Nguyễn Dư để ý các nhà nho khi làm thơ văn nôm hay dùng chữ trúc để gọi tre và khi dịch Hán văn hễ thấy chữ trúc là gần như bao giờ cũng... không dịch, và giải thích: “Luật bằng trắc đã loại chữ tre, (bắt ta) dùng chữ trúc”. Thơ nôm dẫu làm theo luật Đường chắc chắn vẫn chứa được “tre”. Đây thực ra là bởi các nhà nho Việt Nam đã cố ý dùng “trúc”. Chữ nho vốn được quý hơn chữ nôm. Nguyễn Dư ghi nhận thỉnh thoảng “tre” cũng thắng “trúc”, như khi Ðinh Gia Khánh dịch Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch Ðặng Trần Thường. Ấy hẳn bởi hai dịch giả này là người Việt hiện đại.

“Hóa ra bụt chùa nhà cũng thiêng sao?”. Bạch Ðằng cả nghìn năm, “tre” mới đuổi được “trúc”, nên thiêng nghĩ có lâu!
(Thu Tứ)



Nguyễn Dư, “Tre trúc Việt Nam”




Tình cờ trong lúc đi tra nghĩa một thành ngữ, tôi được đọc :

“Trong bài hịch kể tội Tuỳ Dượng Đế, Lý Mật có viết : Chặt hết trúc trên núi Nam Sơn, chẻ thành tre cũng chẳng đủ để ghi tội ác của Tuỳ Dượng Đế.” (Điển cố văn học, Đinh Gia Khánh chủ biên, nxb Khoa Học Xã Hội, 1977, tr. 412).

Lời giải thích nghe hơi lạ.

“Chặt hết trúc, chẻ thành tre”, nghĩa là thân cây trúc to hơn thân cây tre à?

Thế mà từ thuở bé đến giờ tôi cứ đinh ninh là tre to hơn trúc. Hình ảnh cái mành trúc, cái chõng tre của bà nội, cái xe điếu uốn cong của bố, cái cầu ao đầu làng... Hay là mình nhớ sai?

May quá, Từ điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê cho biết “Trúc là tên gọi chung của nhiều loài tre nhỏ, gióng thẳng”. Nghĩa là... trúc nhỏ hơn tre. Yên tâm chưa? Dạ... chưa. Định nghĩa rõ như vậy mà còn chưa yên tâm à?

Định nghĩa thì rõ nhưng thí dụ đưa ra thì hơi mù mờ. Từ điển tiếng Việt giải thích thành ngữ “Trúc chẻ ngói tan” là ví thế quân mạnh như chẻ tre, đánh đến đâu, quân đối phương tan tới đó.

Trúc chẻ là... chẻ tre. Hoá ra trúc lại là tre ?

Rốt cuộc, trúc là tre hay khác tre? Là... cả hai! Thế mới... điên cái đầu!

Đầu đuôi chỉ vì :

- Nếu trúc là chữ Hán thì tiếng Việt dịch là cây tre. Thí dụ : Trúc côn là cái gậy tre (Từ điển tiếng Việt của Văn Tân).

- Nếu trúc là tiếng Việt thì trúc... hơi khác tre.

Họ tre có nhiều cây, mỗi cây có một tên gọi khác nhau : trúc, bương, luồng, vầu, lồ ô, giang, mai, nứa, hóp v.v.. Trúc là một giống tre nhỏ. “Trúc xinh trúc mọc đầu đình”.

Tre to lớn hơn trúc. Tre mọc hoang thành rừng. Tre được trồng để bao bọc, bảo vệ xóm làng. “Làng tôi xanh bóng tre”.

Thân tre được để nguyên, dùng làm nhà, làm cầu ao...hoặc được chẻ nhỏ làm tăm, tước mỏng làm lạt...

Tre và trúc khác nhau như vậy. Nhưng đôi khi cũng bị lẫn lộn.

Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có câu :

“Quyết Đông Hải chi thuỷ, bất túc dĩ trạc kỳ ô;
Khánh Nam Sơn chi trúc, bất túc dĩ thư kỳ ác.”

Văn Tân dịch là:

“Tát cạn nước Đông hải, không đủ rửa vết nhơ
Chặt hết trúc Nam sơn, chẳng đủ ghi tội ác”.

Trúc Khê dịch là:

“Múc cạn nước Đông Hải dễ mà rửa sạch tanh nhơ
Đẵn hết trúc Nam Sơn chẳng đủ biên ghi tội ác”.

Bùi Kỷ dịch là:

“Độc ác thay! trúc rừng không ghi hết tội
Dơ bẩn thay! nước bể không rửa sạch mùi”.

Chữ trúc được cả ba người dịch dịch là... trúc. Đúng ra phải dịch là tre.

Nguyễn Trãi muốn nói rằng “Chặt hết tre Nam Sơn (chẻ thành thanh) cũng không đủ để ghi tội ác (của quân Minh).”

Trong một bài biểu dâng lên vua Gia Long, Đặng Trần Thường cũng nói :

“Xét tội ác (của bọn Ngô Thời Nhậm thì) chẻ hết tre cũng khó biên hết.” (Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch của Nguyễn Ngọc Tỉnh, Giáo Dục, 2002, tr. 547).

Ngày xưa, khi chưa có giấy, người ta viết lên tre. Những thanh tre chép sử, có lớp vỏ màu xanh, được gọi là thanh sử. Thanh sử dịch sang tiếng Việt là sử xanh.

“Nghìn thu gặp hội thăng bình
Sao Khuê sáng vẻ văn minh giữa trời
Lan đài dừng bút thảnh thơi
Vâng đem quốc ngữ diễn lời sử xanh...”

(Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca)

Ngày nay lịch sử được viết bằng giấy trắng mực đen, được gọi là trang sử. Chỉ có mấy ông hoài cổ, ưa màu mè, mới phóng bút viết những trang sử xanh (rờn).

Thân trúc (tiếng Việt) vốn nhỏ, người Việt không chẻ trúc để làm gì cả.

Chỉ có văn học mới lôi trúc (chữ Hán) ra chẻ.

Bản dịch Bình Ngô đại cáo có câu:

“Trận Bồ Đằng như sấm vang chớp giật,
Trận Trà Lân như trúc chẻ tro bay.”

Thơ Nôm cũng có những câu tương tự:

“Nhân cơ phá trúc đuổi dài
Bảo Hà mở luỹ, Hồng Mai trú đồn” (Đại Nam quốc sử diễn ca)

“Thừa cơ trúc chẻ ngói tan
Binh uy từ ấy sấm ran ra ngoài” (Kiều)

“Trúc chẻ” chữ Hán là “phá trúc”. “Phá trúc” dịch hết sang tiếng Việt là “chẻ tre”.

““Trúc chẻ ngói tan” chỉ thế quân mạnh, đánh đâu được đấy. Dễ như chẻ tre, tháo ngói. Chẻ tre, chẻ được một mắt thì các mắt khác tự tách ra. Tháo ngói, tháo được một hòn thì cả mảng sụt theo” (Đào Duy Anh, Từ điển truyện Kiều).

Đào Duy Anh gián tiếp đồng ý rằng “trúc chẻ” nghĩa là “chẻ tre”.

Tại sao trong thơ văn xưa của ta, chữ tre không được dùng, chữ trúc không được dịch ? Chỉ vì niêm luật, thanh điệu của thơ văn. Tre (thanh bằng) không thay thế cho trúc (thanh trắc) được. Rốt cuộc các tác giả, dịch giả đã chọn cái hay (nhưng tối nghĩa) thay cho cái đúng (nhưng nằm ngoài vòng luật lệ).

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

“Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng” (Trấn thủ lưu đồn, Ca dao)

Măng mai to bằng bắp chân ăn còn bữa đói bữa no, huống hồ măng trúc nhỏ như ngón tay. Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể sai người ở đi tìm măng trúc về... nhắm rượu, nhưng anh lính thú “ngày thì canh điếm tối dồn việc quan” kia thì nhất định không mất thì giờ đi kiếm măng trúc về... nhâm nhi, ăn chơi.

“Oằn oại đôi vai quân tử trúc
Long lay một cổ trượng phu tòng” (Nguyễn Hữu Huân, Khi bị đóng gông)

Gông mà làm bằng trúc thì chỉ có gông hàng mã cho trẻ con bẻ chơi.

Luật bằng trắc đã loại chữ tre, dùng chữ trúc (Hán).

Tuy nhiên, đôi khi chữ trúc cũng được niêm luật cho phép dịch là tre.

“Tú hoa dã trúc tam xuân hảo
Tinh nguyệt minh song nhất thất hư”

(“Tre hoang, hoa đẹp, ba xuân tốt,
Cửa sáng, trăng trong, nhà trống trơ”).

(Nguyễn Bỉnh Khiêm, Xuân đán cảm tác, Đinh Gia Khánh dịch)

Mặc dù bị trúc Tàu lấn át, thỉnh thoảng cây tre của ta cũng được các cụ nhà Nho đề cao. Thế à? Hoá ra bụt chùa nhà cũng thiêng sao?


(Trang
chimviet.free.fr)