 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh và dân quân du kích (…) Về mức tiêu diệt địch, Bộ Tổng tham mưu đề nghị một con số khiêm tốn: 3 tiểu đoàn, vì sắp tới mùa mưa, chiến dịch không thế kéo dài.

Cuối tháng 4, chúng tôi lên đường đi chiến dịch (…) Đầu tháng 5, tới Nho Quan, Ninh Bình. Các đống chí Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Hoàng Sâm trong Đảng ủy Liên khu III đón ở Xích Thổ. Kể từ ngày toàn quốc kháng chiến, đây là chiến dịch lớn đầu tiên của Bộ mở ở đồng bằng (…)

Tình hình địch có thay đổi. Một bộ phận binh đoàn cơ động số 4 vừa được điều về Phủ Lý. Đảng ủy quyết định chọn hướng chính của chiến dịch là thị xã Ninh Bình, tỉnh lỵ của tỉnh Ninh Bình. Lần đầu bộ đội ta tiến công vào một thị xã ở đồng bằng Bắc bộ (…)

Khu vực này là vùng đồng chiêm ngập nước, nhiều sông ngòi, nhiều đường giao thông, thuận tiện cho việc vận chuyển dưới nước cũng như trên bộ của địch, nhưng lại gây nhiều khó khăn cho ta (…)

Đảng ủy đề ra nguyên tắc chỉ đạo tác chiến: “đánh ăn chắc, chắc thắng mới đánh” (…)

Ngày 22 tháng 5 năm 1951, Bộ chỉ huy chiến dịch trao nhiêm vụ cho các đơn vị: Đại đoàn 308 và Đại đoàn 304 tiêu diệt một số vị trí ở thị xã Ninh Bình và vùng chung quanh Ninh Bình, Phát Diệm. Đại đoàn 320 hoạt động ở Hà Nam (…)

Để tạo bất ngờ, Đại đoàn 308 được lệnh (…) chuẩn bị sẵn sàng để khi tới nơi có thể nổ súng ngay. 308 phải vượt một chặng đường dài trên 400 ki-lô-mét (…) vượt qua ba con sông lớn: sông Lô, sông Thao, sông Đà (…) Cuộc hành quân diễn ra thâu đêm dưới những trận mưa đầu mùa. Khi trời sáng, muôn vàn dấu chân đã biến đi trên con đường đầy bùn nhão (…) Rút cuộc, một hôm khi trời sáng, các chiến sĩ 308 bất đầu thấy những xóm làng nổi lên giữa làn nước bạc mênh mông, những cánh đồng chiêm lúa chín rộ, những rặng núi đá nhấp nhô che kín cả chân trời (…) Rất lâu rồi họ mới được thưởng thức hương thơm của gạo mới, bát canh cua đồng, quả cà ghém, ấm nước chè xanh của vùng quê đồng bằng. Những chiếc bánh dày đã se mặt, những cây luồng xếp đống trong làng, những chiếc đò giấu dưới lùm cây ven sông… Họ biết đồng bào Ninh Bình đã chuẩn bị cho ngày này từ lâu. Bộ đội chỉ có một ngày để chuẩn bị cho trận đánh.

Chiều ngày 27 tháng 5 năm 1951, có lệnh xuất quân. Khu vực giấu quân nằm trong thung lũng Hoa Lư (...) lúc này chỉ là những cánh đồng chiêm ngập nước. Từ ven những hốc đá dưới chân Mã Yên Sơn, các chiến sĩ với súng đạn, thang ván, bộc phá rùng rùng ùa ra. Nhân dân phố Trường Yên đứng chật hai bên đường đưa tiễn bộ đội. Hàng trăm chiếc đò nhỏ đang chờ bộ đội ở ven sông (...)

Một cán bộ quân báo tỉnh Ninh Bình hớt hải tới tìm ban chỉ huy trung đoàn 102 báo tin:

- Tình hình ở thị xã có thay đổi. Ngoài số quân địch đóng trên núi Non Nước, ngày hôm nay vừa có thêm một đại đội biệt kích toàn lính Pháp, hiện chúng đang đóng quân trong nhà thờ Đại Phong!

Trái với thái độ lo lắng của anh, trung đoàn trưởng Vũ Yên mỉm cười nói:

- Tốt thôi!

Và anh gọi tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 79 tới trao nhiệm vụ tiêu diệt đại đội này.

Đêm ngày 28 tháng 5, tiểu đoàn 79 được quân báo của tỉnh dẫn đường, tới nhà thờ Đại Phong ở thị xã Ninh Bình. Đại đội com-măng-đô Phrăng-xoa hành quân qua đây, tin là thị xã vẫn yên bình như mọi khi, đã chọn nhà thờ làm nơi nghỉ qua đêm. Trước sự xuất hiện bất thần của bộ đội ta, những tên biệt kích trở tay không kịp, bị tiêu diệt trong vòng 30 phút.

Trận đánh vị trí Non Nước đáng lẽ diễn ra trong đêm hôm đó, nhưng chỉ vì một tiểu đoàn qua sông chậm, phải hoãn tới ngày hôm sau.

Đại đội com-măng-đô Phrăng-xoa bị tiêu diệt đã đánh động quân địch.

Chỉ huy Khu Nam Đồng Bằng là Găm-bi-ê (Gambiez) lập tức điều động lực lượng của khu về phía sông Đáy. Tiểu đoàn bộ binh 1 và hai đại đội biệt kích của hải quân được hải đoàn 3 chở gấp về Ninh Bình. Con trai của Đờ Lát là người chỉ huy một đại đội trong tiểu đoàn này. Mặc dù bị chặn đánh dọc đường, các toán quân vẫn kịp tới vào ngày 29, chiếm lĩnh những ngọn núi đá ở phía nam sông Đáy chặn con đường vào thị xã.

Đêm ngày 29 tháng 5, bộ đội ta tiến công hai vị trí Non Nước và Gối Hạc.

Non Nước là một núi đá ở ngã ba sông Đáy và sông Vân giữa thị xã Ninh Bình, chân núi có một ngôi chùa. Nằm soi mình bên dòng sông, Non Nước được coi là một thắng cảnh. Địch chiếm Ninh Bình khi thị xã đã tiến hành tiêu thổ, chỉ còn lại chùa Non Nước và nhà thờ Đại Phong. Lợi dụng thế núi hiểm trở, bốn bề vách đứng cheo leo, quân Pháp đã biến Non Nước thành một vị trí bảo vệ thị xã lợi hại, với hai tầng phòng ngự. Chân núi có tường khoét lỗ châu mai xây bao quanh kết hợp với rào dây thép gai. Lối lên duy nhất là một con đường bậc thang uốn lượn bên vách đá. Lực lượng bảo vệ đồn khoảng hai đại đội.

Cách Non Nước 100 mét là núi Gối Hạc, đứng án ngữ con đường lớn chạy vào thị xã. Theo địa phương thì trên núi không có địch. Ta dự kiến khi chiến dịch bắt đầu, địch sẽ chiếm đóng núi này, nên đặt kế hoạch đánh chiếm cả Gối Hạc. Vừa khớp trước khi nổ súng, viện binh địch mới từ Nam Định tới đã chia nhau đóng trên hai mỏm núi đá vôi tại đây.

Sau 2 giờ chiến đấu, tiểu đoàn 54 đã chiếm được vị trí Non Nước, diệt 200 địch, bắt sống chỉ huy. Cùng lúc, tiểu đoàn 29 tiêu diệt quân địch trên một mỏm núi ở Gối Hạc, địch ở mỏm bên bỏ chạy, ta không biết. Chỉ trong một đêm, bộ đội ta đã tiêu diệt đại bộ phận quân địch ở thị xã Ninh Bình.

Đêm hôm đó, bộ phận tin kỹ thuật của ta báo cáo địch đang hối thúc tìm cho được một tên “Béc-na” nào đó mất tích ở Ninh Bình. Tôi nói với cơ quan tham mưu hỏi những đơn vị phía trước xem Béc-na là ai. Ngày hôm sau, biết đó là trung úy Bernard de Lattre, con trai của Tổng chỉ huy Đờ Lát, đã tử trận ở Gối Hạc (...)

Đại đoàn 304 tiêu diệt 4 vị trí nhỏ: Yên Vệ, Chùa Dầu, Yên Mô Thượng, Cổ Đôi trên đường 59 từ Phát Diệm đi Ghềnh.

Bộ đội địa phương Ninh Bình tiêu diệt 2 vị trí nhỏ: Bến Xanh, Tuy Lộc.

Hướng Hà Nam, Đại đoàn 320 tiêu diệt 3 vị trí: Hưng Công, Cảnh Linh, Võ Giàng, và tiêu diệt một đại đội địch càn quét ở Mai Cầu, Thanh Liêm.

Như vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, từ đêm 28 đến ngày 31 tháng 5 năm 1951, bộ đội ta vận dụng yếu tố bất ngờ đã tiến công tiêu diệt và bức rút 26 vị trí lớn nhỏ, phá tan một mảng lớn ngụy quyền, làm rạn nứt phòng tuyến sông Đáy, giành thắng lợi giòn giã về quân sự và chính trị trong đợt đầu chiến dịch. Những con đường bộ nối liền Hà Nội với Ninh Bình đều bị cắt. Một điều khá bất ngờ đối với ta là binh lính ngụy công giáo đối phó khá yếu ớt, và đồng bào ở những vùng trước đây được coi là trung tâm công giáo phản động, không hề gây trở ngại gì cho bộ đội trong những cuộc tiến quân (...)

*

(...) Sáng ngày 29 (...) Đờ Lát (...) vạch ra kế hoạch đối phó với cuộc tiến công. Những con đường bộ về phía nam đã bị cắt đứt, chỉ còn lại đường thủy và đường không (...) Hải đoàn xung kích 3 đang có mặt ở Nam Định sẽ vận chuyển ngay viện binh về Ninh Bình và chi viện hỏa lực cho các lực lượng đang chống giữ. Đồng thời, Đờ Li-na-rét phải đưa binh đoàn cơ động số 1 về Ninh Bình, binh đoàn cơ động số 4 về Phủ Lý. Tiểu đoàn 7 dù thuộc địa sẽ được thả xuống bắc Ninh Bình, tiểu đoàn 2 dù thuộc địa sẽ được thả xuống Thái Bình.

Số viện binh từ Nam Định đã kịp tăng cường cho thị xã Ninh Bình trong đêm 29, nhưng không cứu vãn được tình thế, và làm Đờ Lát mất đi người con trai duy nhất.

Sáng ngày 30 tháng 5, binh đoàn cơ động số 1 tới Ninh Bình (...) Máy bay, pháo mặt đất, pháo tàu trên sông bắt đầu ngăn chặn những hoạt động của bộ đội ta. Quân địch chiếm lại thị xã Ninh Bình.

Sáng ngày 1 tháng 6, Đờ Lát trao lại quyền chỉ huy cho Xa-lăng, rời Hà Nội đem thi thể con về Pháp.

*

Ngày 1 tháng 6 năm 1951, Đảng ủy chiến dịch quyết định mở đợt 2 (...) Nhiệm vụ trao cho các đơn vị như sau:

Đại đoàn 308 diệt vị trí Chùa Cao và đánh viện từ Ninh Bình đến Chùa Cao, chuẩn bị đánh Hoàng Đan và đánh thị xã Ninh Bình lần thứ hai.

Đại đoàn 304 đánh địch từ Bến Xanh, Phát Diệm tăng viện cho Chùa Cao bằng đường thủy và đường bộ.

Đại đoàn 320 phân tán hoạt động trên hai tỉnh Hà Nam, Hà Đông để phát triển chiến tranh du kích, đồng thời đưa hai tiểu đoàn vào sâu vùng địch hậu ở chợ Cháy (Hà Đông) và Thanh Liêm (Hà Nam).

Ngày 3 tháng 6, Đại đoàn 304 bao vây bức hàng vị trí Núi Sậu buộc địch rút khỏi các vị trí Bình Hà, đình Phương Nại, chùa Phương Nại.

Đêm ngày 4 tháng 6, trung đoàn 88 đánh Chùa Cao. Đây cũng là một ngôi chùa trong nhiều ngôi chùa và nhà thờ ở Ninh Bình đã bị địch biến thành pháo đài. Chùa Cao nằm ở đông nam thị xã Ninh Bình, ven sông Đáy, trên đường đi Phát Diệm, được coi là vị trí bảo vệ vành ngoài cho giáo khu Phát Diệm. Quân địch đã xây những công sự bằng gạch và xi-măng khá kiên cố (...) Được pháo chi viện, đơn vị biệt kích địch tuy bị thiệt hại nặng vẫn dai dẳng dựa vào công sự chống cự. Bộ đội ta chiếm được hai phần ba đồn thì trời sáng. Địch đưa hải đoàn 3 và tiểu đoàn dù 7 theo đường sông tới giải vây.

Ngày 5, anh Hoàng Văn Thái xuống 308 trực tiếp tìm hiểu tình hình chiến đấu ở Chùa Cao.

Đêm ngày 6, trung đoàn 88 tiếp tục đánh Chùa Cao. Công tác tổ chức chiến đấu chậm, 3 giờ sáng bộ đội mới bắt đầu nổ súng (...) Lính dù địch cố cầm cự đợi viện binh. Trời sáng vẫn chưa giải quyết được vị trí, 88 phải rút lui.

Được tin vị trí Hoàng Đan đã được tăng cường, Bộ chỉ huy ra lệnh cho trung đoàn 36 ngừng đánh Hoàng Đan.

Trung đoàn 88 là một đơn vị công kiên giỏi của 308 đã nhiều lần tiêu diệt những vị trí Âu Phi trên đường số 4 trong vòng một giờ (...) Khó khăn lớn (lần này là) với khả năng bắn chính xác của pháo binh, địch đã tập trung pháo ngăn chặn những đợt tiến công ban đêm vào vị trí, kéo dài cho tới lúc viện binh và không quân can thiệp (...)

Khu Nam Đồng Bằng không còn là một vị trí yếu và sơ hở như khi mở đầu chiến dịch (...) Tuy nhiên, dù với lực lượng khá mạnh, chúng chỉ nống ra đóng lại một vài vị trí đã bị tiêu diệt gần thị xã Ninh Bình, mở những cuộc càn quét nhỏ chung quanh khu vực đóng quân. Cũng như trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám, quân địch không dám đi vào vùng núi đá, nơi chúng biết chắc chắn có bộ đội ta. Máy bay và pháo địch cũng ít oanh tạc vùng này, vì chúng biết có nhiều chỗ ẩn náu tốt. Các chiến sĩ ta vẫn có được những giờ phút hàn huyên với đồng bào sau nhiều năm xa đồng bằng, giúp dân gặt mùa, xay thóc, dạy những em bé học hát, múa, thăm đền thờ vua Đinh, Bích Động và ngắm những con thuyền nho nhỏ, mái chèo được điều khiển rất khéo bằng đôi bàn chân, lướt nhanh trên sông.

Ngày 15 tháng 6, Đảng ủy chiến dịch họp nhận định: Các vị trí địch trên đường số 1 từ Phủ Lý tới Ninh Bình đều đã được tăng cường. Ta sẽ chuyển sang đánh nhỏ trước khi kết thúc chiến dịch vì mùa mưa đã bắt đầu (...)

Đợt hoạt động nhỏ cuối chiến dịch đạt được những kết quả đáng kể. Phong trào chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc bộ sau một thời gian lắng xuống vì những trận càn dữ dội liên tiếp, lại được phục hồi.

Ngày 20 tháng 6 năm 1951, chiến dịch Quang Trung kết thúc.

Theo tổng kết của Bộ Tổng tham mưu, tỉ lệ thiệt hại giữa ta và địch là: ta 1, địch 1,2 (...) Phần lớn thiệt hại của ta là trong những trận đánh điểm, đặc biệt là trong trận Chùa Cao


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 725-742)