Chỉ một lần không nhận ra kẻ xấu, hay một lần người tốt không chịu đựng nổi tra tấn, hay một lần sơ hở để lộ “mùi” bị chó săn ngửi, là xong. Thì biết bao nhiêu người cách mạng đã… Nhưng bất cứ lúc nào cũng vẫn có một số cán bộ đang hoạt động. Cán bộ có khi phải ở trong buồng tối lâu ngày để làm thứ báo mà đồng bào yêu nước cầm lên đọc thấy như ngọn đuốc cháy giữa đêm đô hộ. (Thu Tứ)



Tố Hữu, “Trong tối làm sáng”




Tôi ở Huế hai tuần rồi ra Đông Hà, Đồng Hới gây dựng vài cơ sở. Một hôm về Huế, tôi gặp lại một đồng chí cũ tên là Giới, sau này là nhà thơ Thôi Hữu. Anh là thợ điện, có việc làm, lương khá. Tôi hỏi anh có hoạt động gì không? Anh bảo: “Ở Huế bây giờ tan tác hết. Không biết còn cơ sở nào không? Nghe nói bọn nó đang lùng ông Vịnh, không biết thế nào? Hình như đã bị bắt lại rồi. Tao có mối ở Hà Nội. Nếu ra được đó thì mới có cơ may tìm được liên lạc với Trung ương.

Tôi nghe vậy, mừng quá, nhưng nghĩ lại, không dễ, liền bảo:

- Ra đó, phải có căn cước, khám xét ngặt lắm, mà tôi thì không có tiền, anh có đồng nào không, cho mình với.

Giới nói ngay:

- Tao mới nhận được tiền lương đây, 30 đồng, cho mày một nửa.

Tôi cầm 15 đồng của Giới và tìm cách đi Hà Nội. Hồi đó nước ta bị chia ra ba kỳ: Bắc, Trung, Nam. Từ Trung kỳ ra Bắc kỳ thì đàn ông phải có giấy căn cước mới đi được. Bởi vậy tôi tiếp tục đóng vai phụ nữ, chẳng cần căn cước, mua vé tàu ra thẳng Hà Nội. Đã có kinh nghiệm, tôi làm bạn với một bà già và làm như con cháu của bà ấy. Tôi tỏ vẻ chăm sóc bà rất ngoan. Vì thế người đi soát vé qua mặt tôi chẳng chú ý gì.

Ra Hà Nội, theo địa chỉ giới thiệu của Giới, tôi đến thẳng nhà anh Thắng ở gần Đường Thành. Anh Thắng làm nghề bán báo. Nhận được thư giới thiệu của Giới, anh liền bố trí cho tôi ở nhà một ông lang đầu phố Thuốc Bắc, giả làm học trò chuẩn bị đi thi tú tài. Vài ngày anh lại đến thăm tôi cho biết tình hình. Mới biết Đảng ta tình hình lúc này rất khó khăn. Sau khi Nam kỳ khởi nghĩa thất bại, nhiều đồng chí lãnh đạo bị bắt, chỉ còn một số ít ở ngoài này hoạt động. Cơ sở còn rất ít. Thắng bảo tôi:

- Lúc này, cậu ở Hà Nội chưa thuận tiện lắm, nên vào Thanh Hóa. Ở đó có mấy đồng chí mới vượt ngục về.

Anh cho tôi địa chỉ liên lạc ở Thanh Hóa. Đến phố Lò Chum, gặp anh Thực, một cơ sở cũ. Thế là sau một tháng ở Hà Nội, tôi lại trở về miền Trung. Rất may gặp lại mấy đồng chí cũ vốn cùng ở tù Buôn Ma Thuột, đặc biệt có đồng chí Lê Tất Đắc. Anh em gặp nhau mừng lắm. Lại có thêm mấy đồng chí vừa vượt ngục trại Ly Hỷ (Phú Yên) về, chúng tôi xuống ngay các làng có cơ sở cách mạng cũ ở Thiệu Hóa, Thọ Xuân, bắt đầu xây dựng lại phong trào, vì sau khi chiến khu Ngọc Trạo thất bại, nhiều đồng chí bị bắt, tổ chức quần chúng không còn bao nhiêu. Chúng tôi lập tỉnh ủy lâm thời để hoạt động. Đó là vào tháng 7 năm 1942. Mấy tháng sau, anh Lê Tất Đắc ra Hà Nội tìm liên lạc với Trung ương, chẳng may lại bị bắt. Anh em cử tôi làm bí thư, phụ trách tuyên truyền và tổ chức, ra báo Đuổi giặc nước, tiếng nói của cơ quan Việt Minh tỉnh. Rất may là có người ở Hà Nội về mang đến cho chúng tôi bản hiệu triệu cứu nước ký tên Nguyễn Ái Quốc. Lần đầu nhận được tài liệu này, chúng tôi vô cùng phấn khởi (…)

Chúng tôi say mê ra sức hoạt động, xây dựng mặt trận Việt Minh với các hội thanh niên, phụ nữ, nông dân (…) mở liên tiếp các lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày, nâng cao lòng tin vào thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc. Báo Đuổi giặc nước (…) bốn trang, mỗi tháng một kỳ. Thế mà làm cũng vất vả, vì in trên đá (…) lúc đầu chưa quen viết chữ trái nên viết rất chậm, sau quen dần (…) Báo ra được năm số thì có động (…) nên chúng tôi càng phải hết sức giữ bí mật chỗ ở và đường đi lại của mình. Những số báo đầu tiên được in ở nhà đồng chí Số, tại làng Thượng, huyện Nga Sơn. Nhà anh có hai cô em gái làm liên lạc, rất tận tụy và khôn khéo, đi phát các số báo đến nhiều cơ sở. Sau đó bị lùng riết, chúng tôi phải chạy sang huyện Hậu Lộc. Trong tỉnh ủy có hai đồng chí Điệt và Trình là người địa phương rất thông thuộc địa bàn, nên xây dựng cơ sở khá nhanh. Một hôm hai anh em gặp hai người thợ cắt tóc tên là Sồ và Hậu ở chợ, lân la làm quen, nói là đi buôn tre luồng mà ở đây rất cần cho nghề đánh cá, đề nghị cho về nhà ở trọ một thời gian để làm ăn. Anh Điệt đưa tôi về ở đây, sau này quen gọi là nhà mẹ Tơm, ở làng Hanh Cù sát ngay bờ biển, giữa vùng đồi cát trắng hoang vắng chỉ có cây phi lao lơ thơ, rất tiện cho việc đi về. Vào nhà mẹ Tơm, Điệt tự xưng mình là Hiền, còn tôi là Lành. Cái tên Lành ấy tôi giữ mãi đến ngày nay. Chúng tôi có mang theo ít gạo và tiền, cả nhà cùng ăn vui vẻ, nên hai ông bà già chủ nhà cũng mau thấy thân tình. Thế là nhà mẹ Tơm thành cơ quan Tỉnh ủy. Chúng tôi mang đá và mực về tiếp tục làm báo Đuổi giặc nước. Lúc này anh Sồ và anh Hậu đã bắt đầu giác ngộ cách mạng, được phân công mang báo ra chợ phân phát cho các đối tượng đã có mối liên lạc. Ông bố và mẹ Tơm thì vui lòng làm việc “canh gác” (…)

Bữa ăn hàng ngày thường là khoai lang “cõng” ít cơm với cà muối và tép kho mặn. Tôi suốt ngày ở trong buồng tối, phải chọc chỗ thủng trên mái để có đủ ánh sáng viết bài và in báo. Tuyệt đối tránh không gây tiếng động, không nói ra tiếng, nhỡ muốn ho là phải bịt mồm ngay. Cần đi đâu thì phải đợi đến đêm thật tối, không có trăng. Vì thế mà lâu ngày mất cả giọng và mắt cũng nhòe trước ánh sáng. Đến khi cách mạng ra công khai, được nói to, nhìn thấy nắng trời, chỉ thế thôi mà đã sướng vô cùng!

Hai anh giới thiệu với tôi mấy cơ sở tốt, có anh làm thầy cúng. Nhờ đó, tôi được mấy lần đi ban ngày vào sáng sớm, sang các làng khác, tay cầm tráp và hương nến, theo ông “thầy cúng” chẳng ai ngờ.

Các anh Sồ và Hậu vừa hoạt động, vừa cắt tóc lấy tiền nuôi gia đình và đồng chí. Ở được bốn tháng, có kẻ nội phản khai báo, cả hai anh đều bị bắt và bị tra tấn dữ dội, hộc cả máu, nhưng đều rất gan dạ, một mực không khai cơ quan và cán bộ Đảng. Cơ sở bị lộ, tôi phải chuyển sang huyện Hoằng Hóa và các vùng khác. Tôi đóng vai anh thợ cắt tóc, mang hòm xiểng nhỏ, có dao kéo, nhưng cái tông-đơ bị kẹt không cắt tóc được. Có ai gọi vào thì thưa phải đi chữa dụng cụ đã! Thế là chuồn luôn. Từ hồi đó đến Cách mạng Tháng Tám, rồi tiếp đến cuộc kháng chiến chống Pháp, công tác lôi cuốn tôi liên miên, không có lúc nào về thăm lại nhà mẹ Tơm được.

Phải đến tháng 7 năm 1961, tức là 19 năm sau, tôi mới có dịp trở lại thăm Hanh Cù. Lúc đó hai ông bà Tơm đã mất, chỉ còn hai đồng chí Sồ và Hậu kiên cường bị tù hai năm, may còn sống được về nhà, nhưng rất nghèo. Biết cách mạng còn khó khăn, hai anh không đòi hỏi gì, chỉ xin cái giấy chứng nhận “Gia đình có công” cho “đẹp mặt” với làng xóm. Tôi ra thăm mộ hai ông bà, rồi viết bài “Mẹ Tơm”, như thắp một nén hương tưởng nhớ ơn gia đình đã cưu mang cán bộ cách mạng trong những tháng năm cực kỳ khó khăn.

Mười chín năm rồi. Hôm nay lại bước
Đoạn đường xưa, cát bỏng lưng đồi
Ôi! có phải sóng bồi thêm bãi trước
Hay biển đau xưa rút nước xa rồi!

... Con đã về đây, ơi mẹ Tơm!
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gông, chấp súng gươm

... Ôi! bóng người xưa đã khuất rồi
Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời!


Tờ báo Đuổi giặc nước khổ nhỏ, chỉ có bốn trang nhưng cũng giải thích được chủ trương của Đảng (...) quan trọng nhất là đánh đuổi giặc Nhật, giặc Pháp, tiễu trừ bọn Việt gian, giành cho được độc lập tự do (...)

Khắp mọi nơi, địch ra lệnh lùng bắt cán bộ Việt Minh (...) Song ở đâu tôi cũng được đồng bào hết lòng che chở nên không xảy ra việc gì (...) Chẳng những ở cùng bà con nghèo (...) tôi còn đến cả những thầy giáo, những ông lang (và) rất chú ý giác ngộ chức sắc trong làng (...)


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)