Khó khăn bắt đầu từ công tác chuẩn bị chiến trường: “dân cư (…) phần lớn là đồng bào thiểu số gốc Hoa, tư tưởng cầu an”. Vì “cơ sở của ta tại đây yếu”, nên phải chủ yếu dựa vào dân công ở ngoài địa phương. Nhưng “đường (…) từ hậu phương ra mặt trận chính dài hàng trăm ki-lô-mét (…) nhiều đoạn độc đạo bị máy bay và pháo địch khống chế ngày đêm”.

Đường khó đi vô cùng: “Con đường độc đạo từ lâu hoang phế, nhiều đèo cao, dốc đứng (…) Trời mưa liên miên đã làm những con suối trở nên hung dữ và những đèo cao càng trở nên hiểm trở tưởng như không thể vượt qua. Chiến sĩ phải bỏ vải nhựa, chăn trấn thủ bọc thuốc nổ và gạo, bám từng mỏm đá, từng mấu cây để tiến lên trên con đường đèo đất đã biến thành bùn đặc quánh trơn như mỡ. Đoàn quân có lúc phải đứng chịu trận dưới mưa rát mặt, không thể tìm ra chỗ có thể ngồi nghỉ tạm hoặc đặt ba-lô”.

“Kỳ lạ là sức chịu đựng” của quân dân ta. Bất chấp tất cả, chiến trường rồi cũng chuẩn bị xong và bộ đội có mặt ở các vị trí tập kết.

Nhưng ta lại gặp phải một khó khăn nữa, lần này không thể khắc phục. Ấy là ta muốn đánh vận động là lối đánh ta có kinh nghiệm và không đòi hỏi nhiều vũ khí nặng mà ta không có, thế mà nó “nhất định không tung những binh đoàn cơ động” ra cho ta đánh. Nó không dám tung như trong chiến dịch Trung Du, bởi địa hình đây không thuận lợi cho nó như ở trung du. Ta buộc lòng phải đánh công kiên. Công kiên thiếu vũ khí nặng là khó, đã thế ở chiến trường này nó lại bố trí sẵn rất nhiều pháo, gồm cả pháo của các chiến hạm đậu trên sông. “Cả 4 trung đoàn đều đột phá không thành công!”, chủ yếu vì “địch đã dựng lên một hàng rào lửa bằng đạn đại bác quanh các cứ điểm ngăn cản những đợt xung phong của ta”.

“Phải tìm ra một cách đánh địch hiệu quả hơn”.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Hoàng Hoa Thám”



Trung ương Đảng đã có dự kiến sau chiến dịch Trung Du sẽ mở chiến dịch ở Liên khu III tiến tới giải phóng đồng bằng Bắc bộ. Chiến dịch Trung Du kết thúc không thuận lợi mang lại sự phân vân. Có ý kiến nên mở một chiến dịch theo hướng Lục Nam, vẫn trên địa hình trung du. Các cố vấn gợi ý nên đánh Móng Cái để hoàn thành giải phóng toàn bộ biên giới phía bắc.

Tôi nhận thấy (...) phòng tuyến địch ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang đã được củng cố, lực lượng địch tại đây rất đông (...) Liên khu III có những địa bàn địch yếu, sơ hở, nhưng đường vận chuyển xa lại bị nhiều sông ngòi chia cắt, khó giải quyết vấn đề tiếp tế lương thực, đạn dược. Liên khu III cũng giống trung du là nơi địch có thể tăng viện rất nhanh. Thị xã Móng Cái nằm quá sâu trong vùng địch, đường vận chuyển khó, lại dễ bị pháo của hạm đội khống chế, nếu ta giải phóng được thì cũng khó giữ (...) Tôi gửi một bản báo cáo lên Thường vụ và Bác đề nghị tạm hoãn mở chiến dịch ở Liên khu III và chuyển hướng sang Đông Bắc. Thường vụ và Bác nhất trí.

Ngày 30 tháng 1 năm 1951, Trung ương Đảng chỉ định đảng ủy chiến dịch gồm 5 đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Trần Hữu Dực. Tôi là Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng. Trung ương xác định mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, phá kế hoạch chấn chỉnh phòng ngự của chúng và đẩy mạnh chiến tranh du kích (...)

Chiến trường Đông Bắc mà ta lựa chọn lần này nằm sâu trong vùng địch, nơi có những trục đường 17 và 18. Đường 18 chạy từ thị xã Bắc Ninh qua Phả Lại, Đông Triều, Mạo Khê, Uông Bí, vùng than Hòn Gai, Tiên Yên đến tận thị xã Móng Cái tiếp giáp với Trung Quốc. Đường 17 chạy từ Thái Bình qua Hải Dương, Phả Lại, Bến Tắm tới Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang. Đây là vùng vàng đen của Tổ quốc. Những khu mỏ ở Hòn Gai, Vàng Danh, Mạo Khê v.v. đã được thực dân Pháp khai thác từ lâu. Đường 18 nằm một bên là dãy núi Đông Triều hiểm trở, một bên là con sông Đá Bạch tàu chiến của địch thường qua lại. Đặc biệt ở đây có Vàng Danh là nơi cung cấp nước ngọt cho Hải Phòng. Vùng giải phóng của ta ở Đông Bắc hẹp, đường sá ít, dân cư thưa thớt phần lớn là đồng bào thiểu số gốc Hoa, tư tưởng cầu an. Cơ sở của ta tại đây yếu nên công tác chuẩn bị chiến trường khó khăn (...)

Rút kinh nghiệm chiến dịch Trung Du, ta sẽ tránh đánh vận động trong những điều kiện bất lợi. Mức tiêu hao của bộ đội vì phi pháo trong những trận đánh ngày 16 tháng 1 năm 1951 ở Vĩnh Yên khá cao (...)

Sau khi cân nhắc, Đảng ủy quyết định chọn hướng chính của chiến dịch là đường 18, đoạn từ Bãi Thảo đến Uông Bí, dài khoảng 50 ki-lô-mét. Tại vùng này có 3 phân khu của địch: phân khu Núi Đèo, phân khu Quảng Yên, phân khu Phả Lại, hình thành tuyến phòng thủ đường 18, bảo vệ vòng ngoài cho Hải Phòng, Hải Dương và đường số 5. Lực lượng địch trong khu vực kể cả quân chiếm đóng và quân cơ động là 11 tiểu đoàn (...) Do vị trí quan trọng của đường 18, khi bị tiến công có nhiều khả năng địch sẽ tăng viện nhanh và mạnh bằng đường bộ, đường thủy và đường không để đối phó với ta. Địa hình rừng núi, ruộng đồng đan nhau, những đám sình lầy mọc đầy sú vẹt nằm xen với những khu đất bằng phẳng sẽ cho phép ta đánh vận động lớn (...)

Ta chủ trương tạo ra cái thế uy hiếp cùng một lúc cả Hà Nội và Hải Phòng ngay từ đầu chiến dịch.

Đại đoàn 304 được trao nhiệm vụ đánh địch từ Vĩnh Yên tới Việt Trì. Đại đoàn 320 đánh địch ở khu vực Sơn Tây, Hà Đông. Liên khu Việt Bắc tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích ở Trung Du và Đông Bắc. Liên khu III đẩy mạnh chiến tranh du kích ở Tả Ngạn và Hữu Ngạn, phá hoại giao thông trên đường số 5, số 1, số 6, số 11. Bộ Tổng tư lệnh nhắc nhở các tỉnh trung du chú trọng đánh địa lôi, phá hoại đường giao thông, đặc biệt là những cầu trên đường 1, 2, 13 và khi có thời cơ thì tiêu diệt những vị trí ở nam phần Bắc Ninh, nam phần Vĩnh Phúc, quấy rối tiêu hao các lực lượng cơ động của địch.

Lực lượng tham gia chiến đấu lên tới gần 40.000 người. Dự kiến phải huy động trên 50.000 dân công, 1300 tấn lương thực, 160 tấn đạn dược. Đường vận chuyển từ hậu phương ra mặt trận chính dài hàng trăm ki-lô-mét, phải vượt qua nhiều đoạn độc đạo bị máy bay và pháo địch khống chế ngày đêm.

Thời gian chiến dịch dự tính là một tháng, ở cả hướng chính và hướng phụ.

Lực lượng tham gia ở hướng chính gồm hai đại đoàn 308, 312, hai trung đoàn 174, 98, cùng bốn liên đội sơn pháo 75 ly (...)

Ngày 5 tháng 3 năm 1951, Bộ Tổng tư lệnh tổ chức hội nghị trao nhiệm vụ cho các đơn vị ở hướng chính tại Điềm Mạc (Định Hóa).

*

Đầu tháng 3 năm 1951, cơ quan tham mưu Pháp tin rằng Việt Minh đang chuẩn bị mở một cuộc tiến công mới (...) nhưng chưa xác định được nó sẽ nổ ra ở đâu (...) Đến ngày 19 tháng 3, Xa-lăng nhận được những tin tức cụ thể hơn: hai đại đoàn 308, 312 cùng với hai trung đoàn của đại đoàn 316 đã tập trung tại dãy núi Đông Triều (...) Ở phía tây, hai đại đoàn khác là 304 và 320 đang hình thành một gọng kìm đe dọa Hà Nội.

Quân số ở hướng chính của ta là khoảng 26.000 người. Cùng đi với bộ đội ra mặt trận có 30.000 dân công. Bộ đội và dân công tuy đã xuất phát từ nhiều hướng nhưng vẫn tạo ra những dòng người vô tận không dễ lọt qua tai mắt quân địch. Mọi người đều mang vác nặng. Các chiến sĩ có 30 ki-lô-gam súng, đạn, thuốc nổ, lương thực trên vai. Dân công chuyển vận gạo, đạn còn phải gồng gánh nặng hơn. Riêng những khẩu sơn pháo lần đầu được vận chuyển bằng ngựa (...)

Ngày 18 và 19 tháng 3 năm 1951, Đảng ủy chiến dịch họp tại sở chỉ huy mới ở Bãi Đá, Mai Siu, cách Lục Ngạn 14 ki-lô-mét về phía nam. Các đơn vị đi trinh sát về báo cáo chưa nắm chắc địch, địa hình (...) trống trải, hẹp, khó tập kết lực lượng lớn, khó giấu quân. Hai phương án tác chiến được nêu lên. Phương án thứ nhất là đánh điểm nhỏ. Ưu điểm là chắc thắng, che giấu được lực lượng của ta. Còn nhược điểm là đánh điểm nhỏ thì địch sẽ tăng viện nhỏ, và nếu phải đợi lâu thì ta sẽ gặp khó khăn về tiếp tế. Phương án thứ hai là đánh điểm lớn. Ưu là địch có thể nhanh chóng đưa viện lớn tới, cho ta cơ hội tiêu diệt được nhiều sinh lực. Nhưng nhược là không bảo đảm chắc thắng.

Sau khi cân nhắc, Đảng ủy quyết định chọn phương án thứ nhất kết hợp với theo dõi sát tình hình địch, khi thấy xuất hiện điều kiện có lợi sẽ chuyển qua phương án thứ hai. Ta sẽ mở đầu chiến dịch bằng cách đánh một loạt vị trí bảo vệ hệ thống dẫn nước ngọt từ Vàng Danh về Hải Phòng, cắt con đường từ Quảng Yên đi Uông Bí, đồng thời bố trí hai trung đoàn phục kích tại đây chờ diệt quân viện.

Nhận thấy các đơn vị nắm địch chưa chắc, Đảng ủy quyết định kéo dài thời gian chuẩn bị thêm ba ngày.

Cuộc hành quân vào vị trí tập kết thật khó khăn. Con đường độc đạo từ lâu hoang phế, nhiều đèo cao, dốc đứng. Đã thế, địch đánh hơi thấy sự di chuyển của quân ta, dùng máy bay trút bom ngăn chặn, nhiều đoạn đường lại nằm trong tầm kiểm soát của pháo địch. Trời mưa liên miên đã làm những con suối trở nên hung dữ và những đèo cao càng trở nên hiểm trở tưởng như không thể vượt qua. Chiến sĩ phải bỏ vải nhựa, chăn trấn thủ bọc thuốc nổ và gạo, bám từng mỏm đá, từng mấu cây để tiến lên trên con đường đèo đất đã biến thành bùn đặc quánh trơn như mỡ. Đoàn quân có lúc phải đứng chịu trận dưới mưa rát mặt, không thể tìm ra chỗ có thể ngồi nghỉ tạm hoặc đặt ba-lô. Quần áo mặc trên người ướt rồi khô, rồi lại ướt. Đáng sợ nhất là những bao gạo đã bắt đầu lên men (...) Chúng tôi lo lắng đường xấu và thời tiết làm suy giảm sức khỏe bộ đội trước ngày nổ súng.

Kỳ lạ là sức chịu đựng của dân công phục vụ chiến dịch. Trong hàng ngũ có nhiều người lớn tuổi và những em thiếu niên. Hỏi mới biết nhiều trường học, cả thầy và trò cùng đi dân công! Phục vụ chiến dịch lần này ngoài đồng bào vùng tự do còn có những đội dân công từ vùng sau lưng địch ra, phần lớn thuộc ba tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Quảng Yên (...) Hành trang của những người dân công cực kỳ giản dị. Phần lớn không có chăn, màn, vải che mưa. Số đông lại là phụ nữ!... Nhưng không nghe một lời kêu ca, phàn nàn. Bộ đội hễ gặp dân công là rộn ràng lời chào thăm hỏi quê hương, tiếng reo cười khi gặp người cùng quê (…)

Sở chỉ huy chiến dịch chuyển về chân núi Yên Tử. Bảy thế kỷ trước, vua Trần Nhân Tông sau khi đánh thắng giặc Nguyên đã về đây tu và trở thành Đệ nhất tổ của Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử. Trước chiến tranh, tôi đã có lần lên núi Yên Tử. Từ trên đỉnh núi có thể nhìn thấy thành phố Hải Phòng.

*

Đêm ngày 23 tháng 3 năm 1951, mở đầu chiến dịch, các tiểu đoàn 23, 322 của trung đoàn 88 Đại đoàn 308 diệt gọn ba vị trí Lọc Nước, Đập Nước, Sống Trâu, không một chiến sĩ nào thương vong; trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 san bằn vị trí Lán Tháp. Toàn bộ những bốt bảo vệ hệ thống dẫn nước ngọt từ Vàng Danh về Hải Phòng đều bị tiêu diệt. Ta hy vọng nguồn nước ngọt duy nhất của thành phố Cảng bị đe dọa sẽ buộc quân ứng chiến của địch phải kéo tới.

Hai trung đoàn 102 và 36 dàn quân dọc con đường sắt chở than từ Vàng Danh ra Uông Bí. Đại đoàn 312 đón địch từ phía Đông Triều lên. Trung đoàn 98 đánh một số tháp canh, phá cầu ở Biểu Nghi quấy rối thu hút địch.

Đêm ngày 25 tháng 3, trung đoàn 98 tiêu diệt vị trí Chấp Khê.

Ba ngày chờ đợi đã qua. Quân viện địch vẫn chưa xuất hiện. Bộ chỉ huy chiến dịch tiến đánh những cứ điểm lớn trên đường 18 xung quanh Uông Bí, trong đó có những vị trí quan trọng như Bí Chợ, Tràng Bạch.

Đêm ngày 27 tháng 3, các đơn vị đồng loạt nổ súng.

Trung đoàn 102 chia thành bốn mũi tiến công Bí Chợ do 150 quân địch phần lớn là Âu Phi bảo vệ. Ngay từ loạt pháo đầu, chúng ta đã bắn trúng nhà chỉ huy, phá hủy đài thông tin. Xung kích nhanh chóng dùng bộc phá đánh vỡ lớp tường chính dày 60 xăng-ti-mét và xung phong từ cả bốn phía. Đồn Bí Chợ bị tiêu diệt hoàn toàn sau 45 phút, pháo địch không kịp chi viện. Cùng lúc, trung đoàn 36 tiêu diệt vị trí Phán Huệ. Bên phía Đại đoàn 312, trung đoàn 141 cũng tiêu diệt vị trí Tràng Bạch. Quân địch hoang mang bỏ chạy khỏi nhiều tháp canh.

Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đánh thẳng vào thị trấn Uông Bí nằm trên đường 18 giữa khu mỏ than Tràng Bạch, Bí Chợ, Vàng Danh. Nhưng ngay chiều ngày 28 tháng 3, quân địch bỏ Uông Bí chạy về Quảng Yên. Đây là một điều bất ngờ đối với ta.

Cùng thời gian này, tiểu đoàn Bạch Đằng của tỉnh đã luồn sâu vào địch hậu phát động nhân dân nổi lên bao vây đồn bốt địch, phá tề, trừ gian, phá cầu cống (…)

Đờ Lát đang ở Pa-ri (…) Khi cuộc tiến công nổ ra trên đường 18, Xa-lăng không dám tung những binh đoàn cơ động về phía rừng núi (…)

Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tiêu diệt Mạo Khê, vị trí then chốt án ngữ con đường tiến về Đông Triều và ra đường số 5, buộc địch phải tăng viện (…) Trung đoàn 209 được trao nhiệm vụ đánh Mạo Khê Mỏ, trung đoàn 36 đánh Mạo Khê Phố (cách nhau 2 ki-lô-mét). Trận đánh sẽ diễn ra vào đêm ngày 29.

Trong ngày 29, có tin Đờ Lát trở lại Hà Nội. Với sự có mặt của Đờ Lát, chắc chắn địch sẽ có những phản ứng mạnh hơn. Buổi tối (…) địch tăng cường cho Mạo Khê Phố tiểu đoàn 6 dù thuộc địa. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định bỏ đánh Mạo Khê Phố. Nhưng mệnh lệnh không tới kịp trung đoàn 36 trước giờ nổ súng. Trung đoàn 209 đánh Mạo Khê Mỏ đã tiêu diệt được già nửa quân đồn trú, nhưng phải rút lui vì pháo địch từ tàu chiến và Đông Triều bắn về gây nhiều thiệt hại. Trung đoàn 36 đột nhập Mạo Khê Phố gặp địch có xe tăng và xe bọc thép, lại đông hơn hẳn dự kiến, chiến đấu cho tới khi trời sáng mới rút lui.

Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy các vị trí còn lại trên đường 18 đã được tăng cường, quyết định kết thúc đợt 1.

Mặc dù đường 18 bị uy hiếp nặng nhưng các binh đoàn cơ động của địch vẫn án binh bất động. Chúng tôi quyết định chuyển sang đợt 2, tiếp tục đánh một loạt vị trí do cấp đại đội địch chiếm đóng. Những mục tiêu được chọn lần này đều nằm trên đường 17.

Đêm ngày 4 tháng 4 năm 1951, bộ đội ta đồng loạt nổ súng. Trung đoàn 102 đánh Bến Tắm, trung đoàn 88 đánh Bãi Thảo, trung đoàn 141 đánh Hoàng Gián, trung đoàn 98 đánh Hạ Chiêu. Nhưng cả 4 trung đoàn đều đột phá không thành công! Đồng chí Vũ Mạnh Hùng, trung đoàn trưởng trung đoàn 98, hy sinh vì đạn pháo của địch. Thất bại không phải do quân đồn trú có công sự phòng ngự vững chắc hoặc kiên quyết đối phó, mà chỉ vì địch đã dựng lên một hàng rào lửa bằng đạn đại bác quanh các cứ điểm ngăn cản những đợt xung phong của ta (…)

Địch nhất định không tung những binh đoàn cơ động (…) Lực lượng ta đã bị tiêu hao (…) Ta cần phải thu quân (…)

(Tổng kết chiến dịch) Số thương vong phía ta (…) khoảng 2.000 người. Gần 500 đồng chí hy sinh, trong đó có một trung đoàn trưởng (…) Chưa có chiến dịch nào số thương vong nhiều như thế này (…) Tỉ lệ tiêu hao của địch và ta là 1 trên 1.

Phải tìm ra một cách đánh địch hiệu quả hơn.

Ngày 5 tháng 4 năm 1951 chiến dịch Hoàng Hoa Thám kết thúc. Chiến dịch để lại cho tôi một ấn tượng nặng nề.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 715-724)