Ngoài hai khó khăn đã biết là địa hình trống trải khó tránh phi pháo và giao thông thuận tiện cho việc điều binh nhanh của địch, trong chiến dịch Trung Du ta gặp thêm hai thử thách nữa. Một là bom na-pan. Hai là Đờ Lát. Bom lửa lợi hại quá; viên tướng năm sao thì có phong cách hùng hổ “tác động đáng kể đến tinh thần sa sút của quân viễn chinh”. Làm Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy mà bay ra tận mặt trận, khá lắm.

À, lại còn cái chuyện rắc rối này. Là bộ đội tiến công, khi hết đạn phải lui về lấy, có khi đang vây địch mà phải bỏ vây!

Bất chấp tất cả, tuy kết thúc không thuận lợi, chiến dịch Trung Du thực ra vẫn lập được thành tích rất đáng kể.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Trung Du” (3)



Ngày 6 tháng 12 năm 1950, Hội đồng Bộ trưởng Pháp bổ nhiệm tướng năm sao Đờ Lát chức Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy ở Đông Dương. Lần đầu có người đảm đương một lúc cả hai nhiệm vụ này (…)

Ngày 17 tháng 12 năm 1950, Đờ Lát đi máy bay riêng tới Sài Gòn (…) Kiểu cách riêng của Đờ Lát đã tác động đáng kể đến tinh thần sa sút của quân viễn chinh (…)

Sang đợt 2 chiến dịch, Bộ chỉ huy hạ quyết tâm trên hướng chính Trung Du sẽ tiêu diệt thị xã Vĩnh Yên, là nơi binh đoàn cơ động số 3 của địch đang chiếm giữ. Binh đoàn này đã bị thiệt hại nặng trong đợt 1. Vĩnh Yên là nơi địch yếu so với những nơi khác trên tuyến trung du. Ta sẽ tiêu diệt cứ điểm này, đồng thời chuẩn bị tiêu diệt quân viện. Lực lượng sử dụng là ba trung đoàn 36, 88, 102 của 308, hai trung đoàn 209, 141 của 312, hai tiểu đoàn địa phương của Vĩnh Phúc và Phú Thọ cùng với ba liên đội sơn pháo 75.

Hướng phụ từ Đông Bắc sẽ chuyển về Bắc Giang với hai trung đoàn 174 và 98 cùng với ba tiểu đoàn địa phương Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Yên và một liên đội sơn pháo 75 ly. Hướng phối hợp là Liên khu III: Mặt trận Sơn Tây do Đại đoàn 320 và tiểu đoàn địa phương Sơn Tây – Hà Đông phụ trách. Đại đoàn 304 và lực lượng địa phương chịu trách nhiệm mặt trận Ninh Bình. Mặt Tả Ngạn giao cho trung đoàn 42 và lực lượng địa phương.

Ngày 10 tháng 1 năm 1951, Bộ Tổng tham mưu tổ chức hội nghị trao nhiệm vụ cho các đơn vị ở hướng chính tại sở chỉ huy chiến dịch ở Khuôn Chu, huyện Đại Từ, chân núi Tam Đảo. Tôi nói với hội nghị: “Quyết tâm của Đảng ủy là (…) đánh điểm diệt viện. Đờ Lát đã tuyên bố sẽ không bỏ một tấc đất nào. Nên ta đánh điểm, địch sẽ viện, viện nhanh và mạnh!”.

Sở chỉ huy chiến dịch chuyển từ Khuôn Chu lên đỉnh Tam Đảo (…) Thị trấn đã bị phá hoại hoàn toàn, nhưng vẫn có thể lợi dụng những căn hầm còn lại ở các nhà nghỉ mát của viên toàn quyền Pháp cũ và Bảo Đại. Giữa mùa đông, Tam Đảo lạnh buốt, thường có sương mù. Những khi trời trong, có thể theo dõi qua ống nhòm những trận đánh trên chiến trường Vĩnh Yên (…)

Đêm ngày 13 tháng 1, ở hướng chính, trung đoàn 141 đánh vị trí Bảo Chúc nằm ở tây bắc Vĩnh Yên 11 ki-lô-mét. Đây là một cứ điểm mạnh bảo vệ thị xã Vĩnh Yên, có hệ thống lô-cốt, hầm hào vững chắc, bao bọc bằng 7 lớp vật cản, có 5 trung đội địch đồn trú. Các trung đoàn 88, 36 và 209 chiếm lĩnh trận địa ở khu vực Cẩm Trạch, Thanh Vân, Đạo Tú chuẩn bị sẵn sàng đánh viện từ Vĩnh Yên lên.

Quân địch ở Bảo Chúc chống giữ quyết liệt. Đến 4 giờ sáng ngày 14 tháng 1, ta mới mở hết hàng rào. Trận đánh kéo dài đến trưa, khi ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch. Sáng ngày 14, binh đoàn cơ động số 3 từ Vĩnh Yên chia làm hai cánh lên ứng cứu cho Bảo Chúc (…) Chờ đại bộ phận quân địch lọt vào khu vực dự kiến, hai trung đoàn 36 và 88 nhanh chóng xuất kích, vừa vận động tiếp cận địch, vừa hình thành thế bao vây và chia cắt. Bộ đội ta và quân địch quần nhau trên một cánh đồng giữa vùng gò đồi trống trải. Quân địch có máy bay và pháo binh hỗ trợ, nhưng lâm vào thế bị động ngay từ đầu, nên dần dần tan vỡ (…) bị thiệt hại nặng (…) tháo chạy về Vĩnh Yên (…)

Nửa đêm ngày 14 (…) tôi gọi điện cho anh Lê Trọng Tấn, rồi anh Vương Thừa Vũ, hỏi có thể điều ngay một trung đoàn tập kích vào Vĩnh Yên? Nhưng cả hai đại đoàn đều không nắm được các đơn vị đang vận động, xin cho đánh vào đêm 15 (…)

Ở Hà Nội, Xa-lăng ra lệnh cho binh đoàn cơ động số 1 tiến lên Phúc Yên, sẵn sàng thọc vào sườn đối phương, và một tiểu đoàn dù chuẩn bị nhảy xuống Đồng Đau cách Vĩnh Yên 5 ki-lô-mét vào hôm sau (…)

Đêm ngày 14, Đờ Lát quyết định rút binh đoàn cơ động số 2 từ Lục Nam về tung vào chiến trường Vĩnh Yên, và ra lệnh lấy từ Trung bộ và Nam bộ 5 tiểu đoàn đưa ra Bắc (…) chỉ thị sử dụng ngay loại bom na-pan mà Mỹ vừa gửi tới Hải Phòng, và huy động toàn bộ không quân vào Vĩnh Yên (…)

Sáng ngày 15, binh đoàn cơ động số 1 vấp phải trận địa của 102 ở Ngoại Trạch, Khai Quang, Mậu Thông, phía đông nam thị xã (…) Giữa lúc đó máy bay địch xuất hiện và thả bom cháy xuống trận địa. Các chiến sĩ ta lần đầu gặp bom na-pan chưa biết đối phó. Trong ngày hôm đó, máy bay địch xuất kích 70 lần, ném xuống trận địa rất nhiều bom cháy (…) Quân địch phản công mở một con đường về phía Vĩnh Yên, nhưng suốt ngày chúng không tiến được quá 1 ki-lô-mét.

Từ trên đỉnh Tam Đảo, những lúc quang mây, không phải dùng ống nhòm cũng nhìn rõ những chiếc máy bay lao xuống trút bom lửa ở phía Vĩnh Yên.

Binh đoàn số 3 vẫn bị 209 bao vây chặt trong thị xã. Quân địch nhiều lần tổ chức đánh giải vây để bắt liên lạc với binh đoàn 1 nhưng đều bị đẩy lùi (…)

Bốn giờ rưỡi chiều, một chiếc Mo-ran đưa Đờ Lát và Xa-lăng tới thị xã Vĩnh Yên (…) Đứng trên đài quan sát, Đờ Lát hỏi Rơ-đông (chỉ huy binh đoàn 1): “Ông cần những phương tiện gì?” “Xin (…) tăng cường 6 tiểu đoàn cùng với pháo binh”. “Ông sẽ có tất cả” (…) (theo hồi ký của đại tá Rơ-đông) (…)

Buổi tối, vì phải tải thương và nhận tiếp tế đạn dược, các đơn vị được lệnh rời trận địa. Vòng vây dãn ra. Đêm hôm đó, binh đoàn cơ động số 1 tới được thị xã Vĩnh Yên.

Sáng ngày 16, hai binh đoàn cơ động số 1 và số 3 chia làm ba mũi đánh chiếm khu núi Đanh.

Núi Đanh là một dải núi đất chạy dài vượt lên khỏi các triền đồi trọc ở phía bắc và đông bắc thị xã 6 đến 7 ki-lô-mét, mỏm cao nhất là điểm cao 210 nằm sát con đường từ thị xã lên thị trấn Tam Đảo, từ đó có khả năng quan sát và khống chế một vùng rộng chung quanh.

Trên núi Đanh có một bộ phận của trung đoàn 209. Khi địch tiến công lên, cán bộ, chiến sĩ ta anh dũng đánh trả, nhưng trước sức mạnh áp đảo của bộ binh, máy bay và pháo binh địch, cuối cùng, bộ đội ta bị chúng đánh bật ra khỏi trận địa. Binh đoàn cơ động số 1 chiếm toàn bộ núi Đanh, trong khi đó, binh đoàn cơ động số 3 cũng lần lượt chiếm giữ một số mỏm đồi ở phía đông bắc thị xã.

Trước tình hình trên, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: Vĩnh Yên được tăng viện nhiều quân, địch đã củng cố phòng ngự, điều kiện đánh viện không còn, vì lực lượng của địch chia nhau chiếm giữ những điểm cao bên ngoài thị xã tạo nên một phòng tuyến liên hoàn đối phó với cuộc tiến công của ta. Những điểm cao địch mới chiếm đều chưa có công trình phòng ngự vững chắc. Ta cần bỏ phương án tiến công thị xã Vĩnh Yên, chuyển sanh đánh quân địch ở dãy núi Đanh khi chúng còn chưa có thời gian củng cố công sự. Bộ đội ta đã có kinh nghiệm đánh những điểm cao địch mới lấn chiếm trong chiến dịch Biên Giới.

Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung lực lượng tiến công địch tại khu vực núi Đanh. Lực lượng được bố trí như sau: trung đoàn 36, trung đoàn 88 và trung đoàn 209 chia làm nhiều mũi tiến công quân địch. Trung đoàn 141 làm nhiệm vụ chặn đường rút lui của địch về thị xã. Trung đoàn 102 làm lực lượng dự bị chiến dịch.

Sau một buổi sáng chuẩn bị gấp rút, 13 giờ 30 ngày 16 tháng 1, các đơn vị bắt đầu xuất kích. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt ngay từ lúc bộ đội ta vận động tiếp cận địch cho tới khi xung phong chiếm mục tiêu. Máy bay và các trận địa pháo, dưới sự chỉ điểm của máy bay trinh sát, không ngừng trút bom na-pan, đạn đại bác vào đội hình quân ta. Song với tinh thần dũng cảm phi thường và kỹ thuật tiếp cận khéo léo, các đơn vị đã vượt qua được lưới lửa dày đặc của địch, tiến hành công kích. Trung đoàn 209 chiếm được các điểm cao 70, 103. Năm giờ chiều, trung đoàn 36 tiến lên điểm cao 157. Một cánh quân viện của binh đoàn cơ động số 3 từ Vĩnh Yên lên, bị trung đoàn 209 chặn đánh phải quay lui về thị xã. Trước khi trời tối, binh đoàn cơ động số 1 và tiểu đoàn dù 10 thuộc địa đóng trên dãy núi Đanh chấn chỉnh lại lực lượng, bố trí thành đội hình vòng tròn trên các điểm cao.

Đêm ngày 16, các đơn vị của 308, 312 lại mở một đợt tiến công mới vào các cụm quân địch trên núi Đanh. Địch thả pháo sáng cho máy bay ném bom và bắn đại bác dữ dội ngăn chặn những đợt xung phong của quân ta. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trên những điểm cao 47, 101, 210. Hai giờ sáng ngày 17, ta chiếm được điểm cao 101, gây thiệt hại nặng cho một tiểu đoàn địch, chọc thủng tuyến phòng ngự, nhưng phía ta cũng bị tiêu hao nhiều. Riêng ở điểm cao 210, vì thiếu hiệp đồng chặt chẽ giữa các hướng, các đợt xung phong của ta đều bị đẩy lùi.

Hai giờ sáng ngày 17 tháng 1 năm 1951, thấy cuộc tiến công gặp nhiều khó khăn, Bộ chỉ huy chiến dịch hạ lệnh thu quân.

Yếu tố bất ngờ không còn. Đờ Lát đã vơ vét lực lượng trên toàn chiến trường Đông Dương để đối phó với năm trung đoàn chủ lực của ta (…)

Bộ đội ta đã chiến đấu 23 ngày đêm liên tục, loại khỏi vòng chiến khoảng 5.000 tên địch (…) một phần phía bắc các tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên ở trung du, hai huyện Bình Liêu, Hoàng Mô ở Đông Bắc được giải phóng, vùng tự do Hải Ninh được mở rộng đến sát Tiên Yên, Móng Cái. Chiến tranh du kích trong vùng địch hậu trung du và Liên khu III bắt đầu phục hồi (…)

Cơ động nhanh là một yêu cầu không thể thiếu trong đánh vận động. Trong cuộc chạy đua giữa núi rừng Cao – Bắc – Lạng, ta thường tới trước địch một vài giờ, và đặt chúng vào thế bị động. Ở trung du tình hình đã diễn ra ngược lại. Nhờ có thể vận dụng tối đa phương tiện cơ giới, địch biến đổi tình hình lực lượng cực kỳ mau lẹ. Hướng đông bắc khi ta bắt đầu nổ súng hoàn toàn sơ hở, chỉ một thời gian ngắn địch đã có thêm hai binh đoàn cơ động. Thị xã Vĩnh Yên đêm hôm trước, binh đoàn cơ động số 3 chỉ còn lại khoảng dăm trăm lính Âu Phi kiệt sức và tuyệt vọng, đêm sau đã thành vị trí đầy ắp quân lính.

Vũ khí vẫn còn là vấn đề nan giải. Ta hoàn toàn không có vũ khí phòng không. Ta thiếu vũ khí nặng để chế áp trận địa pháo. Do đó, máy bay cường kích và những khẩu pháo được điều chỉnh bởi máy bay “bà già” của địch tha hồ đánh phá những mũi tiến công và đội hình xung phong của ta. Bộ đội đã đánh tả tơi binh đoàn cơ động số 3 ở Liễn Sơn, Xuân Trạch, ở Thanh Vân, Đạo Tú, bẻ gãy những mũi tiến công của binh đoàn cơ động số 1 trên đường Phúc Yên – Vĩnh Yên và đẩy quân địch vào thế phải chống trả suốt cả một ngày. Nhưng bộ đội không thể đối phó được với bom na-pan và những loạt đạn pháo rơi xuống giữa đội hình trong những đợt xung phong

Rồi đạn dược cũng là một vấn đề không hề nhỏ. Súng không có đạn thì hoàn toàn vô dụng. Toàn bộ công việc tiếp tế đạn của ta đều dựa trên đôi chân và đôi vai của những anh, chị dân công! (…)

Sáng ngày 17 tháng 1 năm 1951, chúng tôi quyết định kết thúc chiến dịch Trung Du.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 706-715)