Lang thang trong núi rừng là nguy hiểm. Nhưng lang thang nơi có nhiều người ở, còn nguy hiểm hơn! Xuôi ngược điên đảo, rút cuộc về nằm ngủ trong bộng cây bên hồ Tịnh Tâm, rồi trở lại làm cậu học trò ở Huế, ai ngờ! (Thu Tứ)



Tố Hữu, “Chiếc lá theo dòng”




Cho đến một buổi chiều, chúng tôi đi qua một vườn cây đu đủ đầy trái chín vàng, tưởng như trong mơ (...) Bỗng có hai chú Cà Tu dưới suối vọt lên, lăm lăm giáo mác, hét to: “Chiu po moi?” (“Đi đâu?”). Huệ đáp ngay: “Giằng” (“Quảng Nam”). Hai chú nhìn một lúc, rồi nói tiếng Kinh: “Về làng”. Tôi hỏi ngay: “Làng mình tên là gì chú?”. “Làng Rô”. “Còn con sông?”. “Dakmy!”.

Mừng quá, chúng tôi liền đi theo bờ sông đến một khu đất bằng phẳng, hơn mười nóc nhà. Một chú đưa vào một nhà to nhất. Bước lên bực thang gỗ, vào một gian rộng, thấy ngay một ông cụ đầu bạc, nằm bên bếp lửa. Biết đó là Già làng, Huệ nói to: “Chào già ạ!”. Ông nhỏm dậy, nhìn hai chú khách mới đến, hỏi liền: “Khách ở đâu về?”. Huệ trả lời: “Chúng tôi đi phu cho Tây, xong việc về nhà thôi”.

Già làng không hỏi gì nữa, chỉ chỗ cho chúng tôi nằm nghỉ trong góc nhà (...) Một lúc sau thấy mấy cô gái Cà Tu mang lên sàn nhà mười hai cái mẹt (làng này có 12 nóc nhà), mỗi cái có hai bát cơm độn ngô và hai đĩa cá nướng thơm phức. Già làng bảo: “Các người ăn đi!”. Chúng tôi đang đói lả, không ngờ lại được ăn một bữa cơm nhiều và ngon đến thế. Tuy hai đứa dặn nhau: chỉ nên ăn từ từ kẻo “chết no”, song bụng cứ cồn cào không nhịn được. Mỗi lần ăn ba bốn bát, nằm ngủ một lúc lại thức dậy ăn, rỉ rả cả đêm. Đến sáng thì mỗi người đã ăn hết mười hai bát cơm và mười hai đĩa cá. Qua một đêm no bụng rồi mới bắt đầu lo nghĩ suy tính đường về xuôi. Già làng nói, như muốn báo cho biết một nguy cơ nào đó:

- Ở đây gần đồn Giằng, “khách” muốn về lúc nào cũng được!

Nghe nói, chúng tôi rùng mình, phải nhanh chân mà chạy đi thôi. Ngẫu nhiên, ngày hôm ấy có một toán người đi buôn dưới xuôi lên (...) Hai chúng tôi càng lo ngại bị lộ tung tích, nên đêm ấy nói với Già làng mai sẽ về nhà. Ông già gật đầu và bảo:

- Cứ ngủ, sáng dậy sớm mà đi.

Ngủ được một giấc dài, tỉnh dậy đã thấy bên bếp lửa một cô gái nhỏ đang gói hai bọc xôi lớn trong lá chuối. Hai chúng tôi ngồi dậy thì ông Già làng cũng vừa mở mắt, bảo:

- Hai người mang xôi, đi theo con nhỏ này ra đường.

Cô gái trông rất dễ thương, lặng lẽ dắt chúng tôi qua rừng rậm một hồi lâu thì ra đến đường cái. Biết cô là con Già làng, chúng tôi biếu hai đồng bạc trắng, ra hiệu để làm hoa tai, cô chần chừ một lúc rồi cười tỏ ý rất vui, sau đó, chạy như bay biến vào rừng. Chúng tôi xuống đường đi một quãng, bỗng giật mình thấy người trưởng toán đi buôn hôm qua đang ngồi trên hòn đá bên đường. Thấy chúng tôi, anh ta hất hàm hỏi ngay:

- Các chú là cộng sản phải không?

Anh Huệ liền đáp:

- Cộng sản gì đâu chú, chúng tôi đi phu về mà!

Hắn bảo:

- Thôi đừng nói nữa, sắp tới đồn Kiểm lâm rồi, có ai hỏi thì đừng nói gì hết, để tao liệu cho.

Quả nhiên đi một lúc thì có tiếng gọi từ trên đồi:

- Có hai đứa nào đi với chú đó?

Người toán trưởng nói to:

- Hai thằng cháu của tôi mà!

Đi đến chiều tối đến bến sông Hà Tân, ông ta đưa chúng tôi vào nhà và hỏi:

- Các chú có đói không?

Chúng tôi nói:

- Đói lắm!

Thế là ông ta ra đi một lúc rồi trở về nhà với một chồng bánh tráng, một đùm thịt heo luộc và rau muống sống, có cả một bát mắm nêm và ớt xanh. Ông ta nằm xuống giường hút thuốc phiện và nói to:

- Các chú ăn đi, ăn cho hết.

Chưa bao giờ chúng tôi được ăn một bữa ngon như thế, loáng một cái là hết sạch.

Ông chủ nhà nhổm dậy hỏi:

- Giờ các chú đi đâu?

Anh Huệ nói:

- Chúng tôi muốn về nhà lắm, nếu được xin bác giúp cho đi ngay đêm nay.

- Đi ghe hả?

Lúc đó chúng tôi mới nhớ ra đây là bến sông, liền đáp:

- Vâng, thế thì tốt quá.

Ông ta liền ra ngoài, chỉ một lát trở lại và bảo:

- Các chú đi được rồi đó. Tao trả tiền rồi, muốn đi đâu thì đi.

Chúng tôi không ngờ ông ta lại tốt bụng đến thế, vội vàng cảm ơn, mà quên cả việc hỏi tên ông bạn, rồi ra bến sông, lên thuyền xuôi về Đại Lộc. Ngồi trên thuyền (...) tôi nói: “... Không ngờ đồng bào dân tộc làng Rô tốt bụng thế (...) Còn cái toán đi buôn ấy trông không ra người tốt (...) thế mà (...) Thật không lường được lòng người, tưởng là gian mà lại hào hiệp vô cùng (...) Biết bao giờ mới được gặp lại (...)”. Đi cả đêm gần đến sáng thì về tới bến Quảng Huế (...)

Chị Hậu nói có vẻ lo ngại (...) Biết không thể ở lâu được, Huệ bèn nói: “… Nếu được xin chị cho bộ quần áo đen để chúng tôi cải trang thành phụ nữ cho dễ đi đường” (…) Trước khi chia tay chúng tôi hẹn nhau: Huệ sẽ về Đà Nẵng tìm lại và xây dựng cơ sở, còn tôi thì lên làng Thừa Bình, quê nhà anh Trần Tống bạn cũ, lúc đó còn đang ở tù Buôn Ma Thuột (…)

Đến xế chiều thì đến làng anh Trần Tống, trông vào thấy nhà trên đang có khách, tôi liền đi xuống bếp, gặp luôn chị Tống đang nấu cơm. Chị ngước lên trông thấy tôi, ngơ ngác không nhận ra ai. Tôi tủm tỉm cười bỏ nón ra và nói: “Tôi là Thành đây, chị còn nhớ không?”. Vì trước đây, lúc đi học tôi đã mấy lần về thăm anh Tống nên chị nhận ra tôi ngay. Chị khẽ reo lên: “Chao ơi, anh về đó à”. “Vâng, tôi trốn tù về đây chị à. Tình hình có gay lắm không?”. Chị nói nhỏ: “Bọn lính lệ và lính Tây đi lùng sục gắt lắm”. Chị đưa tôi vào buồng trong liền. Một lát sau, ông cụ thân sinh anh Tống vào thăm. Cụ Trần Cảnh là một nhà nho yêu nước. Tôi thưa thật là muốn ở lại đây xây dựng cơ sở cách mạng một thời gian. Ông cụ liền bảo: “Anh biết chữ Nho không? Nếu biết thì viết vào lòng bàn tay một chữ để tôi xem.”. Tôi biết là ông cụ muốn bói xem vận hạn, liền viết chữ “xuân”. Ông cụ ngắm rồi cười khà vui vẻ: “Thôi thế là tốt rồi. Chú cao số đó. Chẳng sao đâu. Nhưng chú ở đây không tiện vì khắp huyện này cộng sản đang rải truyền đơn. Hai thằng nhỏ nhà tôi, thằng Hãnh và thằng Hãn em của thằng Tống cũng đang đi hoạt động từ sáng sớm, chưa biết thế nào”. Nghe nói thế, tôi cảm thấy ở đây khá nguy hiểm (…) Ông cụ gọi chị Tống vào và bảo: “Con đưa chú này đi lánh tạm ở trên gò đồi. Tiếp tế đều cho chú”. Thế là vừa chập choạng tối, chị Tống đưa tôi ra khỏi làng, lên một đồi cây rậm, trong đó có một cái miếu và bảo: “ Anh cứ yên tâm ở đây mấy hôm, nếu yên thì lại về nhà rồi tính việc “móc nối” sau”. Chị để lại cho tôi hai đòn bánh tét để ăn tạm vài ngày rồi ra về.

Đêm ấy và cả ngày hôm sau, tôi lắng nghe có động tĩnh gì không. Đến chập tối thấy trong làng đuốc đỏ rực. Chắc là bọn lính về làng vây ráp. Đến khuya thì êm. Nhưng bỗng thấy chị Tống lên đồi, nói: “Hai chú Hãnh và Hãn bị bắt rồi, bị nó đánh dữ lắm nên tôi phải lên báo anh biết để cẩn thận”. Chị lại đưa thêm tôi hai đòn bánh tét và dặn nếu có gì sẽ lên báo sau. Trưa hôm sau, tôi đang nằm trong miếu thì nghe có tiếng người nói lớn: “Không biết đứa nào ỉa đây mà thối quá”. Tôi giật mình nhớ hôm qua quên chôn phân. Nhìn ra, thấy một người đàn ông đang cắt cỏ tranh nhìn ngơ ngáo xung quann, rồi không hiểu sao vùng bỏ chạy xuống chân đồi. Tôi lo lắng, liền ra khỏi miếu chạy liền một mạch vào rừng sâu. Đến một suối nhỏ thì ngã vật xuống vì lúc đó tôi đang lên cơn sốt rét. Nằm một lát. Có lẽ nhờ chạy, mồ hôi toát ra nên thấy dịu lại. Tôi nằm im trong rừng đến khuya mới về miếu. Một lát sau, chị Tống lên bảo: “Tình hình gay đó, anh à. Để con Miến em tôi đưa anh sang nhà ông anh ở gần đây tiện hơn”.

Thế là đêm ấy, chúng tôi băng qua đồng đến một bờ sông thì rẽ vào một ngõ xóm. Cô Miến bảo: “Đây là nhà vợ chồng anh Hiến, anh em của anh Tống. Có thể ở được”. Anh Hiến đưa tôi vào nhà, niềm nỡ: “Anh cứ yên tâm ở đây. Chúng tôi che giấu ít lâu”. Chị Hiến nấu liền cho tôi một nồi cháo hành nóng sốt để ăn cho toát mồ hôi. Tôi thiếp đi một lúc thì bỗng giật mình nghe tiếng mõ đánh lên khắp xung quanh. Anh Hiến nói nhỏ: “Thế này thì không ổn rồi. Để tôi đưa anh xuống thuyền dời đi chỗ khác ngay”. Chúng tôi xuống một chiếc ghe, ngược lên một vùng lau sậy hoang vu, ở đó có một cái lều tre với mấy con trâu. Anh Hiến bảo tôi: “Anh cứ ở đây làm như người giữ trâu để qua vài ngày xem sao” (…)

Hôm sau gặp anh Hiến, tôi nói: “… xin anh cho tôi lên đường ra Đà Nẵng như đã hẹn với một đồng chí”. “… Anh không biết đường, để tôi cho người đưa đi”. Anh sai đứa con trai là cháu Lộc giả làm chú bé gánh cỏ đi trước dẫn đường. Thấy tôi rách rưới quá, chị Hiến cho tôi thêm một bộ quần áo phụ nữ còn lành, một lọn tóc dài và khăn trùm đen che kín cả hai tai. Tôi lại lên đường với một nãi chuối chín cầm tay và một thẻ hương như người đi thăm mộ. Cháu Lộc tung tẩy đi trước, tôi đi sau, qua mấy điếm canh mà không thấy ai hỏi gì (…) Đi được vài chục cây số thì đến Đà Nẵng là nơi tôi đã quen thuộc đường. Tôi bảo cháu Lộc trở về nhà. Khi đi ngang qua sân bay có lính Nhật đang canh, cũng hơi sợ, lỡ nó thấy con gái (…) Như đã hẹn, tôi đến dãy phố gần ga Đà Nẵng, tìm xem Huệ có đó không, nhưng chẳng thấy anh đâu. Nhìn lên tường, thấy một tấm giấy to, là lệnh truy nã tù trốn, trong đó có ảnh tôi nhưng không có ảnh Huệ (…) Sau này tôi mới biết Huệ về đến Đà Nẵng thì sốt cao, phải nằm lại ven đường. Có anh kéo xe thương tình đưa vào bệnh viện. Chẳng may bị nhận diện ngay (…) Thế là anh bị bắt (…)

Tôi về nhà một người bà con làm thợ máy. Ngay sau khi nhận ra tôi, anh hoảng hốt bảo: “Xóm này mật thám như ruồi, không ở được đâu. Anh nên tìm nơi khác ngay đêm nay!”. Thấy thế, tôi nói cho anh yên tâm: “Tôi đi ngay bây giờ, chỉ nhờ cháu lớn con anh đi mua cho cái vé xe lửa”. Anh liền sai thằng cháu theo tôi ra ga, mua vé vào Diêu Trì. Rồi đêm đó, tôi vào bãi tha ma gần ga, giữa đồi cát hoang, tìm đến một cái mộ xây gạch, chợp mắt ngủ một lúc. Gần sáng, thì ra ga lên tàu, vẫn với bộ quần áo phụ nữ. Rất may là gặp được một chị đi buôn cau nặng quá tải. Chị ta đang cần có người nhận bớt cau cho mình, nên thấy tôi là “con gái” thì mừng lắm, bèn bảo tôi đi cùng và nhờ gánh cho một phần cau buôn. Tôi nhận lời ngay vì như thế đi có bạn đường, kín đáo hơn. Tuy lấy vé đi Diêu Trì, nhưng đến xế chiều thì tôi xuống Phù Mỹ là ga trước, nơi anh ba tôi làm trưởng ga. Tôi vào thẳng nhà anh, thấy chỉ có một cháu gái giúp việc, sau biết là chị Kiểm vợ anh đang ở Huế chữa bệnh. Một lát thì tàu chạy, anh tôi về nhà, nhìn tôi, ngơ ngác một phút, rồi hỏi nhỏ: “Chú về bao giờ thế?”. Tôi liếc mắt nhìn cháu gái, anh hiểu ý liền bảo nó đi mua một trái dưa hấu. Anh em bàn tính cách che giấu tôi ngay. Anh nghĩ rồi bảo: Ga có kho hàng, chú vào đó ít hôm, tôi mang cơm vào cho chú ăn. Tôi làm liền theo lời, và đến tối anh mang vào một khay cơm với đĩa thịt kho và miếng dưa hấu. Sáng hôm sau, anh rón rén vào, có vẻ lo lắng: “Ở đây có một chú giúp việc, hình như biết có người lạ đến. Hắn người Nghệ, tốt bụng, tôi sẽ nhờ giúp thêm một tay” (…) Được hai hôm, chiều ngày 28-4, anh tôi vào và bảo: “Sắp đến ngày 1/5, bọn mật thám đang lảng vảng rình rập. Chú vào Mỹ Phú vài tuần với chú Kha, rồi sẽ liệu”. Anh mua vé cho tôi đi ngay đêm ấy. Mới xuống ga, Kha đã rỉ tai tôi: “Ảnh của anh dán ở ga, hôm trước đã có tên đến hỏi tôi có biết gì về anh không”. Tôi nói ngay: “Thế là không ổn rồi! Anh mua cho tôi vé đi Huế ngay ngày mai”. Thế là sáng hôm sau, tôi lại lên tàu ra Huế. Đến một ga nhỏ, thấy có một bà mang nhiều xoài lên, tôi đề nghị nhận giúp một số cân hàng. Bà vui vẻ nhận lời. Bà ta cũng là người Huế nên thân tôi ngay. Tôi cười thầm với mình: “Làm con gái lúc này, may thật”. Ra tới Huế, bà cảm ơn rối rít và mời tôi lên xe kéo cùng đi. Tôi thấy bất tiện nên từ chối, cuốc bộ đi tìm cơ sở cũ.

Trời chập choạng tối, tôi vào nội thành, đến nhà chị dâu tôi, vợ anh cả Sanh, ở tận cuối xóm gần hồ Tịnh Tâm. Thấy một phụ nữ vào, chị tôi ngỡ ngàng, không nhận ra ai. Tôi tới gần, nói khẽ: “Em Thành đây. Em trốn tù về, chị xem có ở được ít hôm không?”. Chị liền kéo tôi vào buồng, bảo nhỏ: “Nhà còn ông cụ rất sợ liên lụy, và mấy đứa con nít, rất dễ bị lộ. Nhưng bây giờ thì chú ra ăn cơm chiều đã”. Tôi theo chị xuống gian bếp, ngồi xuống chiếu đã dọn sẵn nồi cơm với đĩa cá kho. Chị nói rất vui vẻ, tự nhiên: “Đây là thím vợ chú Hoàng mới ra (Hoàng là anh ruột tôi ở Đà Nẵng). Tội nghiệp, mới đẻ còn yếu lắm. Thôi ăn đi, thím đói lắm rồi”. Hai cô em nhìn tôi rồi cũng xởi lởi “Mời chị”. Đang ăn, bỗng nghe con cháu nhỏ của chị tôi nói rành rẽ: “Nè mạ ơi! Hai cái tai của thím không có xâu lỗ đeo bông, mà bàn chưn của thím răng mà to rứa má?”. Tôi giật mình, không ngờ trẻ con lại tinh quái đến thế. Chị tôi vội mắng át: “Đừng hỗn, im đi”. Con cháu không dám nói gì nữa, nhưng cứ nhìn trộm tôi hoài. Đến tối, ông bố chị tôi về nhà, nghe chị tôi nói gì đó. Một lát sau, ông mời tôi lên nhà trên, nói thằng: “Chú trốn về đây, nguy hiểm lắm. Cả xóm này toàn là quan lại, mật thám, không ở được đâu!”. Tôi thấy ông cụ lo sợ quá, bèn nói: “Dạ, cháu cũng biết thế, chỉ ghé qua thăm nhà một chút thôi”. Thế là tôi chào chị tôi và cả nhà, ra ngõ, lặng lẽ đi về phía hồ Tịnh Tâm gần đó. Đi một đoạn, chợt thấy một lỗ to trên tường bao quanh hồ, vừa đủ một người chui lọt. May ơi là may, tôi liền thu mình chui vào. Chao ôi, cái hồ Tịnh Tâm thật thơ mộng chính là “Thiên Đường” của tôi rồi. Trời đêm mát rượi, lại thơm ngát hương sen đương mùa hè nóng nực. Nhưng phải tìm ngay một chỗ trú ẩn đêm nay đã. Chẳng cần tìm đâu xa, ngay gần đó có một cây si già rất to, có một cái bộng dưới gốc đủ cho một người ngồi, nằm. Tôi rúc vào đó, chỉ một lát đã ngủ thiếp một mạch đến gần sáng. Hôm sau tôi đến nhà một đồng chí cũ, con một ông “ngự y”. Không thể chứa tôi trong nhà, anh giới thiệu tôi đến phủ Tam tòa của bọn quan lại, ở đó có nhà của một nhân viên nhỏ, thường cho học sinh ở trọ. Không ngờ đến đó tôi gặp mấy anh em bà con vốn là đoàn viên thanh niên dân chủ do tôi phụ trách. Thấy tôi, họ vừa mừng vừa lo. Tôi nói: “Mình trốn tù về, đóng vai học sinh đi thi tú tài. Các cậu gắng giữ bí mật”. Thế là tôi xây dựng lại được một cơ sở trong thanh niên Huế.


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)