Về “đánh nhau với người Tàu”, lý do hiển nhiên. Lạ là nông dân mới hóa lính mà đánh bay quân đội chuyên nghiệp của “thiên triều”!

Về “chiếm cứ đất Chiêm Thành và Chân Lạp”, lúc đầu ta chỉ cần chừng ấy đất, nhưng rồi con đàn cháu đống, cần thêm đất. Sẵn đất hoang thì tốt, không thì đành chiếm đất không hoang. Có muốn vậy đâu, nhưng để sống còn… Ta chiếm từ từ theo nhu cầu sống, chứ không tới tấp đi chinh phục do tham vọng đế quốc.

Về thành tích chiếm đất, cần phải nhớ ta thua Tàu, Tây rất xa.

Tàu từ Hoa Bắc nam tiến ngốn không biết bao nhiêu đất của Việt tộc mới thành “vĩ đại” như bây giờ. Tây lại còn ghê hơn Tàu nhiều, từ Tây Á và châu Âu bành trướng nuốt hơn nửa châu Á, trọn châu Mỹ, châu Úc, một phần châu Phi! Ðể chiếm được đất, Tây, Tàu đã tàn sát chủ đất. Chiếm xong, Tây thường đối xử hết sức tệ với chủ đất.

Nếu nhân loại có bao giờ mở đại lễ ăn năn về quá khứ xâm lược, ta nhất định phải nhường cho Tây, Tàu tự đấm ngực trước!
(Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Chiến tranh là không đừng được”




Sự sinh hoạt bằng nông nghiệp đã gây cho dân tộc ta cái tính tình ưa chuộng hòa bình, chỉ cốt an cư lạc nghiệp chứ không muốn cạnh tranh với ai. Những cuộc đánh nhau với người Tàu ở trong lịch sử, những chiến công lừng lẫy của lịch triều, chẳng qua là tình thế khiến phải ra sức tự vệ, chứ không phải là do lòng thượng võ của quốc dân gây ra. Ðến như việc chiếm cứ đất Chiêm Thành và Chân Lạp thời phần nhiều là do công phu tàm thực rất kiên nhẫn của nông dân, chứ chiến tranh chỉ là để giữ lấy những miền đất đã lấn được bằng cách hòa bình thôi. Chế độ sương binh ở đời Lý, chế độ bách tính giai binh ở đời Trần, đều để binh lính bình thời ở nhà cày ruộng, đến khi hữu sự mới triệu ra. Lê Lợi đánh xong quân Minh, rồi thì giải tán quân đội cho về làm nông. Triều Lê và triều Nguyễn, quân lính thường dùng để khai khẩn đất hoang. Cứ thế thì nước ta xem việc dụng võ là bất thường (...) không như các nước Âu châu khi nào cũng cường binh độc võ (...) dân ta vốn trọng hòa bình chủ nghĩa.


(Đào Duy Anh,
Việt Nam văn hóa sử cương, 1938)