Trong văn hóa Việt Nam truyền thống, giữa các quan hệ gia đình hết sức gắn bó, nổi bật nhất là tình mẹ con. Sau tình mẹ con, đến tình chị em. Chị giúp mẹ nuôi em và nếu mẹ mất sớm thì chị thành mẹ! Không biết bao nhiêu chị - mẹ đã hy sinh hạnh phúc riêng vì em. Chị đã từ lâu đi vào văn vào thơ vào nhạc, chẳng hạn trong tác phẩm Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, Trần Tiến… Trong truyện ngắn “Đò đưa” của Trịnh Đình Khôi, có cái đoạn văn này “vẽ” chị thật rõ: “Cả nhà tôi thương chị nhất, người đã thay mẹ chăm sóc đàn em, mùa đông đánh tranh rải ổ cho chúng tôi nằm, mùa hè tuốt đay kết võng ru lũ em ngủ. Tối tối chúng tôi ngồi học bài, chị ngồi vá áo vặn chổi, đợi lũ em vào màn, soi đèn, đốt muỗi mới chịu đi nằm”. Chị ơi! Mẹ ơi! Thiết tưởng tình mẹ con thật chính là cơ sở từ đó xuất phát cái quan hệ tình cảm đặc biệt giữa vô số “mẹ” và vô số “con” là chiến sĩ. Và tình chị em thật thì làm nảy nở cái quan hệ tình cảm cũng đặc biệt giữa những nữ thanh niên xung phong trong cùng một đơn vị. Có máu mủ gì với nhau đâu, thế mà mẹ mẹ con con, chị chị em em, y như có! Sau đây là một người “em” khóc một người “chị” thành những lời “lửa mùa hong áo rưng rưng”:

“(…) Quờ sang tay nắm lấy tay
Những choòng những cuốc những ngày gian nan
Kiểng vang tiểu đội xếp hàng
Phía sau vắng chị gió tràn lạnh lưng
(…)
Ðường đêm khe khẽ nhịp tim
Vừng dương rồi mọc chị nhìn thấy không
(…)
Chị ơi cơn lũ tháng ba
Chân hương trôi dạt đã ba bốn ngày
Một tuần trăng một tháng này
Trường Sơn nhô núi rừng dày bóng râm
Cho em khóc chị một lần
Rồi ba-lô cõng hành quân vội vàng...”.
(Thu Tứ)



Lê Thị Mây, “Lửa mùa hong áo” (XVI.1-4)




1.

Lửa mùa hong áo rưng rưng
Chị ơi thăm thẳm tình rừng đan cây
Chị chừng vừa đấy đâu đây
Sấp lưng xuống suối sấp mây đổ chiều
Vạt hong tay ấm lần yêu
Ðường kim mối chỉ bấy điều lo toan

Cây ngủ lá ngủ cho ngoan
Cành gai um khói nhôm nhoam bộn bề
Lá nghiêng rộn mái chim về
Rút dây động lá tóc thề cầm chân
Chị vừa khoe chín tuổi xuân
Nói cười vừa thốt lá đầm đầm sương

Tay quờ ôm ấp nhớ thương
Chạm lưng là núi chạm vườn hoa rơi
Chị vừa rủ nắng đem phơi
Hàng cúc lùa gió chơi vơi nắng vàng
Mùa hong áo tím thu sang
Ðầu nguồn lũ xiết cuốn tràn bếp đêm

Mảnh bom ve lặng rỉ rền
Que diêm đợi trấu mưa đêm đợi đèn
Bầu non tình chị tình em
Cỏ may găm kín lối quen thầm thì
Giật mình mấy tiếng từ quy
Trở màu khắc khoải ôm ghì bóng nhau

Chị ơi đường mới thông cầu
Lán vừa dựng tạm trắng đầu mưa sa
Trăng non, đầu tháng, mồng ba
Mảnh liềm cúi gặt đồng xa đồng gần
Mẹ gà tục tác ngoài sân
Bầy con chiêm chiếp nhớ phần chị cho.

2.

Qua sông nắng cõng cánh cò
Sông sâu dạt sóng con đò tuổi thơ
Có đêm chị những mộng mơ
Lá thư viết vội nỗi chờ bâng khuâng
Tóc xanh xe sợi nàng Bân
Tháng ba rét lắm chị lần mối đan

Anh chưa mặc áo trễ tràng
Ðan rồi chị tháo gió tràn ngợp thung
Sóng lòng quấn quýt thủy chung
Tóc không gỡ nỗi lá rung ánh nhìn
Bóng hình chị ủ trong tim
Còn đây muôn mối đường kim âm thầm

Cuối rừng nhặt những ngày xuân
Nhớ anh chị kể bần thần em nghe
Yêu từ vọng khúc sông quê
Buồng cau lổ chín đam mê vội vàng
Rừng bứt lá lá âm vang
Nên duyên chị thắm dịu dàng thêm đau

Chị thường đi trước về sau
Miếng cơm sẻ nửa lá rau nhường phần
Chị nào tiếc máu tiếc thân
Ðâu bom dữ chị tự phân cho mình
Phá bom cảm tử tự tin
Bàn tay mười ngón chị xin được làm

Ngòi bom - tay chị tay vàng
Khúc dây cháy chậm tày gang sống còn
Bàn tay mười ngón phá bom
Chị từng vuốt tóc em còn giữ hơi
Chị ơi áo chị em phơi
Vạt so le vạt đất trời ngẩn ngơ.

3.

Vạt nào chị gói mộng mơ
Mưa sa chị nhặt câu thơ hẹn về
Ðói lòng ăn trái sim quê
Hàm răng còn tím bốn bề gió sương
Chợp chờn cánh nọ uyên ương
Chị yêu thuở ấy nhớ thương bây giờ...

Còn than ủ nỗi đợi chờ
Trầu cánh phượng cá lượn lờ trăng non
Vang đâu tiếng chị cười giòn
Gió rung mái lán mưa mòn bậc đêm
Ðường thông xe rú vang rền
Chừng đâu chị gọi lời quên lối này

Quờ sang tay nắm lấy tay
Những choòng những cuốc những ngày gian nan
Kiểng vang tiểu đội xếp hàng
Phía sau vắng chị gió tràn lạnh lưng
Nắng mùa hong áo rưng rưng
Sào cong lẫy gió nửa chừng lũ dâng

Gọi tên gọi tuổi gọi xuân
Tiếng nấc nén lại quây quần hết đây
Mắt nhìn ngóng ngã ra cây
Chị vừa ôm súng đứng ngây chờ phà
Nồm non lật áo bà ba
Eo thon tà xổ tóc òa xuống vai

Ði qua hết nửa đêm dài
Than hồng má chị trăng cài đầu non
Chị ngồi ôm súng đội bom
Nhịp tim còn đập cười giòn còn vang
Từ trong đất ấm xương tan
Ngực nhô lên núi dịu dàng Trường Sơn...

4.

Bao nhiêu lá bấy cô đơn
Sương khuya đổ giọt chập chờn hóa xanh
Nhặt lên những cỏ cho lành
Nhặt lên những đốt cho thành thịt xương
Nhặt lên từng đốt nhớ thương
Nhặt lên ngày tháng con đường khai sinh

Ðường đêm khe khẽ nhịp tim
Vừng dương rồi mọc chị nhìn thấy không
Bờ cỏ chỉ cây cỏ ngồng
Dây phơi rỡ nắng mênh mông nửa chiều
Lán che mái vọng cô liêu
Vòng tay ôm cánh đồng yêu vội đầy

Chị ơi mây trắng ấp mây
Ðỉnh U Bò vọng đá gầy thác cao
Lắng trong nguồn mạch xôn xao
Hình như máu chảy lệ trào chưa ngưng
Chớp đằng đông muối cay gừng
Bát cơm gác đũa nghẹn từng ngọn rau

Vết đau đường cũng cựa đau
Những choòng những cuốc hôm sau thiếu người
Áo tân binh lá bời bời
Rừng lay đến rễ lở bồi phận sông
Nào đâu nghe thấu tấc lòng
Mưa kia dồn dập ngược dòng nước sa

Chị ơi cơn lũ tháng ba
Chân hương trôi dạt đã ba bốn ngày
Một tuần trăng một tháng này
Trường Sơn nhô núi rừng dày bóng râm
Cho em khóc chị một lần
Rồi ba-lô cõng hành quân vội vàng...


(Đoạn 1-4, khúc XVI - “Chị ơi”, trường ca
Lửa mùa hong áo, nxb. Quân Ðội Nhân Dân, 2003)