Pháp chiếm thị xã Bắc Kạn ngày 7/10/1947, đến ngày 9/8/1949 thì rút chạy dưới áp lực quân sự đã trở nên quá nặng và khi nghe tin sắp sửa bị tiến công…

Những dấu tích sờ sờ mà quân viễn chinh để lại không có lợi cho sự tuyên truyền của cái giống người lúc nào cũng ta đây văn minh. Ờ, cơn cớ làm sao họ lại bị chuyện ấy ám ảnh nặng nề đến thế nhỉ? Do dùng quá nhiều thịt, sữa, bơ, phó-mát chăng? Lẽ ra chỉ là việc riêng, khốn nỗi những kẻ tưởng có thể chết nếu thiếu sinh lý kia lại đi giải quyết nhu cầu bằng phụ nữ Việt Nam. Bình thường ăn bánh trả tiền, nhưng cứ hễ cơ hội tới là một số sẽ giở trò cưỡng bức, có khi tập thể, luân phiên, có khi xong rồi giết luôn người phụ nữ bất hạnh. Đến đây thì không còn là vấn đề nhu cầu sinh lý cao nữa, mà là chuyện con người mất hẳn nhân tính. Và chuyện những cấp chỉ huy đã cố ý để cho hành vi vô nhân đạo xảy ra, không phải một vài lần, mà rất nhiều lần!!!

“Người văn minh” tra tấn cũng thật là giỏi. Thì từ năm 1858 đã có không biết bao nhiêu dịp để trau giồi tay nghề trên thân thể người Việt Nam cơ mà. Ở đây quân thù nhanh chân, nên không bị bắt. Nhưng dù có bị bắt, nó cũng không phải sợ ta cho nếm đòn thù đâu. Nhiều tên khi được phóng thích, nói phét lên giời, chứ sự thực chẳng có hề bị ăn lấy một cái tát tai.

Giặc dã man thế, sao ta lại thế? Bởi giặc tuy thua nhưng vẫn còn mạnh lắm. Ta không muốn làm nó tức (!!!) mà cố gắng thêm. Ngược lại, ta cần tử tế với tù binh để tranh thủ thiện cảm của nhân dân Pháp nói riêng, nhân dân thế giới nói chung, mà gây áp lực bỏ cuộc đối với nhà nước Pháp. Dân tộc Việt Nam có đạo đức cao, nhưng chắc chắn cái thế của một nước yếu cũng là lý do khiến ta chọn dĩ đức báo oán y như thánh nhân!
(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Giữa một thị xã mới giải phóng”




Án ngữ tầm mắt là núi Cứu Quốc có còn giữ nguyên những vết bàn chân của cán bộ Việt Bắc 1947 vận chuyển tài liệu máy móc cơ quan. Nắng chiều đủ thếp vàng cả một thung lũng còn lấp lánh những mảnh ngân nhũ của hồi tường trắng lốp các nhà gạch chen sát nhau. Một cái thành phố còn y nguyên! Nhà cửa phố xá nóc ngói hiện bật lên (…) Dưới đường phố, các tốp áo nâu người Kinh, áo nhạt (?) bộ đội, áo chàm đồng bào miền núi, tất cả đang đổ vào bãi vườn hoa giữa tỉnh. Mít-tinh kỷ niệm Cách mạng tháng Tám vừa bắt đầu. Tôi ngây người ra cứ nguyên cả ba-lô túi dết đứng giữa một thành phố đang nói to lên, đang hô lớn lên cái vui của giải phóng. Quân dân chính, các đại biểu liên tiếp lên nói không dứt lời. Ánh đuốc rọi xuống vô số đầu người đang nghe những câu những tiếng mà suốt 22 tháng, kể từ cái buổi sớm 7-10-47 nó nhảy dù thị xã đánh Việt Bắc – ròng rã, họ chỉ nghe một cách trộm vụng thầm lén năm thì ba họa. Trong hai năm, bất kể mùa hè, mùa lạnh, giờ này ta phải đóng cửa đi ngủ, dân ở Phố Mới ôm khăn gói chăn chiếu dồn hết cả lên Phố Chính, ai dám ló đầu ra đường. Nói chi đến chuyện nhảy bổ ra giữa vườn hoa hàng nghìn người đốt đuốc lên mà vui chơi ca hát như thế này (…) Trung đoàn 72 diễn kịch giữa trời. Người thị xã dụi mắt nhìn lên sân khấu, bỡ ngỡ trong ánh sáng đuốc tập trung. Đã lâu lắm, người thị xã chỉ quen với một ngọn đèn nhỏ bằng hạt đỗ thắp vụng sau tấm cửa gài chặt (…)

Đêm đầu tiên ngủ ở thị xã, tôi đã uống ở quán một cốc nước chanh hóa học bột li-mon hòa vào nước giếng. Đây nhiều ét-săng, máy lửa cái nào cũng nhậy, bật lòe luôn luôn ngoài phố. Sớm ngày sau, lại được điểm tâm bằng chục chiếc bánh cuốn nồng mùi dầu hỏa. Bị đánh gấp, khi rút, Pháp tưới dầu tây vào số gạo phải bỏ lại, ngoài những tấn chúng đổ xuống suối ngoài Cầu Phà cùng với muối kho.

Tôi trèo lên quả đồi Anh-tăng-đăng thăm anh em du kích Ba Bể, xem kho đạn của Pháp. Đề lao trên đồn, sặc sụa cái mùi nồng lợm khăn khẳn của tất cả những đồn Pháp. Mùi cao-su, mùi sơn vải bạt, mùi kê-din, mùi mồ hôi cộng với mùi bựa đồ hộp. Giữa cái ô uế tối tăm này, chúng tôi được nghe về một chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô ở đây ai cũng đều biết và mến phục. Hình ảnh đại úy Lê Đức Nguyệt đã nổi bật lên tươi sáng như tất cả những bóng dáng của tranh đấu. Ngày 13 tháng 6 năm 48, Pháp đã bắn Nguyệt dưới Lò Gạch dưới kia. Và còn bốn mươi người bị giam ở lao Bắc Cạn, Pháp đem theo lúc rút chạy đi Bằng Khẩu vừa rồi, số phận giờ ra sao? Ngoài sân lao, và quanh lao và cả quả đồi này, bao nhiêu là dấu tích của một sự bỏ chạy vô trật tự. Vỏ chai, vỏ đạn, sổ sách tung vãi, giầy tuột dây, mũ lộn mề, áo dạ cháy và đồ hộp ngổn ngang. Tôi lại lên đồi Hành chính (…) Đây là mả hạng nhất, thứ mả hạng nhì của các thứ lính các màu da khác ở phía bên đường đi ra Cầu Phà (…) Dưới chân chòi vô tuyến điện, một hàng chữ bằng đui đạn 12 ly 7 gắn vào sườn đồi: “Qui s’y frotte, s’y pique”. Thế sao lại chạy mất? Vào đến nhà thương, một đồng chí ở đơn vị địa phương đùa: “Cẩn thận, ở đây có tim la bay đấy”. Đường xoáy ốc quanh đồi, vương vãi tung tóe không biết bao nhiêu là ca-pốt cao-su (…) Ca-pốt song song với lốt xe tăng đánh dấu cho sự thoái triệt của quân đội viễn chinh Pháp. Đứng đây mà nhìn ra cứ điểm Cầu Phà ta đã san bằng và vị trí Đề lao cũng đã toạc vỡ, càng nhận rõ cái thế tam giác tương hỗ của ba cái đồn Pháp trong thị xã.

Con suối Phạc Tràng, thượng lưu của sông Cầu, uốn khúc dưới chân đồi. Tiếng búa công binh đục chân Cầu Phà để gài mìn đã dội về nhói rõ từng nhát. Tôi lại xuống phố. Chỗ nào cũng vỏ đồ hộp. Vứt giữa đường, vứt khe cống. Có những vỏ cắm lên đầu nứa hàng rào, kết vào dây thép thành một thiết kế báo động kỳ cục. Một vài con ngựa ăn cỏ đụng cương vào cái hệ thống vỏ gỉ loáng ấy khiến cả một bãi tha ma vỏ sắt cũ lại ngân khẽ lên cái tiếng thở dài phản chiến của nhiều lính đen lính trắng. Giá Tây vẫn còn ở lại chống với ta, thì đã khối là băng đạn trọng liên bắn vu vơ phí phạm ra phía mấy con ngựa này rồi đấy (…)

Tôi (gặp, hỏi chuyện một người dân) (…) “Nó nhảy nhiều nhất là ở bãi xít-tát. Nó thả cả xe bình bịch, dân chúng đều tập trung cả trên đồi, rồi nó dồn xuống cái nhà ô-ten Cao-su kia. Chật thế mà đến hai nghìn con người đấy. Rồi nó mới phân chia dân bị vây ra từng tốp bắt đi nhặt dù, nhặt hòm đạn, nhổ cọc ở sân trường bay (ta cắm để chống nhảy dù). Bọn Hoa kiều thì kéo cờ Tầu ngay, và Hoa kiều tay người nào cũng có bờ-rát-xa, dẫn Tây dẫn Việt gian đi chọn dân chúng chia ra thành từng lô từng chòm một, lấy sơn tây đánh dấu chữ số vào mặt vào cánh tay. Có những tốp bị mất tích hẳn từ hôm ấy (…)”.

Phố chính nhốn nháo nhiều bộ mặt chưa hoàn hồn (…) Tôi tiến vào nhà Hội quán Tầu. Đây là nơi triển lãm những bức họa cuồng dâm vẽ ngay lên tường vôi cạnh bàn thờ Đức Thánh Quan. Những hình nhẩy dù dùng làm mẫu chính. Những nhà mái tròn, bóng cây cọ bắc Phi châu, chai rượu, vú đầm, đùi đầm, si-líp phơi trên cần vô tuyến điện, xe díp ngoằn ngoèo, một con trường xà 12,7, rồi bu gà, bài xì và thuyền và buồm và “Vive la quille”, tất cả những mẩu bích họa thổ lộ một sự nhớ nhà, thèm hồi hương, bàng bạc qua những thói tật trụy lạc của một bọn đánh giặc thuê. Lính thì vậy mà quan thì cũng không hơn gì. Thị xã nhiều nhà “xéc”. Tường nhà xéc nào cũng nổi bật lên những hình vẽ mông và vú. Một người lính ngự lâm, đội mũ cởi truồng nâng một cốc rượu màu máu, ôm một bà đầm khỏa thân cầm một thanh kiếm rất tượng trưng. Và quanh các câu lạc bộ, lại tha ma vỏ đồ hộp, vỏ chai, ca-pốt. Một nền kỹ thuật, những biểu tượng của một thứ văn hóa! Lợm quá. Ngột thở quá.

Tôi (lại gặp, hỏi chuyện một người dân) (…) “Nó bắt khai tên tuổi người nhà dán ra cửa. Nhà này canh lẫn nhà khác phòng sự đi trốn. Có khi từng bốn năm gia đình chịu trách nhiệm chung về một người trốn ra. Nó tra tấn ghê nhất là cho chó béc-giê cắn nát mình mẩy. Nó để đất đèn vào môi, đợi cho nước bọt mình làm nhuyễn đất ra rồi nó dí bật lửa vào, môi phun sèo sèo (…)” (…)

Dân chúng các vùng Bạch Thông, Chợ Mới, Chợ Rã, Chợ Chu đổ về xem hội chiến thắng ngủ la liệt đầy hè. Từng phái đoàn cán bộ đi nghiên cứu công sự ở cả ba quả đồi cứ điểm (…)

Chiều 24, tại sân bay phía Cầu Phà, Đại tướng điểm binh và tuyên dương công trạng. Thép kiếm, thép súng, sao huy chương lấp lánh trong ánh đuốc của thị xã giải phóng vang động tiếng hàng mấy ngàn người. Nỗi vui của thị xã giải phóng đầu tiên này là khai vị cho buổi liên hoan giải phóng toàn bộ sau này. Trong ánh nến bàn tiệc đoàn kết hai trăm khẩu phần đủ cả quân dân chính áo chàm, áo nâu, áo ka-ki (…)


Gốc Thông, 31-8-1949