Vì nhiều lý do: vật liệu xây dựng không bền, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, chiến tranh do ngoại bang xâm lược, nội chiến, trung tâm chính trị nước đổi dời, cách mạng xã hội, cách mạng kỹ thuật, ở châu thổ Bắc bộ không còn một kiến trúc cổ bề thế nào. Thành quách cung vua phủ chúa từ lâu đã thành tro bụi. Nhà ở của giai cấp trên thì sau 1945 rất nhanh chóng hoàn toàn biến mất.

Nói riêng về cách mạng xã hội và nhà ở: nếu chủ nhà không xứng thì không cho ở nữa, nhưng những cơ ngơi to tát, xây dựng công phu lẽ ra phải được bảo tồn để làm bằng chứng về thành tựu của kiến trúc, điêu khắc truyền thống.

“Của tin (…) một chút” cũng không còn, may vài sách cũ có “ghi”.
(Thu Tứ)



Chu Thiên, “Nhà ngói cây mít”




Qua một cái cổng ngói cao và to, có hai cánh lim chắc chắn, trong lũy tre xanh rậm rạp, con chim sẻ chui không lọt, quan khách đi lên cái đường ngõ lót đá xanh hai bên bờ trồng cỏ tóc tiên. Qua một cái vườn cau chi chít, vào một cái cổng nữa, đến tường hoa xây cuốn hoa thị, là đặt chân lên cái sân gạch bát tràng rộng thênh thang. Ba bề sân là nhà, nhà ngang dãy dọc (...) nhà ngói san sát như bát úp, trong hào ngoài lũy, kiên cố như thành (…)

Nhà bên tay phải là một cái nhà đã cổ có đến bảy gian, ba gian giữa là nhà ngoài, còn mỗi đầu hai gian làm buồng (...)

Cái hào sâu thăm thẳm, rộng bằng cái chiếu (...) Trong vườn ở mỗi gốc cau có một cái chum hứng nước mưa (…)


(Trích
Nhà nho. Nhan đề phần trích tạm đặt.)